Phát hiện trẻ 5 tuổi bị tự kỷ, cha mẹ nên làm gì?

banner ads
Trẻ cười
Trẻ 5 tuổi bị tự kỷ thực tế không hẳn là trẻ mắc hội chứng tự kỷ ở độ tuổi này mà đây là thời điểm trẻ được phát hiện bị tự kỷ. Nguồn ảnh: Healthline 

1. Trẻ 5 tuổi bị tự kỷ sẽ có biểu hiện như thế nào

Một trẻ 5 tuổi bị tự kỷ sẽ có biểu hiện tùy thuộc vào mức độ tự kỷ mà trẻ mắc phải. Tuy nhiên, khi đã lớn đến độ tuổi này, các dấu hiệu hiện tại có thể bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của quá trình phát triển đặc trưng theo độ tuổi. Theo đó, trẻ có thể thể hiện những dấu hiệu như:

  • Thể hiện các hành vi cực đoan như hung hăng, nhút nhát hoặc buồn bã bất thường.
  • Không thể hiện nhiều loại cảm xúc.
  • Thường không năng động.
  • Thường dễ bị phân tâm.
  • Gặp sự cố khi tập trung vào một hoạt động trong thời gian dài.
  • Không phản hồi lại sự giao tiếp của mọi người.
  • Không hiểu được sự khác biệt giữa thật và giả vờ.
  • Không chơi với bạn bè cùng trang lứa.
  • Không sử dụng đúng ngữ pháp.
  • Không trò chuyện về các hoạt động hàng ngày của mình.
  • Đánh mất những kỹ năng từng có. 
Trẻ chơi xếp hình với cô giáo
Một trẻ 5 tuổi bị tự kỷ sẽ có biểu hiện tùy thuộc vào mức độ tự kỷ mà trẻ mắc phải. Nguồn ảnh: Spectrum/ Autism Research News 

2. Một số dấu hiệu khác có thể xuất hiện ở trẻ 5 tuổi bị tự kỷ

Trẻ tự kỷ thường bị hạn chế về hành vi và vận động. Chúng không linh hoạt, thậm chí bị ám ảnh về các hoạt động, hành vi và sở thích.

Một số biểu hiện về tính không linh hoạt cũng có thể là dấu hiệu giúp nhận biết trẻ 5 tuổi bị tự kỷ. Các dấu hiệu bao gồm:

  • Trẻ muốn được tuân theo các thói quen một cách nghiêm ngặt. Ví dụ trẻ nhất định phải đi cùng một tuyến đường đến trường mỗi ngày.
  • Trẻ có các chủ đề quan tâm khá hạn chế. Ví dụ trẻ có thể chỉ thích ghi nhớ lịch trình của các chuyến tàu.
  • Trẻ thường lặp lại các hành động tương tự. Các hành động phổ biến mà trẻ tự kỷ thường lặp lại gồm: vỗ tay hay lắc lư người. Những hành vi này được gọi là hành vi tự kích thích.
  • Đính kèm đồ vật, sắp xếp chúng một cách bất thường. Trẻ tự kỷ có thể bị ám ảnh về việc xếp thẳng hàng xe đồ chơi, hoặc xếp chúng theo một thứ tự nhất định.
  • Trẻ gặp nhiều khó khăn trong việc thích ứng với sự thay đổi. Trẻ tự kỷ sẽ rất khó chịu khi thói quen của chúng bị gián đoạn hay lịch trình của chúng bị thay đổi. 
Trẻ xếp các hình khối
Trẻ tự kỷ có thể bị ám ảnh về việc xếp thẳng hàng xe đồ chơi, hoặc xếp chúng theo một thứ tự nhất định. Nguồn ảnh: American Psychological Association 

3. Phát hiện trẻ 5 tuổi bị tự kỷ, cha mẹ nên làm gì

Khi phát hiện trẻ 5 tuổi bị tự kỷ, chắc chắn các bậc cha mẹ sẽ vô cùng lo lắng và bước đầu không biết mình phải làm gì cho con.

Có lẽ khi tìm hiểu về hội chứng tự kỷ của trẻ, bạn sẽ phải đối mặt với các thuật ngữ mới như “can thiệp sớm” hay “hỗ trợ hành vi tích cực”. Việc bạn cảm thấy quá tải khi tiếp nhận các thông tin liên quan đến tự kỷ là khá bình thường. Tuy nhiên, bạn đừng quá lo lắng vì bạn không đơn độc. Có rất nhiều bậc cha mẹ đã từng bước đi trên con đường này trước, và họ để lại những kinh nghiệm, lời khuyên rất hữu ích mà bạn có thể tham khảo để áp dụng với con mình.

banner ads

Dưới đây là một số bước đầu tiên bạn nên thực hiện để tiếp tục tìm ra được con đường tốt nhất ở phía trước. Bạn hãy:

3.1. Tìm hiểu, học hỏi về các nhu cầu của trẻ 5 tuổi bị tự kỷ

Trẻ tự kỷ thường bị chậm phát triển ngôn ngữ cũng như gặp vấn đề về khả năng giao tiếp với người khác. Trẻ có thể lặp lại những hành vi bất thường hay gặp khó khăn trong việc học tập. Không có đứa trẻ tự kỷ nào giống nhau hoàn toàn. Là cha mẹ, bạn sẽ trở thành chuyên gia đối với trẻ 5 tuổi bị tự kỷ của mình.

Vì vậy, khi trao đổi với bác sĩ, bạn hãy đặt thật nhiều câu hỏi. Nếu thắc mắc của bạn chưa được giải đáp thỏa đáng, hãy tiếp tục hỏi. Bạn cũng hãy báo cho bác sĩ bất kì vấn đề về sức khỏe nào của trẻ, ví dụ như trẻ bị đầy hơi, khó ngủ hay động kinh. Lúc này, trẻ có thể cần gặp một bác sĩ chuyên khoa để được kiểm tra cụ thể.

Khi bạn đã bớt áp lực về việc trẻ bị tự kỷ , bạn có thể xem xét đến các phương pháp hỗ trợ con, bao gồm các liệu pháp điều trị và dịch vụ giáo dục. 

Mẹ đọc sách cùng trẻ
Khi bạn đã bớt áp lực về việc trẻ bị tự kỷ, bạn có thể xem xét đến các phương pháp hỗ trợ con. Nguồn ảnh: Reading Eggs 

3.2. Tìm hiểu về các dịch vụ giáo dục dành cho trẻ 5 tuổi bị tự kỷ

Bạn có thể tìm hiểu về các dịch vụ giáo dục tại địa phương dành cho trẻ 5 tuổi bị tự kỷ để trẻ tham gia sớm.

Mỗi khu vực sẽ có những chính sách cụ thể dành cho trẻ tự kỷ. Bạn hãy dựa vào đó để quyết định con sẽ tham gia chương trình nào.

Việc được tham dự vào những môi trường phù hợp với những giáo viên có chuyên môn sẽ giúp ích rất nhiều để cải thiện khả năng hòa nhập của trẻ sau này.

3.3. Tìm hiểu về bảo hiểm y tế là việc cần thiết khi trẻ được chẩn đoán bị tự kỷ

Liệu pháp giúp trẻ giảm các triệu chứng của hội chứng tự kỷ có thể giúp con phát triển, nhưng không phải tất cả đều được bảo hiểm chi trả. Bạn hãy tìm hiểu kĩ về phạm vi bảo hiểm (bao gồm cả bảo hiểm y tế và bảo hiểm sức khỏe) đối với việc điều trị các triệu chứng liên quan đến tự kỷ. Bạn đừng cho rằng điều này không quan trọng, vì tự kỷ là một hội chứng chứ không phải bệnh. Nó không thể chữa khỏi, mà chỉ có thể can thiệp để giúp trẻ cải thiện khả năng hòa nhập của mình.

Việc được hỗ trợ bất kỳ khoản phí nào sẽ vô cùng hữu ích đối với gia đình bạn trên chặng đường dài đồng hành cùng con.

3.4. Tìm một trung tâm giữ trẻ phù hợp

Bạn hãy liên hệ với các cơ sở y tế ở địa phương để được giới thiệu các trung tâm chăm sóc trẻ phù hợp. Việc các nhân viên giữ trẻ có kỹ năng cần thiết để tiếp nhận trẻ tự kỷ một cách an toàn là rất quan trọng. Trẻ sẽ được tiếp xúc với những người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm về lĩnh vực tự kỷ, từ đó con sẽ được chăm sóc và hỗ trợ phát triển tốt hơn. 

Trẻ chơi cùng bạn
Tại các trung tâm giữ trẻ phù hợp, trẻ sẽ được hỗ trợ tốt hơn. Nguồn ảnh: BBC 

3.5. Tham gia các nhóm xã hội và sắp xếp các buổi gặp gỡ, vui chơi cho trẻ

Việc tham gia các nhóm xã hội và sắp xếp các buổi gặp gỡ vui chơi để trẻ được tiếp xúc với các bạn đồng trang lứa sẽ rất hữu ích cho sự phát triển của trẻ 5 tuổi bị tự kỷ. Vì như vậy, trẻ sẽ có cơ hội để hòa nhập với bạn bè cũng như thực hành các kỹ năng học được trong trị liệu.

Nếu có thể, bạn hãy đăng ký cho trẻ tham gia các lớp đào tạo kỹ năng xã hội. Đây là những ứng dụng đặc biệt dành cho trẻ em cần được trợ giúp thêm để tương tác với người khác. Tại đây, trẻ sẽ được học về những thứ như giao tiếp bằng mắt, thay phiên và chia sẻ. Hầu hết các lớp học sẽ do một nhà trị liệu hoặc nhân viên xã hội phụ trách. Một lần nữa, bạn hãy hỏi cơ sở y tế địa phương để được tư vấn và hướng dẫn.

Bạn cũng đừng quên về các cơ hội cho chính bạn hoặc cho anh chị em của trẻ 5 tuổi bị tự kỷ. Nhiều khu vực có các hội nhóm hỗ trợ cho cha mẹ hoặc anh chị em của trẻ tự kỷ. Việc ở bên cạnh những người đang trải qua thử thách tương tự có thể giúp bạn học cách đối phó trong hoàn cảnh của mình.

3.6. Hãy nhận sự hỗ trợ khi bạn cần

Cuộc sống với một đứa trẻ mắc hội chứng tự kỷ chắc chắn sẽ đầy khó khăn, thử thách và điều này có thể khiến bạn bị quá sức.

Vì vậy, điều quan trọng là bạn cần những khoảng thời gian nghỉ giải lao và yêu cầu sự giúp đỡ khi cần thiết.

Việc này ban đầu có thể khó thực hiện, nhưng bạn sẽ thấy rằng nó cho phép bạn lấy lại tinh thần và sức lực để tiếp tục chăm sóc gia đình.

Bạn hãy nhờ các thành viên khác trong gia đình giúp đỡ, chia sẻ những công việc nhà như giặt giũ, nấu ăn. Hãy chia lịch chăm sóc và quan sát con với bạn đời hoặc thuê người trông trẻ nếu bạn thấy tin cậy. Như vậy bạn sẽ có một khoảng thời gian dành riêng cho mình để qua đó nạp lại năng lượng. Qua đó, bạn sẽ trở lại với con, sẵn sàng cho niềm vui, tình yêu và tất cả những gì mà bậc cha mẹ cần cung cấp cho con cái, đặc biệt là đối với một đứa trẻ bị tự kỷ.

3.7. Hãy đảm bảo tương lai cho trẻ

Một đứa trẻ 5 tuổi bị tự kỷ không có nghĩa là khi lớn lên, con sẽ không còn bị tự kỷ nữa. Đây là một hội chứng ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, học hỏi và hòa nhập xã hội của trẻ nên khi lớn lên, có thể con sẽ gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

Vì vậy, bạn hãy chuẩn bị về mặt tài chính cho tương lai của trẻ trong khả năng của mình. Khi có một kế hoạch cụ thể về mặt tài chính, bạn sẽ bớt lo lắng, áp lực và sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho con ở hiện tại cũng như tương lai. 

Cha nằm chơi cùng trẻ
Bạn hãy chuẩn bị về mặt tài chính cho tương lai của trẻ trong khả năng của mình, bạn sẽ bớt lo lắng, áp lực và sẽ có nhiều thời gian hơn dành cho con hơn. Nguồn ảnh: Johns Hopkins Medicine 

Trẻ 5 tuổi bị tự kỷ là vấn đề chắc chắn khiến cha mẹ bối rối và lo lắng không kém trường hợp biết được tình trạng này ở độ tuổi nhỏ hơn của con. Dù khó khăn nhưng bạn hãy cố gắng thay thế cảm xúc tiêu cực bằng những nỗ lực giúp con được can thiệp sớm để được phát triển tốt hơn. Trẻ tự kỷ càng được hỗ trợ kịp thời và phù hợp, sẽ càng có cơ hội cải thiện khả năng hòa nhập xã hội của mình. Đây là điều ý nghĩa và quan trọng nhất đối với trẻ mắc hội chứng này, mà mọi bậc cha mẹ đều cần ghi nhớ.

Theo Otsimo & Kid's Health

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI