1. Xác định mức độ sốt của trẻ
Bình thường nhiệt độ của cơ thể sẽ nằm ở khoảng từ 36,5 đến 37,5 độ C. Trẻ em cũng có nhiệt độ tương đương người lớn chênh lệch không quá lớn, nhưng do trung tâm điều hòa chưa hoàn chỉnh, nên dễ bị sốt và sốt cao. Có thể nhận ra trẻ bị sốt khi thấy môi và má trẻ đỏ hơn bình thường, mắt trẻ phản ứng chậm, lờ đờ thiếu đi sự linh hoạt, trẻ có thể bị lạnh run hoặc tăng tiết mồ hôi.
Đo thân nhiệt của trẻ thường xuyên để xác định được tình trạng của trẻ bị sốt. Có thể đo nhiệt độ ở nách, tai… nhưng cách tốt nhất để có được nhiệt độ chính xác là sử dụng nhiệt kế trực tràng để đo nhiệt độ ở hậu môn của bé. Nhiệt kế trực tràng đưa ra kết quả chỉ nhiệt độ cơ thể chính xác, đặt nhiệt kế ở nách hay lưỡi thường cho kết quả cao hơn thực tế, đem lại kết quả không chính xác, gây ra những nhầm lẫn trong việc điều trị và hạ sốt cho trẻ.
- Nhiệt độ 37,5-38,5 độ C là sốt nhẹ.
- Nhiệt độ 38,5-39 độ C là sốt vừa.
- Khi nhiệt độ 39-40 độ C là sốt cao.
- Nhiệt độ bé từ 40 độ C trở lên là sốt rất cao.
2. Trẻ bị sốt và nguyên nhân khiến trẻ bị sốt
Sốt là phản ứng của cơ thể chống các tác nhân xâm nhập. Vì vậy, khi bé sốt ở mức độ vừa phải, phụ huynh không nên quá lo lắng não bộ của bé bị tổn thương...
Nhiễm siêu vi cũng là nguyên nhân phổ biến làm cho trẻ bị sốt, những cơn sốt và triệu chứng thường giảm đi trong khoảng 1 tuần. Có rất nhiều loại siêu vi gây bệnh cho trẻ em nhưng nguy hiểm nhất là siêu vi gây bệnh sốt xuất huyết, bệnh tay chân miệng , bệnh sởi, bệnh cúm, bệnh thủy đậu.
2.1 Trẻ bị sốt do nhiễm trùng
Trẻ bị sốt do nhiễm trùng thường gặp nhất là do nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp tính như viêm họng, viêm amiđan, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản. Có thể là tình trạng nhiễm trùng đường tiêu hóa do vi khuẩn như bệnh tả, bệnh kiết lỵ, bệnh thương hàn…
2.2 Trẻ bị sốt do tiêm phòng
Trẻ thường sẽ bị sốt nhẹ sau mỗi lần tiêm phòng . Sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh, có thể trẻ sẽ gặp một số phản ứng phụ như sốt, tại chỗ tiêm sưng, đỏ, cứng và đau, các bậc cha mẹ không nên lo lắng thái quá với điều này, các phản ứng này thường hết sau 1 - 3 ngày sau tiêm ngừa.
2.3 Trẻ bị sốt do mặc quá nhiều quần áo
Khi trời lạnh trở lạnh, nhiều người thường chăm chút mặc quần áo dày chống rét cho trẻ, tuy nhiên, điều này cũng có thể gây ra nguy cơ tai hại về sức khỏe. Để biết bé nóng hay lạnh, không nên chỉ căn cứ vào độ ấm của tay chân, mà cần sờ vào bụng, cổ trẻ. Với các bé sơ sinh thì phụ huynh có thể đọc những dấu hiệu cho thấy trẻ bị nóng là: trẻ bị đổ mồ hôi (lưng, cổ...), thở nhanh, trán nóng, cáu kỉnh, bứt rứt khó chịu...
Mặc quần áo nhiều lớp sẽ dễ khiến trẻ bị sốt, ra nhiều mồ hôi giữa thời tiết lạnh, dẫn đến trẻ bị viêm phổi hay viêm đường hô hấp .
2.4 Trẻ bị sốt do mọc răng
Khi mọc răng cũng có thể làm tăng thân nhiệt, nhưng chỉ ở mức nhẹ, nếu trẻ bị sốt cao hơn 37,8 độ C thì có thể đó không phải là do mọc răng.
Ngoài ra, sốt có thể là một trong những dấu hiệu của các bệnh nguy hiểm như viêm phổi, sốt rét, sốt xuất huyết, viêm màng não, viêm não nhiễm khuẩn huyết... Các bệnh nay rất dễ dẫn đến biến chứng, co giật, có nguy cơ đe dọa đến tính mạng của trẻ nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời.
3. Cách xử lý tốt nhất khi trẻ bị sốt
3.1 Khi trẻ bị sốt nhẹ và sốt vừa
Nên mở cửa, quạt cho thông gió, để không khí trong nhà lưu thông, cởi bỏ bớt chăn mền, quần áo, mặc quần áo rộng thoáng để cơ thể giải tỏa bớt nhiệt và cho trẻ uống nhiều nước. Nếu trẻ bị sốt nhẹ và vẫn hoạt động bình thường, phụ huynh không nên ép trẻ phải ở trong nhà, có thể cho trẻ ra ngoài chơi những lúc mát mẻ, thời tiết tốt. Khi trẻ bị sốt vừa, mẹ không ủ ấm trẻ, cần cho trẻ mặc quần áo mỏng để dễ thoát nhiệt, cho trẻ nằm ở nơi, thoáng mát, giảm nhiệt trong phòng. Cho trẻ uống nhiều nước.
Có thể cho trẻ dùng thuốc hạ sốt khi trẻ sốt 39 độ C. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm. Có thể tắm cho bé bằng nước ấm. Nên dùng nước thấp hơn 2 độ C so với thân nhiệt hiện tại. Tuyệt đối, không dùng nước lạnh, cồn hay dấm để lau trẻ. Đối với những trường hợp trẻ uống hạ sốt mà không đỡ, có thể trẻ mắc bệnh khác, cần đưa trẻ đến ngay bệnh viện để được thăm khám ngay.
3.2 Khi trẻ bị sốt cao hay sốt rất cao
Sử dụng các biện pháp hạ nhiệt như trên để hạ sốt tạm thời và đưa trẻ khám tại cơ sở y tế. Các bậc phụ huynh cũng nên tránh tâm lý sốt ruột, muốn hạ sốt ngay cho trẻ. Khi bị sốt, nước và muối bị mất thông qua việc toát mồ hôi. Ngoài ra cơ thể cũng bị mất đi năng lượng và các vitamin tan trong nước. Nên bù lại bằng cách cho trẻ uống nhiều nước, các loại nước ép trái cây giàu chất dinh dưỡng, hay uống các loại thuốc bổ đa sinh tố, trong đó cần nhất là vitamin C và vitamin nhóm B.
Trẻ bị sốt có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân lành tính và có nguyên nhân gây ra những biến chứng nguy hiểm, do đó, cha mẹ cần biết những dấu hiệu và cách phòng ngừa cũng như những cách hạ nhiệt tốt nhất cho trẻ.
Nguyên Lê tổng hợp