1. Vô sinh và hiếm muộn khác nhau ở điểm nào
Vô sinh và hiếm muộn đều chỉ về khả năng có con của các cặp vợ chồng. Trong đó, dù hoạt động tình dục diễn ra đều đặn, các biện pháp tránh thai không được sử dụng, nhưng sau 1 năm họ vẫn không có con.
Điểm khác nhau giữa vô sinh và hiếm muộn đó là:
- Vô sinh : Không có khả năng có con
- Hiếm muộn : Có khả năng có con nhưng khó khăn và mất thời gian lâu hơn bình thường
Mặc dù khái niệm về vô sinh và hiếm muộn có một chút khác biệt, nhưng trên thực tế, chúng thường gắn liền với nhau. Vì đối với những cặp đôi rơi vào tình trạng này, cần có sự can thiệp y tế nếu muốn có con. Nếu để tự nhiên, đối với các trường hợp hiếm muộn, thì có thể mất thời gian rất dài mới có thể mang thai. Tuy nhiên, ngay cả ở những người bình thường, thì khi kéo dài càng lâu thì khả năng có thai càng giảm xuống. Đối với những người bị vô sinh và hiếm muộn, thì tỷ lệ càng thấp hơn nữa, vì thời gian sẽ làm cho các tình trạng bệnh lý hay nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn trở nên nghiêm trọng hơn. Do vậy, tốt nhất các trường hợp này nên được thăm khám để xác định nguyên nhân nhằm can thiệp sớm để tăng hiệu quả điều trị.
2. Làm thế nào để xác định bạn có khả năng bị vô sinh hiếm muộn
Biểu hiện chính của tình trạng vô sinh và hiếm muộn chính là không có thai dù bạn có quan hệ tình dục đều đặn và không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào. Ngoài ra, bạn có thể không nhận thấy một triệu chứng rõ ràng nào khác. Đôi khi, một phụ nữ bị vô sinh có thể có kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt. Trong một số trường hợp, nam giới có thể có một số dấu hiệu của các vấn đề về nội tiết tố chẳng hạn như thay đổi sự phát triển về tóc hay chức năng tình dục.
Phần lớn các cặp vợ chồng cuối cùng sẽ thụ thai dù có hay không điều trị. Nhưng khoảng thời gian chờ đợi (nếu không có sự can thiệp về y tế) là không thể xác định được.
Bạn có thể không cần đến gặp bác sỹ chuyên khoa về sinh sản trừ khi bạn đã cố gắng thường xuyên để có thai ít nhất một năm.
Tuy nhiên, trong những trường hợp sau, bạn nên đến gặp bác sỹ sớm nhất có thể:
2.1. Đối với phụ nữ
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ sớm hơn nếu:
- Bạn 35 tuổi trở lên và đã cố gắng có thai trong 6 tháng hoặc hơn
- Bạn trên 40 tuổi và có chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc không có kinh nguyệt
- Bạn bị đau bụng dữ dội khi có kinh
- Bạn gặp vấn đề nào đó về khả năng sinh sản (mà bạn đã được biết)
- Bạn đã được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc viêm vùng chậu
- Bạn đã từng bị sảy thai (một hoặc nhiều lần)
- Bạn đã trải qua điều trị ung thư
2.2. Đối với nam giới
Bạn nên tham khảo ý kiến bác sỹ nếu:
- Bạn có số lượng tinh trùng thấp hoặc các vấn đề khác về tinh trùng
- Bạn có tiền sử đối với các vấn đề về tinh hoàn, tuyến tiền liệt hoặc tình dục
- Bạn đã trải qua điều trị ung thư
- Bạn có tinh hoàn nhỏ hoặc bị sưng ở bìu
- Những người khác trong gia đình bạn có vấn đề về sinh sản
3. Nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn
3.1. Nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở phụ nữ
Phụ nữ bị vô sinh hiếm muộn có thể do nhiều nguyên nhân, bao gồm:
- Rối loạn rụng trứng : bao gồm các rối loạn nội tiết tố như hội chứng buồng trứng đa nang, Hyperprolactinemia – tình trạng có quá nhiều hormone kích thích sản xuất sữa mẹ, cường giáp , suy giáp,…ảnh hưởng đến việc giải phóng trứng hàng tháng. Ngoài ra, tập thể dục quá nhiều, quá nặng hay rối loạn ăn uống và khối u cũng có thể gây rối loạn quá trình rụng trứng.
- Tử cung hoặc cổ tử cung bất thường : bao gồm cổ tử cung bất thường, polyp trong cổ tử cung, hoặc tử cung có hình dạng bất thường. Các khối u lành tính trong tử cung (u xơ tử cung) cũng có thể chặn ống dẫn trứng hoặc ngăn trứng thụ tinh làm tổ trong tử cung dẫn đến vô sinh.
- Tổn thương hoặc tắc ống dẫn trứng : thường do viêm ống dẫn trứng. Đây có thể là kết quả của bệnh viêm vùng chậu, thường do bệnh lây qua đường tình dục, lạc hoặc dính nội mạc tử cung gây ra.
- Lạc nội mạc tử cung : là tình trạng nội mạc tử cung phát triền bên ngoài tử cung gây ảnh hưởng đến chức năng của buồng trứng, tử cung và ống dẫn trứng.
- Suy buồng trứng nguyên phát (mãn kinh sớm): là khi buồng trứng ngừng hoạt động và kinh nguyệt kết thúc trước tuổi 40. Mặc dù nguyên nhân của mãn kinh sớm thường không rõ ràng nhưng có một số yếu tố có thể liên quan bao gồm các bệnh về hệ miễn dịch, một số bệnh di truyền như hội chứng Turner, hội chứng X, hay hậu quả của việc điều trị bằng hóa trị và xạ trị.
- Tình trạng bám dính vùng chậu : khi các dải mô sẹo có thể gây dính các cơ quan được hình thành sau khi bị nhiễm trùng vùng chậu, viêm ruột thừa, lạc nội mạc tử cung , hoặc phẫu thuật bụng hay xương chậu.
- Ung thư và điều trị ung thư : một số bệnh ung thư, đặc biệt khi liên quan đến hệ thống sinh sản, thường làm giảm khả năng sinh con của nữ giới. Cả hóa trị và xạ trị cũng có thể ảnh hưởng đến chức năng này của phụ nữ.
3.2. Nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở nam giới
Nguyên nhân dẫn đến vô sinh hiếm muộn ở nam giới bao gồm:
- Sản xuất hoặc chức năng tinh trùng bất thường do tinh hoàn ẩn, khiếm khuyết di truyền, các vấn đề về sức khỏe như bệnh tiểu đường, hoặc nhiễm trùng như chlamydia, lậu, quai bị hoặc HIV. Giãn tĩnh mạch thừng tinh cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
- Các vấn đề về xuất tinh: như khả năng tình dục hay xuất tinh sớm, một số bệnh di truyền như xơ nang, các vấn đề về cấu trúc như tắc nghẽn tinh hoàn, hoặc thiệt hại hay tổn thương ở cơ quan sinh sản.
- Tiếp xúc quá nhiều với các yếu tố môi trường nhất định chẳng hạn như thuốc trừ sâu và các loại hóa chất khác, và bức xạ. Hút thuốc lá, rượu, cần sa, steroid đồng hóa, và dùng thuốc để điều trị nhiễm khuẩn, huyết áp cao và trầm cảm cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Thường xuyên tiếp xúc với nhiệt độ cao như tắm hơi, tắm bồn nước nóng, đạp xe đường trường,…có thể làm tăng nhiệt độ ở khu vực cơ quan sinh dục, ảnh hưởng đến sản xuất tinh trùng.
- Ảnh hưởng do ung thư và điều trị ung thư. Ung thư và điều trị ung thư bao gồm cả hóa trị và xạ trị có thể làm giảm sản xuất tinh trùng đôi khi rất nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản .
4. Điều trị vô sinh hiếm muộn như thế nào
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn mà các phương pháp điều trị phù hợp sẽ được áp dụng, bao gồm:
- Sử dụng thuốc
- Phẫu thuật
- Thụ tinh nhân tạo (IUI)
- Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)
4.1. Điều trị vô sinh hiếm muộn bằng thuốc
Thuốc điều trị vô sinh hiếm muộn chủ yếu được chỉ định dùng cho phụ nữ để giải quyết vấn đề về rụng trứng. Nhưng đôi khi, chúng cũng được dùng cho cả nam giới.
Các loại thuốc điều trị phổ biến bao gồm:
- Clomifene : có tác dụng kích thích rụng trứng hàng tháng. Loại thuốc này được sử dụng cho những phụ nữ không rụng trứng thường xuyên hoặc không rụng trứng
- Tamoxifen : một lựa chọn thay thế cho clomifene có thể được cung cấp cho phụ nữ có vấn đề về rụng trứng
- Metformin : đặc biệt có lợi cho những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang
- Gonadotrophins : có thể giúp kích thích rụng trứng ở phụ nữ cũng như cải thiện khả năng sinh sản của nam giới
Một số loại thuốc được kê đơn khác để kích thích rụng trứng
Một số loại thuốc này có thể gây ra tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau đầu và bốc hỏa. Còn, thuốc kích thích rụng trứng không được khuyến cáo sử dụng cho phụ nữ bị vô sinh không rõ nguyên nhân.
4.2. Điều trị vô sinh hiếm muộn bằng phẫu thuật
Phẫu thuật có thể được dùng để điều trị các vấn đề về sinh sản gồm:
4.2.1. Phẫu thuật ống dẫn trứng
Phẫu thuật ống dẫn trứng sẽ được sử dụng để phá vỡ mô sẹo hoặc làm thông thoáng ống dẫn trứng bị tắc nghẽn, giúp trứng di chuyển dễ dàng hơn.
Sự thành công của cuộc phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ hư hại ở ống dẫn trứng.
Phương pháp phẫu thuật dù giúp sửa ống dẫn trứng để tạo con đường “bằng phẳng” hơn cho trứng đi qua, nhưng nó cũng có thể gây biến chứng thai ngoài tử cung.
4.2.2. Phẫu thuật nội soi
Phẫu thuật nội soi thường được sử dụng để điều trị cho các trường hợp lạc nội mạc tử cung, u xơ và buồng trứng đa nang. Trong đó, các túi chất lỏng, niêm mạc (đối với lạc nội mạc tử cung), u xơ (tình trạng u xơ tử cung) hay một phần buồng trứng (tình trạng buồng trứng đa nang) sẽ được loại bỏ bằng cách sử dụng nhiệt hoặc laser.
4.2.3. Phẫu thuật để sửa chữa tắc nghẽn mào tinh hoàn và lấy tinh trùng
Mào tinh hoàn là một cấu trúc giống như cuộn dây trong tinh hoàn, giúp lưu trữ và vận chuyển tinh trùng. Đôi khi mào tinh hoàn bị tắc nghẽn, ngăn không cho tinh trùng xuất tinh bình thường. Nếu đây là nguyên nhân gây vô sinh, phẫu thuật có thể được sử dụng để điều chỉnh sự tắc nghẽn.
Khi các phương pháp can thiệp để sửa chữa tắc nghẹn không hiệu quả, phương pháp phẫu thuật lấy tinh trùng sẽ được áp dụng, cụ thể đối với những trường hợp:
- Sự tắc nghẽn ngăn cản giải phóng tinh trùng
- Không có ống dẫn lưu tinh trùng ra khỏi tinh hoàn (ống dẫn tinh)
- Người đã thắt ống dẫn tinh hoặc nối ống dẫn tinh thất bại
4.3. Các phương pháp hỗ trợ sinh sản
Khi việc điều trị vô sinh hiếm muộn không mang lại hiệu quả thì các phương pháp hỗ trợ sinh sản có thể được áp dụng, bao gồm:
4.3.1. Thụ tinh nhân tạo
Thụ tinh nhân tạo là phương pháp đưa tinh trùng vào tử cung qua cổ tử cung bằng một loại ống chuyên dụng.
Tinh trùng sau khi thu thập sẽ được rửa bằng một loại chất lỏng (chuyên dụng). Sau đó những tinh trùng có chất lượng tốt nhất, di chuyển nhanh nhất sẽ được lựa chọn để bơm vào tử cung.
4.3.2. Thụ tinh trong ống nghiệm (In Vitro Fertilisation – IVF)
Trong IVF , trứng được thụ tinh bên ngoài cơ thể. Phụ nữ sẽ được dùng thuốc kích thích rụng trứng, sau đó việc chọc hút sẽ được tiến hành để lấy trứng ra khỏi cơ thể và thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm.Một (hoặc hơn) trứng thụ tinh thành công gọi là phôi sẽ được chuyển lại vào tử cung để sinh trưởng và phát triển.
4.3.3. Thụ tinh từ trứng hoặc tinh trùng hiến tặng
Nếu một trong hai phía nam hoặc nữ bị vô sinh, thì có thể nhận trứng hoặc tinh trùng từ người hiến tặng để thụ thai. Việc thụ thai khi này thường được thực hiện bằng phương pháp IVF.
5. Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng vô sinh hiếm muộn
Nhiều yếu tố nguy cơ đối với tình trạng vô sinh ở cả nam và nữ là như nhau. Chúng bao gồm:
- Tuổi tác : khà năng sinh sản của phụ nữ giảm dần theo tuổi tác, đặc biệt là ở độ tuổi ngoài 30 và giảm nhanh sau tuổi 37. Vô sinh ở phụ nữ lớn tuổi có thể là do số lượng và chất lượng trứng thấp hơn, và cũng có thể do các vấn đề về sức khỏe ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Đối với đàn ông, ngoài 40 là độ tuổi khó có con so với những người trẻ tuổi hơn.
- Hút thuốc lá : thuốc lá hoặc cần sa sẽ làm giảm khả năng có con của cả hai phía. Chúng cũng làm giảm hiệu quả của việc điều trị sinh sản, làm tăng tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ cũng tăng nguy cơ rối loạn cương dương và số lượng tinh trùng thấp ở nam giới.
- Uống rượu : uống nhiều rượu có thể góp phần gây vô sinh. Nam giới sử dụng rượu nặng có thể làm giảm số lượng và khả năng vận động của tinh trùng. Đối với phụ nữ, không có mức độ sử dụng rượu nào là an toàn trong quá trình thụ thai và mang thai.
- Tình trạng thừa cân hoặc thiếu cân : chúng có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ.
- Tập thể dục quá mức
6. Có thể phòng tránh vô sinh hiếm muộn hay không
Có một số dạng vô sinh và hiếm muộn không thể phòng tránh được. Nhưng nhiều chiến lược có thể áp dụng để tăng khả năng mang thai của bạn.
6.1. Đối với cặp đôi nói chung
Hai bạn hãy thường xuyên giao hợp xung quanh thời điểm rụng trứng . Việc quan hệ bắt đầu ít nhất 5 ngày trước và 1 ngày sau khi rụng trứng sẽ giúp cải thiện cơ hội mang thai của bạn (với điều kiện bạn có chu kỳ kinh nguyệt đều đặn, và bạn theo dõi chu kỳ của mình một cách thường xuyên).
6.2. Đối với phái mạnh
Mặc dù hầu hết các loại vô sinh hiếm muộn ở nam giới không thể phòng ngừa, nhưng một số chiến lược sau có thể có ích, bao gồm:
- Tránh sử dụng thuốc lá và uống nhiều rượu
- Tránh tiếp xúc với nhiệt độ cao vì nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng của bạn
- Tránh tiếp xúc với hóa chất độc hại từ môi trường hay nơi làm việc
- Hạn chế sử dụng các loại thuốc (cả có và không kê đơn) có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Nếu bạn cần dùng thuốc, hãy tham khảo ý kiến của bác sỹ chuyên khoa
- Tập thể dục điều độ
6.3. Đối với phụ nữ
Đối với phụ nữ, một số chiến lược sau có thể giúp tăng cơ hội mang thai, bao gồm:
- Không hoặc bỏ hút thuốc lá : thuốc lá có nhiều tác động tiêu cực đến khả năng sinh sản của bạn, đặc biệt là đối với em bé nếu bạn có thai. Vì vậy bạn không nên hút thuốc, hoặc nếu bạn đang hút thì nên bỏ thuốc trước khi cố gắng thụ thai
- Tránh uống rượu và sử dụng chất gây nghiện : rượu và chất gây nghiện không những làm giảm khả năng thụ thai và mang thai khỏe mạnh, mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của bạn. Vì vậy tốt nhất bạn không nên dùng chúng.
- Hạn chế caffeine : caffeine cũng là một chất có thể ảnh hưởng đến khả năng có con nếu sử dụng quá nhiều. Vì vậy bạn nên hạn chế tiêu thụ loại đồ uống này.
- Tập thể dục điều độ : việc tập thể dục rất quan trọng, nhưng tập các môn thể thao quá nặng đến nỗi chu kỳ kinh nguyệt của bạn trở nên thất thường hoặc “không xuất hiện”, có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
- Kiểm soát trọng lượng cơ thể : một cân nặng khỏe mạnh sẽ giúp bạn tăng khả năng mang thai cũng như có một thai kỳ thuận lợi hơn.
Vô sinh và hiếm muộn qua những thông tin chia sẻ ở trên hy vọng đã giúp bạn hiểu thêm phần nào một khía cạnh về khả năng sinh sản ở cả hai phái. Mặc dù tình trạng này sẽ gây nhiều khó khăn cho các cặp đôi đang mong muốn có em bé. Tuy nhiên, với nhiều kỹ thuật hiện đại ngày nay, bạn có thể được giúp đỡ ở mức độ cao nhất có thể. Vì vậy, bạn đừng chủ quan hay nản lòng, mà hãy đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị càng sớm càng tốt nhé.
Theo Mayoclinic & NHS
Lily Nguyễn lược dịch và tổng hợp