1. Hãy bổ sung thực phẩm chứa chất dinh dưỡng có lợi cho việc thụ thai cho cả bạn và chồng
Trong số các loại khoáng chất, kẽm là một trong những chất có ảnh hưởng đến quá trình sản xuất tinh dịch và testosterone ở nam giới cũng như sự rụng trứng và khả năng sinh sản ở nữ giới. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng việc thiếu hụt kẽm có tác động không tốt đến sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ.
Bạn và chồng hãy duy trì chế độ ăn gồm những thực phẩm giàu kẽm (như hàu – với hàm lượng kẽm khá cao khoảng 76.8mg/ 100g; thịt bò, gan, thịt cừu…) để giúp “hệ thống” sinh sản của cả hai hoạt động tốt và trơn tru.
2. Hãy duy trì nguyên tắc về dinh dưỡng
Chế độ ăn của cả hai bạn cần cân bằng và đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất nhất có thể. Hãy bổ sung nhiều rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc và các chế phẩm sữa nhé.
3. Chuẩn bị dinh dưỡng cho việc mang thai
Vì dinh dưỡng tác động đến sức khỏe sinh sản ở cả nam và nữ, do đó cả hai bạn nên có chế độ ăn thật khỏe mạnh ít nhất 3 tháng đến 1 năm trước khi mang thai. Bạn có thể tham khảo danh sách những chất cần bổ sung trước khi mang thai như dưới đây:
3.1 Acid folic
Acid folic là một loại vitamin nhóm B rất cần thiết cho thời kỳ đầu mang thai. Vì nó giúp giảm nguy cơ em bé bị dị tật ống thần kinh (như nứt đốt sống). Thông thường bạn cần khoảng 400mcg acid folic 1 ngày. Bạn có thể ăn các loại rau lá xanh (như rau cải bó xôi…), trái cây họ cam chanh, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu…để bổ sung acid folic hàng ngày. Tuy nhiên để đề phòng trường hợp loại vitamin này bị thất thoát trong quá trình nấu nướng và bạn sẽ bị thiếu hụt nếu chỉ dùng thực phẩm, các bác sỹ sản khoa thường khuyến cáo phụ nữ nên uống viên vitamin có chứa acid folic để đảm bảo việc hấp thu vào cơ thể được đầy đủ nhất.
Nếu gia đình bạn có người đã bị dị tật về cột sống, bác sỹ sẽ cho bạn bổ sung lượng acid folic cao hơn thông thường. Vì việc bổ sung acid folic trước khi mang thai rất quan trọng nên bạn không nên chủ quan, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ ngay khi bạn lên kế hoạch mang thai nhé.
3.2 Calcium
Phụ nữ cũng được khuyến cáo nên bổ sung ít nhất 1,000 mg calcium 1 ngày nếu chuẩn bị mang thai (khoảng 420ml hay 24oz sữa tách béo). Calcium chứa nhiều trong một số loại thực phẩm như: sữa chua ít béo, cá hồi đóng hộp, cá mòi, nguc cốc, sữa tách béo và phô mai.
3.3 Các viên uống bổ sung vitamin và khoáng chất
Bác sỹ sản khoa có thể chỉ định cho bạn và chồng bạn một số loại vitamin tổng hợp chứa các chất cần thiết cho quá trình thụ thai và mang thai. Việc bổ sung những loại vitamin này sẽ đảm bảo cung cấp đủ các vitammin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe sinh sản cũng như việc mang thai. Tránh trường hợp bị thiếu hụt do bổ sung bằng thực phẩm. Vì vitamin và khoáng chất trong thực phẩm có thể bị thất thoát trong quá trình cất giữ và chế biến.
3.4 Caffein
Caffein là một chất bạn cần cắt giảm khi chuẩn bị mang thai. Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ trên 200-300g caffein mỗi ngày có thể làm giảm khả năng thụ thai tới 27%. Caffein cũng hạn chế sự hấp thụ sắt và calcium của cơ thể. Vì vậy, bạn hãy giảm tối đa các thực phẩm chứa caffein như trà, cà phê, chocolate…
3.5 Những thứ cần tránh và loại bỏ
Những loại chất tạo ngọt, đồ uống có cồn, thuốc lá, thuốc kích thích và cả khói thuốc lá (khi hút thuốc thụ động) đều rất có hại cho em bé. Vì vậy bạn nên loại bỏ hoặc tránh xa chúng để tránh làm hại cho em bé và cả sức khỏe của bạn.
Hy vọng 3 lưu ý về chế độ dinh dưỡng trước khi mang thai như thông tin hữu ích ở trên, sẽ giúp bạn và chồng điều chỉnh chế độ dinh dưỡng một cách hợp lý, để có được sức khỏe tốt nhất cho việc chào đón con yêu. Bạn hãy cố gắng thực hiện chúng một cách nghiêm túc để không những tạo điều kiện thuận lợi cho việc thụ thai, giúp bạn chuẩn bị sức khỏe sẵn sàng cho giai đoạn thai kỳ vất vả, mà còn tạo nền tảng cho em bé của bạn phát triển một cách khỏe mạnh.
Theo American Pregnancy
Lily Nguyễn lược dịch