Bà bầu không nên ăn gì trong thai kỳ để mẹ tròn con vuông?

Bà bầu không nên ăn gì để giúp mẹ và con khỏe mạnh trong suốt thai kỳ? Chế độ ăn uống hàng ngày của mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và sự phát triển của thai nhi trong bụng. Bên cạnh những loại thực phẩm tốt cho bà bầu, vẫn có rất nhiều món mà bà bầu không nên ăn hoặc hạn chế thêm vào khẩu phần ăn hàng ngày. Mời bạn cùng Yeutre.vn tìm hiểu những loại thực phẩm bà bầu không nên ăn trong thai kỳ nhằm bảo vệ sức khỏe của mẹ và con nhé.

banner ads
Bà bầu không nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe mẹ và con trong cả thai kỳ
Bà bầu không nên ăn gì để đảm bảo sức khỏe mẹ và con trong cả thai kỳ? Ảnh Internet

1. Tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong thai kỳ

  • Khi mẹ mang thai, mọi thứ mẹ ăn vào đều sẽ được chia sẻ với con ở trong bụng. Nguồn dinh dưỡng giúp nuôi thai nhi chính là từ mẹ, từ nguồn dinh dưỡng mà mẹ nạp vào cơ thể mình mỗi ngày. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và phù hợp không chỉ giúp thai nhi phát triển khỏe mạnh, hạn chế được các dị tật thai nhi, mà còn giúp cho mẹ bầu có được sức đề kháng tốt trong cả thai kỳ.
  • Có những loại thực phẩm tuy không gây hại cho mẹ, nhưng nó lại có thể gây hại cho thai nhi non nớt. Mẹ phải cực kỳ thận trọng với những loại thực phẩm mẹ ăn hàng ngày để bảo vệ bé con trong bụng được an toàn. Vài loại thực phẩm khi đi vào cơ thể mẹ sẽ gây ảnh hưởng đến tần suất co thắt của tử cung gây hại cho thai nhi, hay những nhóm thực phẩm có nguy cơ chứa các loại vi khuẩn tiềm tàng khả năng gây bệnh cho bé trong bụng mẹ, đều phải được loại bỏ khỏi danh sách món ăn hàng ngày.
Nhiều loại thực phẩm khi đi vào cơ thể mẹ sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi
Nhiều loại thực phẩm khi đi vào cơ thể mẹ sẽ gây ảnh hưởng đến thai nhi. Ảnh Internet
  • Bên cạnh đó, có những loại thực phẩm tác động xấu trực tiếp đến sức khỏe của mẹ. Vì khi mang thai, hệ thống miễn dịch trong cơ thể của mẹ cũng yếu đi, điều này đồng nghĩa với việc nguy cơ mắc các bệnh truyền qua đường thực phẩm cao hơn. Tránh hoặc hạn chế được những loại thực phẩm có hại trong khi mang thai sẽ giúp mẹ có được sức khỏe tốt nhất để vượt qua những triệu chứng trong thai kỳ.

2. Bà bầu không nên ăn gì trong cả thai kỳ?

Bất kỳ một loại thực phẩm dù cho có giàu chất dinh dưỡng đến đâu thì cũng đều có giới hạn hàm lượng chất đưa vào cơ thể. Ăn một loại thực phẩm bổ dưỡng nhiều quá cũng sẽ phản tác dụng, khiến cơ thể dư chất và sinh bệnh. Đặc biệt là trong thời gian mang thai, việc mẹ bầu nên ăn gì hay không nên ăn gì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mẹ lẫn con. Dưới đây là những thực phẩm mẹ bầu nên lưu ý khi lựa chọn khẩu phần ăn hàng ngày của mình.

2.1. Nhóm thực phẩm kiên kỵ trong thai kỳ

  • Thực phẩm chứa cồn : Cồn có thể gây ức chế và tổn thương não của thai nhi trong bụng mẹ. Đến thời điểm hiện tại, chưa có bất kỳ nghiên cứu nào cho thấy cồn là an toàn với phụ nữ mang thai, thế nên mẹ bầu hãy tuyệt đối nói không với thức uống chứa cồn nhé.
  • Thực phẩm chưa chín hẳn : Nếu có thói quen ăn những món như trứng ốp la, sushi cá sống, bò tái, hàu sống, sò điệp... thì mẹ nên tạm gác lại trong thời gian mang thai. Các loại vi khuẩn hay ký sinh trùng tiềm tàng trong những món ăn sống hay chín tái sẽ gây hại cho hệ miễn dịch của hai mẹ con. Tốt nhất các món ăn của mẹ nên được chế biến chín đều, nhất là các loại hải sản vỏ sống như tôm, cua, sò, ốc,...
Các món ăn chưa chín hẳn như sushi tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn gây bệnh
Các món ăn chưa chín hẳn như sushi tiềm ẩn rất nhiều vi khuẩn gây bệnh. Ảnh Internet
  • Gan động vật : Gan là nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, bao gồm các chất như sắt, vitamin B12, Vitamin A,... đều là những chất rất cần thiết cho sức khỏe của mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, ăn quá nhiều thịt nội tạng như gan sẽ gây ra tình trạng dư thừa vitamin A trong cơ thể dẫn đến ngộ độc gan, thậm chí là gây dị tật thai nhi . Dư thừa vitamin A trong thời gian mang thai cũng có thể khiến mẹ bầu bị đau đầu, rối loạn thần kinh, rối loạn hệ tiêu hóa, ảnh hưởng đến thị giác của mẹ.
  • Các loại nước ép tươi : Nước trái cây tươi được vắt và bán trực tiếp tại chợ hay hàng quán có thể chưa được tiệt trùng đúng cách. Trong những loại nước này có thể còn chứa các loại vi khuẩn có hại cho đường ruột như vi khuẩn Salmonella và E. coli.
  • Thực phẩm làm từ nguyên liệu tươi sống : Patê, nem, chả, xúc xích,... được làm từ những nguyên liệu tươi sống và có thể chứa các vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm cho cả mẹ và con. Hãy chế biến chúng thật kỹ và nấu chín chúng trước khi ăn.
Thức ăn đóng hộp chứa ít chất dinh dưỡng và có thể có chất bảo quản mẹ bầu nên tránh
Thức ăn đóng hộp chứa ít chất dinh dưỡng và có thể có chất bảo quản mẹ bầu nên tránh. Ảnh Internet
  • Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn : Những loại thức ăn đóng hộp thường chứa ít chất dinh dưỡng mà lại còn nhiều calo, nhiều đường, các chất béo bổ sung và chất bảo quản. Loại thực phẩm này có thể gây ra các bệnh về tim mạch và bệnh tiểu đường thai kỳ nếu mẹ bầu ăn thường xuyên.

2.2. Nhóm thực phẩm mẹ bầu cần hạn chế

  • Các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao : Lượng thủy ngân trong cá có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của thai nhi, đồng thời gây hại cho hệ thống thần kinh, hệ miễn dịch và thận của bé trong bụng mẹ. Các loại cá chứa nhiều thủy ngân mà mẹ bầu nên hạn chế như cá kiếm, cá thu, cá ngừ,... chỉ nên ăn cách hai tuần một lần, trong hai tuần đó mẹ cũng không nên ăn thêm bất kỳ loại cá nào khác.
  • Thực phẩm chứa caffeine : Những loại thực uống có chứa chất caffeine được rất nhiều người ưa chuộng như cà phê, trà, nước ngọt, ca cao,... Dù với hàm lượng rất nhỏ và không gây nguy hiểm cho người uống, tuy nhiên nó lại có thể gây nguy hiểm cho thai nhi và gây khó chịu cho mẹ bầu trong thai kỳ. Mẹ nên giới hạn lượng caffeine đưa vào cơ thể, tốt nhất là ít hơn 200 mg caffeine mỗi ngày, tức là mẹ chỉ nên uống tối đa một cốc nhỏ thức uống chứa caffeine mỗi ngày thôi.
Mẹ nên hạn chế các thức uống chứa caffeine như cà phê hay trà
Mẹ bầu nên hạn chế các thức uống chứa caffeine như cà phê hay trà. Ảnh Internet
  • Các món chiên xào nhiều dầu mỡ : Mẹ bầu nên hạn chế các món được chế biến nhiều dầu mỡ vì sẽ khiến hệ tiêu hóa của mẹ làm việc rất vất vả. Mẹ cũng sẽ dễ bị mắc chứng đầy hơi, khó tiêu và ợ nóng thai kỳ với những món ăn dạng này.
  • Các món ăn ngọt chứa nhiều đường : Có rất nhiều mẹ bầu thèm ngọt khi mang thai, tuy nhiên ăn quá nhiều đồ ngọt như bánh, kẹo, nước ngọt có gas, nước trái cây, sẽ khiến mẹ bị tăng cân trong thai kỳ , tăng lượng đường trong máu dẫn đến bệnh tiểu đường hoặc các bệnh về tim mạch.
  • Thức ăn thêm nhiều gia vị : Các món ăn quá mặn hay quá nhiều gia vị nếu ăn quá nhiều đều không tốt cho phụ nữ đang mang thai. Đặc biệt là các loại bánh snack ăn vặt hay thức ăn nhanh như khoai tây chiên, hamburger,… đều được thêm nhiều gia vị, qua chế biến nhiều lần và hàm lượng chất béo cũng khá cao, ăn nhiều sẽ khiến mẹ khó chịu và ảnh hưởng đến thai nhi.
Ăn quá nhiều đồ ngọt khi mang thai khiên mẹ bầu có nguy cơ mắc các bệnh trong thai kỳ
Ăn quá nhiều đồ ngọt khi mang thai khiên mẹ bầu có nguy cơ mắc các bệnh trong thai kỳ. Ảnh Internet

2.3. Bà bầu không nên ăn rau củ gì?

  • Rau sam : Loại rau này có gây kích thích tử cung của mẹ khá mạnh, khiến cho cường độ thu co của tử cung tăng nhanh hơn và có thể gây ra sảy thai.
  • Ngải cứu : Dù ngải cứu được sử dụng trong các bài thuốc dành cho người bị động thai hay sảy thai, thì mẹ bầu ăn quá nhiều loại rau này cũng không tốt. Vì ngải cứu có thể khiến mẹ bầu bị xuất huyết và kích thích co bóp cổ tử cung nên dễ gây sinh non hoặc thậm chí là sảy thai nếu ăn quá nhiều.
Ngải cứu tuy là một loại rau tốt, nhưng lại không tốt cho mẹ bầu
Ngải cứu tuy là một loại rau tốt, nhưng lại không tốt cho mẹ bầu. Ảnh Internet
  • Rau răm : Mẹ bầu mang thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, không nên ăn nhiều rau răm vì sẽ khiến mẹ bầu bị thiếu máu thai kỳ , gây co thắt tử cung khiến nguy cơ sảy thai cao hơn.mẹ bầu bị thiếu máu thai kỳ, gây co thắt tử cung khiến nguy cơ sảy thai cao hơn.
  • Rau ngót : Chất papaverin trong loại rau này có thể gây nên hiện tượng co thắt cơ trơn tử cung và gây tiêu chảy. Nếu mẹ dùng trên 30 gam là rau ngót tưới thì nguy cơ bị sảy thai sẽ rất cao, đặc biệt là những mẹ từng có tiền sử sảy thai liên tiếp, sinh non hoặc con hiếm muộn thì càng nên hạn chế ăn rau ngót.
  • Chùm ngây : Dù loại rau này rất tốt cho sức khỏe vì nó chứa chất dinh dưỡng gấp nhiều lần những loại rau khác. Tuy nhiên có một chất trong loại rau này là alpha-sitosterol có thể làm co cơ trơn tử cung dẫn đến sảy thai.
  • Mướp đắng (khổ qua) : Ăn mướp đắng trong thai kỳ dễ gây ra tình trạng giảm đường huyết, gây kích thích tử cung dẫn đến sinh non. Mướp đắng cũng chứa rất ít xơ và chất béo nên không cung cấp đủ dinh dưỡng cho mẹ bầu. Ngoài ra, chất vicine trong hạt của mướp đắng có thể gây kích ứng với những mẹ bầu nhạy cảm, gây nhức đầu, đau bụng và thậm chí là hôn mê.
Khoai tây lên mầm, hay bất cứ loại củ lên mầm nào cũng đều chứa độc tố
Khoai tây lên mầm, hay bất cứ loại củ lên mầm nào cũng đều chứa độc tố. Ảnh Internet
  • Khoai tây : Mẹ bầu không nên ăn quá nhiều khoai tây, vì trong khoai tây, nhất là khoai tây đã mọc mầm có chứa một chất gọi là solaninne (chất kiềm sinh vật), chất này nếu tích lũy trong cơ thể mẹ bầu quá nhiều sẽ gây nguy cơ dị tật cho thai nhi.

2.4. Bà bầu không nên ăn quả gì?

  • Dứa : Đặc biệt trong 3 tháng đầu của thai kỳ, các mẹ bầu không nên ăn hay uống nước ép dứa. Vì trong dứa có chứa chất bromelain có thể làm mềm tử cung và tác động mạnh đến bào thai.
  • Nhãn : Theo y học cổ truyền, ăn nhãn thường dẫn đến hiện tượng nóng trong, có thể khiến động thai, gây chảy máu và đau bụng, tổn thương đến thai nhi.
  • Đu đủ xanh : Đu đủ xanh hoặc chưa chín hẳn chứa nhiều enzymes và mủ, ăn vào có thể gây co thắt tử cung khiến mẹ bị sảy thai.
Đu đủ xanh hoặc đu đủ chưa chín hẳn gây co thắt tử cung
Đu đủ xanh hoặc đu đủ chưa chín hẳn gây co thắt tử cung khiến mẹ có nguy cơ sảy thai. Ảnh Internet
  • Đào : Đào có tính nóng nên nếu mẹ bầu ăn quá nhiều có thể gây xuất huyết. Lớp lông ở vỏ đào còn dễ khiến mẹ bầu bị ngứa rát họng nữa. Mẹ nên gọt vỏ đào khi ăn và không nên ăn lượng quá nhiều nhé.
  • Táo mèo : Táo mèo được chứng minh là gây ra kích thích co bóp tử cung, gây ra các cơn co thắt dẫn đến sinh non , có thể khiến sảy thai.

3. Những bệnh mẹ bầu thường gặp do thực phẩm và cách phòng tránh

Việc tránh hoặc hạn chế được những loại thực phẩm độc hại cũng như có được chế độ sinh hoạt ăn uống đúng đắn sẽ giúp mẹ tránh được các loại bệnh do thực phẩm gây ra trong khi mang thai. Có một chế độ dinh dưỡng cho mẹ bầu đầy đủ sẽ giúp đảm bảo cho sức khỏe của cả mẹ lẫn thai nhi.

3.1. Bệnh ngộ độc thức ăn trong thai kỳ

Mẹ có thể bị ngộ độc thức ăn khi mang thai nếu không có chế độ ăn an toàn
Mẹ có thể bị ngộ độc thức ăn khi mang thai nếu không có chế độ ăn an toàn. Ảnh Internet

Ngộ độc thức ăn trong thai kỳ là một điều vô cùng nguy hiểm cho cả mẹ và con. Mẹ bầu khi bị ngộ độc thực phẩm có thể bị nôn mửa, tiêu chảy, sốt cao và các biến chứng khác. Điều này sẽ ảnh hưởng rất xấu đến thai nhi trong bụng mẹ, thậm chí có thể dẫn đến sảy thai. Để phòng tránh ngộ độc thức ăn khi mang thai , mẹ nên lưu ý những điều sau:

  • Rửa thực phẩm thật sạch : Đối với các loại thịt cá tươi sống, mẹ bầu nên rửa sạch trước khi chế biến hay nấu chín. Với các loại rau, mẹ hãy sơ chế thật kỹ, rửa rau với nước muối và dưới vòi nước chảy để trôi hết bụi bẩn.
Các loại rau và trái cây nên được rửa sạch hoặc gọt vỏ trước khi ăn
Các loại rau và trái cây nên được rửa sạch hoặc gọt vỏ trước khi ăn. Ảnh Internet
  • Ăn các món chín : Các món thịt sống, cá sống chính là nguồn vi khuẩn và ký sinh không ngờ, lời khuyên là hãy nấu chín thật kỹ các loại thịt cá trước khi ăn mẹ nhé. Các loại rau mẹ cũng nên nấu chín, vì rất có thể vẫn còn sót lại thuốc bảo vệ thực vật trên rau mà nước thường không thể rửa sạch.
  • Giữ cho bếp luôn sạch sẽ : Sau khi sử dụng các loại dụng cụ trong bếp như dao, kéo, thớt,... mẹ đừng quên rửa thật sạch và phơi ở nơi khô ráo nhé. Vì đây chính là những đồ vật tiếp xúc trực tiếp với các món ăn mẹ nấu nên cần được đảm bảo vệ sinh sạch sẽ.

3.2. Mẹ có biết đến bệnh do nhiễm khuẩn listeria?

Bệnh do nhiễm khuẩn listeria thường xảy ra ở phụ nữ mang thai và có thể biến chứng nguy hiểm
Bệnh do nhiễm khuẩn listeria thường xảy ra ở phụ nữ mang thai và có thể biến chứng nguy hiểm. Ảnh Internet

Bệnh do nhiễm khuẩn listeria, hay còn gọi là bệnh listeriosis , là bệnh nhiễm trùng được gây ra bởi vi khuẩn listeria. Những người bị nhiễm loại vi khuẩn này là những người thường ăn các loại thực phẩm bị ô nhiễm hoặc thực phẩm không được nấu chín. Bệnh rất dễ xảy ra ở phụ nữ mang thai và có thể dẫn đến sinh non, sảy thai hoặc thai chết lưu. Các triệu chứng của bệnh khi mắc phải là sốt, nhức đầu, tiêu chảy, mệt mỏi và có thể bị co giật. Mẹ bầu nên lưu ý để phòng tránh bệnh do nhiễm khuẩn listeria:

  • Không nên uống sữa chưa qua tiệt trùng và các món ăn được làm từ sữa chưa tiệt trùng.
  • Nấu chín kỹ các món ăn từ thịt động vật.
  • Thức ăn nấu xong nên ăn càng sớm càng tốt, không nên để quá lâu.
  • Luôn hâm nóng lại thức ăn và ăn ngay lúc còn nóng
  • Rửa thật sạch các loại rau và trái cây trước khi ăn, trái cây mẹ nên gọt vỏ nhé.
Luôn giữ gian bếp được sạch sẽ để phòng tránh vi khuẩn gây bệnh mẹ nhé
Luôn giữ gian bếp được sạch sẽ để phòng tránh vi khuẩn gây bệnh mẹ nhé. Ảnh Internet
  • Rửa sạch tay và các dụng cụ làm bếp trước khi nấu ăn.
  • Để riêng thực phẩm chín và thực phẩm tươi sống.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà bếp, đặc biệt là tủ lạnh.

4. Những lưu ý trong thói quen ăn uống của mẹ bầu

Bên cạnh một chế độ ăn uống hợp lý, mẹ bầu nên tạo cho mình những thói quen ăn uống lành mạnh. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ khi mang thai và giúp con được sinh ra khỏe mạnh.

Mẹ bầu cần lưu ý những gì trong sinh hoạt ăn uống thường ngày
Mẹ bầu cần lưu ý những gì trong sinh hoạt ăn uống thường ngày. Ảnh Internet
  • Chia nhỏ bữa ăn : Không nên ăn quá nhiều trong một bữa vì sẽ khiến mẹ bầu gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như chứng khó tiêu hay chứng ợ nóng khi mang thai .
  • Ăn chậm nhai kỹ : Bên cạnh việc ăn vừa đủ trong mỗi bữa ăn, mẹ hãy ăn chậm raci và nhai thức ăn kỹ để hệ tiêu hóa không phải làm việc quá tải.
  • Uống đủ nước : Nước giúp cho hoạt động tuần hoàn trong cơ thể được hoạt động trơn tru, đặc biệt là đối với các mẹ đang mang thai, thì uống đủ lượng nước mỗi ngày còn giúp mẹ phòng tránh được chứng táo bón thai kỳ. Mẹo nhỏ cho mẹ: hãy đặt những chai nước xung quanh nhà, ở những nơi mẹ thường ngồi để luôn nhớ việc uống nước.
Mẹ hãy nhớ uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày nhé!
Mẹ hãy nhớ uống đủ lượng nước cần thiết mỗi ngày nhé! Ảnh Internet
  • Không bỏ bữa : Các mẹ bầu, nhất là các mẹ bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ, nên cố gắng ăn đủ các bữa trong ngày, đặc biệt là bữa ăn sáng. Các triệu chứng như nghén, ợ nóng,… có thể khiến mẹ không muốn ăn, mẹ hãy ăn một ít và ăn nhiều bữa trong ngày để đảm bảo duy trì đủ nguồn dinh dưỡng cho cả mẹ và con.
  • Ăn đầy đủ các nhóm chất : Khi mang thai, mẹ có thể chỉ muốn ăn một vài món khoái khẩu mà bỏ qua những món ăn chứa nhiều chất dinh dưỡng cần thiết khác. Thói quen này có thể khiến mẹ bị mất cân bằng các chất trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ bị mắc các bệnh trong thai kỳ. Thiếu nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cũng khiến thai nhi có nguy cơ bị suy dinh dưỡng bào thai . Vậy nên mẹ hãy cố gắng ăn đa dạng các loại thực phẩm vì sự phát triển của bé con trong bụng mẹ nhé.

Bà bầu không nên ăn gì luôn là câu hỏi được nhiều mẹ bầu quan tâm, để an toàn và phòng tránh các loại bệnh cho cả mẹ & con trong suốt thai kỳ của mình. Dù sẽ vất vả cho mẹ bầu rất nhiều khi phải lưu ý kiêng cử các loại thực phẩm không có lợi cho phụ nữ mang thai, nhưng với tình thương dành cho bé con trong bụng, các mẹ hãy cố gắng tránh những món ăn không tốt trong thực đơn hàng ngày nhé. Chuyên mục Mang thai chúc cho mẹ bầu có một thai kỳ luôn khỏe mạnh và vượt cạn thuận lợi, mẹ tròn con vuông nhé.

Nguồn tham khảo: Successiblelife, Healthline, Baby Centre

Nguyễn Diệp tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI