1. Còn bao nhiêu ngày nữa Tết 2020
Theo lịch nghỉ Tết chính thức, nếu tính từ hôm nay ngày 19/01/2020 Dương Lịch là ngày 25 tháng Chạp, chúng ta còn tổng cộng 5 ngày nữa là đón năm mới Âm lịch - năm Canh Tý 2020, trong đó còn 3 ngày làm việc.
Hẳn ai lúc này cũng cảm thấy khá gấp gáp vì Tết năm nay đến sớm do không có tháng nhuận. Thời gian cứ thế trôi qua nhanh, trong khi chúng ta đều có cảm giác như "chưa kịp" chuẩn bị gì.
Để bớt đi sự sốt ruột và giảm tình trạng thiếu sót những gì cần chuẩn bị cho việc đón năm mới, Chuyên mục Cẩm nang của Yeutre.vn sẽ cùng bạn bàn lại một lần nữa chuyện mua sắm Tết nhé. Điều này hẳn sẽ giúp ích cho bạn phần nào để cảm thấy nhẹ nhàng hơn cũng như chu toàn hơn cái Tết truyền thống hàng năm, trong tâm trạng tốt nhất.
2. Tết - chúng ta mua sắm như thế nào là đầy đủ?
Như luật bất thành văn vậy, cứ năm hết Tết đến hầu như nhà nào cũng phải "đi chợ" mua sắm nhiều thứ từ đồ mới mặc Tết, thay đổi đồ gia dụng trong nhà hay mua sắm thêm, thay đổi bàn ghế, thậm chí cả tủ, giường, ga nệm,...Kế đến là mua sắm giày dép phụ kiện, rồi đồ công nghệ như điện thoại, máy tính,....Và cuối cùng là thực phẩm vô số để dùng từ cận Tết, cho đến các bữa cơm gia đình lớn nhỏ, rồi dự trữ cho 3 ngày xuân khi chị em nội trợ bận tiếp đãi khách, chúc tuổi mà không vào bếp nhiều.
Như vậy, chỉ điểm tên sơ sơ cũng thấy cả núi thứ phải mua sắm. Đương nhiên kèm theo đó sẽ là áp lực không diễn tả hết kể cả với người có dư giả tài chính lẫn đang phải chi tiêu trong giới hạn eo hẹp.
Vậy, làm thế nào để chúng ta biết mình mua sắm cho Tết thực sự đã đủ?
Theo các chuyên gia tài chính, lời khuyên cho bạn về mua sắm là sự khôn ngoan trong việc kiểm soát chặt chẽ và xác định rõ ràng giữa "nhu cầu thực tế" và khả năng "chi". Đề cập như vậy có thể bạn thấy rất nặng nề song thực sự lại không phải thế. 2 nguyên tắc này khá đơn giản, vấn đề là chúng ta cần "mạnh dạn" quyết định và thực hiện một cách kiên quyết. Vậy 2 nguyên tắc này cụ thể thế nào? - Yeutre.vn mời bạn cùng theo dõi tiếp ngay sau đây nhé.
2.1. Nhu cầu thực tế
Bài toán nhu cầu thực tế luôn nên được các bà nội trợ để tâm không chỉ mỗi dịp năm hết Tết về, các dịp quan trọng khác mà là thường ngày. Nhu cầu thực tế ở đây có thể sắp xếp theo thứ tự ưu tiên gồm:
- Nhu cầu bức thiết : bắt buộc phải có (không cần phải cân nhắc, có thể quyết định mua sắm ngay)
- Nhu cầu bình thường : cần có (có thể cân nhắc, thêm, bớt, loại bỏ, bổ sung một cách linh động)
- Không cần thiết : không nhất thiết phải có (không có cũng được và hoàn toàn có thể loại bỏ, bớt đi không cần quá phân vân)
Như thế, khi chúng ta xác định được 3 nhóm đối tượng này, rất dễ để giúp chúng ta lọc lược, quyết định bỏ hay cân nhắc hoặc bổ sung trong quá trình mua sắm Tết .
Một ví dụ cụ thể dễ hình dung như, khi bạn nghĩ bạn cần mua sắm 1kg mứt dừa non với giá 330.000đ cho Tết Nguyên Đán này, bạn có thể xem xét chẳng hạn như:
- Nhu cầu bức thiết: không
- Nhu cầu bình thường: có
- Cần thiết: không
Qua sự phân loại trên, bạn có thể thấy rõ, việc mua sắm 1kg mứt dừa non hoàn toàn có thể cân nhắc như: gia đình có thích mứt dừa non không và có đông người dùng không, bạn có dùng để tiếp khách không. Nếu có thì bạn có thể quyết định mua 1kg mứt dừa. Nếu không bạn có thể cân nhắc bớt xuống mua chỉ 300g-500g thôi cũng được.
2.2. Khả năng chi tiêu
So với yếu tố nhu cầu thực tế, khả năng chi tiêu của chúng ta có con số xác thực và dễ quyết định hơn. Bạn có thể điểm nhanh qua tổng thu của gia đình vào tháng cuối năm, hoặc xem xét khoản chi dành cho dịp lễ Tết là bao nhiêu. Từ đây phân bổ chỉ từ khoản này cho các việc cần chi tiêu trong Tết và cố gắng cao nhất có thể KHÔNG chạm vào các khoản khác hoặc một phần rất nhỏ có thể bù trừ được sau Tết .
Mặc dù nói thì rất dễ, song thực hiện được lại cả là một vấn đề. Thực tế, hầu hết các gia đình và các bà nội trợ đều gặp phải tình trạng chi nhiều hơn thu, vung tay quá trán, hoặc sau khi mua sắm xong tức "sự đã rồi" mới ngồi kiểm kê lại rồi "tá hỏa" vì mình đã chi quá tầm cho phép.
Việc tỉnh táo trong vấn đề nhìn nhận khả năng chi tiêu sẽ rất dễ thực hiện, dễ kiểm soát nếu chúng ta có sự cương quyết và kiềm chế. Tuy nhiên nó cực dễ trở thành một bài toán khó khi chúng ta chi tiêu theo "cảm xúc", "cảm tính" mà không phải dựa trên sự tính toán chính xác có dự phòng, đã tính tới chuyện bù trừ ngay từ đầu.
Vậy làm sao để khả năng chi tiêu của mình thực sự được kiểm soát? Câu trả lời đầu tiên và cuối cùng cho bạn vẫn là thu phải đủ bù chi hoặc chi phải căn cứ triệt để trên khả năng thu. Bên cạnh đó, bạn cần xác định rõ ràng những khoản chi, có tính toán đến khả năng bù trừ cao nhất có thể và tránh đừng vượt qua những gì đã được xác định rõ ngay từ đầu.
Một ví dụ cụ thể, bạn dự tính chi tiêu cho thực phẩm ngày Tết là 5 triệu đồng trong đó 3 triệu bạn dành để mua thực phẩm dự trữ cho 3 ngày Tết, còn 2 triệu đồng bạn chi cho trái cây bánh mứt. Bạn cho phép khoản bù trừ là 500 ngàn, tức bạn có thể tiêu thêm 500 ngàn lấy từ 3 triệu cho thực phẩm dự trữ, để chi thêm cho bánh mứt nếu cần thiết phải thế. Và, khi đã khoanh vùng con số giới hạn này thì dứt khoát đừng vượt qua ranh giới đó.
Đến đây, bạn có thể thấy, khi đồng tiền trong tay chúng ta, nếu ngay từ đầu chúng ta chi tiêu có kế hoạch dựa trên nhu cầu thực tế và có kiểm soát khi mua sắm một cách cương quyết, thì chắc chắn tình trạng đau đầu nhức óc, lao tâm khổ tứ vì chuyện mua sắm Tết hay tiền tiêu Tết nhẹ vợi đi nhiều lắm.
3. Liệu pháp..."tinh thần" liên quan đến mua sắm những ngày cận Tết
Như đã đề cập, chuyện mua sắm cho ngày Tết khiến cho mọi gia đình đều cảm thấy vất vả, áp lực, mệt mỏi thậm chí là "đau khổ" vì vừa tốn cái công vừa phải chi tiền nhiều.
Nếu là những gia đình có tài chính tốt, thu nhập đều và rủng rỉnh thì chuyện mua sắm ngày Tết không thành vấn đề lắm. Còn lại, với đa số các gia đình có mức tài chính trung bình, không quá dư giả thì việc chi tiêu ngày Tết luôn là "một cơn ác mộng" mà khi tỉnh giấc thì ai nấy đều thấy "bàng hoàng" hoặc "hoảng". Vậy, bí quyết hay kinh nghiệm đặt ra cho chúng ta là gì để giảm đi "sự đau khổ" này?
3.1. Hãy đơn giản hóa cái Tết - sự háo hức mong chờ còn bao nhiêu ngày nữa đến Tết 2020 sẽ tăng lên
Theo truyền thống, việc đón Tết Nguyên Đán thường phải chuẩn bị chu đáo nếu muốn có một năm mới hanh thông, suôn sẻ, phát tài, phát lộc, vạn sự như ý.
Tuy nhiên, đấy là về phương diện "tinh thần", quan niệm, mong muốn hơn là tình trạng thực tế. Chúng ta cần phải nhìn nhận, một năm mới phát tài phát lộc không chỉ có nhờ may mắn, mà còn nhờ vào nỗ lực cố gắng phấn đấu của mỗi người. Do đó, công việc chuẩn bị để đón năm mới về mặt hình thức hoàn toàn có thể đơn giản hóa. Chúng ta vẫn có thể giữ những truyền thống tốt đẹp như nghỉ ngơi, thăm bà con họ hàng, chúc Tết và mừng tuổi lấy hên cho vui vẻ.
Một khi chúng ta chấp nhận và tìm cách đơn giản hóa cái Tết, thì chắc chắn cái Tết sẽ nhẹ đi.
3.2. Tết để nghỉ ngơi sum họp là chính, mọi thứ khác chỉ là phụ
Đa phần mọi gia đình đều rất quan trọng phải chuẩn bị rất nhiều thứ cho một cái Tết, từ việc dọn dẹp nhà cửa, xây lại cổng, quét lại tường, thay đổi nội thất trong nhà, mua sắm đồ dùng mới,.....Còn riêng các bà nội trợ thì phải muối dưa làm mứt, phải dự trữ thực phẩm phải chế biến cái này, làm cái kia, mua sắm cái nọ. Hóa ra, cả thời gian chuẩn bị hay thậm chí đến 3 ngày Tết, thay vì được nghỉ ngơi chút ít, công việc lặt vặt lại đội lên gấp 3 lần.
Tuy nhiên, 3 ngày Tết bây giờ thực chất là thời gian để nghỉ ngơi, chứ không phải là khoảng thời gian để làm những chuyện mà nhẽ ra có thể làm vào khi khác lúc cần thiết, hoặc cần phải làm, chứ không phải cứ đến gần Tết là lại bày ra để rồi than "nhà bao việc".
Như vậy, nếu như bạn xét thấy trong nhà có những việc nhất định phải làm thì hãy làm, còn nếu có thể dời được vì không bức thiết thì có thể dời. Còn việc chuẩn bị dưa cà mắm muối hay bánh mứt, chúng ta có thời gian thì làm cho vui cửa vui nhà, bảo đảm an toàn thực phẩm, còn nếu không có thời gian thì có thể chọn các nơi uy tín để đặt hoặc mua và nhất là nên giảm bớt thực phẩm dự trữ lại vì thực sự không cần thiết.
3.3. Vật chất không quá quan trọng đương nhiên đồ ăn thức uống cũng vậy
Thực phẩm ngày Tết rất cần quan tâm vì vấn đề giá cả, chất lượng lẫn tiêu chí đối với sức khỏe nói chung. Tuy nhiên, chị em nên thay đổi suy nghĩ rằng, đồ ăn thức uống ngày Tết không cần phải chuẩn bị quá nhiều. Thực phẩm nhiều không còn là vấn đề sung túc mà nó sẽ dễ trở thành lãng phí vì không dùng hết hoặc tình trạng "no dồn đói góp".
Chị em hãy hãy áp dụng nguyên tắc vừa đủ dùng. Mua sắm vừa đủ dùng cho các bữa cơm gia đình để không phải giải quyết vấn đề dư thừa lãng phí nhé.
3.4. Hãy giải tỏa tư tưởng trước khi giải quyết bất cứ bài toán chi tiêu ngày Tết nào khác
Bài toán chi tiêu luôn luôn khiến chúng ta đau đầu. Vì thường, chúng ta muốn nhiều thứ trong khi tài chính hoặc mức độ cần thiết thật sự thì chỉ có một số thứ mà thôi.
Vì thế, trước khi phân tích bài toán chi tiêu phù hợp, bạn hãy cởi bỏ áp lực do chính tư tưởng mình gây nên, trước khi giải bài toán thực tế.
Ví dụ đơn giản, dịp Noel vừa rồi bạn mới mua sắm quần áo hoặc giày dép. Tết này, bạn hoàn toàn có thể tính lại cách phối đồ cho phù hợp và đẹp dịp Tết mà không nhất thiết phải mua thêm.
4. "Check list" mua sắm cùng bạn
Thông thường, vào dịp Tết các gia đình có rất nhiều mục tiêu cho mua sắm như đề cập từ đầu bài viết. Để giúp bạn cùng kiểm tra lại, sao cho dễ dàng lược bớt hay thu gọn lại, hoặc ít nhất để cho tâm lý được thoải mái yên tâm, khi chỉ còn có vài ngày nữa là Tết mà những gì cần mua sắm thì chưa đâu vào đâu hoặc bạn cho là chưa đủ.
Dưới đây, Chuyên mục Cẩm nang của Yeutre.vn liệt kê các nhóm đồ dùng thực phẩm, để cùng bạn kiểm tra, cũng như cân nhắc thêm bớt hay lược bỏ cho nhẹ đầu nhé:
4.1. Đồ nội thất
Có khá nhiều gia đình thường hay sắm sửa đồ nội thất vào dịp cuối năm. Mục đích phần lớn là để tô điểm cho căn nhà của mình thêm đẹp, sang trọng, có cái mới để hãnh diện với khách khi đến thăm nhà dịp đầu năm.
Trên đây là tâm lý rất chung kể cả các gia đình có điều kiện tài chính lẫn các gia đình phải cân nhắc kỹ càng. Liên quan đến đồ nội thất, bạn có thể xem xét lại các yếu tố sau:
- Bạn đã mua sắm những gì và đang còn cảm thấy cần mua sắm tiếp nhưng phân vân? Nếu bạn đang phân vân thì có thể tạm dừng mua sắm lại nếu điều này không thật sự bức thiết. Giải pháp giải quyết vấn đề cho bạn trong trường hợp này là sắp xếp lại đồ nội thất cũ mới sao cho hài hòa gọn gàng đẹp mắt là được. Tết cũng chỉ mấy ngày rồi mọi sự cũng qua, qua năm, bạn có nhiều thời gian hơn để làm chỉn chu phần còn lại như mình mong muốn. Điều này tránh được sự mệt mỏi, gấp gáp mà khi lựa chọn đồ trong trạng thái gấp gáp thường sẽ không đảm bảo cao nhất về chất lượng lẫn mẫu mã.
- Bạn dự định mua sắm món đồ nội thất nào đó nhưng quá bận. Bạn cũng có thể dời dự định này qua Tết. Cũng như trên, bạn có thể dành chút thời gian cùng gia đình làm sạch, sắp xếp gọn gàng, trang trí một chút dựa trên những đồ nội thất đang có và vẫn đang sử dụng tốt. Bạn làm như thế thôi, khi hoàn thành bạn cũng cảm thấy hài lòng và nhận ra - việc mua mới đúng là cũng không quá cần thiết.
4.2. Đồ gia dụng
Tương tự như đồ nội thất, nếu đồ gia dụng là những món bạn bắt buộc phải mua để phục vụ cho nhu cầu của gia đình thì mua. Ngược lại nếu không bức thiết thì có thể sử dụng những món đồ gia dụng khác để thay thế nếu cần đến.
Ví dụ, nếu bạn thích mua sắm một chiếc ấm siêu tốc mới nhưng chiếc ấm đang dùng vẫn hoạt động tốt thì có thể dời việc mua sắm ấm siêu tốc mới lại. Hoặc bạn thích đổi điện thoại hoặc máy tính mới nhưng còn phân vân vì tài chính không thực sự rủng rỉnh để đổi, trong khi bạn thích máy mới xịn tính năng tốt dù máy hiện tại vẫn đang chạy bình thường. Nếu chỉ vì nhu cầu thỏa mãn sự thể hiện thì bạn hoàn toàn có thể suy nghĩ lại. Vì điều này chỉ làm tốn hầu bao của bạn, mất thời gian của bạn để đi mua sắm chọn lựa chứ không mang lại cho bạn "lợi lộc" nhiều như bạn nghĩ.
4.3. Quần áo, giày dép, phụ kiện khác
Tết ai cũng thích diện, thích đẹp - hẳn rồi vì đây là nhu cầu. Nếu bạn đã mua sắm một đợt với những món đồ cơ bản cần thiết để dùng và vẫn mua sắm đợt 2 vì thấy các siêu thị, shop giảm giá...quá sốc! Hãy thật tỉnh táo vì người ta đang tập trung kích cầu, khuyến khích người dùng tiêu tiền hơn là giúp bạn làm đẹp.
Bạn hoàn toàn có thể kiểm tra lại tủ đồ của mình để xem xét cách phối lại những món đồ đã có một cách tinh tế thì chắc chắn Tết này bạn vẫn...đẹp ngời ngời mà không tốn quá nhiều tiền cho phần mua sắm này.
4.5. Thực phẩm dự trữ
Ngày nay, các hàng quán đều hoạt động lại từ rất sớm, siêu thị cũng vậy. Vì thế việc dự trữ thực phẩm nhiều dịp Tết hoàn toàn là không cần thiết. Bạn có thể kiểm tra lại danh sách thực phẩm cần dùng cho bữa cơm gia đình tối ngày 30 Tết, mùng 1 và cùng lắm sang ngày mùng 2 là được. Chớ dự trữ quá nhiều vừa khiến tủ lạnh, tủ thực phẩm nhà bạn không còn chỗ chứa, vừa dễ xảy ra tình trạng dư thừa vì sử dụng không hết vừa dễ xảy ra tình trạng dùng không kịp dẫn đến thực phẩm không còn ngon, hỏng phải bỏ thì đều rất uổng phí.
4.6. Bánh, mứt, các loại hạt
Cũng như thực phẩm dự trữ, có thể phần bánh mứt các loại hạt được bạn quan tâm nhiều để ngày Tết có món ăn vặt cho cả nhà lẫn đãi khách. Tuy nhiên, để tránh lãng phí và bảo đảm sức khỏe bạn nên cân nhắc mức độ cần thiết và áp dụng quy tắc 2/3 tức mua ít hơn dự kiến một phần. Chắc chắn mua như thế vẫn đủ dùng.
4.7. Thức uống
Không ít gia đình có thói quen dự trữ khá nhiều đồ uống dịp Tết. Thậm chí, có gia đình dự trữ nhiều thức uống đến mức Tết xong dùng vẫn chưa vợi phải mang đi đổi trả lại nơi mua. Để tránh tình trạng này hoặc dự trữ nhiều làm chật không gian, bạn có thể dự tính và chuẩn bị đủ nước uống các loại cho ngày 29, 30 Tết (nếu nhà có tất niên) và mùng 1 Tết , mùng 2, mùng 3 (nếu gia đình có tổ chức bữa cơm gia đình vào đầu năm)
Thay vì chuẩn bị nhiều thức uống có ga nhiều đường, cồn không tốt cho sức khỏe bạn hãy chuẩn bị nước trái cây lên men, các loại quả để pha nước như chanh, cam, chanh dây, dừa tươi; hoặc dưa hấu và dứa hay ổi để ép nước và các loại mứt có thể pha nước giải khát như mứt dâu, mứt khóm (dứa), mứt anh đào dạng nhuyễn. Việc chuẩn bị này khiến bạn nghĩ rằng khi dùng đến phải pha chế phục vụ mất công song thực chất các loại nước này pha rất nhanh, giải khát tốt, chống ngán tốt lại rất an toàn cho sức khỏe.
Quyết định theo cách này vừa giúp bạn tiết kiệm chi tiêu, hạn chế bớt đồ uống không tốt - có lợi rất nhiều mặt phải không nào.
Còn bao nhiêu ngày nữa Tết và còn những gì ta chưa mua sắm để đón năm mới sang - có lẽ đến đây với tất cả chúng ta không còn là vấn đề to tát nữa phải không nhỉ! Hy vọng, với cách checklist hay những chia sẻ nho nhỏ liên quan đến chuyện mua sắm Tết mà Chuyên mục Cẩm nang của Yeutre.vn đã đề cập, hẳn phần nào giúp các gia đình nói chung, các bà nội trợ nói riêng cảm thất bớt nặng nề hơn. Từ đây, tâm lý của mọi người cũng được thoải mái hơn để tập trung vào những điều đáng phải làm hơn nhằm chuẩn bị đón những thời khắc thật đẹp của năm mới Canh Tý tràn về. Chúc tất cả chúng ta đón một mùa xuân an khang, 365 ngày vạn phước lộc và suốt một năm đầy bình an.
Cát Lâm tổng hợp