1. Chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ mổ như thế nào
1.1. Quá trình sinh mổ
Hầu hết các ca sinh mổ được thực hiện với phương pháp gây tê cục bộ ví dụ như gây tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống. Loại gây tê này chỉ gây tê vùng dưới của cơ thể mẹ bầu để làm phẫu thuật. Mẹ sẽ tỉnh táo và có thể nghe, nhìn thấy con ngay sau khi bé được đưa ra khỏi bụng mẹ. Gây mê toàn thân có thể được sử dụng trong một số trường hợp đặc biệt. Với kỹ thuật này, mẹ sẽ không có ý thức về cuộc sinh nở của mình.
Với phương pháp mổ lấy thai, em bé sau khi ra khỏi bụng mẹ sẽ được kiểm tra ngay để đảm bảo con không bị khó thở. Điều này có thể xảy ra do tác dụng của các loại thuốc mà mẹ nhận trong quá trình chuyển dạ hoặc sinh nở.
Vì trẻ sơ sinh đẻ mổ có thể gặp khó khăn trong việc tự loại bỏ một số dịch phổi và chất nhầy, nên trẻ thường cần được hút chúng ra khỏi mũi, miệng và cổ họng. Trong một số trường hợp trẻ có thể cần được hút sâu hơn trong khí quản.
Khi kiểm tra xong, bé sẽ được đưa đến với bạn. Nếu em bé khỏe mạnh, con có thể gặp bạn và tiếp xúc da kề da cũng như bú mẹ ngay sau sinh. Trong một số trường hợp trẻ sơ sinh sinh mổ sẽ được theo dõi một thời gian ngắn trước khi bạn được gặp con. Tất cả thủ tục thông thường như cân, đo, tiêm thuốc,…sẽ được thực hiện tại đó. Và em bé sẽ được đưa đến cho bạn khi bạn ở khu vực phục hồi sau sinh mổ.
1.2. Chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ mổ ngay sau sinh
Nhiều mẹ nghĩ rằng họ không thể cho con bú ngay sau khi sinh mổ. Điều này không đúng. Việc cho bé bú mẹ có thể thực hiện được trong vòng vài giờ sau sinh, tại phòng hậu phẫu.
Ngoài ra, chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ mổ tại nhà còn cần lưu ý những điều sau:
- Mẹ cần theo dõi cẩn thận quá trình hô hấp của trẻ. Vì hệ hô hấp của trẻ sinh mổ yếu hơn trẻ sinh thường, con dễ bị khò khè hoặc các bệnh về đường hô hấp. Mẹ cần chú ý tư thế nằm, bế ẵm và cho ăn sao cho bé được thoải mái nhất.
- Cho trẻ bú sữa mẹ càng sớm càng tốt để cung cấp đủ dinh dưỡng cũng như kích thích hệ miễn dịch của con phát triển.
- Tuân thủ vấn đề vệ sinh khi chăm sóc trẻ, đặc biệt là khi cho ăn và bế ẵm trẻ vì cơ thể non yếu của con vẫn còn rất dễ bị nhiễm trùng, nhiễm khuẩn. Việc tắm cho trẻ cũng cần được thực hiện nhẹ nhàng đúng cách.
- Cho con khám định kỳ và tiêm phòng đầy đủ.
2. Chú ý đến bản thân cũng là bước quan trọng
Chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ mổ không chỉ thực hiện với em bé mà thôi. Việc mẹ chú ý đến bản thân cũng là bước quan trọng và vô cùng cần thiết.
Bạn đừng nghĩ việc quan tâm đến bản thân lúc này là ích kỉ. Vì dù rằng em bé là đối tượng đang cần được chăm sóc đặc biệt. Nhưng khi vừa trải qua một cuộc đại phẫu thì sức khỏe và tâm lý của bạn cũng cần được chú trọng. Bạn là người trực tiếp chăm sóc và gần gũi với em bé nhất. Nên cơ thể bạn cần phục hồi về trạng thái sức khỏe và tâm lý tốt mới có thể thực hiện được những công việc khác.
Chú ý đến bản thân cũng là bước quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ mổ. Bạn hãy:
2.1. Thăm khám sau sinh đúng lịch hẹn
Bác sĩ sẽ giúp theo dõi và xác định tình trạng của bạn cũng như em bé. Từ đó đưa ra những hướng dẫn hoặc chỉ định cần thiết đối với sức khỏe, lối sinh hoạt của bạn và bé.
2.2. Nghỉ ngơi nhiều nhất có thể
Lúc mới sinh là giai đoạn bạn cần nghỉ ngơi nhiều nhất để cơ thể mau phục hồi. Bạn có thể sốt ruột vì việc nhà, việc công sở, việc chăm sóc anh/ chị của em bé,…và rất nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, bạn hãy nhờ đến sự giúp đỡ của chồng, bạn bè, người thân. Họ sẽ không ngại hỗ trợ bạn trong thời gian này.
Bạn càng sớm lấy lại sức khỏe thì càng dễ dàng sắp xếp được việc chăm con cũng như cuộc sống và sinh hoạt sau sinh của mình.
2.3. Tránh mang/ nâng vật nặng
Một cuộc sinh mổ khiến bạn phải chịu hai vết thương lớn ở bụng và trong tử cung. Việc mang, nâng, nhấc vật nặng có thể khiến vết thương của bạn bị rách/ bể rất nguy hiểm.
Bạn được khuyên không nên mang một món đồ nặng hơn em bé của bạn. Và bạn cũng cần chú ý đến tư thế khi mang đồ hoặc bế bé. Mang đồ hoặc bế bé ở tư thế nằm và ngồi sẽ tạo nhiều áp lực hơn lên vết mổ. Vì vậy, khi chuyển tư thế bế con, bạn hãy đặt bé nằm ở một vị trí an toàn, sau đó tự đứng dậy và tiếp tục bế bé lên.
Nếu bé có anh/ chị, bạn nên hạn chế bế chúng ít nhất vài tuần sau cuộc phẫu thuật.
2.4. Giữ mọi thứ cân bằng
Bạn nên nghỉ ngơi nhiều và cố gắng vận động nhưng cần chú ý không nên có một giờ nghỉ hoặc một cuộc đi bộ quá dài trong thời gian đầu sau sinh. Vì nếu ngồi hoặc nằm quá lâu, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn khi ngồi dậy.
Còn nếu đi bộ quá dài, bạn sẽ rất dễ bị đau. Vì vậy, hãy thực hiện mọi thứ một cách điều độ và trong giới hạn cho phép của bản thân.
2.5. Giữ mọi thứ cần thiết trong tầm tay
Bạn hãy chuẩn bị những thứ cần thiết như tã, khăn lau, quần áo,…của em bé trong tầm tay. Trong trường hợp bạn quá đau, bạn sẽ không phải di chuyển nhiều để lấy đồ.
Bạn cũng có thể chuẩn bị một số khẩu phần ăn trước khi sinh và cấp đông. Như vậy, nếu không có người giúp đỡ, bạn sẽ không phải nấu nướng nhiều mà vẫn đảm bảo chế độ ăn đủ dinh dưỡng.
2.6. Đừng quá căng thẳng
Mọi thứ bạn trải qua đều là điều mà rất nhiều phụ nữ khác cũng phải đối mặt. Chúng được xem là bình thường kể cả những cảm xúc điên rồ mà đôi khi bạn phải nếm trải. Vì vậy, đừng lo lắng và sợ hãi hay nghĩ rằng mình làm chưa tốt. Sự căng thẳng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng hồi phục cũng như chăm sóc em bé của bạn.
2.7. Đừng đốt cháy giai đoạn
Dù là phục hồi sau sinh hay chăm sóc trẻ sơ sinh khi bạn đẻ mổ thì cũng cần thời gian. Bạn đừng quá sốt ruột mà thực hiện mọi thứ một cách vội vàng. Giai đoạn sau sinh rất quan trọng vì nó sẽ ảnh hưởng lâu dài đến cả bạn và trẻ.
Chăm sóc trẻ sơ sinh đẻ mổ là một quá trình cần nhiều sự tỉ mỉ, nhẹ nhàng cũng như quan sát, theo dõi của bạn. Bên cạnh đó, chú ý đến bản thân cũng là bước quan trọng bạn không nên bỏ qua. Bạn hãy kiên nhẫn để bạn và trẻ cùng có thời gian để kết nối với nhau. Cũng như bạn đừng quên nhờ đến sự giúp đỡ của người thân và những người xung quanh, để cơ thể bạn có thể phục hồi một cách tốt nhất. Nhờ vậy, bạn có khả năng chăm sóc em bé của mình và sắp xếp cuộc sống sau sinh một cách hiệu quả, mau ổn thỏa hơn.
Theo Standord Children & Cafe Mom
Lily Nguyễn lược dịch