Cách dạy trẻ 1 tuổi theo các chuyên gia giáo dục và nhiều nhà tâm lý học, không chỉ đơn thuần là dạy trẻ biết gì, hay kỹ năng nào; mà đồng thời còn là quá trình làm thay đổi dần nhận thức của chính cha mẹ chúng, về sự phát triển của một cá thể độc lập, có tính cách, có quan điểm cá nhân ngày càng thành hình rõ nét.
Và, để dạy trẻ 1 tuổi có được những kỹ năng cần thiết, vừa phát huy hết khả năng của con ở độ tuổi này, cũng như làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển ở năm tiếp theo, trước hết, cha mẹ nên hiểu rõ đặc điểm của trẻ khi con lên 1 tuổi.
1. Về đặc điểm của trẻ 1 tuổi
Trẻ 1 tuổi có những đặc điểm đặc trưng của mình. Con đã có những bước phát triển mới. Những thay đổi ở con có thể là dấu mốc quan trọng, mà nhờ đó, cha mẹ có thể hiểu con hơn. Từ đó, cha mẹ có thể giúp con phát triển tốt hơn. Nhằm phát huy được hết khả năng của trẻ ở giai đoạn này, cha mẹ cần nắm những đặc điểm chính của trẻ 1 tuổi như dưới đây.
1.1 Kỹ năng vận động thô
Trẻ đã khá cứng cáp có thể đứng, bò về phía trẻ muốn, tự mình ngồi lên hay bám vào ghế, cửa để đứng dậy. Con có thể leo bậc thềm nhà, leo cầu thang và chủ động tiến về phía bạn mà không cần sự trợ giúp. Một số trẻ đã có thể đi được vài bước mà không cần vịn hay sự giúp đỡ của người lớn.
1.2 Kỹ năng vận động tinh
Trẻ 1 tuổi cũng có những điểm thay đổi rất thú vị trong kỹ năng vận động của mình như con cầm điện thoại giả vờ nói chuyện hoặc cầm lược để chải đầu. Và, vì con cầm nắm cũng đã thuần thục hơn nên con có thể nhặt nhạnh một quả nho trên bàn, hay thậm chí là...một con bọ đi lạc để cho vào miệng.
Con cũng có thể tự bốc thức ăn một cách nhuần nhuyễn hơn. Một số trẻ có thể tự cầm thìa rất tốt lúc này và trẻ có thể giữ cốc uống nước mà không đổ.
Mẹ sẽ ngạc nhiên khi con có thể hợp tác với mẹ trong việc thay quần áo, cầm giúp món đồ nào đó, lau bàn ăn, hoặc lật vài trang sách.
Con có thể cầm chắc một món đồ gì đó và đập nó. Trẻ độ tuổi này rất thích đập và quăng ném đồ đạc. Con có thể chọc ngón tay vào các lỗ nhỏ mà con quan sát được hay phát hiện ra. Bé thích thú với việc nắm giấy, đập tay lên giấy và in dấu tay của mình lên đó.
Trẻ 1 tuổi đã có thể xếp chồng hai đồ vật lên nhau hoặc đập hai vật nào đó lại với nhau.
1.3 Ngôn ngữ
Ở độ tuổi 1 tuổi , thay vì la hét và không rõ nhưng âm phát ra như các tháng trước đó, lúc này trẻ đã có thể phát âm rõ hơn một số từ như mama hay papa. Con còn biết nói "không" và một số trẻ còn có thể trả lời "có" kèm theo gật đầu, nếu bạn cho con một chút gợi ý trong cuộc trò chuyện.
1.4 Cảm xúc
Trẻ 1 tuổi rất nhú nhát khi gặp người lạ. Con có thể òa khóc khi cha mẹ rời đi. Trẻ rất bám mẹ hoặc một người nào đó (khi không có mẹ ở bên) mà trẻ gần gũi. Mẹ cũng thấy trẻ sẽ "bám mẹ" thường xuyên rõ rệt. Điều này khá bình thường với trẻ ở giai đoạn này, chỉ vì con cảm thấy việc "bám mẹ" làm bản thân thoải mái, yên tâm hơn nhất là khi trẻ đang gặp phải tình trạng mệt mỏi, sợ hãi hay cô đơn.
Trẻ thích được mọi người quan tâm chú ý và con cũng rất dễ thương đáp lại mọi người bằng cử chỉ âu yếm đáng yêu của mình.
Con cũng bắt đầu có xu hướng trở nên độc lập hơn theo cách của bản thân. Do đó, sẽ không hiếm gặp tình trạng con muốn mẹ chỉ mở một vài quyển sách nào đó theo ý mình, hay muốn tự mặc áo dù con chưa thể tự làm.
1.5 Học tập và tương tác xã hội
Con thích lặp lại âm thanh mà con nghe được. Trẻ dễ dàng bắt chước người khác những hành động dễ thực hiện khi con chơi cùng.
Con thích khám phá mọi thứ xung quanh bằng cách cầm nắm, lắc, đập đồ vật. Trẻ có thể nhìn vào chính xác một món đồ khi mẹ gọi tên, nếu như mẹ từng dạy cho trẻ về món đồ với tên gọi trước đó.
2. Cách dạy trẻ 1 tuổi với các kỹ năng cơ bản dựa trên đặc điểm của bé
2.1 Cách dạy trẻ 1 tuổi kỹ năng giao tiếp
Ở 1 năm tuổi, trẻ có khả năng phát ra âm thanh và hình thành những từ ngữ rõ ràng đầu tiên. Chính vì thế mẹ nên trò chuyện với trẻ hàng ngày . Đây là cách tăng cơ hội để cho con phát triển vốn từ, dần thể hiện được bản thân qua lời nói sau đó.
Mẹ có thể thường xuyên đọc sách cho con nghe và khuyến khích con tham gia bằng cách, dùng các loại sách hình sinh động, chỉ vào các hình ảnh khi kể chuyện, nhấn mạnh một số từ ngữ, ngữ điệu sinh động. Con sẽ lắng nghe và tiếp nhận câu chuyện bằng âm thanh, cũng như hình ảnh mà mình nhìn thấy qua sách. Với cách này, con không chỉ tiếp xúc được với nhiều âm thanh, hình ảnh hơn, mà còn tăng khả năng bắt chước, tích lũy vốn từ để có thể phát âm tốt sau này.
Mẹ có thể hát cho bé nghe thường xuyên để con tiếp cận nhiều âm thanh sinh động hơn. Đây cũng là một cách để lôi cuốn sự chú ý của bé về âm thanh và kích thích bé học hỏi và tích lũy từ.
Giao tiếp bằng mắt, đưa ra các lựa chọn và câu hỏi khuyến khích bé tham gia giao tiếp. Cách này nhằm thúc đẩy bé phát âm và mẹ có cơ hội để dạy bé phát âm từ ngày càng rõ hơn.
2.2 Cách dạy trẻ kỹ năng tương tác xã hội và cảm xúc
Trẻ 1 tuổi bắt đầu khám phá và mạnh dạn thử trải nghiệm những gì mà trẻ tiếp xúc, nắm bắt, gặp được. Sự khám phá này mang lại cho trẻ những tiến bộ nhất định trong sự phát triển cảm xúc và tương tác xã hội của mình.
Để giúp trẻ phát triển kỹ năng này, mẹ hãy chọn một ngày hoặc một khoảng thời gian nhất định nào đó để cho bé ra bên ngoài chơi, có thể chơi ở công viên, sân chơi gần nhà hoặc nhà bạn hàng xóm. Như thế, con sẽ có cơ hội để khám phá nhiều hơn, tiếp xúc nhiều hơn, cũng như học được một vài yếu tố tích cực khác, có lợi cho sự phát triển cảm xúc và tương tác xã hội của trẻ.
2.3 Dạy con kỹ năng vận động
Khi 1 tuổi, con đã vận động tốt, bò nhanh, bám đứng và tập đi. Để giúp con phát triển kỹ năng vận động của mình hoàn thiện hơn trong giai đoạn này mẹ hãy:
- Dọn dẹp phòng thoáng và rộng để con có thể di chuyển thật thoải mái trong phòng, cũng như tránh té ngã.
- Đặt để một vài "công cụ" có thể làm bạn hỗ trợ cho con bám đứng, tập đi,...như chiếc ghế nhỏ, chiếc bàn.
- Cho con đến các trung tâm giải trí trẻ em hoặc các phòng sinh hoạt cộng đồng có trẻ em để con có thể di chuyển một cách hứng thú, leo trèo, đi đứng tốt hơn. Ở những môi trường này, trẻ còn có thể tìm kiếm, khám phá được nhiều điều thú vị hơn trong hoạt động thể chất ở đây, mà con không tìm thấy khi ở nhà.
- Trong khi con vui chơi, di chuyển và khám phá, mẹ hãy luôn để mắt để hỗ trợ con khi cần thiết. Cũng như, lưu ý giúp con phát triển thêm về cách giữ thăng bằng, cách leo trèo sao cho an toàn,...
Tất cả những hoạt động ở trên không chỉ mang lại lợi ích tích cực về phát triển kỹ năng vận động ở trẻ 1 tuổi, mà còn giúp con rèn luyện tính độc lập, phát triển sự tự tin của bản thân.
2.4 Giúp con thực hành nhuần nhuyễn hơn kỹ năng phối hợp tay & mắt qua các trò chơi và đồ chơi phù hợp
Chọn đồ chơi phù hợp cho trẻ 1 tuổi cũng là cách giúp con phát triển kỹ năng phối hợp tay và mắt tốt lên. Cách chơi đồ chơi phù hợp cũng góp phần giúp con tăng khả năng tương tác xã hội, phát triển cảm xúc và có thêm nhiều trải nghiệm giá trị khác ngoài mục đích vui chơi giải trí.
Ví dụ, mẹ có thể chọn một số món đồ chơi cho trẻ như bếp, chén, thìa, chổi nhỏ, đồ hốt rác,...và dạy con cách chơi. Với các món đồ chơi này, trẻ không chỉ phát triển thêm về sự phối hợp tay và mắt, mà còn góp phần nuôi dưỡng một phần cơ bản ý thức liên quan đến nề nếp sinh hoạt sau này.
Mẹ cũng có thể cho bé chơi các loại bóng nhiều màu sắc, đố con màu, kích cỡ quả bóng, đẩy bóng qua lại cùng bé,..hay cùng con xếp hình khối nhiều màu sắc, kích cỡ,....Cách này sẽ tăng mức độ tương tác của con với bạn, cho con nhiều trải nghiệm về cung bậc cảm xúc đa dạng hơn, khiến cho bạn và con thêm phần gần gũi, thân thiết.
3. Lưu ý dành cho mẹ trong cách dạy trẻ 1 tuổi
- Do con chưa xác định được đối tượng nào đứng yên hay vật nào là chuyển động hoặc không cố định, nên có thể sẽ không an toàn khi bé bám vào để đứng dậy hoặc bước đi. Vì vậy, mẹ cần để mắt tới trẻ và bảo đảm các đồ vật chung quanh con đủ an toàn cho bé.
- Kiên nhẫn trò chuyện, đọc sách, giúp con tiếp cận âm thanh hình ảnh và xây dựng nền tảng vốn từ phong phú để có thể nói chuyện tốt, diễn đạt tốt ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ sau đó.
- Vì trẻ 1 tuổi có sự phát triển cảm xúc đã rõ ràng hơn trước và thích sự gần gũi hay được quan tâm mạnh mẽ, nên mẹ cần tránh rời con đột ngột hay trốn trẻ. Điều này có thể sẽ khiến trẻ thêm sợ hãi và khủng hoảng. Do đó, hãy nhẹ nhàng tạm biệt con và nói cho trẻ biết việc mẹ sẽ rời đi trong chốc lát rồi sẽ quay lại. Điều này có thể trẻ sẽ tăng độ bám víu nhưng mẹ thuyết phục thì con sẽ chấp nhận và biết chờ đợi mẹ quay lại. Hãy tập dần cho trẻ thói quen này mẹ nhé, mẹ đừng lo con không hiểu, hãy kiên nhẫn với trẻ, trẻ sẽ hiểu theo mức độ của con.
- Dù con nhút nhát và sợ hãi người lạ, nhưng mặt khác con cũng thích chơi với bạn và tương tác với người khác. Nên, mẹ hãy thường xuyên đưa con ra ngoài để con có cơ hội tiếp xúc những điều thú vị chung quanh, nhằm giúp con phát triển kỹ năng, cảm xúc của mình. Một điểm khác mẹ cần lưu ý là, trẻ 1 tuổi vẫn chưa thể nhận thức rõ về khái niệm hay ý nghĩa của sự chia sẻ, nên khi chơi chung với bạn có thể con sẽ không chia sẻ đồ chơi của mình. Mẹ đừng cố buộc con phải chia sẻ vì con sẽ không hiểu điều nên hoàn toàn có thể dẫn đến những phản ứng tiêu cực. Hãy đưa cho trẻ khác một món đồ chơi khác để có thể cân bằng tình thế mẹ nhé.
Có thể nhấn mạnh một lần nữa rằng, giai đoạn 1 tuổi là khi con đã chấm dứt độ tuổi sơ sinh và bắt đầu bước vào một quá trình thay đổi rất nhanh, phát triển rất mạnh mẽ. Điều này hoàn toàn nằm trong một tiến trình bình thường, nhằm hoàn tất bước khởi động quan trọng, làm nền tảng vững chắc cho thời kỳ phát triển quan trọng ở độ tuổi lên 2-3 tuổi sau đó.
Như vậy, cách dạy trẻ 1 tuổi với một số kỹ năng quan trọng không phải là quá sớm phải không bố mẹ nhỉ. Với bất kỳ bố mẹ nào, con ở giai đoạn nào cũng còn rất nhỏ bé. Tuy nhiên, sự thực, trẻ lớn lên mỗi ngày với những đặc điểm và như cầu cùng yêu cầu cần được bố mẹ nhận diện rõ, nhận thức đúng. Từ đó, phụ huynh sẽ có phương pháp giáo dục phù hợp với con, nhằm giúp con phát triển tốt nhất ở mỗi giai đoạn của mình.
Qua nội dung chia sẻ ở trên liên quan đến vấn đề cách dạy trẻ 1 tuổi, Yeutre.vn rất hy vọng, mọi cha mẹ đều tích cực dạy con ngay từ khi vừa qua những tháng ngày sơ sinh, với những kỹ năng cần thiết, phù hợp ở độ tuổi này của trẻ. Đây là cách chuẩn bị tốt nhất để những ngày sau con lớn lên, con sẽ trở nên độc lập, tự tin, mạnh mẽ, có cá tính, vui tươi và luôn hiền hòa gần gũi với thế giới chung quanh mình.
Nguồn tham khảo: Share Care, Mom.me & Verywell Family
Cát Lâm tổng hợp và lược dịch