1. Mốc phát triển quan trọng của trẻ trên 2 tuổi
Các mốc phát triển là điều mà hầu hết trẻ em có thể làm được ở một độ tuổi nhất định. Trẻ em đạt được các mốc quan trọng trong cách chúng chơi, học, nói, cư xử và di chuyển (như chạy, nhảy hay giữ thăng bằng).
Do mong muốn độc lập ngày càng tăng của trẻ mà giai đoạn trẻ qua mốc 2 tuổi, đặc biệt là khi 3 tuổi, thường được gọi là khủng hoảng tuổi lên 2 lần hai. Tuy nhiên, đây có thể là khoảng thời gian thú vị cho cha mẹ và trẻ.
Trẻ mới biết đi sẽ trải qua những thay đổi lớn về tư duy, học tập, xã hội và cảm xúc. Các yếu tố này sẽ giúp trẻ khám phá thế giới mới của mình và hiểu được điều đó.
Bước qua tuổi thứ ba, trẻ có thể:
- Thực hiện một câu lệnh gồm hai đến ba bước.
- Phân loại đồ vật theo hình dạng và màu sắc.
- Bắt chước hành động của người lớn và bạn cùng chơi.
- Thể hiện nhiều loại cảm xúc khác nhau.
2. Bạn cần lưu ý điều gì trong cách dạy trẻ từ 2 tuổi trở lên
Có một số điều bạn cần lưu ý trong cách dạy trẻ từ 2 tuổi trở lên:
2.1. Áp dụng cách dạy trẻ từ 2 tuổi trở lên một cách tích cực
Một số bí quyết tích cực bạn có thể áp dụng trong cách dạy trẻ từ 2 tuổi trở lên bao gồm:
- Thiết lập một khung giờ đặc biệt dành riêng cho việc đọc sách cùng trẻ.
- Khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi giả vờ.
- Chơi trò diễu hành hoặc đi theo người chỉ huy với trẻ.
- Giúp trẻ khám phá không gian xung quanh bằng cách dắt trẻ đi dạo cùng hoặc đẩy trẻ đi trong xe đẩy.
- Khuyến khích trẻ nói cho bạn nghe tên và tuổi của mình.
- Dạy trẻ những bài hát đơn giản hoặc những bài đồng dao.
- Dành cho trẻ sự chú ý và lời khen ngợi khi trẻ làm theo hướng dẫn cũng như thể hiện các hành vi tích cực. Bên cạnh đó bạn cũng hãy hạn chế sự chú ý đối với hành vi tiêu cực của trẻ (như các cơn ăn vạ hay thịnh nộ). Hãy dạy trẻ những cách có thể chấp nhận được để thể hiện rằng con đang buồn bực.
2.2. An toàn là trên hết trong cách dạy trẻ từ 2 tuổi trở lên
Bởi vì ở độ tuổi này, trẻ luôn luôn di chuyển xung quanh, nên con cũng sẽ dễ tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm. Chính vì vậy, trong cách dạy trẻ từ 2 tuổi trở lên, bạn luôn cần chú ý đến nguyên tắc an toàn. Những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra rất đột ngột và nhanh chóng, vì vậy bạn cần luôn để mắt đến con.
Bạn có thể áp dụng một số bí quyết sau để hạn chế việc con phải đối mặt với nguy hiểm:
- Không để trẻ ở một mình gần khu vực có nước như: hồ bơi, chậu tắm/ bồn tắm có nước, ao, hồ, xoáy nước hay biển. Hãy lắp hàng rào quanh hồ bơi trong sân nhà, đổ nước khỏi các vật chứa trong nhà tắm như chậu, xô, bồn tắm. Tốt nhất bạn nên khóa cửa phòng tắm hoặc chặn lối đi đến phòng tắm. Đuối nước là nguyên nhân gây tử vong và thương tích hàng đầu cho trẻ ở lứa tuổi này.
- Khuyến khích trẻ ngồi ngay ngắn khi ăn và nhai kĩ đồ ăn để hạn chế tình trạng trẻ bị hóc nghẹn.
- Thường xuyên kiểm tra các món đồ chơi để hạn chế chúng bị lỏng ốc, nứt, mẻ khiến trẻ bị thương khi chơi, hoặc bị hóc nghẹn khi nuốt phải những món đồ nhỏ.
- Nhắc nhở trẻ không cho bút chì hoặc bút sáp màu vào miệng khi tô màu, và theo dõi con cẩn thận để tránh tình trạng con làm như vậy khi không có mặt bạn.
- Không bưng/ cầm đồ uống nóng khi bạn đang bế trẻ hay trẻ đang ngồi trên đùi bạn. Những chuyển động đột ngột có thể làm văng chất lỏng nóng vào người, khiến trẻ bị bỏng.
- Cho trẻ ngồi trong ghế dành riêng cho trẻ, đặt ở ghế sau ô tô và thắt dây an toàn đúng cách.
2.3. Giúp trẻ có cơ thể khỏe mạnh
Trong cách dạy trẻ từ 2 tuổi trở lên, ngoài những điều cần thiết bạn dạy trẻ, thì giúp trẻ có một cơ thể khỏe mạnh cũng là việc vô cùng cần thiết.
Để thực hiện điều này, bạn hãy áp dụng những cách sau:
- Trao đổi với nhân viên nhà trẻ nơi bạn gửi trẻ để xem họ có thể phục vụ đồ ăn lành mạnh hơn cũng như hạn chế thời gian trẻ xem tivi và các thiết bị khác không.
- Trẻ có thể thay đổi sở thích về đồ ăn mỗi ngày. Đây là hành vi khá bình thường đối với trẻ ở độ tuổi này, vì vậy bạn đừng khiến cho nó trở thành vấn đề nghiêm trọng. Thay vì vậy, bạn hãy khuyến khích trẻ thử các loại thực phẩm mới bằng cách cho con ăn thử một ít trước.
- Hạn chế để trẻ xem tivi hoặc các thiết bị điện tử khác. Hãy giới hạn tổng thời gian trước màn hình của con không quá 1 giờ mỗi ngày, bao gồm cả thời gian xem tại trường, tại nhà kể cả các chương trình mang tính giáo dục tích cực. Đồng thời, hãy thiết lập lại kế hoạch đối với việc xem tivi, các thiết bị điện tử của cả gia đình.
- Tạo điều kiện cho trẻ được vui chơi thoải mái, tự do nhiều nhất có thể. Việc này sẽ giúp trẻ luôn năng động, khỏe mạnh và giúp con phát triển các kỹ năng vận động.
- Đảm bảo trẻ ngủ đủ cũng như có giấc ngủ chất lượng. Trẻ ở độ tuổi này nên ngủ đủ 11 – 14 tiếng mỗi 24 giờ, bao gồm cả thời gian ngủ trưa.
Cách dạy trẻ từ 2 tuổi trở lên đòi hỏi sự chú ý và lượng thời gian nhất định từ bạn và người chăm sóc. Vì trẻ ở độ tuổi này khá hiếu động nhưng lại chưa đủ khả năng để kiểm soát hành vi của mình. Trẻ thích khám phá nhưng chưa ý thức được những nguy hiểm xung quanh mà bản thân có thể gặp phải. Vì thế, bạn hãy dành thời gian quan sát, theo dõi để tạo môi trường an toàn cũng như khuyến khích con phát triển một cách tích cực.
Theo CDC
Lily Nguyễn lược dịch