1. Xét nghiệm máu để kiểm tra về di truyền
Tại sao phải xét nghiệm di truyền, bởi vì bạn hoặc chồng có thể đang mang gene bệnh mà không biết. Vì chúng có thể là gene lặn, tuy không biểu hiện ở bạn hoặc chồng, nhưng có thể biểu hiện ở em bé trong tương lai của hai bạn.
Theo bác sỹ Sheri Lawson, Giám đốc Sản – Phụ khoa tổng hợp tại bệnh viện John Hopskin, một số bệnh di truyền có thể phát hiện qua việc xét nghiệm máu như: xơ nang (tình trạng chất nhầy dày làm tổn hại đến các cơ quan của cơ thể), bệnh Tay-Sachs (một tình trạng các tế bào thần kinh bị phá hủy), hay bệnh hồng cầu hình liềm (một dạng rối loạn máu di truyền gây nhiễm trùng nặng, các cơn đau trầm trọng và có nguy cơ tử vong)…
Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bạn mang gene bệnh, thì chồng bạn cũng nên được kiểm tra xem có mang cùng gene bệnh hay không. Khi cả hai bạn cùng mang gene bệnh thì em bé sẽ có khả năng bị mắc bệnh di truyền cao. Việc dự đoán khả năng mắc bệnh di truyền sẽ giúp các bác sỹ có phương án đối phó một cách phù hợp. Hai bạn cũng sẽ được tư vấn kỹ lưỡng để chuẩn bị tốt hơn cho việc mang thai.
2. Xét nghiệm đường huyết
Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường nếu không được kiểm soát chặt chẽ trong thai kỳ, thì thai nhi sẽ có nguy cơ tăng trưởng quá mức cũng như nguy cơ có lượng đường trong máu rất thấp sau sinh. Ngoài ra, tiểu đường còn làm tăng nguy cơ thai chết lưu và khả năng phải sinh mổ, bác sỹ Lawson cho biết. Đó là lý do tại sao nếu bạn bị thừa cân đáng kể hoặc cho rằng mình có khả năng bị tiểu đường, hãy thực hiện xét nghiệm đường huyết trước khi mang thai. Trong xét nghiệm này, một loại huyết sắc tố A1C sẽ giúp kiểm tra lượng đường trong máu của bạn trong khoảng thời gian 3 tháng để xem có bất thường nào không. Việc xác định lượng đường huyết sẽ giúp bác sỹ sản khoa chỉ định phương án điều trị hoặc theo dõi cần thiết trước và khi bạn mang thai.
3. Xét nghiệm để kiểm tra chức năng tuyến giáp
Xét nghiệm để kiểm tra chức năng tuyến giáp ở phụ nữ trước khi mang thai cũng khá quan trọng vì:
- Nếu bạn bị suy tuyến giáp , cơ thể bạn sẽ không có đủ hormone tuyến giáp cần thiết cho sự phát triển bình thường của thai nhi, và thai nhi có thể bị chậm phát triển.
- Mặt khác, nếu cơ thể bạn có các kháng thể kích thích tuyến giáp quá mức, chúng có thể đi qua nhau thai và gây cường giáp ở thai nhi.
- Các bệnh về tuyến giáp có thể ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe đặc biệt đối với thai nhi và trẻ sơ sinh, vì vậy việc kiểm tra để phát hiện bệnh kịp thời (nếu có) sẽ giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn rất nhiều. Đối với trường hợp bạn có nguy cơ mắc bệnh, bác sỹ cũng có thể chỉ định các biện pháp giúp hạn chế khả năng mắc bệnh một cách dễ dàng hơn.
4. Xét nghiệm tế bào cổ tử cung
Theo các khuyến cáo hiện tại, bạn nên xét nghiệm tế bào cổ tử cung mỗi 2-3 năm một lần. Miễn là bạn thực hiện đều đặn và kết quả bình thường thì bạn không cần làm lại xét nghiệm trước khi mang thai. Nhưng nếu quá thời gian trên mà bạn chưa cập nhật tình trạng của mình, thì bạn nên làm chuyện đó khi lên kế hoạch có con.
Sở dĩ bạn được khuyên nên làm loại xét nghiệm này, vì nếu có bất kì dấu hiệu bất thường nào, hoặc cần sinh thiết tế bào, thì các bác sỹ sẽ muốn thực hiện khi bạn chưa có thai. Vì các thao tác phết tế bào cổ tử cung sẽ gây chảy máu nhiều hơn khi bạn có thai. Việc này có thể ít nhiều làm bạn sợ hãi và lo lắng.
5. Xét nghiệm các loại bệnh lây truyền qua đường tình dục
Trung tâm kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo phụ nữ dưới 25 tuổi nên xét nghiệm bệnh Chlamydia định kỳ, vì loại bệnh này có thể gây sẹo ở ống dẫn trứng khiến bạn khó hoặc không thể có thai. Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh HIV, viêm gan B, C hay giang mai bạn cũng nên làm xét nghiệm vì những loại bệnh này có thể lây truyền (HIV, B, C) hoặc gây dị tật (giang mai) cho thai nhi.
6. Kiểm tra các loại thuốc bạn đang dùng
Đây không hẳn là một loại xét nghiệm, tuy nhiên cũng là sự kiểm tra cần thiết, nên thực hiện trước khi bạn mang thai. Một số loại thuốc chống động kinh, điều trị huyết áp cao, điều trị trầm cảm…nếu bạn đang dùng một trong các loại này, thì tất cả cần được bác sỹ sản khoa xem xét, để chắc chắn bạn sử dụng loại phù hợp với việc mang thai.
Hy vọng 6 xét nghiệm cần thiết khi bạn chuẩn bị mang thai vừa được chia sẻ ở trên, sẽ giúp bạn có thêm thông tin để bổ sung vào những việc cần làm trước khi mang thai một cách chu đáo hơn. Dù chúng ta không phải là người quyết định đối với việc có em bé, nhưng việc chủ động kiểm tra các vấn đề liên quan đến thai kỳ trước, sẽ giúp bạn có được sức khỏe và tâm lý tốt nhất để đón con yêu. Vì vậy, bạn hãy cố gắng thực hiện những xét nghiệm trước khi mang thai đã đề cập ở trên đầy đủ nhất có thể nhé.
Theo Women's Health
Lily Nguyễn lược dịch