1. Các mốc phát triển của bé 6 tháng tuổi
Khi được 6 tháng tuổi, em bé của bạn sẽ bắt đầu tăng trưởng chậm lại một chút. Bé sẽ không còn tăng đều đặn 28g (1 ounce) mỗi ngày. Trung bình một bé 6 tháng tuổi đã tăng gấp đôi trọng lượng sơ sinh của mình, một số bé có thể tăng nhiều hơn. Độ tuổi sáu tháng cũng đánh dấu rất nhiều cột mốc phát triển lớn của bé, cụ thể như dưới đây:
1.1. Sự phát triển về kỹ năng của bé 6 tháng tuổi
Bé 6 tháng tuổi sẽ có một số hoạt động đáng chú ý sau:
- Bé bắt đầu truyền đồ vật (như đồ chơi) từ tay này sang tay kia
- Bé có thể lăn từ đầu này sang đầu kia và ngược lại
- Bé ngồi được mà không cần hỗ trợ
- Bé thích nhún khi được bế ở tư thế đứng
- Bé bắt đầu chuyển trọng lượng cơ thể cho chân nâng đỡ
- Bé có thể lúc lắc người ra trước và sau ở tư thế bò
- Bé cố gắng tập bò
- Bé bắt đầu chuyển từ nắm đồ vật bằng cả bàn tay sang cầm bằng ngón cái và ngón trỏ
- Tầm nhìn của bé được mở rộng và bé có thể nhìn rộng ra cả căn phòng
1.2. Sự phát triển về nhận thức của bé 6 tháng tuổi
Nhận thức của bé 6 tháng tuổi đã phát triển khá nhanh với những đặc điểm sau:
- Bé có thể gắn một âm thanh cụ thể với một loại cảm xúc
- Bé biết trả lời khi người khác nói chuyện với mình
- Bé nhận ra gương mặt quen thuộc
- Bé biết phản ứng với người lạ (sợ hãi, khóc hoặc đòi mẹ)
- Bé thích nhìn vào gương
- Bé bắt đầu bập bẹ các nguyên âm và phụ âm
- Bé phản ứng lại khi có người gọi tên mình
- Bé đáp lại những cảm xúc khác của bạn như vui, buồn,…
- Bé tìm hiểu về thế giới xung quanh bằng cách nếm thử và chạm vào
1.3. Khi nào bạn cần chú ý theo dõi bé
Mặc dù mỗi đứa bé đều khác nhau, nhưng nếu bé có bất kỳ biểu hiện nào dưới đây, bạn hãy và báo cho bác sỹ biết:
- Bé không cố gắng với tới những đồ vật xung quanh mình
- Bé không phản ứng lại với tình cảm của bạn
- Bé không phản ứng với âm thanh
- Bé không thể đưa một món đồ (đồ chơi như thú nhồ bông) vào miệng
- Bé không thể tạo ra âm thanh
- Bé không cười hoặc không tạo ra những âm thanh vui nhộn
- Cổ bé có vẻ cứng hoặc bé di chuyển đầu không được dễ dàng
- Bé không tăng cân
2. Lịch trình tiêu biểu của bé 6 tháng tuổi
Khi được 6 tháng tuổi, bé sẽ trở nên năng động hơn những tháng trước đó, vì vậy bạn cũng cần chú ý đến sự an toàn của bé nhiều hơn.
Lịch trình thông thường của một bé 6 tháng tuổi gồm những hoạt động sau:
- 7 giờ sáng (hoặc tùy vào từng bé): bé thức dậy và sẵn sàng cho những hoạt động của một ngày mới. Bạn có thể cho bé ăn sáng, bú mẹ hoặc sữa công thức. Nếu bé đã bắt đầu ăn dặm , một chút bơ nghiền, dâu nghiền, chuối nghiền đều thích hợp để làm bữa sáng cho con. Tuy nhiên, bạn nên cho bé ăn những món này sau khi bú mẹ hoặc sữa công thức.
- 9 giờ sáng: bé ngủ giấc ngắn đầu tiên trong ngày, kéo dài khoảng 45 phút đến 1,5 giờ
- 10 giờ sáng: bé ăn bữa xế và chơi
- 11 giờ 30: bé ngủ giấc ngắn thứ hai, có thể ngắn hơn giấc đầu tiên
- 12 giờ 30: bé thức dậy và ăn trưa với một ít rau củ, cháo, ngũ cốc hoặc trái cây nghiền
- 2 giờ chiều: bé ngủ trưa
- 4 giờ chiều: bé thức dậy, bú mẹ hoặc sữa công thức và chơi
- 6 giờ chiều: bé ăn tối. Bạn có thể cho bé ngồi ghế ăn và cùng ăn với cả gia đình
- 7 giờ tối: bạn có thể bắt đầu “chương trình” ru ngủ bé bằng các hoạt động như tắm, kể chuyện cho bé , mát xa hoặc vỗ về bé
- 7 giờ 30 tối: bé ngủ giấc tối
3. Chăm sóc bé 6 tháng tuổi
3.1. Cho bé ăn dặm
6 tháng là độ tuổi mà bé đã có thể làm quen với thức ăn khác ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức. Vậy điều này có phải nghĩa là bạn phải cho bé ăn ngay lập tức khi bước qua 6 tháng tuổi hay không? Không nhất thiết phải như vậy.
Vì mỗi bé đều khác nhau nên bạn hãy chú ý tới biểu hiện của bé để bắt đầu việc cho con ăn một cách phù hợp. Những dấu hiệu cho thấy bé đã có thể ăn dặm gồm:
- Cổ bé đã đủ cứng cáp để giữ đầu thẳng
- Bé mở miệng khi thấy được đút thức ăn
- Bé có thể ngậm thìa để đưa thức ăn vào miệng (chứ không phải chỉ mở miệng và để thức ăn chảy xuống cằm)
- Bé nặng ít nhất 6kg (13 pound) hoặc có cân nặng gấp đôi so với lúc mới sinh
- Bé thể hiện sự hứng thú với thức ăn như với tới bát, thìa, đồ ăn, hay chăm chú nhìn bạn ăn
Khi cho bé ăn dặm bạn có thể:
- Tự chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé : việc này được các chuyên gia khuyên thực hiện vì thức ăn bạn tự chuẩn bị sẽ đảm bảo độ tươi ngon, vệ sinh và lành mạnh. Bạn có thể bắt đầu bằng việc hấp chín những loại rau củ mềm (như bí, đậu) và nghiền nhuyễn hay nghiền các loại trái cây mềm (như bơ, chuối) cho bé ăn.
- Mua thức ăn dặm chế biến sẵn : bạn chỉ nên mua đồ ăn dặm cho bé khi không có thời gian tự nấu. Và hãy tìm hiểu, lựa chọn sản phẩm của các thương hiệu có uy tín, đáp ứng được các yêu cầu: sạch, không chứa gia vị và các loại phụ gia.
Bạn cũng nên chuẩn bị một số dụng cụ sau:
- Ghế ăn cho bé
- Dụng cụ chế biến đồ ăn
- Bát và thìa mềm
Khi bắt đầu cho bé ăn dặm , bạn hãy cho bé ăn mỗi lần một loại thực phẩm để bé làm quen và nhận biết được mùi vị của loại thực phẩm đó cũng như để theo dõi xem bé có bị dị ứng hay không. Mỗi loại thực phẩm bạn có thể cho bé ăn vài ngày rồi chuyển qua loại khác.
Bạn có thể được khuyên nên bắt đầu chế độ ăn dặm của bé với các loại ngũ cốc, tuy nhiên bạn không nhất thiết phải làm như vậy mà có thể bắt đầu bằng trái cây. Vì các bé có xu hướng thích các loại thức ăn có vị ngọt tự nhiên hơn, và không một lượng bông cải xanh, ngũ cốc hay rau bina nào có thể thay đổi điều đó. Vì vậy bạn không nên đặt áp lực về việc giới thiệu món ăn nào trước cho bé, quan trọng là kết cấu phù hợp.
Một số điều bạn cần lưu ý khi cho bé ăn dặm:
- Bạn thường sẽ phải giới thiệu một loại thực phẩm cho bé nhiều lần trước khi bé chấp nhận chúng. Vì vậy, nếu lần đầu tiên bạn cho bé thử món mới mà con từ chối, bạn đừng thất vọng mà hãy thử lại vào lần sau. Sự thực không phải là bé ghét món ăn mà chỉ là con cần thêm thời gian, cần thêm một vài lần nhấm nháp nữa để làm quen với mùi vị và kết cấu của thức ăn
- Bạn sẽ thấy phân của bé bắt đầu thay đổi
- Bạn nên bắt đầu với 1-2 muỗng canh thức ăn, 2-3 lần một ngày và tăng dần lượng ăn phù hợp với sự phát triển của bé
- Bạn hãy khoan cho bé ăn thức ăn dạng ngón tay cho đến khi bé được 8-9 tháng tuổi, khi mà con đã có thể cầm nắm được thức ăn dạng này
- Bạn không bao giờ nên ép bé ăn. Khi con đã quay mặt đi hoặc ngậm miệng lại, hãy ngưng cho con ăn
- Bạn hãy tránh cho bé ăn những loại thức ăn có kết cấu dễ gây hóc (như các loại hạt, trái cây cứng,…) và mật ong (cho đến khi bé trên 1 tuổi)
3.2. Việc cho bé ăn và vấn đề dinh dưỡng
Dù bé đã bắt đầu ăn dặm nhưng nguồn thức ăn chính của con vẫn là sữa mẹ hoặc sữa công thức. Mặc dù vài tháng tiếp theo, bé có thể không đòi bú nhiều như khi chưa ăn dặm.
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, bạn không nên cắt giảm bất kì lượng sữa công thức hay cữ bú mẹ nào của bé. Con sẽ cần thời gian để thích nghi dần với việc ăn uống. Ở 4-6 tháng tuổi, bé cần bú đủ 120-240 ml sữa công thức mỗi lần ăn, hoặc bú mẹ mỗi 3-5 giờ.
Bạn cũng nên lưu ý rằng sữa mẹ hoặc sữa công thức là nguồn cung cấp chất lỏng chính cho bé trong năm tuổi đầu tiên. Nên bạn không cần thiết phải cho bé uống thêm nhiều nước, mà chỉ nên giới thiệu một lượng nhỏ cho bé để tránh làm con bị đầy bụng. Từ đó dẫn đến con giảm ăn sữa.
Bạn cũng không nên cho bé uống các loại nước trái cây vì chúng không có lợi cho hệ tiêu hóa của bé thời gian này, cũng như không có tác dụng hỗ trợ bé phát triển kĩ năng nhai.
3.3. Về giấc ngủ của bé
Khi được 6 tháng tuổi, hầu hết các bé đã có thể ngủ xuyên đêm cộng với 2-3 giấc ngủ ngắn vào ban ngày. Tuy nhiên nếu em bé của bạn không có lịch trình ngủ như vậy thì không có nghĩa là có điều gì đó không ổn. Mà đơn giản chỉ là bé có nhu cầu ngủ và sự phát triển khác với những bé khác, ví dụ như bé mọc răng chẳng hạn. Nhiều bậc cha mẹ nhận thấy khi bắt đầu ăn dặm thì con của họ ngủ xuyên đêm và ngon hơn.
Bé 6 tháng tuổi cũng đã có thể lật và thường yêu thích nằm sấp khi ngủ. Điều này thường khiến các bậc cha mẹ lo lắng. Mặc dù tỷ lệ bé bị “ Hội chứng đột tử ở bé sơ sinh – SIDS” đã giảm ở độ tuổi này, nhưng bạn vẫn không nên chủ quan.
Để đảm bảo giấc ngỉ ngon an toàn cho con, bạn hãy chú ý tạo không gian thoáng đãng trong phòng, trên giường hoặc nôi của bé. Ngoài ra, bạn cũng nên mặc đồ rộng rãi, thoải mái cho con khi thời tiết nóng và không ủ ấm bé bằng quá nhiều lớp quần áo khi trời lạnh.
Hội đồng Nhi khoa Hoa Kỳ AAP khuyến cáo bạn nên đặt bé nằm ngủ ở tư thế nằm ngửa, nhưng không cần thiết phải lật bé lại khi con trở mình nằm sấp (bạn chỉ cần chú ý đến con một cách cẩn thận). Để giảm nguy cơ bé bị SIDS, bạn có thể thực hiện những việc sau:
- Tránh dùng khăn quấn người bé vì chúng có thể bị lỏng và trở nên nguy hiểm khi bé lúc này đã năng động hơn rất nhiều
- Không để những đồ vật mềm và lỏng lẻo như chăn, thú bông, gối xung quanh khi bé ngủ và cần chú ý cài chặt ra giường hoặc nôi
- Không dùng miếng đệm xung quanh nôi của bé, kể cả những phiên bản thông thoáng nhất
- Dùng áo choàng ngủ cho bé khi trời lạnh thay vì chăn
- Mở quạt trong phòng của bé và duy trì nhiệt độ mát mẻ
- Tháo bỏ tất cả các rèm cửa trong nhà
3.4. Sức khỏe và an toàn của bé 6 tháng tuổi
Bé 6 tháng tuổi sẽ được tiêm phòng hoặc tiêm nhắc các loại vaccine cần thiết (tùy từng bé), trong đó có thể bao gồm các mũi sau (theo khuyến cáo của CDC – Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ):
- Bạch hầu, uốn ván, ho gà, Hib, bại liệt
- Phế cầu
- Rotavirus
- Cúm
Tác dụng phụ của việc tiêm ngừa nói chung là không đáng kể, có thể bao gồm sốt nhẹ, đỏ tại chỗ tiêm, quấy khóc và/ hoặc buồn ngủ. Nếu bạn nhận thấy hoặc nghi ngờ em bé có phản ứng bất lợi với vaccine, hãy nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn về những việc phải làm tiếp theo.
Em bé của bạn có thể mọc răng vào tháng này. Bạn hãy tham khảo ý kiến bác sĩ về các triệu chứng của mọc răng để theo dõi bé và giúp con thấy thoải mái dễ chịu hơn trong quá trình này.
Đây cũng là lúc bạn bắt đầu thực hiện vệ sinh răng miệng cho bé, cho dù bé chưa mọc răng. Bạn có thể dùng một bàn chải thật mềm để làm sạch lợi cho bé và tiếp tục khi bé mọc răng.
Bạn cũng nên lưu ý một số điều về vấn đề an toàn của bé 6 tháng tuổi như sau:
- Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ hiện nay khuyến cáo bạn không nên cho bé ngồi xe tập đi vì nó không những không có tác dụng hỗ trợ việc tập đi của bé mà còn có thể khiến bé bị ngã.
- Luôn cho bé ngồi trong ghế ngồi chuyên dụng khi đi xe hơi.
- Không đặt ghế ngồi của bé ở ghế trước xe hơi hoặc gần vị trí túi khí.
- Bạn hãy bắt đầu “dọn dẹp” nhà cửa để chuẩn bị một không gian an toàn cho bé tập bò.
- 6 tháng là độ tuổi bé rất tò mò và thích khám phá xung quanh, đặc biệt là con đã có thể với tay lấy đồ đạc. Vì vậy bạn cần chú ý để những đồ vật có thể gây nguy hiểm cho bé ví dụ như tách cà phê, trà nóng, chảo chiên hay dao nhọn,…ngoài tầm tay của bé.
Sự phát triển của bé 6 tháng tuổi đối với các bậc cha mẹ có thể là những bất ngờ nối tiếp nhau. Thấm thoắt mà bạn đã cùng con trải qua nửa chặng đường của năm tuổi đầu tiên. Mặc dù quãng đường nuôi con ở phía trước còn rất dài nhưng ở bất kì thời điểm nào khi nhìn lại, bạn cũng sẽ thấy hối tiếc vì thời gian trôi quá nhanh. Vì vậy, bạn hãy trân trọng và tận hưởng mọi thời khắc với con bạn nhé.
Theo Verywell Family & Today Parents
Lily Nguyễn tổng hợp