Cách dạy trẻ 2 tuổi cực hay bố mẹ nên tham khảo ngay đừng bỏ lỡ

Cách dạy trẻ 2 tuổi là một trong những chủ đề khá thú vị. Ngoài thử thách dành cho bố mẹ có con ở độ tuổi này, là làm sao để mình đồng hành trong sự lớn lên của trẻ một cách suôn sẻ, chăm sóc trẻ tốt, dạy trẻ hiệu quả; mà còn là một quá trình chính bố mẹ cũng được học. Bố mẹ học để hiểu con hơn và học để trở nên những bậc phụ huynh đủ linh động, ứng phó linh hoạt với rất nhiều vấn đề xảy đến, khi con đang ở giai đoạn có những biến chuyển mạnh mẽ trong sự phát triển của mình.

banner ads

Cách dạy trẻ 2 tuổi
Cách dạy trẻ 2 tuổi là một chủ đề khá thú vị. Ảnh Internet

Cách dạy trẻ 2 tuổi theo các chuyên gia giáo dục, không phải tuân thủ theo một khuôn mẫu nhất định nào đó. Dạy trẻ 2 tuổi tùy thuộc vào tốc độ phát triển của trẻ như thế nào, bản tính của trẻ ra sao, hành vi của trẻ, môi trường xung quanh,....

Và để ứng phó với hành vi của trẻ, dạy con hiệu quả, trước hết bố mẹ cần nắm bắt một số đặc điểm cơ bản ở trẻ 2 tuổi, cụ thể như dưới đây.

1. Đặc điểm chung của trẻ 2 tuổi - bố mẹ hiểu để chọn được cách dạy trẻ 2 tuổi thành công

1.1 Đặc điểm thể chất của trẻ 2 tuổi

Ở độ tuổi lên 2 bạn sẽ thấy con có thể đi bộ lâu, nhảy nhót và chạy. Trẻ có thể tự mặc quần áo, xử lý những hoạt động mang tính tiểu tiết và khéo léo hơn rất nhiều. Mặc dù, khi mặc quần áo con chưa thể cài được nút áo, mở khóa cửa, hay tự chăm sóc bản thân một cách tự chủ theo ý trẻ muốn, ngoài sự chỉ dẫn của bố mẹ.

Trẻ 2 tuổi mặc áo
Trẻ 2 tuổi có thể tự mặc áo. Ảnh Internet

1.2 Tương tác xã hội, cảm xúc và ngôn ngữ

  • Trẻ 2 tuổi thường chơi một mình và đang ở trong giai đoạn thích chơi với người khác. Tuy nhiên, trẻ lại thường chơi gần người khác hơn là tham gia chơi cùng những người đó.
  • Trẻ có thể giữ khư khư đồ chơi hay các đồ vật mà mình sở hữu và không có ý định chia sẻ. Trẻ thích còn yêu cầu được có những đồ vật khác mà một đứa trẻ khác đang cầm, đang có. Khi không có được, trẻ sẽ thể hiện ngay sự tức giận và thất vọng.
  • Trẻ 2 tuổi rất dễ bị kích thích, dễ bồn chồn cáu gắt khi mệt mỏi.
  • Trẻ thích độc lập, xu hướng hình thành tính cách cá nhân ngày càng trở nên rõ nét hơn.
  • Tâm trạng của trẻ thay đổi rất nhanh chóng.
Tâm trạng trẻ thay đổi nhanh chóng
Tâm trạng của trẻ 2 tuổi thay đổi rất nhanh chóng. Ảnh Internet
  • Cảm xúc của trẻ 2 tuổi rất mạnh mẽ và rõ rệt. Trẻ thích gần gũi mẹ, thích ngồi trong lòng hay luôn nắm tay hoặc bám áo mẹ.
  • Con có thể sử dụng 2-3 từ trong một câu nói diễn đạt của mình. Dù ở mức đơn giản, không hoàn chỉnh, song nhiều trẻ có thể diễn đạt khá logic những gì mà trẻ hiểu trước các câu hỏi của bố mẹ.
  • Thời gian tập trung của trẻ có thể là 2-3 phút.
  • Trẻ rất tò mò.
  • Trẻ thích sự lặp lại điều gì đó quen thuộc.
  • Trẻ có thể đưa ra những lựa chọn đơn giản.
  • Trẻ thích đồ chơi đơn giản, thể hiện rõ sở thích với các tài liệu mang tính nghệ thuật, thích sách, truyện và các hoạt động âm nhạc.
Trẻ đọc sách cùng mẹ
Trẻ 2 tuổi thích nghe đọc sách. Ảnh Ineternet

2. 6 điểm chính bố mẹ nên tham khảo thực hành trong cách dạy trẻ 2 tuổi

2.1 Dạy trẻ cách tương tác

Dạy trẻ tương tác ở độ tuổi lên 2 là rất quan trọng. Như đặc điểm của trẻ đã được đề cập là trẻ thường chơi một mình dù con thích được tương tác với người khác.

Mẹ hãy tạo điều kiện cho con, để con phát huy sự tương tác của mình với thế giới xung quanh bằng cách: cho con đến chơi nhà bạn hàng xóm, đưa con ra ngoài công viên gần nhà để con có dịp tiếp xúc với nhiều bạn bè hơn.

2.2 Dạy trẻ cách chia sẻ - điều cần thiết thực hiện trong cách dạy trẻ 2 tuổi

Trong cách dạy trẻ 2 tuổi, dạy con biết chia sẻ là một nhiệm vụ rất quan trọng của cha mẹ. Như đề cập trong đặc điểm của trẻ 2 tuổi , chúng ta đã biết trẻ độ tuổi này đa phần đều có tính sở hữu rất cao. Nếu chúng ta quan sát, có thể thấy các đứa trẻ 2 tuổi đều rất "ki bo và kẹt xỉn", chúng chẳng chịu chia sẻ với ai cái gì, chưa kể đến chuyện còn thích dành hay vòi vĩnh cả những cái mà chúng muốn từ những đứa trẻ khác.

Trẻ không thích chia sẻ
Trẻ 2 tuổi không thích chia sẻ. Ảnh Internet

Thực chất trẻ 2 tuổi của bạn không phải là một đứa trẻ "ki bo", mà con chỉ đang thể hiện tính sở hữu là một phần quan trọng trong phát triển ý thức về bản thân, về tính cá nhân thôi. Do đó, mẹ hãy dạy trẻ cách chia sẻ, để mọi thứ trở nên dễ chịu hơn, cũng như hình thành dần nơi con thái độ biết cho đi. Đây cũng là một bước đệm rất cần thiết trong việc xây dựng và hình thành tính cách của trẻ trong tương lai, mà cha mẹ nào cũng muốn con không phải là người ích kỷ.

2.3 Dạy trẻ cách giao tiếp

Dạy trẻ giao tiếp chính là cách bố mẹ giúp con học được cách thể hiện cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của mình như thế nào là phù hợp và không phù hợp.

Không khó để bạn bắt gặp những tình huống trẻ 2 tuổi la hét, gào khóc, quăng ném đồ vật, ăn vạ,...để có được điều mà trẻ muốn. Đôi khi vào giờ cơm tối, con lại muốn dùng bánh quy, hoặc khi mới vừa mở mắt ra, con đã có thể chạy thẳng đến tủ lạnh chọn hũ kem lạnh ngắt cho bữa sáng. Và thậm chí, có khi thay vì ăn cơm, trẻ tự quyết định tự uống hết 2 chai sữa chua nhỏ, hoặc ăn hết cả hơn 1 hũ sữa chua một cách nhanh chóng.

Vì vậy, dạy trẻ 2 tuổi cách giao tiếp thế nào thực sự rất quan trọng. Thay vì để con la hét gào khóc còn bạn thì rối bù đầu vì những tiếng la hét đó, hãy giúp con bình tĩnh và hỏi con muốn gì. Gợi mở và hướng dẫn trẻ thể hiện điều mình muốn bằng ngôn từ một cách mạch lạc hơn.

Bạn có thể nói với trẻ: "Hãy nói cho mẹ nghe con muốn gì nào. Vì con khóc và la hét như vậy, mẹ sẽ không thể biết được điều con đang muốn." - Bạn cứ thử như vậy, trẻ hoàn toàn hiểu, khi con được trấn tĩnh tức kiểm soát cảm xúc của mình, cả con và bạn đều thấy một điều - nói ra điều mình muốn trong "ôn hòa" thực sự dễ đến nhường nào.

Trong trường hợp trẻ quăng ném đồ đạc, ngoài việc giúp con bình tĩnh, bạn nên yêu cầu trẻ nhặt lại những gì mà trẻ đã ném đi. Giải thích cho con đó là hành vi không phù hợp. Đây là cách bạn dạy cho con học được cách nhìn nhận sự việc trong một thái độ ôn hòa và sự ôn hòa có thể dẫn đến những thỏa thuận hoặc những đáp ứng yêu cầu trong hòa bình có kết quả như ý, mà không cần dùng đến thái độ mất bình tĩnh đó.

Trẻ nhặt đồ
Nếu trẻ ném đồ đạc đi mẹ hãy yêu cầu con nhặt lại và nói cho con biết cách đó là không phù hợp. Ảnh Internet

2.4 Dạy trẻ nhận thức ngoài trời

Do mức độ tập trung của trẻ cũng như sự tò mò thích tìm hiểu khám phá, bố mẹ có thể tận dụng đặc điểm này để dạy trẻ nhận thức ngoài trời, đây là một phần hữu ích để con phát triển các giác quan và sự tinh tế của bản thân.

Nhận thức ngoài trời là một phần thú vị, phong phú và có cả những ý nghĩa nhất định, mà trẻ 2 tuổi có thể học nhanh chóng. Cụ thể bố mẹ có thể dạy trẻ như:

  • Dạy con nên nắm tay bố mẹ khi đi ra đường.
  • Dạy trẻ quan sát côn trùng và cẩn thận khi chạm vào chúng.
  • Dạy trẻ thời tiết tốt, trời xanh, có nắng, có mây và khi u ám có thể là sẽ có mưa.
  • Dạy trẻ về các loại hoa cỏ, cây lá xung quanh nơi ở, trong đó có những cây, hoa cỏ trẻ có thể chạm vào nhưng cũng có loại thì không.
  • Dạy con nhận thức được mùa đang diễn ra ví dụ như mùa thu thì con sẽ thấy lá vàng bay và gió, hay mùa hè thì rất nắng và trời xanh, hay mùa mưa thì trời thường âm u, dễ có mưa,...
  • Dạy trẻ về sự an toàn khi thấy các vật nuôi lớn quanh mình.
Trẻ và lá vàng rơi
Dạy trẻ mùa thu thì có lá vàng rơi. Ảnh Internet

2.5 Giúp trẻ phát triển các giác quan

Mặc dù sự phát triển của các giác quan là một phần tự nhiên trong tiến trình phát triển tự nhiên của trẻ, nhưng nhờ những tác động, trẻ sẽ được kích thích, các giác quan sẽ phát triển nhanh với sự đa dạng và phong phú hơn.

Ví dụ, mẹ có thể dạy trẻ nhào nặn bột khi làm bánh để con cảm nhận từ khi bột ở tình trạng khô cho đến khi được nhào nặn thành khối. Mẹ tập cho trẻ ngửi các mùi thơm từ hoa hay trái cây, để trẻ có thêm trải nghiệm về mùi vị đặc trưng của chúng. Và, mẹ cũng có thể cùng con quan sát một chú kiến đang bò, hay một chú bọ cánh cam vừa bay vào nhà, đậu trên chậu hoa chẳng hạn,...Khi con quan sát, con sẽ nhận thấy nhiều điều thú vị gắn riêng với từng loài côn trùng mà con biết, giúp con phân biệt, cũng như kích thích sự tò mò tìm hiểu về chúng hơn,....

Bé và mẹ bên hoa
Chỉ cho trẻ về những loài hoa rất thơm. Ảnh Internet

2.6 Đọc sách và giúp trẻ có những cảm nhận về giai điệu âm nhạc

Khuynh hướng nghệ thuật rõ ràng hơn của trẻ 2 tuổi cũng được xem là một trong những điểm nổi trội. Trẻ có thể thích một vài quyển sách, thích nghe đọc sách hay những mẩu truyện nào đó và thuộc nó với sự yêu thích. Tương tự, con cũng thể hiện sở thích của bản thân một số giai điệu qua các bản nhạc cụ thể nào đó mà mình được nghe.

Mẹ có thể nhân sự yêu thích và chú ý của trẻ về những điều này, dạy con yêu thích sách, có thói quen đọc. Bên cạnh đó, nghe nhạc cùng con hát cùng trẻ những giai điệu mà trẻ yêu thích, chia sẻ nội dung giai điệu bài hát cũng là cách đóng góp cho sự phát triển cảm xúc của trẻ.

Trẻ nghe đọc sách
Giúp trẻ yêu thích đọc sách. Ảnh Internet

3. Các hoạt động và kỹ năng khác mẹ có thể dạy trẻ 2 tuổi dựa trên đặc điểm tiêu biểu ở độ tuổi của trẻ

  • Dạy con cách nhận diện và định hướng đường đi : Trẻ 2 tuổi ưa chạy nhảy vì đây là một trong các đặc điểm của bé. Tận dụng đặc điểm này, mẹ hãy dạy con thế nào là đường thẳng, thế nào là đường cong hay đường zig zag và cho trẻ thực hành bằng cách đi trên các đường vẽ như thế. Nhờ hoạt động này, con biết kiểm soát hoạt động chạy nhảy của mình hơn và đây cũng là một trong những bước cơ bản đầu tiên, giúp trẻ hình thành ý niệm về giao thông.
  • Dạy trẻ nhận diện tên : Nhiều trẻ ở độ tuổi này đã có thể nhận diện tên riêng, tên cún cơm của mình, hay tên của bố mẹ, người lớn trong nhà. Trẻ có thể gọi chính xác tên thật của một người thân nào đó mà trẻ hay tiếp xúc và khi mẹ hoán đổi cách gọi biệt hiệu, trẻ vẫn có thể nhận diện người đó nếu đã từng được dạy rằng người đó có 2 tên gọi. Tuy nhiên, cũng có trẻ còn gặp vấn đề về nhận diện tên nên mẹ hãy dạy cho trẻ điều này nhé.
Dạy trẻ nhận diện tên
Dạy trẻ nhận diện tên của mình và tên người thân. Ảnh Internet
  • Dạy trẻ cách phối hợp và sắp xếp hoạt động : Nghe có vẻ phức tạp nhưng thực sự rất đơn giản. Mẹ có thể dạy bé 2 tuổi sắp xếp đồ chơi vào giỏ cho ngăn nắp, tự quét nhà hay bỏ rác vào thùng rác, phân loại quần áo để mang đi giặt, tự lấy quần áo của mình trong giỏ đồ đã giặt sạch, tự gấp hay tự bỏ quần áo vào ngăn tủ của mình,...Bạn sẽ ngạc nhiên sau khi dạy con điều này, lúc bạn bận làm bếp và sai con phụ quét nhà - con sẽ thao tác rất nhanh nhẹn và chính xác. Hay khi bạn gấp quần áo, có thể yêu cầu con phụ tự lấy và gấp quần áo của mình - chắc chắn con làm rất tốt.
  • Dạy trẻ rửa tay và đánh răng : Đây tưởng chừng là việc đơn giản, song nhiều đứa trẻ 2 tuổi không thực sự học được hay ghi nhớ việc chúng cần rửa tay sau khi chơi hoặc trước khi ăn. Hay, chúng không hề có ý niệm về việc cần đánh răng trước khi đi ngủ hay mỗi sáng thức dậy. Do đó, mẹ cần dạy con rửa tay , nhắc nhở liên tục để hình thành thói quen tốt này cho trẻ, sẽ giúp con chủ động làm sạch tay sau các hoạt động của mình, để tránh vi trùng. Cũng như việc ghi nhớ và hình thành thói quen đánh răng là bước cơ bản để con tập chăm sóc sức khỏe răng miệng, nhằm tránh tình trạng hư răng sớm.
Dạy trẻ rửa tay
Dạy trẻ rửa tay. Ảnh Internet
  • Tập cho trẻ ngồi bô : Một việc đơn giản nhưng có thể là một cuộc chiến dài lâu với nhiều mẹ và các bé. Không ít bé ở độ tuổi này thậm chí lớn hơn không tự đi vệ sinh hoặc không chịu ngồi bô vì sợ hãi. Cho bé ngồi bô khi nào và việc tập cho con ngồi bô cũng đều là việc rất cần, để con học cách tự đi vệ sinh khi có nhu cầu. Việc này nếu thực hiện được ở độ tuổi lên 2, sẽ giúp trẻ ở giai đoạn sau, có thể tự dùng nhà vệ sinh một cách an toàn và độc lập.
  • Dạy trẻ cầm kéo : Kỹ năng cầm kéo hầu như bị đa phần cha mẹ bỏ qua khi con mình lên 2 vì cho rằng nó không quan trọng lắm. Thực tế, dạy trẻ cầm kéo là một cách để con rèn luyện sự uyển chuyển cho các ngón tay, hoàn thiện hơn về thao tác cầm nắm, điều khiển đồ vật trong tay. Thêm vào đó, đây cũng là bước đầu dạy con về mức độ an toàn khi tiếp xúc với các vật sắc nhọn như kéo, dao,...Mẹ cũng lưu ý, khi dạy con và khi con sử dụng kéo, luôn giám sát để bảo đảm an toàn cho bé nhé.
Dạy trẻ cách dùng kéo
Dạy trẻ cách dùng kéo. Ảnh Internet

4. Ghi nhớ dành cho bố mẹ trong cách dạy trẻ 2 tuổi

  • Không áp dụng rập khuôn nơi con mình các cách dạy trẻ 2 tuổi mà bạn tham khảo được. Bạn cần phải hiểu và biết con mình, để linh động và có chọn lọc cách dạy trẻ phù hợp. Vì con bạn là một cá thể độc đáo, đặc biệt, có cá tính riêng, có tốc độ phát triển riêng, cảm xúc riêng và nền tảng văn hóa gia đình cũng hoàn toàn khác với các trẻ khác.
  • Không ép trẻ làm/ thực hành cách mà bạn muốn uốn nắn trẻ. Con dù còn nhỏ nhưng cũng cần được tôn trọng.
  • Dùng tình cảm và sự yêu thương để dạy trẻ.
  • Khuyến khích trẻ tự lập nhưng luôn quan sát và hỗ trợ trẻ mọi lúc cần thiết. Trẻ 2 tuổi hiếu động có thể chạy nhảy khắp nơi và không tránh khỏi những lúc té ngã. Nếu trẻ ngã thay vì chạy vội đến bồng bế con lên, bố mẹ hãy để trẻ tự đứng dậy. Hãy cổ vũ để con đứng lên nhanh chóng và an ủi trẻ không sao cả. Việc bạn cổ vũ trẻ và để trẻ tự đứng dậy là cách ứng phó đúng đắn với hành vi của trẻ ở độ tuổi này, nhằm tránh tình trạng làm cho việc té ngã của trẻ trở nên quá "kịch tính" không cần thiết.
Trẻ té ngã
Cổ vũ trẻ đứng lên để giảm nhẹ tình huống nếu con té ngã. Ảnh Internet
  • Không trừng phạt trẻ hay to tiếng, ép buộc nếu trẻ không chia sẻ đồ chơi của mình với trẻ khác. Quyền lực và sự ép uổng của bạn chỉ khiến trẻ thêm phẫn nộ chứ không khiến con trở nên hào phóng hay học được cách sẻ chia.
  • Luôn quan tâm và tương tác với trẻ, không để trẻ một mình vì điều này dễ làm cho con trở nên sợ hãi, lo lắng.

Cách dạy trẻ 2 tuổi - đến đây hẳn bố mẹ cũng thấy rõ hơn thực sự là một chủ đề khá hay để tìm hiểu. Sẽ thật hữu ích khi cha mẹ nào có con ở độ tuổi này cũng cùng nghiên cứu, tham khảo về cách dạy trẻ 2 tuổi phong phú như thế nào. Yeutre.vn tin rằng, sự tham khảo này sẽ giúp bố mẹ bổ sung vào hoạt động thự tiễn phù hợp hơn, để dạy trẻ nhà mình một cách thật hiệu quả. Nhờ đó, trẻ sẽ có một bước phát triển thật tốt. Trong đó, phụ huynh không chỉ giải quyết được các vấn đề với trẻ, thay vào bằng sự phát huy hết ưu điểm của con ở độ tuổi này; mà còn làm nền tảng vững chắc, cho giai đoạn phát triển sau của con thêm phần thuận lợi hơn.

Nguồn tham khảo: Parenting, Parents và Baby Centre

Cát Lâm tổng hợp và lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI