Dạy trẻ 3 tuổi như thế nào cho thật hiệu quả?

Dạy trẻ 3 tuổi là việc các bậc cha mẹ có thể cảm thấy khá khó khăn. Vì chúng ta thường nghe về khủng hoảng tuổi lên 1, lên 2, lên 3,…và những giai đoạn này trẻ thường rất bướng bỉnh. Trong đó, tuổi lên 3 có lẽ là một trong những độ tuổi mà trẻ trải qua nhiều thay đổi nhất. Chúng ta hãy cùng xem trẻ 3 tuổi có những mốc phát triển gì đặc biệt và cách dạy trẻ như thế nào là hiệu quả nhé. 

banner ads
Dạy trẻ 3 tuổi
Dạy trẻ 3 tuổi với nhiều cha mẹ sẽ cảm thấy khó khăn không ít. Ảnh Internet

1. Mốc phát triển các cha mẹ cần nắm được để có thể dạy trẻ 3 tuổi phù hợp

Dưới đây là những mốc phát triển của hầu hết trẻ em ở độ tuổi lên 3:

1.1. Sự phát triển về mặt thể chất của trẻ 3 tuổi

Kỹ năng vận động của trẻ 3 tuổi hầu như đã khá đa dạng. Trẻ lúc này đã có thể thực hiện tốt các việc như:

  • Leo trèo.
  • Chạy nhảy.
  • Đạp xe đạp 3 bánh.
  • Đi lên, xuống cầu thang theo từng bước, chân này nối tiếp chân kia. 
Trẻ tập leo
Trẻ 3 tuổi đã có thể kiểm soát tốt khả năng vận động của mình. Ảnh: Freepik 

1.2. Sự phát triển về mặt nhận thức của trẻ 3 tuổi

Khả năng nhận thức của trẻ 3 tuổi thể hiện qua các mặt học hỏi, tư duy và giải quyết vấn đề. Lúc này trẻ có thể:

  • Chơi những món đồ chơi gồm nhiều bộ phận, hoặc những món đồ chơi nhỏ.
  • Chơi trò tưởng tượng với búp bê, động vật và cả người.
  • Chơi xếp hình với hình ghép khoảng 3 – 4 mảnh.
  • Hiểu được ý nghĩa của từ “hai”.
  • Vẽ vòng tròn bằng bút chì.
  • Lật sách từng trang một.
  • Xây tháp đồ chơi với chiều cao hơn 6 khối.
  • Vặn mở nắp hộp hoặc tay nắm cửa. 
Trẻ cầm sách
Trẻ 3 tuổi có thể lật sách từng trang một. Ảnh Internet 

1.3. Sự phát triển về mặt ngôn ngữ và giao tiếp của trẻ 3 tuổi

Về mặt ngôn ngữ và giao tiếp, trẻ 3 tuổi có thể:

  • Làm theo câu lệnh gồm 2 – 3 bước.
  • Gọi tên được hầu hết các đồ vật quen thuộc.
  • Hiểu được ý nghĩa của các giới từ chỉ vị trí ví dụ như ở trên, ở dưới, ở trong,…
  • Nói được tên họ và tuổi của mình.
  • Kể tên một người bạn của mình.
  • Biết sử dụng các đại từ như con, chúng ta, mẹ, ba,…và một số từ số nhiều đơn giản như xe hơi, chó, mèo,…
  • Nói chuyện trôi chảy mà hầu như người lạ có thể hiểu được.
  • Trò chuyện một đoạn hội thoại ngắn gồm 2 – 3 câu. 
Trẻ nói chuyện
Trẻ mói chuyện trôi chảy chúng ta có thể hiểu được. Ảnh Internet 

1.4. Sự phát triển về mặt cảm xúc và xã hội

Trẻ 3 tuổi đã khá nhạy cảm, sự phát triển về mặt cảm xúc và xã hội của con thể hiện quan khả năng:

banner ads
  • Bắt chước bạn bè và người lớn.
  • Thể hiện tình cảm với bạn bè mà không cần nhắc nhở.
  • Chịu chờ tới lượt hoặc thay phiên.
  • Thể hiện sự quan tâm đến một người bạn đang khóc.
  • Hiểu được khái niệm sở hữu như của con, của bạn, của anh,…
  • Thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.
  • Thể hiện sự khó chịu nếu lịch trình quen thuộc bị thay đổi.
  • Tự mặc và cởi đồ. 
Trẻ vui chơi
Trẻ 3 tuổi đã có khả năng thể hiện rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Ảnh: Rasing Children Network 

2. Dạy trẻ 3 tuổi như thế nào cho hiệu quả

Dựa vào đặc điểm phát triển, bạn có thể áp dụng một số cách dạy trẻ 3 tuổi để giúp trẻ trở nên độc lập tự tin hơn. Chúng bao gồm:

2.1. Dạy trẻ 3 tuổi sự trân trọng bản thân

Trẻ 3 tuổi thường được xem là còn quá nhỏ và chưa nhận thức được về giá trị của bản thân. Do vậy chúng ta chưa có sự xem trọng đúng đắn đối với trẻ. Trên thực tế, thì liên quan đến cách dạy trẻ 3 tuổi , dạy con sự trân trọng bản thân rất quan trọng. Nó sẽ tạo nền tảng để trẻ hình thành sự tự tin và phát triển toàn diện hơn sau này. 

Trẻ kéo vali
Bạn hãy dạy trẻ 3 tuổi tự mang đồ đạc của mình để rèn luyện sự tự lập cho con. Ảnh: The Points Guy 

Bạn có thể áp dụng những điều dưới đây để dạy trẻ:

  • Dành thời gian với trẻ để lắng nghe, trò chuyện và nói bạn yêu trẻ.
  • Giúp trẻ nghĩ ra cách để giải quyết một vấn đề.
  • Khuyến khích trẻ làm và theo đuổi những gì trẻ yêu thích.
  • Trưng bày sản phẩm, tác phẩm của trẻ trong nhà.
  • Kỉ niệm những mốc phát triển của trẻ dù bằng những hành động nhỏ.
  • Cho trẻ được tự lựa chọn trang phục (giới hạn trong khoảng 2 – 3 bộ phù hợp với thời tiết và hoàn cảnh.)
  • Cho trẻ thời gian để tự mặc đồ vào buổi sáng.
  • Khuyến khích trẻ tự mang ba lô, túi xách hoặc đồ đạc của mình.
  • Giúp trẻ học và ghi nhớ tên, địa chỉ và số điện thoại nhà hoặc ba mẹ, người chăm sóc. 
Dạy trẻ nhớ thông tin ba mẹ
Bạn hãy giúp trẻ ghi nhớ thông tin của ba mẹ hoặc người chăm sóc. Ảnh Internet 
  • Quan sát để nhận biết được sở thích của trẻ, từ đó bạn có thể đưa ra cho trẻ những thử thách nhằm nâng cao kỹ năng của con.
  • Hãy nhẹ nhàng đối với các lỗi phạm và sai lầm của trẻ. Trẻ sẽ học hỏi được nhiều hơn và tự tin hơn khi tham gia vào một hoạt động mới nếu nhận được sự động viên từ bạn.
  • Khi trẻ thể hiện lỗi sai về mặt câu chữ, ngữ pháp trong trò chuyện, giao tiếp, thay vì bắt trẻ sửa sai, bạn hãy lặp lại câu nói đó một cách chính xác. Việc này sẽ giúp trẻ tránh được cảm giác xấu hổ khi bị sửa sai. Nó đem lại trải nghiệm tích cực và khuyến khích trẻ ghi nhớ lâu hơn so với việc bị quở trách.
  • Hãy cho trẻ thấy phản ứng tích cực của bạn thay vì phê phán rằng trẻ làm sai. Hãy giúp trẻ sửa chữa sai lầm bằng việc đưa ra các ví dụ và hướng dẫn đúng đắn.
  • Bạn hãy nhớ rằng quá trình và nỗ lực của trẻ mới quan trọng chứ không phải kết quả. 
Bố mẹ và trẻ
Bạn hãy nhớ rằng quá trình và nỗ lực của trẻ mới quan trọng. Ảnh Internet 

2.2. Dạy trẻ 3 tuổi hình thành thói quen ăn uống lành mạnh

Dạy trẻ 3 tuổi thói quen ăn uống lành mạnh sẽ rất hữu ích cho quá trình phát triển của con sau này. Đối với vấn đề ăn uống, không bao giờ là quá sớm để bắt đầu dạy trẻ. Bạn có thể áp dụng một số cách sau:

  • Khuyến khích trẻ tự ăn, uống bằng các dụng cụ có kích cỡ phù hợp với độ tuổi của trẻ. Việc này sẽ giúp trẻ ăn uống một cách độc lập và tự tin hơn.
  • Khuyến khích trẻ ăn uống lành mạnh bằng việc giới thiệu cho trẻ các loại thực phẩm đa dạng, tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trái cây và rau củ, ngũ cốc nguyên hạt cũng như các loại mì, ngũ cốc, bánh mì, mì ống chế biến từ ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, thịt gia cầm, cá, sữa và các chế phẩm sữa.
  • Khuyến khích trẻ uống nhiều nước thay vì nước trái cây hay các loại đồ uống chứa đường.
  • Lựa chọn thực phẩm ít hoặc không chứa muối cho trẻ.
  • Thể hiện mong muốn của bạn đối với việc trẻ thử các loại thực phẩm mới, nhưng không ép buộc trẻ ăn nếu con không thích. Thay vì vậy, bạn hãy giới thiệu nhiều lần và trẻ có thể thay đổi ý định.
  • Thể hiện sự quan tâm và hứng thú đến những gì trẻ trải qua trong ngày. 
Trẻ đang ăn ngon
Bạn cũng cần dạy trẻ 3 tuổi thói quen ăn uống lành mạnh. Ảnh: helpingkidsgrow 

2.3. Dạy trẻ 3 tuổi khi ra ngoài

Không chỉ ở nhà, mà khi ra ngoài bạn cũng có thể dạy trẻ 3 tuổi, cụ thể là những điều sau:

  • Kiên nhẫn bước đi cùng tốc độ với trẻ khi ra ngoài hoặc ở nơi công cộng.
  • Khi ra ngoài, bạn hãy chỉ cho trẻ những sự vật, sự việc dọc đường đi. Đó là cách giúp trẻ học từ mới cũng như nhận diện môi trường xung quanh.
  • Tạo không khí vui tươi và giao tiếp hòa nhã với người thân hay bạn bè xung quanh khi ở ngoài. Việc này sẽ giúp trẻ biết trân trọng khoảng thời gian này và mối quan hệ với mọi người.
  • Nhắc trẻ đội mũ, và bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài chơi.
  • Nhắc trẻ đi trên lề đường khi đi bộ.
  • Giúp trẻ hiểu ý nghĩa của tín hiệu giao thông.
  • Khuyến khích trẻ cất đồ chơi gọn gàng sau khi chơi xong.
  • Khuyến khích trẻ vận động vì việc này sẽ giúp trẻ rèn luyện và phát triển hệ cơ xương, có được một trái tim khỏe mạnh, khả năng đương đầu với áp lực và sự căng thẳng. Vận động cũng giúp trẻ ngủ ngon hơn vào ban đêm. 
Khuyến khích trẻ vận động
Bạn hãy khuyến khích con vận động. Ảnh Internet 
  • Khuyến khích mọi thành viên trong gia đình vận động cùng nhau. Các hoạt động mọi người có thể cùng tham gia như đá banh, bơi lội, khiêu vũ,…
  • Khuyến khích trẻ bảo vệ môi trường.
  • Cho trẻ tham gia vào hoạt động làm vườn, tưới cây, trồng những cây rau thơm nhỏ và dùng những lá rau thơm đó cho bữa ăn. Việc này vừa khuyến khích trẻ yêu thiên nhiên vừa giúp con hào hứng hơn với bữa ăn. Vì con được ăn những lá rau do chính mình trồng và chăm sóc.
  • Bạn nên cho trẻ được phụ giúp cha mẹ làm việc nhà phù hợp độ tuổi như vứt rác vào thùng rác, vứt giấy vào thùng rác tái chế,…Trẻ sẽ học được thái độ tôn trọng môi trường sống xung quanh
  • Nhắc nhở trẻ biết tận dụng đồ dùng trong sinh hoạt và học tập để tránh lãng phí. Với việc dạy trẻ 3 tuổi, bạn có thể hướng dẫn trẻ vẽ trên cả hai mặt của tờ giấy trắng, hoặc dùng phấn vẽ trên bảng. 
Bé gái bên luống rau
Bạn nên cho trẻ tham gia hoạt động làm vườn. Ảnh Internet 

2.4. Ý tưởng về các hoạt động bạn có thể áp dụng để dạy trẻ 3 tuổi

Có rất nhiều ý tưởng về các hoạt động thú vị mà bạn có thể áp dụng để dạy trẻ 3 tuổi. Tiêu biểu như:

  • Khuyến khích trẻ hình thành và xây dựng tình yêu với âm nhạc. Đây là cách hiệu quả giúp trẻ thư giãn và giảm căng thẳng sau này.
  • Cho trẻ sử dụng một vài món đồ làm bếp an toàn.
  • Dành một khu vực trong bếp để cất giữ các dụng cụ trẻ có thể sử dụng như bộ gõ.
  • Khuyến khích trẻ dùng phấn hoặc bút để vẽ.
  • Cho trẻ chơi các món đồ chơi đơn giản, thiết thực. Bạn không cần thiết phải mua sắm cho con những món đồ chơi đắt tiền.
  • Chuẩn bị cho trẻ những món đồ chơi đơn giản như xếp hình (loại ít mảnh ghép), các dụng cụ âm nhạc đơn giản như trống, khối bột để nhào nặn, màu sáp để vẽ, thú bông nhỏ và sách.
  • Giữ lại các loại thùng giấy cho trẻ chơi các trò chơi xây dựng. Đây là trò yêu thích của trẻ ở độ tuổi này. 
Trẻ làm bánh
Bạn hãy dạy trẻ 3 tuổi cách sử dụng một số đồ dùng làm bếp đơn giản, an toàn. Ảnh: Jeff Dietz Photography 

2.5. Dạy trẻ 3 tuổi hạn chế xem TV như thế nào

Dạy trẻ 3 tuổi hạn chế xem TV cũng là việc rất cần thiết mà bạn nên thực hiện. Vì các chương trình TV không có lợi cho sự phát triển của trẻ. Bạn có thể làm điều này bằng cách:

  • Kể chuyện cho trẻ, đọc sách cùng trẻ trước mỗi giờ ngủ, cho dù chỉ là câu chuyện hay vài trang sách ngắn. Bạn có thể biến việc này thành lịch trình hàng ngày vì nó sẽ giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
  • Bạn nên kể những câu chuyện thực tế hơn là truyện cổ tích, hư cấu.
  • Tránh sử dụng TV làm công cụ dỗ trẻ. Khi có mặt trẻ bạn cũng nên hạn chế thời gian xem TV. Bạn cũng hãy giới hạn thời gian xem TV của trẻ.
  • Dạy trẻ cách tắt TV và giúp trẻ rèn luyện khả năng tự kiểm soát để biết khi nào là đủ khi ngồi trước TV.
  • Không mở TV trong bữa ăn. Đây sẽ là ví dụ thiết thực về việc khi nào là thời gian hợp lý để xem TV. Việc này cũng giúp cả gia đình có thể cùng trò chuyện trong khi ăn. 
Mẹ đọc sách cùng bé
Bạn nên đọc sách cùng trẻ thay vì xem TV. Ảnh Internet 

Dạy trẻ 3 tuổi là việc mà các bậc cha mẹ nên đầu tư thời gian để thực hiện thật tốt. Vì trẻ 3 tuổi thường đã kiểm soát rất tốt kỹ năng vận động của mình. Chúng cũng nhận thức được và tò mò hơn về thế giới xung quanh. Cha mẹ với tư cách là nhà giáo dục gần gũi nhất có thể truyền lại các giá trị cho trẻ bằng các hoạt động nhỏ. Chúng sẽ giúp trẻ tăng cường sự tự tin trong cuộc sống hàng ngày và tạo nền tảng cho sự phát triển ở những giai đoạn sau.

Theo CDC, Daily Montessori

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI