Thực đơn cho trẻ mùa hè và nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm mẹ cần lưu tâm

Thực đơn cho trẻ mùa hè là một trong các chủ đề khá thú vị, mà các bà mẹ vẫn thường hay bàn đến, mỗi khi ngoài trời bắt đầu đổ ập những cơn nóng và nắng về. Tuy nhiên, nếu chúng ta để ý thì thường, mọi người chú trọng về việc giải nhiệt hay sự thanh mát từ thực phẩm cho trẻ hơn. Trong khi đó, mùa hè nóng bức, trẻ vẫn cần phải được duy trì nguồn năng lượng tốt nhất, để con hoạt động vui chơi, mà vẫn đảm bảo khỏe mạnh và phát triển tốt.

banner ads
Thực đơn mùa hè cho trẻ
Thực đơn cho trẻ mùa hè là một trong những chủ đề rất thú vị của các bà mẹ. Ảnh Internet

1. Thực đơn cho trẻ và nguyên tắc về 4 nhóm thực phẩm

Liên quan đến sự duy trì năng lượng và đảm bảo khỏe mạnh phát triển tốt, chắc chắn chúng ta cần phải tuân thủ nguyên tắc 4 nhóm dinh dưỡng trong thực đơn của trẻ. Đây chính là chìa khóa quan trọng, mà một khi mẹ duy trì, trẻ luôn tràn đầy năng lượng, luôn khỏe khoắn và không hề rơi vào tình trạng chững lại trong đà phát triển của mình, ở bất kỳ giai đoạn nào hay chịu tác động từ các yếu tố bên ngoài ra sao, từ khí hậu đến môi trường sống.

Khi xây dựng thực đơn cho trẻ, việc tận dụng đầy đủ, khoa học và cân bằng 4 nhóm thực phẩm quan trọng gồm rau củ quả, ngũ cốc, sữa và chế phẩm sữa, nhóm thực phẩm giàu chất đạm luôn được nhắc đến như một nền tảng cơ bản, mà nền tảng này chúng ta không thể xem nhẹ.

Việc duy trì nguyên tắc 4 thực phẩm còn được ví như duy trì một chiến lược dinh dưỡng với sự cân bằng cần thiết và ổn định, để đảm bảo cho trẻ luôn đủ chất, phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ.

4 nhóm thực phẩm
4 nhóm thực phẩm là nền tảng cơ bản của mọi thực đơn dinh dưỡng. Ảnh Internet

2. Nghỉ hè không có nghĩa là mẹ có thể nới lỏng nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm quan trọng

Thực vậy, thực đơn cho trẻ nói chung luôn cần lưu ý cân đối 4 nhóm thực phẩm bất kể là mùa nào. Tuy nhiên, vào mùa hè thì điều này càng cần chú trọng hơn. Vì, khi vào hè, con thích vui chơi hơn là ăn uống, cộng thêm tiết trời nóng bức, rất nhiều trẻ có xu hướng chán ăn. Khi đó, các mẹ muốn con ăn được, lại thường phá vỡ nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm quan trọng này, khiến thực đơn mất cân bằng. Do đó, dù thực tế cũng có lúc trẻ ăn nhiều, song lại không có tác dụng bao nhiêu trong việc đảm bảo sức khỏe cho trẻ, cũng như đáp ứng yêu cầu về dinh dưỡng đủ và đúng cho việc phát triển chiều cao cân nặng của trẻ ở thời điểm này.

Còn bàn về 4 nhóm thực phẩm, dẫu rất quen thuộc nhưng chúng ta vẫn nên cùng đề cập lại, để có cái nhìn rõ hơn về tầm quan trọng của nguyên tắc này khi áp dụng trong mùa hè. Từ đó, chúng ta có cách để xây dựng thực đơn mùa hè phù hợp cho trẻ, giúp con ăn ngon miệng hơn, và vẫn đủ dưỡng chất cần thiết cho sự tăng trưởng không ngừng của trẻ.

Thực đơn cho trẻ mùa hè
Thực đơn cho trẻ mùa hè vẫn chú trọng 4 nhóm thực phẩm cơ bản. Ảnh Internet

3. Nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm trong thực đơn cho trẻ mùa hè

Gọi là nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm bởi đây là điều cơ bản cần thiết, là cơ sở để giúp mẹ xây dựng thực đơn mùa hè cho trẻ thành công không chỉ về mặt dinh dưỡng cho con. Điều này còn bảo đảm mẹ không bỏ lỡ mất một mắt xích quan trọng nào, trong việc cung cấp dinh dưỡng cho suốt tiến trình phát triển thể chất lẫn trí não của trẻ, dẫu có tác động bên ngoài là sự thay đổi của các mùa trong năm đi chăng nữa.

Để xác định rõ hơn nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm này, chúng ta hãy cùng điểm lại cụ thể hơn về vai trò và sự cần thiết của chúng đối với trẻ, bên cạnh đó là một số mẹo/ lưu ý rất hữu ích mẹ có thể áp dụng, sao cho thực đơn cung cấp cho trẻ, mang lại hiệu quả tích cực ngay cả trong mùa hè nhé.

3.1 Về nhóm rau củ quả

Rau củ quả mùa hè
Rau củ quả là nhóm thực phẩm quan trọng trong 4 nhóm thực phẩm cơ bản. Ảnh Internet
3.1.1 Nhóm rau củ quả

Nhóm rau củ quả bao gồm rau củ quả tươi, đông lạnh, đóng hộp (nguyên chất và tự nhiên), dạng sấy khô, nước ép.

3.1.2 Tại sao cần cung cấp rau củ quả cho trẻ

Thực đơn của trẻ cần được cung cấp rau củ quả vì, rau củ quả cung cấp cho trẻ chất xơ, vitamin, khoáng chất trong đó có folate, kali, vitamin A, vitamin C cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Cũng nhờ những chất trên, trẻ tăng đề kháng, có thể phòng tránh một số bệnh mùa hè do vi khuẩn virus sinh sôi trong mùa hè gây ra. Bên cạnh đó, trái cây và rau củ chứa hàm lượng calo thấp, giúp trẻ duy trì cân nặng lành mạnh.

Một điểm cộng khác là trái cây rau củ quả có màu sắc nổi bật còn cung cấp chất chống oxy hóa, góp phần bảo vệ cơ thể trẻ trước nhiều nguy cơ bệnh tật khác, mà chúng ta không thể lường trước.

Trẻ đội rau diếp và cà chua
Rau củ quả góp phần giúp trẻ tăng đề kháng trong mùa hè. Ảnh Internet
3.1.3 Cần dùng bao nhiêu rau củ quả mỗi ngày trong thực đơn cho trẻ

Trẻ nên dùng 2 phần trái cây và 3 phần rau hàng ngày với lượng rau củ quả phù hợp với độ tuổi và cân nặng của trẻ. Cách áng chừng lượng trái cây rau củ cung cấp cho con mỗi phần/ mỗi bữa mẹ có thể tham khảo như dưới đây:

  • 1 quả tương đương 1 phần ăn: áp dụng với các loại quả kích cỡ bằng nắm tay của mẹ: táo/ cam/ lê.
  • 2 quả tương đương 1 phần ăn: áp dụng với các loại quả kích cỡ vừa như mơ hoặc mận.
  • 1 nắm tương đương 1 phần ăn: áp dụng với các loại quả kích cỡ nhỏ như sơ ri, cherry, dâu,...
  • 1/2 chén salad trái cây tương đương 1 phần ăn: áp dụng cho các món salad trái cây hỗn hợp.
  • 1/2 chén trái cây đóng hộp hoặc đông lạnh tương đương 1 phần ăn: áp dụng cho các loại trái cây đóng hộp/ đông lạnh/ nấu chín.
  • 1 ly nước ép trái cây nguyên chất khoảng 250ml tương đương 1 phần ăn. Dùng 1 phần/ ngày do nước trái cây nhiều đường hơn trái cây tươi không ép.
  • 1 muỗng canh trái cây sấy khô tương đương 1 phần ăn. Dùng 1 phần/ ngày do trái cây sấy khô nhiều đường hơn trái cây tươi.
1 muỗng trái cây khô
1 muỗng canh trái cây khô/ ngày cho trẻ là đủ. Ảnh Internet
  • 1 củ khoai tây/ khoai lang vừa tương đương 1 phần ăn.
  • 1/2 chén rau nấu chín tương đương 1 phần ăn.
  • 1/2 chén salad các loại tương đương 1 phần ăn.
  • Lưu ý : cỡ chén áp dụng ở đây là chén ăn cơm, loại vừa, bình thường.
3.1.4 Mẹo để giúp trẻ ăn đủ khẩu phần rau củ quả mỗi ngày trong thực đơn mùa hè
  • Chọn rau củ quả theo mùa sẽ ngon hơn, khi chế biến cũng ngon và tươi, trẻ sẽ ăn ngon miệng hơn.
  • Làm sinh tố trái cây trộn sữa hoặc sữa chua để kích thích trẻ ăn ngon miệng, lại bổ sung thêm lượng canxi cho trẻ.
  • Luôn kết hợp rau củ vào bữa ăn một cách sinh động, khéo léo và đẹp mắt, trẻ sẽ hứng thú hơn khi thưởng thức.
  • Kết hợp các loại quả tươi và khô vào các bữa sáng chế biến theo kiểu ngọt cho trẻ, xen kẽ trong thực đơn hàng tuần. Ví dụ, mẹ có thể làm pancake táo hoặc kết hợp với chuối/ dâu tây/ kiwi; trộn ngũ cốc với các loại quả khô; làm các món bánh kết hợp trứng và trái cây phù hợp,...
Pancake trái cây
Kết hợp pancake và các loại trái cây trẻ sẽ rất thích ăn. Ảnh Internet
  • Tương tự với các món mặn, mẹ hãy kết hợp cùng salad rau củ phong phú để trong cùng một đĩa ăn, trẻ sẽ được đổi vị, không chán rau mà còn cảm thấy ăn ngon miệng hơn.
  • Mẹ không vì lý do là mùa hè cần được giải nhiệt mà ép trẻ ăn quá nhiều rau củ quả, hoặc cung cấp cho trẻ lượng trái cây hay nước ép trái cây quá nhiều. Vì điều này dễ gây tác dụng ngược từ việc con ăn rau củ quả bình thường thành chán ăn. Hoặc, dẫn đến tình trạng dư lượng đường khi dùng quá nhiều nước củ quả ép vì cho trẻ giải khát thoải mái mà không có kiểm soát.

3.2 Nhóm ngũ cốc - nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn mùa hè cho trẻ

3.2.1 Nhóm ngũ cốc

Nhóm ngũ cốc bao gồm cơm, bánh mì, nui, bún, mì, yến mạch, ngô, quinoa, và ngũ cốc ăn sáng.

Ngũ cốc
Ngũ cốc là nhóm thực phẩm không thể thiếu trong thực đơn mùa hè của trẻ. Ảnh Internet
3.2.2 Sự cần thiết của nhóm ngũ cốc trong thực đơn cho trẻ mùa hè
  • Ngũ cốc cung cấp carbohydrate để mang lại nguồn năng lượng dồi dào cho trẻ hoạt động cả ngày.
  • Ngũ cốc chứa chất xơ, nhóm Vitamin B , và khoáng chất cần thiết khác cho cơ thể như kẽm và magie.
3.2.3 Trẻ cần dùng bao nhiêu ngũ cốc mỗi ngày

Trẻ nên dùng ít nhất 3 phần ngũ cốc mỗi ngày. Ngũ cốc cung cấp năng lượng nên sẽ tùy vào độ tuổi và hoạt động của trẻ mà cho con dùng lượng ngũ cốc phù hợp. Lượng ngũ cốc cơ bản trung bình mỗi phần ăn cho trẻ mẹ có thể tham khảo như:

  • 2 bánh quy tương đương 1 phần ăn của trẻ.
  • 1/2 ổ bánh mì nhỏ hoặc 1 lát bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt tương đương 1 khẩu phần ăn của trẻ.
  • 1 chén cháo/ 1 chén yến mạch tương đương 1 khẩu phần ăn của trẻ.
  • 1 chén mì/ nui/ bún/ cơm tương tương 1 khẩu phần ăn của trẻ.
3.2.4 Mẹo để con ăn ngũ cốc ngon miệng, đủ lượng, đủ chất trong mùa hè
  • Mẹ tận dụng ngũ cốc nguyên hạt để chế biến cho trẻ vì ngũ cốc nguyên hạt cung cấp nhiều chất xơ, vitamin B cùng khoáng chất cho trẻ.
Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt giàu dinh dưỡng góp phần mang lại cho trẻ một thực đơn mùa hè hoàn hảo. Ảnh Internet
  • Nếu trẻ không ăn bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt, mẹ có thể kẹp 1 lát bánh mì trắng và bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, vừa khiến trẻ thấy lạ miệng vừa đảm bảo hơn về dưỡng chất cho con từ ngũ cốc, so với việc chỉ dùng bánh mì trắng mà trẻ thích nhưng lại ít dinh dưỡng.
  • Dùng bánh mì nướng với bơ như bữa ăn nhẹ giữa các bữa ăn chính, nếu trẻ không ăn ngũ cốc nhiều ở bữa chính.
  • Dùng các loại nước sốt rau củ kết hợp với nui, mì,...thay vì dùng các loại kem béo vừa giảm ngán vừa kiểm soát lượng chất béo mà trẻ nạp vào.
  • Kết hợp các loại hạt khô và quả khô trong các loại sốt ngọt dùng chung với bánh mì hoặc các loại bánh ít đường chế biến từ ngũ cốc nguyên hạt.
  • Với cháo/ cơm/ nui/ bún, mẹ nên chế biến đa dạng nguyên liệu kết hợp để trẻ đổi vị thay vì chỉ dùng một số loại thịt nhất định như thịt heo, thịt bò, thịt gà. Hãy thay đổi bằng việc dùng hải sản như tôm/ cua/ nghêu/ cá hồi/ hàu hoặc dùng thêm các loại nấm .
Trẻ bưng rổ nấm
Mẹ có thể dùng nấm xen kẽ vào thực đơn giàu đạm cho trẻ. Ảnh Internet

3.3 Nhóm sữa và chế phẩm sữa

3.3.1 Sữa và chế phẩm sữa

Sữa và chế phẩm sữa gồm sữa, phô mai và sữa chua các loại (bao gồm cả sữa chua đặc và sữa chua uống.)

3.3.2 Trẻ cần sữa và chế phẩm sữa như thế nào

Nếu như nhóm ngũ cốc cung cấp cho trẻ năng lượng để con hoạt động mạnh khỏe, thì sữa và chế phẩm sữa cũng là nhóm thực phẩm không thể thiếu cho thể chất của trẻ . Đây chính là tổ hợp cung cấp nguồn canxi dồi dào cho cấu trúc xương, răng trẻ chắc khỏe hơn mỗi ngày.

Nhóm này còn cung cấp một lượng protein, carbohydrate, chất béo cần cho sự tăng trưởng của trẻ. Bên cạnh đó, trẻ cũng nhận từ đây những vitamin và khoáng chất phong phú như vitamin A, vitamin B12 cùng kẽm.

Trẻ rót sữa
Sữa là nhóm thực phẩm cần có trong thực đơn mùa hè của trẻ. Ảnh Internet
3.3.3 Trẻ cần dùng bao nhiêu sữa và chế phẩm sữa mỗi ngày

Chúng ta nên biết rằng, cùng mới phụ nữ mang thai, trẻ em cũng nằm trong nhóm đối tượng đặc biệt cần phải được cung cấp lượng sữa hàng ngày. Khẩu phần sữa và chế phẩm sữa được khuyến khích cho trẻ dùng là 2-3 phần/ ngày. Trong đó, lượng sữa và chế phẩm sữa cụ thể mẹ có thể tham khảo như sau:

  • 1 ly sữa khoảng 250ml tương đương 1 khẩu phần
  • 1 hũ sữa chua khoảng 150g tương đương 1 khẩu phần
  • 2 lát phô mai khoảng 40g tương đương 1 khẩu phần
3.3.4 Thực đơn cho trẻ mùa hè với lượng sữa và chế phẩm sữa cần có kiểm soát chặt chẽ
Trẻ uống sữa
Mẹ cần cho trẻ dùng sữa có kiểm soát. Ảnh Internet

Khác với nhóm ngũ cốc hay rau củ quả thường trẻ có thể kén ăn, ăn ít, ăn không đủ, hay không hào hứng nhất là trong mùa hè; song với nhóm sữa và chế phẩm sữa thì ngược lại. So với việc phải dùng các chiêu/ mẹo để khuyến khích, thậm chí là đánh lừa trẻ ăn rau củ quả, ngũ cốc; thì với sữa, đa phần trẻ em đều yêu thích sữa và các chế phẩm làm từ sữa.

Mùa hè nóng nảy, trẻ càng có xu hướng thích sữa và các chế phẩm từ sữa nhất là sữa chua và sữa chua uống hơn chẳng hạn. Bỏ qua nguyên tắc 4 nhóm dinh dưỡng, nhiều mẹ cũng có xu hướng cho trẻ dùng sữa trừ cơm vì thấy con ăn uống không ngon miệng, không đạt đủ "lượng" như mẹ mong đợi. Với mong muốn là nguồn dinh dưỡng bù đắp, lượng sữa và chế phẩm sữa mà trẻ thu nạp trong mùa hè luôn cao hơn so với các mùa còn lại.

Chính vì những lý do trên, trong thực đơn cho trẻ mùa hè, nhóm sữa và chế phẩm sữa lại là nhóm thực phẩm cần phải được kiểm soát chặt chẽ, phải tiết chế. Hay nói cách khác, nguyên tắc thực phẩm với nhóm này, cần phải lưu ý và "chấp hành" tốt hơn các nhóm còn lại.

Việc tiết chế nhóm sữa và chế phẩm sữa không đồng nghĩa với việc mẹ cắt giảm khẩu phần của con mà là áp dụng một số mẹo hữu ích như:

  • Tùy vào cân nặng và sở thích của trẻ, mẹ nên chọn loại sữa ít béo hoặc giàu canxi cho con. Các loại này đều giàu canxi nhưng không giàu chất béo, sẽ giúp mẹ dễ kiểm soát dinh dưỡng cho trẻ từ sữa hơn.
Mẹ chọn sữa ít béo cho trẻ
Mẹ chọn sữa ít béo cho trẻ. Ảnh Internet
  • Thay thế sữa chua ít béo cho các loại kem béo trong công thức các món tráng miệng cho trẻ. Sữa chua dùng để kết hợp làm các loại nước sốt hay chế biến các món mặn cho trẻ cũng khá ngon, mẹ không lo sẽ ảnh hưởng hoặc không chinh phục được khẩu vị của trẻ.
  • Chọn phô mai ít béo hoặc phô mai kem ít béo cho trẻ. Mẹ có thể nhận diện dễ dàng các loại phô mai này vì các nhà sản xuất đều có ghi rõ thành phần và tỉ lệ chất béo trên bao bì.

3.4 Nhóm thực phẩm giàu đạm

3.4.1 Thực phẩm giàu đạm

Thực phẩm giàu đạm tốt cho trẻ bao gồm thịt nạc heo, thịt thăn bò, thịt ức gia cầm, hải sản, đậu hũ cùng các thực phẩm chế biến từ đậu nành, các loại đậu bao gồm cả đậu tươi, đậu khô nấu chín, đậu Hà Lan và đậu lăng.

Các loại đậu
Mẹ dùng các loại đậu giàu đạm trong thực đơn cho trẻ mùa hè. Ảnh Internet
3.4.2 Thực phẩm giàu đạm cần thiết ra sao cho trẻ

Nhóm thực phẩm này cung cấp cho trẻ rất nhiều dinh dưỡng quan trọng cho cơ thể, cũng như sự phát triển của trẻ như protein, sắt, kẽm, chất béo và vitamin B.

3.4.3 Lượng đạm mà trẻ cần hàng ngày

Đạm là nhóm chất rất quan trọng cho cơ thể, nên trong thực đơn của trẻ không thể thiếu hụt nhóm này. Tùy vào độ tuổi, lượng đạm mà trẻ cần hàng ngày là khác nhau. Lượng đạm trung bình cho trẻ mỗi ngày cụ thể mẹ có thể tham khảo như sau:

  • 100g thịt nấu chín/ ngày (một bữa khoảng 20-35g)
  • 3/4 chén đậu nấu chín (các loại đậu như đậu xanh, đậu lăng,...) khoảng 135g/ ngày
  • 3/4 chén đậu hũ/ ngày
  • 1 quả trứng khoảng 50g/ ngày
  • 1 đùi gà/ thịt gia cầm khác khoảng 110g/ ngày
Trẻ ăn đùi gà
Trẻ có thể ăn 1 chiếc đùi gà khoảng 110g/ ngày. Ảnh Internet
3.4.4 Lời khuyên hữu ích cho mẹ khi chế biến nhóm thực phẩm giàu đạm cho trẻ
  • Luôn phiên chọn các thực phẩm khác nhau để làm thực đơn của trẻ được phong phú.
  • Chọn thịt nạc, hạn chế mỡ và loại bỏ da.
  • Đa dạng trong cách chế biến nhưng ưu tiên kho, luộc, nướng, áp chảo và hạn chế chiên nhiều dầu mỡ.
  • Dùng thực phẩm giàu vitamin C cùng lúc để trẻ dễ hấp thụ đạm hơn.
  • Tận dụng cả các loại đậu thay vì chỉ dùng các loại thịt vì đậu giá thành tốt, rất giàu đạm, lành mạnh, dễ chế biến và còn có thể đổi vị bữa ăn kích thích trẻ khám phá bữa ăn của mình hơn.
  • Thêm các loại đậu vào các món salad phù hợp, thêm vào súp hoặc nấu các loại súp đậu hoặc làm các món hầm, hầm cùng thịt để đổi món cho trẻ và luôn tận dụng được nguồn đạm giàu có từ nhóm này.
Súp đậu
Mẹ nên chế biến các loại súp đậu cho trẻ dùng. Ảnh Internet

4. 4 yêu cầu không tách rời để bảo đảm thực đơn cho trẻ mùa hè với nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm phát huy tác dụng

4.1 Hoạt động thể chất

Đây là yếu tố tiên quyết, không thể tách rởi khỏi nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm, nếu mẹ muốn thực đơn cho trẻ mùa hè thực sự phát huy tác dụng, và bảo đảm duy trì sự ổn định có lợi cho quá trình phát triển của trẻ.

Vào năm 2007, Bang Ohio và Indiana của Mỹ đã có một nghiên cứu phân tích lượng mỡ của hơn 5.000 học sinh mẫu giáo và lớp 1 từ một số trường học. Kết quả cho thấy, chỉ số khối cơ thể BMI của các bé trong 3 tháng hè tăng gấp đôi so với 9 tháng đi học.

Nghiên cứu này là một phản ánh rất cụ thể về việc "tích tụ dinh dưỡng" song lại thiếu các hoạt động thể chất để tiêu hao năng lượng mà trẻ đã nạp vào. Thêm vào đó, nhận định cho rằng, vào mùa hè, trẻ cũng có xu hướng ăn vặt nhiều hơn. Đây cũng là yếu tố khiến chỉ số cơ thể tăng lên. Và đương nhiên, nó có tác động không nhỏ đến sự phát triển của trẻ.

Khi trẻ ăn vặt nhiều, cũng đồng nghĩa với việc nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm chế độ ăn uống lành mạnh không được thực thi nghiêm ngặt, còn cộng hưởng cả việc không có đủ hoạt động thể chất, dẫn đến sự chênh lệch BMI lớn như thế chỉ sau 3 tháng nghỉ hè.

Trẻ đá banh
Hoạt động thể chất của trẻ trong mùa hè cần được khuyến khích. Ảnh Internet

Do vậy, tầm quan trọng của hoạt động thể chất luôn rất quan trọng. Nên, vào mùa hè, mẹ hãy khuyến khích con vận động, cho con tham gia một môn thể thao mà trẻ yêu thích như bơi lội, nhảy dây, cùng gia đình đi bộ, đi xe đạp,... Hoạt động thể chất cũng còn có tác dụng kích thích con ăn uống ngon miệng. Như thế, các tác động có lợi này sẽ giúp con có được sự cân bằng trong phát triển thể chất, đảm bảo hơn cho một kỳ nghĩ hè khỏe mạnh nhưng phát triển lành mạnh mà không tăng cân, cũng không sụt cân.

4.2 Kiểm soát sự tiếp xúc của trẻ với các phương tiện giải trí công nghệ

Mùa hè hầu như trẻ đều "rảnh rỗi" hơn mùa đi học và có nhiều thời gian để tiếp xúc với các trò chơi giải trí, các thiết bị công nghệ hơn. Điều này sẽ giảm thời gian hoạt động thể chất của trẻ, cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ lười ăn vì mê chơi, hoặc ăn vặt nhiều khó kiểm soát. Dù theo cách nào, tiếp xúc nhiều với thế giới công nghệ cũng đều mang lại nhiều bất lợi cho trẻ.

Mẹ cần nghiêm khắc trong việc cho phép trẻ được tiếp xúc, giải trí với các thiết bị công nghệ không quá 1 tiếng với trẻ nhỏ và không quá 2 tiếng đồng hồ với trẻ lớn mỗi ngày trong mùa hè. Thời gian giải trí đó bao gồm cả xem tivi, sử dụng điện thoại, máy tính bảng, máy tính để bàn.

Trẻ dùng máy tính
Cho trẻ dùng máy tính không quá 1 tiếng/ ngày. Ảnh Internet

4.3 Ăn vặt lành mạnh

Ăn vặt là điều không thể tránh khỏi khi trẻ "rảnh rỗi" hơn vào mùa hè. Để không biến thời gian mùa hè thành thời gian màu mỡ cho việc tăng cân, chỉ số BMI vượt mức nhanh chóng nhưng không hề khỏe mạnh, mẹ rất cần lưu ý vấn đề ăn vặt của trẻ. Cụ thể hơn mẹ cần:

  • Cho trẻ ăn vặt một cách lành mạnh với các món ăn vặt giàu dinh dưỡng như các loại bánh chế biến từ ngũ cốc nguyên hạt, các loại mứt, trái cây khô ít đường, các loại kem ít béo,....
  • Hạn chế cho trẻ dùng nước ngọt, thực phẩm nhiều đường, các thức uống có ga, đồ chiên nhiều dầu mỡ.
  • Kiểm soát việc dùng thức ăn nhanh của trẻ.
Bánh ngũ cốc cho trẻ ăn vặt
Cho trẻ ăn vặt với các loại bánh lành mạnh tốt cho sức khỏe. Ảnh Internet

4.4 Duy trì thói quen ăn uống tốt và bảo đảm chất lượng giấc ngủ

Thói quen ăn uống tốt luôn là một phần quan trọng giúp con tiêu thụ đủ lượng thức ăn và hấp thụ đủ lượng dinh dưỡng. Tập cho trẻ luôn tập trung vào bữa ăn và ăn uống một cách vui vẻ thoải mái để không ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa thức ăn. Mẹ cần tránh để cho trẻ vừa chơi vừa ăn, hay vừa xem tivi/ điện thoại/ ipad vừa ăn,....

Cho con ăn đúng bữa, nhắc nhở trẻ lớn ăn đúng giờ đúng bữa, đôi lúc có thể ăn ít nhưng không được bỏ ăn. Nếu như ở các bữa chính con không ăn được nhiều, hay mẹ nhắm chừng không đủ dinh dưỡng, thì hãy tăng bữa phụ nhằm bổ sung đủ dưỡng chất cần thiết cho trẻ.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc trẻ cần ngủ đúng giờ và ngủ đủ giấc với chất lượng giấc ngủ phải được bảo đảm. Vì, thời gian con ngủ cũng chính là các hormone sinh trưởng hoạt động giúp con tăng chiều cao. Giấc ngủ chất lượng cũng là yếu tố bảo đảm để con khỏe khoắn thông minh hơn, và ăn ngon hơn vào ngày hôm sau nhờ tinh thần thoải mái.

Trẻ ngủ ngon
Giấc ngủ chất lượng cũng góp phần mang lại thành công cho việc hấp thụ dinh dưỡng của trẻ vào mùa hè. Ảnh Internet

Đến đây, có thể nói rằng, thực đơn cho trẻ mùa hè với nguyên tắc 4 nhóm thực phẩm cùng một số yếu tố đi kèm rất quan trọng, không chỉ với thể chất của trẻ, mà với sự phát triển toàn diện của con. Cũng như, việc chú trọng thực đơn cho con trong mùa hè, không chỉ dừng hay đơn giản ở thực phẩm giải nhiệt, nhằm giúp con đi qua mùa nóng một cách suôn sẻ, còn có nhiều điều quan trọng hơn thế, mà mẹ nào cũng cần lưu tâm, để không làm gián đoạn sự phát triển của trẻ , dẫu có là mùa hè nóng bức.

Nguồn tham khảo: NZ Nutrition Foundation, Parenting Firstcry, Parents.com và Health.com

Cát Lâm tổng hợp và lược dịch

Đã có 1 người đánh giá Hữu Ích

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI