Bà bầu bị tiêu chảy có thực sự nguy hiểm?

Bà bầu bị tiêu chảy thường không hiếm gặp. Tình trạng này vẫn thường xảy ra nhiều trong tam cá nguyệt thứ nhất và khi mẹ gần đến ngày dự sinh. Đây tuy không phải là vấn đề nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu tiêu chảy kéo dài, sẽ gây nên tình trạng mất nước, và ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của mẹ, cũng như thai nhi. Do đó, mẹ bầu cần phải có một cái nhìn tổng quát về bệnh, nhằm chọn được những cách xử lý tốt nhất, bảo đảm hơn cho sức khỏe bản thân và không ảnh hưởng đến em bé.

banner ads
bà bầu bị tiêu chảy
Tình trạng bà bầu bị tiêu chảy thường không hiếm gặp và nó thường xảy ra nhiều nhất trong tam cá nguyệt thứ nhất và khi mẹ gần đến ngày dự sinh. Ảnh Internet

Khi mang thai, có lẽ mẹ bầu sẽ gặp khá nhiều những rắc rối và chuyện tiêu chảy nhiều lần trong ngày, thậm chí trong suốt thai kỳ cũng không là ngoại lệ. Một số nghiên cứu cho thấy, trên 3.682 phụ nữ mang thai sẽ có ít nhất 14.3% mẹ bầu từng gặp phải tình trạng này. Hãy cùng Yeutre.vn tham khảo ngay bài viết dưới đây mẹ nhé, để biết thêm nhiều hơn về nguyên nhân cũng như cách chữa trị khi mẹ bị tiêu chảy trong thai kỳ.

1. Những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng tiêu chảy ở mẹ bầu

Mẹ bầu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng trên 3 ngày thì rất có thể đã bị tiêu chảy. Tình trạng tiêu chảy thường do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là do chế độ ăn uống hằng ngày không đảm bảo vệ sinh, kèm theo sức đề kháng và hệ tiêu hóa của mẹ khi mang thai có phần giảm sút nên tình trạng tiêu chảy vẫn thường xuyên ghé thăm mẹ trong giai đoạn thai kỳ.

Ngoài ra, chứng tiêu chảy mẹ thường hay gặp khi mang thai cũng đến từ những nguyên nhân sau đây:

  • Do sự thay đổi trong khẩu phần ăn và chế độ dinh dưỡng một cách đột ngột kèm theo t ình trạng ốm nghéntrong những tháng thai kỳ đầu tiên cũng khiến mẹ nhạy cảm với mùi thức ăn và gây ra các chứng đầy hơi, chướng bụng, thậm chí là đi ngoài nhiều lần.
tiêu chảy
Tình trạng ốm nghén trong những tháng thai kỳ đầu tiên cũng sẽ khiến mẹ nhạy cảm với mùi thức ăn và gây ra các chứng đầy hơi, chướng bụng, thậm chí là đi ngoài nhiều lần. Ảnh Internet
  • Khi mang thai, mẹ sẽ có nhiều sự thay đổi về hormone thai kỳ, đặc biệt là sự gia tăng của progesterone khiến hệ tiêu hóa làm việc chậm lại, nhu động ruột kéo dài thời gian làm việc và thư giãn quá nhiều dẫn tới tình trạng thức ăn nằm lại trong dạ dày và đại tràng lâu hơn, gây đầy hơi, khó chịu ở bụng dưới. Đây được coi là nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng tiêu chảy, thậm chí là táo bón khi mang thai.
  • Trong thời kỳ mang thai, nhiều mẹ bầu phải tăng cường lượng sữa mỗi ngày cho bản thân và cả thai nhi trong bụng. Tuy nhiên, tùy theo cơ địa của mỗi người mà một số mẹ bầu không có khả năng dung nạp đường lactose có trong sữa. Loại đường này sẽ không phân hủy được rồi chuyển xuống ruột già. Tại đây, các vi khuẩn sẽ phân hủy lactose thành chất lỏng và khí. Từ đó, cơ thể mẹ sẽ xuất hiện các triệu chứng ở hệ tiêu hóa như đầy hơi, tiêu chảy.
  • Tình trạng tiêu chảy khi mang thai cũng có thể là do mẹ bị hội chứng ruột kích thích, bệnh Crohn (bệnh viêm ruột), bệnh celiac (không dung nạp gluten) và viêm loét đại tràng.
  • Các loại vitamin cần thiết trong thai kỳ cũng có khả năng làm dạ dày mẹ bầu cảm thấy khó chịu và gây nên tình trạng tiêu chảy. Hoặc có thể do một số loại thuốc huyết áp, thuốc kháng axit có chứa magiê và thuốc kháng sinh gây kích ứng đến hệ tiêu hóa và dẫn đến tình trạng tiêu chảy ở mẹ bầu.
thuốc
Một số loại thuốc cũng có thể gây kích ứng đến hệ tiêu hóa dẫn đến việc mẹ bầu bị tiêu chảy. Ảnh Internet
  • Đôi khi, trường hợp bữa ăn có nhiều thức ăn lạ với quá nhiều chất đạm, chất mỡ cũng sẽ khiến cơ thể không hấp thu được, gây rối loạn tiêu hóa. Lượng thức ăn không hấp thụ này sẽ phải tống ra ngoài qua tình trạng tiêu chảy của mẹ.
  • Bà bầu bị tiêu chảy cũng rất có thể là do nhiễm một số loại vi khuẩn có trong nước uống và thức ăn hoặc do nhiễm virus Rota, Cyptomegalo, ký sinh trùng đường ruột như Giardia, Cryptosporidium và Entamoeba histolytica,... cũng sẽ gây ra tình trạng tiêu chảy nặng cho mẹ.
  • Còn một nguyên nhân nữa, khi ở những ngày cuối của thai kỳ, mẹ cũng sẽ bị tiêu chảy và nó có thể xảy ra ngay trước khi chuyển dạ hoặc vài tuần trước khi mẹ bắt đầu chuyển dạ. Và nếu mẹ bị tiêu chảy vì lý do này thì cũng đừng quá lo lắng nhé. Lúc này, mẹ chỉ cần chăm sóc sức khỏe thật tốt để chào đón bé yêu ra đời trong một vài ngày nữa.

2. Bà bầu bị tiêu chảy có nguy hiểm không?

Tình trạng tiêu chảy trong thai kỳ hầu như là tình trạng chung của các mẹ bầu và nó sẽ tự biến mất khi mẹ bầu cung cấp lại đúng các loại thực phẩm và giữ đủ nước cho cơ thể. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp mẹ bầu bị tiêu chảy kéo dài và không điều trị kịp thời sẽ gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của cả hai mẹ con. Trong đó, nếu mẹ bị tiêu chảy do vi khuẩn tả, do virus rota ,... thì số lần đi tiêu và nôn mửa rất nhiều làm cho người mẹ bầu cảm thấy kiệt sức, suy sụp rất nhanh, nếu không điều trị kịp thời có thể gây ra nhiều nguy hiểm. Điều đáng lo ngại ở đây là các cơn đau ở ổ bụng sẽ kích thích tử cung co bóp, đe dọa sự an toàn của thai nhi.

tiêu chảy
Có nhiều trường hợp mẹ bầu bị tiêu chảy kéo dài và không điều trị kịp thời sẽ gây ra những tác động xấu đến sức khỏe của thai nhi. Ảnh Internet

Vì thế, khi bị tiêu chảy, mẹ không thể chủ quan và tự ý uống thuốc mà chưa có sự hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, trong những trường hợp sau đây, mẹ cần đến bệnh viện để được thăm khám ngay:

  • Tình trạng tiêu chảy ở mẹ kéo dài quá 2 ngày và có kèm theo máu.
  • Tiêu chảy kèm theo ói mửa và kiệt sức.
  • Bà bầu bị tiêu chảy và đau bụng dữ dội trong nhiều giờ.
  • Bắt đầu có các cơn co thắt hoặc cảm thấy cơ thể bị mất nước - khát nước quá mức, da dính và nước tiểu sẫm màu hoặc sậm.

Phụ nữ mang thai thường có sức đề kháng yếu nên rất dễ mắc bệnh tiêu chảy và theo đó, mức độ nguy hiểm cũng sẽ cao hơn. Ngoài tác hại của tiêu chảy có thể thấy rõ qua mẹ thì thai nhi trong bụng cũng sẽ chịu ảnh hưởng không tốt. Bé có thể bị suy dinh dưỡng chậm phát triển và nặng hơn nữa có thể làm thai chết lưu trong bụng mẹ.

3. Bà bầu bị tiêu chảy phải làm sao?

Khi bị tiêu chảy, cơ thể mẹ sẽ thiếu hụt một lượng nước đáng kể. Do đó, bù đắp lại lượng nước đã mất là điều đầu tiên và quan trọng nhất mẹ bầu cần lưu ý. Mà mẹ nên chú ý, chỉ uống nước đun sôi để nguội hoặc uống oresol, tuyệt đối tránh xa những loại nước ép, sinh tố, nước ngọt,... trong khoảng thời gian này nhé. Rất có thể những loại nước này sẽ kéo thêm cơn tiêu chảy về đấy mẹ.

uống nước
Bù đắp lại lượng nước đã mất là điều đầu tiên và quan trọng nhất khi mẹ bầu bị tiêu chảy. Ảnh Internet

Một số tình trạng tiêu chảy không tự hết do vi khuẩn hoặc ký sinh trùng, mẹ có thể dùng kháng sinh để điều trị. Nhưng nếu tiêu chảy do virus gây ra thì kháng sinh cũng sẽ không có tác dụng. Do đó, mẹ cần đến bệnh viện để tìm hiểu ra nguyên nhân và cách chữa trị hợp lý nhất.

Ngoài việc bổ sung thêm nước và đến bác sĩ để thăm khám thì việc thay đổi chế độ dinh dưỡng của mình để giải quyết hiệu quả tình trạng tiêu chảy  cũng rất quan trọng. Cụ thể là:

3.1 Hạn chế những thực phẩm dễ gây ra tình trạng tiêu chảy

Có một số thực phẩm khiến tình trạng tiêu chảy và đau bụng của mẹ dữ dội hơn. Do đó, mẹ cần tránh xa các thực phẩm chiên xào nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, các sản phẩm từ bơ sữa, thức uống có ga và nhiều caffeine. Những loại trái cây sấy khô, thực phẩm nhiều đường như kẹo hay chocolate, các loại thịt đỏ như thịt bò cũng cần được hạn chế trong khoảng thời gian này.

3.2 Mẹ cần tuân thủ chế độ ăn đặc biệt

Khi bị tiêu chảy, mẹ nên ăn những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa như chuối, cơm, táo, bánh mì nướng, khoai tây nghiền (không có phụ gia), rau củ như cà rốt, bí, thịt nạc heo, gà, cháo và bột yến mạch,... sẽ giúp cân bằng vi khuẩn đường ruột và cung cấp dinh dưỡng. Bên cạnh đó, sữa chua cũng là loại thực phẩm khá tốt cho sức khỏe và có thể đẩy lùi tiêu chảy một cách hiệu quả.

tốt
Khi bị tiêu chảy, mẹ nên ăn những thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa. Ảnh Internet

4. Chữa tiêu chảy cho bà bầu bằng các bài thuốc dân gian

Từ xa xưa, ông bà ta đã có những phương pháp chữa tiêu chảy rất hay cho bà bầu nhờ những loại thực phẩm lành tính có từ thiên nhiên. Nếu đang gặp phải vấn đề khó khăn về tiêu chảy trong thai kỳ thì mẹ có thể tham khảo ngay các cách chữa dân gian đơn giản dưới đây nhé:

Một lưu ý cho mẹ là các bài thuốc dân gian này chỉ có tác dụng khi mẹ bị tiêu chảy ở thể nhẹ. Nếu bệnh có biểu hiện nặng ngay từ đầu hoặc kéo dài 2-3 ngày thì các mẹ cần đi khám bác sĩ ngay.

4.1 Chữa tiêu chảy bằng gừng tươi

Gừng tươi từ lâu đã được coi là thực phẩm rất tốt cho những mẹ bầu bị tiêu chảy.

Mẹ chỉ cần chuẩn bị:

  • 100g gừng tươi hoặc 30g gừng khô
  • 5g lá chè khô
  • Nấu hai nguyên liệu này với 800g nước cho đến khi lượng nước chỉ còn 2/3 số nước ban đầu thì mẹ cho thêm 15g dấm gạo.
  • Lượng nước sau khi nấu xong, chia làm 3 lần uống/ ngày và dùng khoảng 1 - 2 liều sẽ khỏi.
gừng tươi
Chữa tiêu chảy bằng gừng tươi. Ảnh Internet

4.2 Chữa tiêu chảy ở bà bầu bằng búp ổi

Cách đầu tiên mẹ có thể lấy một nắm búp ổi, rửa sạch và nhai với vài hạt muối nuốt cả bã.

Cách thứ 2 là dùng:

  • 12 - 20g búp ổi hoặc lá ổi non, sao sơ.
  • 10g gừng nướng hoặc củ riềng khô.
  • 10 - 12g vỏ quýt khô.

Cho hết nguyên liệu trên vào ấm sắc chung với 500ml nước cho đến khi lượng nước còn khoảng 200ml thì chia làm 2 lần uống trước mỗi bữa ăn.

Bài thuốc này rất hiệu quả với những chứng tiêu chảy thông thường, đặc biệt là tiêu chảy do lạnh.

4.3 Chữa tiêu chảy bằng nước gạo rang

Với phương thuốc này, mẹ chỉ cần dùng gạo tẻ đem sao vàng hạ thổ rồi tán nhỏ thành bột mịn khoảng 8- 10 gam với một ít nước cơm hòa lẫn vào uống ngày 2-3 lần.

Hoặc sử dụng chè khô cùng gạo rang với số lượng bằng nhau, sắc chung với 3 lát gừng tươi và chia uống thành nhiều lần trong ngày. Nên uống khi còn ấm thì sẽ có hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể dùng:

  • 10g gạo đã sao vàng
  • 15g lá ngải cứu khô
  • 10g đường đỏ.
  • Đun sôi tất cả nguyên liệu trong ấm ngập nước rồi để ấm. Mẹ nên uống mỗi ngày/ 1 lần. Sau 2 ngày sẽ khỏi.
gạo tẻ
Chữa tiêu chảy bằng nước gạo tẻ rang. Ảnh Internet

4.4 Chữa tiêu chảy bằng lá mơ và trứng gà

Theo y học cổ truyền, lá mơ lông có vị đắng chát, tính mát, tiêu thực sát khuẩn và là vị thuốc để chữa trị tiêu chảy và kiết lỵ cực kỳ hiệu quả.

Mẹ bầu chỉ cần dùng:

  • Khoảng 100g lá mơ tía, rửa sạch, ngâm với nước muối loãng trong vòng 5 phút.
  • Sau đó, xắt lá mơ thật nhỏ rồi trộn chung với 1 quả trứng gà, nêm một chút muối cho vừa miệng.
  • Vì tiêu chảy kiêng dầu mỡ nên mẹ có thể hấp cách thủy hỗn hợp trứng lá mơ hoặc chiên vớ chảo không dích. Một cách khác nữa là mẹ có thể dùng 2 miếng lá chuối sạch đẻ lót chảo để chiên.

Với phương thuốc này, mẹ có thể ăn 2 - 3 lần/ ngày và liên tục trong khoảng 3 ngày để đường ruột ổn định.

5. Cách phòng bệnh tiêu chảy cho bà bầu

Để hạn chế tốt đa tình trạng tiêu chảy đáng ghét thì trong giai đoạn mang thai, mẹ nên lưu ý những cách phòng bệnh tiêu chảy dành cho bà bầu được kể ra dưới đây nhé:

  • Thực hiện chế độ ăn chín uống sôi, hạn chế ăn tại các hàng quán không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm và tuyệt đối không ăn gỏi, các loại rau sống không được rửa kỹ, tiết canh hay thịt sống/ tái,...
  • Tránh ăn các thức ăn ôi thiu, nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm hóa chất độc hại. Nên lựa chọn các thực phẩm còn tươi, màu sắc tự nhiên, không mua thực phẩm có màu sắc quá khác biệt như rau quá xanh, thịt quá sẫm màu hoặc quá tái màu,... và mua ở các cơ sơ cung cấp thực phẩm uy tín.
mua đồ ăn
Mẹ bầu chỉ nên mua thực phẩm ở các cơ sơ cung cấp thực phẩm uy tín để đảm bảo an toàn. Ảnh Internet
  • Mẹ bầu nên có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái và hợp lý trong suốt thai kỳ.
  • Hạn chế những loại cá biển, tôm, ốc hoặc các thực phẩm các mẹ từng có tiền sử bị đau bụng, tiêu chảy khi ăn chúng.
  • Hạn chế ăn những loại cá biển, tôm, ốc hoặc các thực phẩm các mẹ từng có tiền sử bị đau bụng hoặc tiêu chảy khi ăn chúng.
  • Nếu cơ thể mẹ không thể hấp thu được đường lactose thì mẹ cần cắt giảm lượng sữa tiêu thụ khi mang thai và tìm kiếm các nguồn canxi khác để đảm bảo cơ thể không bị thiếu canxi. Đây là cách giải quyết trong trường hợp uống sữa bầu bị tiêu chảy
  • Hạn chế đến mức tối đa việc uống nước ngọt có gas và thức uống đóng chai nhiều đường, phẩm màu, các loại nước có chất kích thích như trà, cà phê và nước uống tăng lực.
  • Tránh tiêu thụ những nhóm thực phẩm giàu gia vị hay ẩn chứa lượng chất béo vượt ngưỡng cho phép.
  • Ngay cả không mắc bệnh tiêu chảy mẹ bầu vẫn cần uống khoảng 2.5 lít nước mỗi ngày vì khi mang thai, mẹ cũng cần phải cung cấp nhiều nước cho cả thai nhi.

6. Những câu hỏi liên quan đến chuyện bà bầu bị tiêu chảy

6.1 Tiêu chảy có xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ hai?

Như đã nói ở trên, tình trạng tiêu chảy ở mẹ bầu thường gặp nhất ở tam cá nguyệt đầu tiên và những ngày gần sinh. Và nếu trong tam cá nguyệt thứ hai mẹ bị tiêu chảy và có kèm theo bất cứ triệu chứng nào khác như sốt hoặc đau nhiều, mẹ nên đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt nhé.

bà bầu bị tiêu chảy
Tiêu chảy có xuất hiện ở tam cá nguyệt thứ hai? Ảnh Internet

6.2 Tiêu chảy có phải là dấu hiệu của thai kỳ?

Tiêu chảy cũng được coi là một triệu chứng sớm nhất khi mẹ bị thai nghén, kèm theo tình trạng nôn mửa, buồn nôn và chán ăn. Nguyên nhân hàng đấu gây nên các hiện tượng này là do cơ thể mẹ khi mang thai có sự gia tăng nồng độ hormone, đặc biệt là estrogen, progesterone và hCG.

6.3 Tiêu chảy khi mang thai có nguy hiểm đến thai nhi?

Thông thường, tình trạng tiêu chảy mẹ thường gặp khi mang thai sẽ không gây hại đến thai nhi. Nhưng nếu tiêu chảy kéo dài và trầm trọng, mẹ bầu sẽ có nguy cơ mất nước và gây cản trở máu đến bào thai. Và đặc biệt, mẹ bầu bị tiêu chảy do biến chứng của nhiễm trùng tử cung hoặc nhiễm trùng ổ bụng,... trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba có thể nguy hiểm cho thai nhi.

Việc bà bầu bị tiêu chảy cũng khá dễ gặp trong giai đoạn thai kỳ. Tuy nhiên, qua các chia sẻ ở trên, chúng ta cũng thấy rằng, mẹ không cần phải quá căng thẳng hay lo lắng, mà hãy bình tĩnh tìm rõ nguyên nhân nếu bị tiêu chảy để có cách xử lý kịp thời và an toàn nhất cho cả hai mẹ con. Ngoài ra, để tìm hiểu thêm về bệnh tiêu chảy, các thực phẩm tốt để hồi phục, hay tránh tiêu chảy, hoặc các bài thuốc dân gian trị bệnh này trong quá trình mang thai, cũng như những bệnh thường gặp khác trong giai đoạn này, mẹ bầu có thể tham khảo thêm nhiều bài viết hữu ích khác trong Chuyên mục Chăm sóc thai kỳ của Yeutre.vn nhé. Chúc mẹ cùng bé có một hành trình mang thai thật hạnh phúc và thật nhiều sức khỏe.

Hiền Anh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI