Trẻ tự kỷ có nói được không và cách trẻ nói như thế nào

Trẻ tự kỷ có nói được không có lẽ là thắc mắc của không ít bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc. Vì chúng ta thường thấy trẻ tự kỷ gặp vấn đề về giao tiếp. Từ đó ta cho rằng đây là biểu hiện đặc trưng của những trẻ mắc hội chứng này. Vậy chúng ta hãy cùng hiểu cụ thể về vấn đề này nhé.  

banner ads
Trẻ tự kỷ có nói được không
Trẻ tự kỷ có nói được không là thắc mắc của không ít bậc cha mẹ và người chăm sóc. Nguồn ảnh: Medical News Today 

1. Trẻ tự kỷ có nói được không

Tự kỷ (Autism Spectrum Disoder – ASD) là hội chứng đang gặp phải ngày càng phổ biến ở trẻ nhỏ. Đây là tình trạng khiếm khuyết về phát triển do các bất thường của não bộ gây ra. Trong đó, khiếm khuyết về khả năng giao tiếp là một biểu hiện đặc trưng của trẻ bị mắc tự kỷ.

Chúng ta đều biết rằng ngôn ngữ - dưới mọi hình thức - là công cụ giúp con người giao tiếp với nhau. Đối với trẻ mắc hội chứng tự kỷ , khả năng này thể hiện ở các mức độ khác nhau tùy vào mức độ tự kỷ của trẻ.

Trong các dấu hiệu nhận biết trẻ tự kỷ thì khả năng giao tiếp chính là một biểu hiện quan trọng giúp đánh giá tình trạng của con. Một thắc mắc rất lớn liên quan đến trẻ tự kỷ đó là trẻ tự kỷ có nói được không. Trên thực tế, một số trẻ tự kỷ có thể nói chuyện, trong khi một số khác thì không thể nói hoặc nói được rất ít.

Theo số liệu thống kê, thì có khoảng 40% trẻ mắc ASD không hề nói chuyện. 25 – 30% trẻ nói được một số từ khi đến 12 – 18 tháng tuổi sau đó mất chúng. Một số trẻ khác có thể nói chuyện khi đã lớn.

Có thể nói rằng, một số trẻ tự kỷ có khả năng ghi nhớ lượng từ rất phong phú. Tuy nhiên, cách thể hiện chúng của trẻ lại khác thường chứ không phải không thể nói được. 

banner ads
Trẻ nói chuyện
Trẻ tự kỷ có thể nói được ở nhiều mức độ. Nguồn ảnh: Autism Spectrum News 

2. Cách nói chuyện của trẻ tự kỷ như thế nào

Chúng ta đã trả lời được một phần câu hỏi trẻ tự kỷ có nói được không, vậy cách nói chuyện của trẻ như thế nào?

Trẻ mắc ASD dù có lượng từ vựng phong phú, nhưng lại thể hiện chúng một cách khác thường. Trẻ thường nói chuyện với giọng đều đều, vô cảm và không nhận ra khi nào phải kiểm soát âm lượng giọng nói của mình. Con có thể nói rất to trong thư viện hay rạp chiếu phim.

Trẻ tự kỷ cũng không hiểu ngôn ngữ hình thể hay biểu cảm trên khuôn mặt. Con cũng có các cử chỉ không phù hợp với lời nói hay hoàn cảnh, như cười khi nói về chuyện buồn.

Cách nói chuyện của trẻ cũng không mang tính tương tác. Con có thể chỉ nói về chủ đề mình thích và nói rất lâu mà không quan tâm đến việc người khác có muốn nghe hay không.

Trẻ tự kỷ cũng thường nói nhại lại lời người khác vì không hiểu được người khác nói gì với mình. Hoặc trẻ cũng có thể nói chuyện với phong cách già hơn độ tuổi của mình rất nhiều vì không học được cách nói chuyện theo đúng tuổi.

Nhìn chung, trẻ mắc hội chứng tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong việc học hỏi, lắng nghe để hiểu người khác, cũng như diễn tả những điều mình muốn nói. 

Trẻ vừa vận động vừa nói chuyện
Trẻ tự kỷ có thể nói chuyện theo những cách khác thường. Nguồn ảnh: Verywell Health 

3. Vì sao một số trẻ tự kỷ không nói chuyện

Một phần trẻ tự kỷ có thể gặp khó khăn khi nói chuyện hoặc tiếp tục trò chuyện với người khác.

Tuy nhiên, có một số trẻ tự kỷ không hề nói do một vài nguyên nhân:

  • Trẻ bị mất khả năng nói. Tình trạng này xảy ra do một chứng rối loạn, gây cản trở khả năng nói những gì trẻ muốn một cách chính xác.
  • Trẻ chưa phát triển kỹ năng ngôn ngữ lời nói để nói chuyện. Một số trẻ cũng có thể mất kỹ năng nói khi chứng rối loạn trầm trọng và trở nên rõ ràng hơn.
  • Trẻ có thể bị mắc chứng echolalia – khiến trẻ lặp đi lặp lại các từ hoặc cụm từ. Điều này khiến trẻ gặp nhiều khó khăn khi giao tiếp

Như vậy, trong số những trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ, có một bộ phận hoàn toàn không nói được do những nguyên nhân trên.

Triệu chứng của trẻ có thể giảm bớt hoặc nặng hơn khi trẻ lớn dần. Tình trạng của trẻ cũng như khả năng nói cũng có thể được cải thiện nếu được can thiệp bằng các liệu pháp chuyên môn. 

Trẻ ăn dưa hấu
Cũng có những trẻ tự kỷ không nói được vì nhiều nguyên nhân. Nguồn ảnh: The Autism Café 

4. Đừng quá lo lắng về việc trẻ tự kỷ có nói được không

Bạn đừng quá lo lắng về việc trẻ tự kỷ có nói được không, mà thay vì vậy, hãy tìm cách để giúp con cải thiện khả năng ngôn ngữ cho con.

Các nhà khoa học tại Trung tâm Tự kỷ và Các chứng rối loạn Liên quan, đã xem xét thông tin của 535 trẻ em, từ 8 – 17 tuổi được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ và chậm phát triển ngôn ngữ nghiêm trọng ở tuổi lên 4. Những trẻ này có biểu hiện chậm phát triển ngôn ngữ ở mức độ từ không nói gì đến chỉ sử dụng các từ hoặc cụm từ đơn lẻ mà không có động từ.

Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trên thực tế, hầu hết các trẻ này đã tiếp tục đạt được các kỹ năng ngôn ngữ. Gần một nửa trẻ trong số đó đã trở thành người nói trôi chảy, hơn 2/3 có thể nói những cụm từ đơn giản. Hầu hết những đứa trẻ làm được điều này có chỉ số IQ cao hơn và suy giảm khả năng xã hội thấp hơn.

Ngoài ra, họ nhận thấy mức độ lặp lại hành vì và sở thích hạn chế của trẻ không ảnh hưởng đến khả năng phát triển ngôn ngữ.

Dù rằng số liệu trên được thu thập trên một số lượng trẻ tự kỷ có hạn. Tuy nhiên, nó vẫn mang lại hy vọng cho các bậc cha mẹ rằng đứa trẻ mắc ASD của họ sẽ tiếp tục phát triển khả năng nói ở độ tuổi tiểu học, thậm chí ở tuổi thanh thiếu niên.

Qua đây, các nhà khoa học cũng nêu bật các yếu tố quan trọng về khả năng tiếp thu ngôn ngữ. Trong đó, kỹ năng xã hội và nhận thức phi ngôn ngữ có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ.

Điều này cũng cho thấy việc can thiệp sớm vào các lĩnh vực nãy sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển ngôn ngữ ở trẻ. 

Dạy trẻ nói chuyện
Thay vì lo lắng về việc trẻ tự kỷ có nói được không, bạn hãy hy vọng và tìm cách can thiệp để giúp cải thiện tình trạng của con. Nguồn ảnh: About Autism 

Trẻ tự kỷ có nói được không qua thông tin trên hy vọng đã phần nào giải đáp được thắc mắc của cha mẹ. Tự kỷ là một hội chứng rối loạn khá phức tạp với nhiều mức độ. Nhưng có một điểm chung là hội chứng này ở trẻ càng được phát hiện và can thiệp sớm, thì khả năng giao tiếp, hòa nhập của trẻ sẽ càng được cải thiện. Vì vậy, chúng ta hãy theo dõi các mốc phát triển của trẻ thật cẩn thận, để có thể nhận biết được bất kì biểu hiện bất thường nào ở trẻ một cách sớm nhất nhé.

Theo Healthline & Autism Speaks

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI