Khám vô sinh hiếm muộn như thế nào và khi nào?

Khám vô sinh hiếm muộn như thế nào có lẽ là câu hỏi khiến các cặp đôi đang cố gắng có con nhưng chưa thành công – đều khá băn khoăn. Vì, đây là một việc khá tế nhị đối với các cặp vợ chồng. Trong khi một số người nóng lòng đi khám quá sớm, thì một số khác lại quá chủ quan khi để thời gian trôi qua quá lâu. Vậy khi nào cần đi khám về khả năng sinh sản và thăm khám như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Cặp đôi buồn bã
Các cặp đôi đang mong con hẳn có lẽ đều băn khoăn khám vô sinh hiếm muộn như thế nào. Ảnh Internet 

1. Khi nào bạn nên cân nhắc việc đi khám vô sinh hiếm muộn

Thông thường, hơn 8 trên 10 cặp đôi – mà đối tác nữ dưới 40 tuổi – có thể thụ thai tự nhiên trong vòng 1 năm. Họ chỉ cần quan hệ tình dục đều đặn (mỗi 2-3 ngày) và không sử dụng biện pháp tránh thai nào.

Nếu hai bạn đã cố gắng có con hơn 1 năm nhưng chưa thành công thì nên đi thăm khám xem có vấn đề bất thường nào xảy ra không.

Ngoài ra bạn nên xem xét đến gặp bác sĩ sớm hơn nếu:

  • Bạn là phụ nữ và trên 35 tuổi. Vì đây là giai đoạn mà khả năng sinh sản của bạn bắt đầu suy giảm một cách nhanh chóng.
  • Bạn có bất kì lo lắng gì về khả năng thụ thai của mình. Ví dụ như bạn từng điều trị ung thư, điều trị bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI), hay bạn nghĩ rằng mình có khả năng bị loại bệnh này. 
Vợ chồng gặp bác sỹ
Bạn nên cân nhắc đi khám vô sinh hiếm muộn kịp thời. Ảnh: Womenshealth 

Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra khả năng vô sinh hiếm muộn nếu gặp phải những vấn đề sau:

Đối với phái mạnh:

  • Bạn gặp khó khăn khi luyện tập cơ bắp hay bạn sử dụng thuốc làm tăng cơ.
  • Bạn cảm thấy bìu của mình bị căng đặc biệt là sau khi đứng trong thời gian dài.
  • Bạn bị đau tinh hoàn hoặc đau sau khi giao hợp.
  • Bạn có vấn đề về cương cứng, xuất tinh sớm, khó giao hợp hay giảm ham muốn tình dục.
  • Bạn nghiện hút thuốc và uống rượu.

Đối với phụ nữ:

  • Bạn bị rối loạn kinh nguyệt.
  • Bạn bị đau bụng nhiều khi hành kinh hoặc thường xuyên bị rong kinh.
  • Bạn có kinh quá sớm hoặc quá muộn.
  • Bạn đã từng nạo phá thai hoặc có thai ngoài tử cung .
  • Bạn nghiện hút thuốc và uống rượu. 
Phụ nữ lo lắng
Đối với phụ nữ, nếu bạn đau bụng nhiều khi hành kinh hoặc thường xuyên bị rong kinh hãy đi khám. Ảnh Internet 

2. Khám vô sinh hiếm muộn như thế nào

Việc thụ thai là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn. Nó bắt đầu từ nhà máy sản xuất trứng, tinh trùng đến con đường và cách tinh trùng được đưa vào âm đạo (thông qua xuất tinh khi quan hệ tình dục), qua cổ tử cung và đến gặp trứng để thụ tinh. Cuối cùng là trứng đã thụ tinh sẽ di chuyển xuống tử cung để làm tổ và phát triển hoàn thiện tại đó cho đến khi em bé được sinh ra.

Khám vô sinh hiếm muộn sẽ bao gồm những kiểm tra, xét nghiệm để xác định xem có bất kì giai đoạn nào ở trên bị trục trặc hay không.

2.1. Khám vô sinh hiếm muộn như thế nào đối với nam giới

Khám vô sinh hiếm muộn ở nam giới có thể gồm các kiểm tra và xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra tinh hoàn và dương vật.
  • Kiểm tra tinh dịch để xem xét số lượng và chất lượng tinh trùng . Trong một số trường hợp, xét nghiệm nước tiểu cũng được chỉ định để xem xét khả năng tinh trùng có mặt trong nước tiểu (trong trường hợp tình trạng xuất tinh ngược vào bàng quang có khả năng xảy ra.)
  • Kiểm tra nội tiết tố. Bạn sẽ được chỉ định xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ hormone testosterone và một số nội tiết tố nam khác có ảnh hưởng quan trọng đến quá trình sinh sản. 
Bác sỹ nói chuyện với người đàn ông
Kiểm tra tinh dịch là một trong những xét nghiệm phổ biến đối với khám vô sinh hiếm muộn ở nam giới. Ảnh: KL Fertility Centre.
  • Xét nghiệm di truyền, nhằm kiểm tra khả năng một căn bệnh di truyền gây ra tình trạng vô sinh .
  • Sinh thiết tinh hoàn (trong một số trường hợp chọn lọc) để phát hiện bất thường góp phần gây vô sinh.
  • Chụp cắt lớp (trong một số trường hợp) để xác định có bất thường nào ở não bộ hay các khu vực liên quan đến quá trình sinh sản hay không.
  • Xét nghiệm liên quan khác nếu cần thiết. Ví dụ như xét nghiệm để đánh giá sự bất thường về DNA từ tinh trùng nếu có.

2.2. Khám vô sinh hiếm muộn như thế nào đối với phụ nữ

Khám vô sinh hiếm muộn ở nữ giới có thể gồm các kiểm tra và xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra cân nặng. Một chỉ số BMI không khỏe mạnh có thể liên quan đến vô sinh hiếm muộn .
  • Xét nghiệm máu để đánh giá nồng độ hormone ảnh hưởng đến sự rụng trứng.
  • Xét nghiệm dự trữ buồng trứng. Xét nghiệm này giúp xác định số lượng trứng có sẵn cho quá trình rụng trứng của bạn.
  • Xét nghiệm nội tiết tố khác, thường là các hormone kiểm soát quá trình sinh sản.
  • Siêu âm vùng chậu để xác định bệnh lý ở tử cung và buồng trứng nếu có. 
Kiểm tra huyết áp
Phụ nữ cũng cần trải qua một số kiểm tra và xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn. Ảnh: Picture This 
  • Chụp cắt lớp (trong một số trường hợp).
  • Chụp X-quang buồng trứng, tử cung và vòi trứng. Kĩ thuật này giúp phát hiện tình trạng dị dạng ở tử cung hoặc tắc nghẽn ống dẫn trứng.

Một số xét nghiệm ít được sử dụng có thể được chỉ định phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của bạn, bao gồm:

  • Nội soi tử cung nhằm phát hiện bệnh lý ở tử cung.
  • Nội soi ổ bụng nhằm phát hiện bất thường tại khu vực ống dẫn trứng, cá vấn đề với buồng trứng, tử cung hay lạc nội mạc tử cung.

Việc khám vô sinh hiếm muộn không phải lúc nào cũng giúp xác định được nguyên nhân khiến bạn chậm con. Trong một số trường hợp, bác sĩ không thể kết luận được lý do dẫn đến tình trạng này. Khi đó, họ sẽ đưa ra những lời khuyên về thay đổi lối sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt và hoạt động tình dục để giúp cải thiện khả năng thụ thai .

Đối với những trường hợp xác định được nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn, các phương pháp điều trị phù hợp sẽ được chỉ định thực hiện. 

Vợ chồng hạnh phúc
Thay đổi lối sống, thói quen ăn uống, sinh hoạt và hoạt động tình dục có thể giúp vợ chồng bạn cải thiện khả năng thụ thai. Ảnh Internet 

Khám vô sinh hiếm muộn như thế nào thường phụ thuộc vào tình trạng hiện tại của bạn cũng như đánh giá của các bác sĩ sản khoa. Các cuộc thăm khám này sẽ có khả năng giúp bạn biết được vì sao mình bị vô sinh hiếm muộn. Việc can thiệp kịp thời trong trường hợp này có thể sẽ cải thiện được tỷ lệ thụ thai của bạn. Chính vì vậy, bạn đừng nên chủ quan khi có kế hoạch sinh con và chưa thành công sau một khoảng thời gian nhất định (như đã đề cập ở trên). Lúc này bạn và đối tác hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn, kiểm tra và thực hiện các xét nghiệm nếu cần thiết nhé.

Theo Mayo Clinic & NHS

Lily Nguyễn tổng hợp và lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI