Tình hình về bệnh sởi
Đối với bất kỳ ai sinh ra trước năm 1960 đều có khả năng đã từng bị nhiễm sởi và may mắn còn sống sót để kể lại câu chuyện của mình. Nhưng không phải ai cũng gặp vận may đó. Tại Hoa Kỳ, trước khi vắc xin ngừa sởi được giới thiệu vào năm 1963, đã có 4 triệu ca mắc sởi với 48.000 ca nhập viện và 500 ca tử vong mỗi năm. Sởi cũng là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu đối với trẻ em trên toàn cầu.
Điểm tuyệt vời của vắc xin ngừa sởi là nếu bạn hay trẻ được tiêm đúng và đủ liều thì sẽ không bao giờ bị bệnh ngay cả khi có tiếp xúc với mầm bệnh.
Đến năm 2000, do việc tiêm ngừa được tiến hành rộng rãi nên virus sởi đã được tuyên bố loại bỏ ở Hoa Kỳ: do đủ lượng người được tiêm chủng mà dịch bệnh không còn phổ biến, và hầu như không còn nghe thấy tin gì về bệnh sởi nữa.
Tuy nhiên mọi thứ hiện đã thay đổi.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì năm 2019, tỷ lệ mắc sởi trên toàn cầu đã tăng 300% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, các quốc gia Ukraine, Madagascar, Ấn Độ, Pakistan, Philippines, Yemen và Brazil là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.
Mỹ cũng là nước đang chứng kiến tỷ lệ mắc sởi kỷ lục. Số ca mắc bệnh năm 2019 là số lượng mắc cao nhất kể từ năm 1994, với hơn 700 người bị bệnh. Phần lớn các ca bệnh nằm ở cộng đồng Do Thái, nơi mà có những gia đình – theo tín ngưỡng tôn giáo – đã từ chối tiêm vắc xin cho con cái họ, dẫn đến tỷ lệ tiêm ngừa giảm xuống, tạo điều kiện cho virus lây lan.
Với mức độ phổ biến của sởi trong thời gian này, các cha mẹ hãy cùng tham khảo 8 vấn đề rất tiêu biểu như dưới đây, nhờ đó, phụ huynh có thể nắm rõ hơn về mức độ nguy hiểm của sởi đến trẻ và có hành động đúng đắn để bảo vệ con.
1. Tại sao gần đây dịch sởi bùng phát ở nhiều nơi ngay cả ở những nước phát triển?
Chúng ta có thể kể đến một số nguyên nhân chính khiến dịch sởi bùng phát ở nhiều nước trong thời gian gần đây:
- Tình trạng không tiêm ngừa vắc-xin (do cả nguyên nhân khách quan như không đủ vắc-xin, đến nguyên nhân chủ quan như từ chối tiêm vắc xin, do ảnh hưởng của niềm tin tôn giáo ở một số cộng đồng và tình trạng bài trừ vắc-xin), dẫn đến dễ bị mắc và lây bệnh.
- Những người đi du lịch ở những vùng có sởi, bị bệnh sau đó về nước và lây cho những cộng đồng chưa được tiêm chủng.
2. Đặc điểm của sởi là gì và nó có gây chết người không?
Sởi là một bệnh truyền nhiễm có khả năng gây chết người, đặc biệt thường tấn công trẻ em. Sau thời gian ủ bệnh từ 10-12 ngày, sau đó sẽ xuất hiện các triệu chứng như:
- Sốt liên tục từ nhẹ đến cao, có thể lên tới 39-40 độ.
- Hắt hơi, sổ mũi, ho, tiêu chảy, sung huyết và chảy nước mắt.
- Phát ban sau sốt 3-4 ngày. Ban sẽ xuất hiện tuần tự từ sau tai sau đó lan ra má, cổ, ngực, tay, bụng lưng và toàn thân. Các vết ban màu hồng nhạt, nhẵn, có xu hướng kết dính lại với nhau, khi ấn vào thì biến mất. Tùy tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà ban nổi ít hay nhiều.
- Trẻ ăn uống kém và mệt mỏi
Nếu được điều trị và hỗ trợ đúng cách, vết phát ban sẽ biến mất sau 3-5 ngày cùng với quá trình phục hồi của trẻ, và cơ thể trẻ sẽ bình thường trở lại sau khoảng 2-3 tuần.
Tuy nhiên có tới 40% bệnh nhân sởi bị biến chứng, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi, người lớn trên 20 tuổi và những người bị suy giảm miễn dịch. Trong đó trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất.
Một số biến chứng phổ biến nhất của sởi gồm:
- Viêm phổi (chiếm phần lớn các trường hợp tử vong liên quan đến sởi)
- Mù lòa
- Viêm tai giữa
- Viêm màng não
- Viêm não (có thể dẫn tới thiểu năng trí tuệ sau này)
- Tiêu chảy hoặc ói mửa
Theo CDC ( Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ ) thì bạn có thể hình dung mức độ nghiêm trọng của sởi qua con số toán học như sau:
- Cứ 20 trẻ em bị sởi thì có 1 trẻ bị viêm phổi
- Cứ 1.000 trẻ bị sởi thì có 1 trẻ bị viêm não và 1 hoặc 2 trẻ sẽ tử vong
3. Các vết phát ban sởi trông như thế nào
Các nốt ban sởi có màu hồng nhạt, nhẵn, khi ấn vào sẽ biến mất. Chúng mọc tuần tự từ sau tai sau đó lan ra má, cổ, ngực, tay, bụng lưng và toàn thân và có xu hướng kết dính lại với nhau. Ban sẽ nổi rải rác hoặc dày kín da tùy vào tình trạng bệnh nhẹ hay nặng và sẽ để lại vết thâm sau khi khỏi bệnh.
4. Làm sao chúng ta biết được vắc-xin phòng sởi có an toàn hay không
Vắc-xin ngừa sởi thường được kết hợp trong mũi MMR (sởi – quai bị - rubella) và được tiêm cho trẻ thành 2 liều lúc 12-15 tháng tuổi và lúc 4-6 tuổi. Tuy nhiên đối với các khu vực có nguy cơ dịch cao, trẻ được khuyến cáo tiêm ngừa mũi đầu tiên sớm hơn vào khoảng 6-11 tháng tuổi.
Đối với trẻ em được tiêm ngừa sởi đầy đủ, khả năng ngừa bệnh của vắc-xin thường kéo dài nhiều năm, thậm chí vĩnh viễn. Tuy nhiên đối với người lớn cần kiểm tra lượng kháng thể để tiêm bổ sung nếu cần thiết.
Vắc-xin ngừa sởi được biết là cực kỳ an toàn và hiệu quả. Nó chứa 1 dạng virus bất hoạt, khi tiêm vào cơ thể sẽ kích thích sản xuất kháng thể để chống lại virus khi bạn tiếp xúc thực tế với căn bệnh này.
Tác dụng phụ của vắc-xin này rất hiếm khi xảy ra và nếu có cũng rất nhẹ. Theo CDC, tình trạng sốt sau khi tiêm MMR xảy ra ở 1 trong 6 người, phát ban nhẹ ở 1 trong 20 người. Các vấn đề nghiêm trọng khác hầu như không có. Phản ứng dị ứng nặng xảy ra ở ít hơn 1 trong 1 triệu trường hợp tiêm. Điếc, co giật và tổn thương não vĩnh viễn là rất hiếm đến nỗi chúng ta khó biết được đó thực tế có phải do vắc xin gây ra hay không.
Vì vậy, lợi ích của vắc-xin – sự bảo vệ đối với trẻ em và cộng đồng mà chúng sống – là rất lớn so với những tác hại có thể xảy ra.
5. Bạn dễ dàng bị mắc sởi như thế nào?
Nếu bạn chưa được tiêm ngừa sởi thì bạn cực kỳ dễ bị mắc bệnh. Trong một cộng đồng không được chủng ngừa, 1 người bị sởi có thể lây cho 12-18 người khác. Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với một số căn bệnh nguy hiểm khác như Ebola (1 người bệnh có thể lây cho 2 người khác), HIV hoặc SARS (1 người bệnh có thể lây cho 4 người khác).
Virus sởi có trong dịch tiết mũi và họng của người bệnh, và sẽ lây qua không khí khi người bệnh ho hay hắt hơi. Các hạt dịch tiết nhỏ chứa virus từ người bệnh có thể lơ lửng trong không khí một thời gian dài, sau khi người đó rời khỏi phòng. Virus cũng có thể tồn tại trên một bề mặt nào đó tới 2 giờ.
Điều khiến các quan chức y tế lo lắng đó là virus sởi có thể lây lan 4 ngày, trước khi người bệnh phát ban, vì vậy những người nhiễm virus có thể truyền bệnh rộng rãi trước khi họ biết mình bị sởi (những người này sẽ ngừng truyền nhiễm bệnh 4 ngày sau khi họ phát ban).
Đối với một số trường hợp đặc biệt hiếm gặp, ngay cả khi được tiêm phòng, họ vẫn có thể bị nhiễm bệnh. Trong chưa đầy 5% số người được tiêm chủng, hệ thống miễn dịch của họ không được kích hoạt khi tiêm. Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm được nguyên nhân của tình trạng này.
Việc chỉ tiêm 1 liều vắc-xin thay vì 2 liều như khuyến cáo cũng có thể làm tăng số người bị bệnh sởi nếu bị phơi nhiễm.
6. Có phương pháp điều trị sởi không?
Rất tiếc là không có phương pháp điều trị đặc hiệu đối với sởi. Các bác sỹ chỉ có thể giúp bệnh nhân tránh khỏi các biến chứng nặng của nó (như mù hay bệnh viêm phổi ) bằng cách đảm bảo họ được cung cấp đủ dinh dưỡng và chất lỏng.
Đối với tình trạng nhiễm trùng tai và mắt, bác sỹ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Và vì sởi làm suy giảm nồng độ Vitamin A của cơ thể, nên bác sỹ thường cung cấp cho bệnh nhân hai liều bổ sung Vitamin A.
7. Việc cha mẹ từ chối tiêm MMR cho con có phổ biến không?
Nhìn chung, việc cha mẹ từ chối tiêm vắc xin MMR cho con mình không quá phổ biến. Ở mỹ, theo số liệu của CDC tỷ lệ tiêm ngừa MMR năm 2016 ở trẻ là 91%. Tỷ lệ này đã gần đáp ứng được khả năng “miễn dịch cộng đồng”. Theo đó, để một loại vắc xin có hiệu quả trong một cộng đồng, cần phải có một tỷ lệ nhất định người được tiêm ngừa. Điều này có nghĩa là bệnh tật sẽ không dễ dàng lây lan trong cộng đồng đó, và những đối tượng chưa hoặc không thể tiêm vắc-xin (như trẻ sơ sinh và những người bị dị ứng với vắc xin, hay những người bị suy giảm hệ miễn dịch). Đối với sởi thì tỷ lệ này cần ở 90-95%.
Tuy nhiên, ẩn sau những số liệu thống kê, có những cộng đồng mà tỷ lệ từ chối tiêm vắc-xin cho trẻ khá cao, có thể lên tới 30%.
Hầu hết những cộng đồng này từ chối tiêm ngừa vì niềm tin tôn giáo, hoặc bị ảnh hưởng bởi những phong trào bài trừ vắc-xin đang nổi lên ngày càng mạnh mẽ ở khắp nơi.
8. Liệu chúng ta có bao giờ loại trừ được bệnh sởi?
Về mặt lý thuyết, virus sởi có thể bị xóa sổ khỏi hành tinh vì đặc điểm của nó là chỉ con người mới mang virus sởi chứ không phải bất cứ loài động vật nào khác, và chúng ta đang có vắc xin hoạt động hiệu quả, cũng như các phương pháp hiện đại giúp xác định được bệnh một cách chính xác.
Có một tin tốt lành đó là năm 2017, trên toàn cầu đã có 85% trẻ em được tiêm mũi vắc-xin ngừa sởi đầu tiên vào sinh nhật 1 tuổi, tăng 72% so với năm 2000 (theo số liệu của WHO).
Tuy nhiên tỷ lệ này không đủ để loại bỏ sởi hoàn toàn. Trong khi hầu hết các vụ dịch sởi xảy ra ở các nước đang phát triển đặc biệt là Châu Phi và Châu Á, như chúng ta đã thấy ở các bang của Mỹ cũng như khắp Châu Âu, dịch sởi có thể bùng phát ở bất cứ đâu miễn là có đủ người không tiêm vắc-xin.
Tại Mỹ, các nghiên cứu cho thấy rằng dịch sởi và ho gà quay lại thời gian gần đây gắn liền với những người từ chối tiêm chủng.
Để tăng tỷ lệ tiêm chủng, nhiều quốc gia đã tăng cường các biện pháp để hạn chế quyền miễn trừ vắc-xin hoặc phạt những người không tiêm ngừa.
Mặc dù vậy, nhiều người cho rằng các biện pháp này là quá ít và quá muộn. Sởi đã bị loại bỏ khỏi Hòa Kỳ từ năm 2000 và nay thì nó “được phép” quay trở lại. Họ cho rằng chính phủ đã thất bại trong việc thực hiện các chiến dịch ủng hộ vắc-xin.
Bệnh sởi trong thời gian gần đây đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều quốc gia, kể cả những nước phát triển như Mỹ hay các nước Châu Âu. Chúng ta có thể thấy khi xã hội ngày càng phát triển, quyền tự do và chọn lựa của con người được nâng cao, thì có một bộ phận dân số trên toàn cầu lại đưa ra những quyết định đi ngược với thời đại, gây ảnh hưởng không những đến bản thân họ, mà còn cả cho những người xung quanh, đặc biệt là trẻ em. Là cha mẹ, chúng ta hãy đưa ra những lựa chọn thông thái để bảo vệ con trẻ, góp phần tạo ra môi trường an toàn cho trẻ và cho cả cộng đồng, bạn nhé.
Theo VOX
Lily Nguyễn lược dịch