Cho bé uống nước như thế nào nhất định mẹ cần nắm rõ

Cho bé uống nước được xem là việc khá đơn giản và không thường được người chăm sóc quan tâm kỹ lưỡng. Chính vì vậy, ở một số khu vực, các bà, các mẹ hay cho bé uống nước từ độ tuổi sơ sinh theo thói quen. Việc này không có lợi cho sức khỏe của bé. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu cụ thể về vấn đề này và xem khi nào thì nên bắt đầu cho bé uống nước nhé. 

banner ads
Bé cầm bình nước uống
Cho bé uống nước là vấn đề cần được mẹ quan tâm lưu ý. Ảnh: Daily Mirror 

1. Cho bé uống nước ở độ tuổi sơ sinh sẽ không có lợi cho sức khỏe của bé

Cho bé uống nước tưởng chừng như việc rất đơn giản và vô hại. Có lẽ do vậy mà nhiều bà, mẹ vô tư cho em bé mới sinh một ngụm nước để “tráng miệng” và vì sợ con bị khát.

Tuy nhiên, thực tế thì việc em bé uống nước dưới 6 tháng tuổi sẽ có hại nhiều hơn lợi. Nó khiến trẻ sơ sinh có nguy cơ bị tiêu chảy và thiếu chất. Vì dạ dày trẻ sơ sinh rất nhỏ, khi uống nước trẻ sẽ giảm bú mẹ hoặc sữa công thức. Từ đó dẫn đến khả năng bị thiếu chất. Bên cạnh đó, nguồn nước nếu không đảm bảo sẽ khiến trẻ có nguy cơ bị tiêu chảy.

Ngoài ra, khi mẹ cho trẻ sơ sinh uống nước và trẻ giảm bú, mẹ cũng sẽ bị giảm sản xuất sữa trong tương lai.

Một lý do khác khiến các bác sĩ và chuyên gia khuyến cáo chúng ta nên thận trọng đối với việc cho bé uống nước. Đó là trẻ sơ sinh rất dễ bị quá tải vì các bộ máy trong cơ thể vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Khi bạn cho bé uống nước nhiều và quá nhanh, có thể dẫn đến tình trạng thận của bé đào thải natri và chất điện giải gây thiếu muối. Trong những trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể gây ra các cơn co giật.

Các triệu chứng nhiễm độc nước ở trẻ sơ sinh bao gồm nhiệt độ cơ thể thấp (dưới 36 độ), trẻ buồn ngủ, cáu kỉnh và bị phù. Khi nhận thấy những biểu hiện này, bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay. 

Mẹ cho bé bú
Bạn cho bé sơ sinh bú mẹ nếu sợ con khát. Ảnh Internet 

2. Vì sao bạn không cần cho bé uống nước khi chưa được 6 tháng tuổi

Hiện nay, các bà mẹ đều được khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn đến 6 tháng tuổi. Bởi vì sữa mẹ chứa đến 80% nước, đặc biệt trong dòng sữa đầu. Vì vậy bất cứ khi nào mẹ cảm thấy bé có thể đang khát nước, hãy cho con bú . Việc này không những giúp bé hết khát, mà còn bảo vệ con khỏi nguy cơ nhiễm trùng do nước.

Đó là lý do Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo mẹ nên cho bé bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Điều này có nghĩa là trẻ chỉ tiếp nhận duy nhất nguồn sữa mẹ mà không có thêm bất cứ loại chất lỏng nào khác kể cả nước (ngoại trừ trường hợp bé cần được uống thuốc dạng lỏng theo chỉ định của bác sĩ).

Nếu vì nguyên nhân nào đó mà mẹ không có sữa hoặc không thể cho con bú mẹ hoàn toàn, hãy sử dụng sữa công thức dành cho trẻ sơ sinh và áp dụng nguyên tắc tương tự. 

Tay bé và bình sữa
Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi thì sữa mẹ hoặc sữa công thức đã cung cấp đủ lượng chất lỏng mà bé cần. Ảnh: AgFunderNews 

3. Khi nào bạn nên cho bé uống nước

Nếu trẻ đã được 6 tháng tuổi, bạn có thể cho con uống một lượng nhỏ nước đun sôi để nguội. Bạn lưu ý là sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn thức ăn và chất lỏng chính của bé cho đến 12 tháng tuổi.

Sau 12 tháng, trẻ có thể bắt đầu uống nhiều nước hơn và làm quen với sữa bò. Bạn nên cho nước hoặc sữa vào ly để bé tập uống.

Khi bé bắt đầu tập ăn dặm, bạn cũng có thể cho bé uống một vài ngụm nước từ ly khi bé đang ăn. Điều này không có nghĩa là bạn cung cấp chất lỏng cho bé qua nước, vì sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn giữ nhiệm vụ chính này. Việc cho bé uống thêm nước khi tập ăn dặm vừa giúp trẻ tập uống bằng ly, vừa giúp ngăn ngừa tình trạng táo bón khi lượng phân của con bắt đầu tăng lên. 

Trẻ uống nước bằng ly
Trẻ có thể uống một lượng nhỏ nước khi bắt đầu ăn dặm. Ảnh: Today’s Parent 

4. Cho bé uống nước như thế nào trong thời tiết nóng

Vào những ngày thời tiết nắng nóng hoặc nếu bạn sống ở khu vực có nhiệt độ cao, bạn vẫn chỉ nên cho bé dưới 6 tháng bú mẹ hoặc sữa công thức thêm mà thôi.

Trong điều kiện thời tiết như vậy, trẻ có thể sẽ muốn bú nhiều hơn, nhưng sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn. Nếu bạn đang cho bé bú mẹ, hãy đảm bảo mình uống đủ nước.

Để giúp bạn và bé thoải mái hơn khi cho bú trong thời tiết nắng nóng, bạn có thể:

  • Đặt một chiếc khăn, vải hoặc gối giữa bạn và bé
  • Nằm cho bé bú để hạn chế sự tiếp xúc cơ thể

Trẻ được xem là nhận đủ chất lỏng khi làm ướt tã 6 – 8 lần trong 24 giờ. 

Phụ nữ cầm ly nước
Nếu bạn đang cho con bú hãy đảm bảo mình cũng uống đủ nước. Ảnh Internet 

5. Có nên cho bé uống nước khi con bị sốt

Nếu em bé của bạn bị sốt, bé dưới 6 tháng tuổi và đang bú mẹ, bạn nên cho bé bú nhiều hơn. Nếu bé dưới 6 tháng tuổi và bú sữa công thức, bạn hãy cho bé bú lượng sữa ít hơn nhưng thường xuyên hơn.

Trong trường hợp này, bạn vẫn không nên cho bé uống thêm nước trừ khi có chỉ định khác của bác sĩ.

Nếu em bé của bạn trên 6 tháng tuổi và bé bị sốt , bạn cũng vẫn cho bé bú mẹ hoặc sữa công thức nhiều hơn. Bạn có thể cho bé uống một chút nước giữa hai cữ bú. Và nên theo dõi, kiểm tra thường xuyên (qua lượng tã ướt) để chắc chắn bé nhận được đủ chất lỏng. 

Mẹ đang cho bé bú
Ngay cả khi bé bị sốt bạn cũng không nên tự ý cho con uống nước, thay vào đó hãy cho bé bú nhiều hơn. Ảnh: BabyCenter  

6. Đối với các loại thức uống khác

Các loại đồ uống khác như nước uống có ga, đồ uống ngọt, thậm chí cả nước trái cây đều không phù hợp đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi. Vì vậy bạn cần lưu ý để tránh việc người chăm sóc hay người thân cho bé uống các loại thức uống này.

Các loại đồ uống có chứa caffeine như trà, cà phê, nước tăng lực hay bia rượu tuyệt đối không thích hợp với trẻ em ở mọi độ tuổi. 

Mẹ cầm ly cà phê
Các loại thức uống khác kể cả nước trái cây, đều không thích hợp với bé dưới 12 tháng. Ảnh: Cosmopolitan 

Cho bé uống nước là việc mẹ và người chăm sóc rất nên lưu ý. Đặc biệt điều này càng phải thận trọng hơn trong giai đoạn sơ sinh khi cơ thể bé còn rất non nớt. Bất kì sự cung cấp không phù hợp nào, bao gồm cả việc cho bé uống nước, cũng có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của con. Vì vậy, bạn hãy cố gắng chú ý để đảm bảo điều tốt nhất cho con nhé.

Theo WHO, Pregnancy Birth Baby & Parents

Lily Nguyễn lược dịch và tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI