1. Ốm nghén sụt cân có phải hiện tượng thường gặp không
Ốm nghén sút cân không quá phổ biến với phụ nữ mang thai, nhưng cũng không phải là tình trạng hiếm gặp. Tuy nhiên, đây được xem là tình trạng khá bình thường đối với các mẹ bầu.
Trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, em bé của bạn còn rất nhỏ. Nhu cầu dinh dưỡng và năng lượng của bé cũng còn rất thấp. Vì vậy, việc bạn bị ốm nghén sút cân thường không ảnh hưởng xấu đến thai nhi.
Bên cạnh đó, trọng lượng tăng thêm trong một vài tháng đầu mang thai cũng thường khá ít. Chính vì vậy, nếu bạn bị mất một vài kí do ốm nghén , thì bạn cũng chỉ bị “lỗ nhẹ” mà thôi. Trọng lượng này sẽ nhanh chóng phục hồi khi bạn bước qua tam cá nguyệt thứ hai. Đây là khoảng thời gian các triệu chứng ốm nghén đã giảm đáng kể. Bên cạnh việc bớt buồn nôn và nôn, bạn sẽ có lại được cảm giác ngon miệng. Lúc này bạn sẽ dễ dàng bước vào quá trình tăng cân bình thường của một thai kỳ.
2. Vì sao ốm nghén sút cân là vấn đề thường được các mẹ bầu quan tâm lo lắng
Khi mang thai, cân nặng là một trong những yếu tố giúp đánh giá sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe của mẹ. Chính vì vậy, ốm nghén sụt cân là vấn đề khiến các mẹ bầu khá lo lắng.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, trong tam cá nguyệt đầu tiên, thai nhi còn rất nhỏ và mẹ cũng cần tăng cân không nhiều. Do vậy, mẹ không cần quá lo lắng khi bị giảm một chút trọng lượng do tình trạng ốm nghén gây ra.
3. Ốm nghén sụt cân thường diễn ra trong 3 tháng đầu thai kỳ
Ốm nghén sụt cân là hiện tượng thường diễn ra trong 3 tháng đầu thai kỳ . Vì đây là giai đoạn hormone trong cơ thể mẹ thay đổi, từ đây, dẫn đến tình trạng buồn nôn, nôn, sợ đồ ăn,…Khá nhiều phụ nữ gặp vấn đề trong việc giữ lại thức ăn trong tam cá nguyệt đầu tiên này. Tuy nhiên, hầu như trọng lượng mất đi do tình trạng ốm nghén ở giai đoạn này không đáng kể. Khi bước qua tam cá nguyệt thứ hai, mẹ sẽ bắt đầu tăng cân trở lại.
4. Khi nào thì tình trạng ốm nghén sút cân thực sự cần lưu ý
Trong một số trường hợp, tình trạng ốm nghén sút cân cần được lưu ý. Chúng bao gồm:
4.1. Nôn nghén nặng/ ốm nghén nặng hay nôn nghén kéo dài (hyperemesis gravidarum – HG)
4.1.1. Triệu chứng của hyperemesis gravidarum
Đôi khi chứng ốm nghén có thể leo thang đến một mức độ cực kỳ nghiêm trọng. Lúc này, mẹ bầu gặp phải nhiều triệu chứng nghén nặng và có thể sút cân nhiều hơn. Trọng lượng mất đi khi mẹ bị ốm nghén nặng thường quá 5% trọng lượng cơ thể mẹ trước khi mang thai.
Tình trạng nôn nghiêm trọng có khả năng dẫn đến việc mẹ bầu bị mất nước cũng như không giữ lại được thức ăn. Do vậy mẹ dễ bị giảm cân nhiều hơn so với ốm nghén thông thường. HG thường xuất hiện vào tuần thứ 4 – 6 của thai kỳ và có thể đạt đỉnh vào khoảng tuần thứ 9 – 13. Hầu hết phụ nữ bị ốm nghén nặng sẽ giảm bớt nôn nghén khi bước qua tuần thứ 14. Tuy nhiên, nhiều chị em cần được chăm sóc suốt thai kỳ. Chứng nôn ói có thể được điều trị ngoại trú. Nhưng trong những trường hợp nghiêm trọng, mẹ bầu có khả năng cần nhập viện.
4.1.2. Điều trị tình trạng nôn nghén nặng
Không có cách nào để phòng ngừa tình trạng nôn nghén nặng, tuy nhiên, có nhiều cách để điều trị. Các can thiệp y tế có thể bao gồm thuốc, cũng như truyền chất lỏng vào tĩnh mạch để bù đắp chất lỏng và chất điện giải bị mất.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, mẹ bầu có thể cần được truyền dinh dưỡng cũng như xem xét đến biện pháp phẫu thuật sớm.
4.2. Tình trạng ốm nghén sụt cân do các nguyên nhân khác
Đôi khi ốm nghén sụt cân không phải là những gì diễn ra trong cơ thể mẹ. Tình trạng sút cân không phải do mẹ bị ốm nghén mà do nguyên nhân bất thường khác. Khi mẹ bầu bị giảm cân không chủ ý, đặc biệt là giảm cân đột ngột thì đây là điều đáng lo ngại. Lúc này mẹ cần được bác sĩ kiểm tra đánh giá càng sớm càng tốt.
Một số nguyên nhân tiềm ẩn khác của việc giảm cân khi mang thai gồm:
- Tình trạng rối loạn tự miễn dịch
- Ung thư
- Rối loạn ăn uống
- Mất cân bằng nội tiết
- Bệnh đường tiêu hóa
- Nhiễm trùng
- Tình trạng bất thường thần kinh
- Rối loạn tâm thần
- Sử dụng chất kích thích
- Bệnh cường giáp
- Bệnh tiểu đường chưa được chẩn đoán
- Các bệnh mãn tính khác
Khi rơi vào tình trạng này, mẹ bầu cần được bác sĩ thăm khám càng sớm càng tốt. Việc xác được nguyên nhân gây ra tình trạng giảm cân sẽ giúp các biện pháp điều trị được hiệu quả và an toàn hơn.
Tương tự như vậy, giảm cân do thay đổi chế độ ăn uống, rối loạn ăn uống, ngộ độc thực phẩm, và ăn kiêng đều không an toàn cho sức khỏe phụ nữ mang thai . Những trường hợp này cũng cần được trao đổi với bác sĩ để được can thiệp phù hợp.
Ốm nghén sụt cân trong vài tháng đầu mang thai không phải là tình trạng bạn cần quá lo lắng. Vì trọng lượng mất đi do ốm nghén trong giai đoạn đầu này thường khá nhỏ. Nó không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bạn cũng như sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, nếu tình trạng giảm cân diễn ra đột ngột, kéo dài một cách không chủ ý, bạn cần báo ngay cho bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời. Việc xác định nguyên nhân và can thiệp sớm đối với các vấn đề sức khỏe liên quan đến giảm cân sẽ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên em bé cũng như sức khỏe của bạn.
Theo Verywell Family
Lily Nguyễn lược dịch