Thiết bị công nghệ và bệnh mắt ở trẻ em - đã đến lúc cần phải bảo vệ đôi mắt của con bạn

banner ads

Sự tác động do tiếp xúc với thiết bị thông minh đến tinh thần, tâm lý có thể mất một thời gian dài chúng ta mới nhận thấy được. Tuy nhiên, các vấn đề về thể chất sẽ biểu hiện sớm và rõ hơn, đặc biệt về mắt của trẻ. Sự ảnh hưởng về mắt này cụ thể như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé.

Chúng ta có thể thấy rằng hiện nay, các thiết bị thông minh gần như không thể tách rời đối với trẻ em. Dù với mục đích giáo dục hay chỉ giải trí, trẻ cũng dành khá nhiều thời gian cho các thiết bị thông minh đến nỗi, thời gian đó được đặt tên là Screen time – thời gian bên màn hình. Một điều đáng lo ngại là hầu hết các trẻ rất vui thích với “Screen time” và có thể dành hàng giờ hoặc nhiều giờ liền cho điện thoại thông minh, máy tính bảng, máy tính bàn hay các thiết bị khác.

Theo thống kê, hiện nay trẻ dưới 8 tuổi dành khoảng hơn 2 giờ/ ngày cho “Screen time”, trẻ 8-10 tuổi dành gấp 3 thời gian – khoảng 6 giờ, và trẻ lớn hơn lên đến 9 giờ/ ngày cho thiết bị công nghệ.

Trẻ càng ngày càng dành nhiều thời gian cho thiết bị công nghệ
Screen time – thời gian bên màn hình của trẻ ngày càng tăng trong cuộc sống hiện đại. Ảnh Internet

1. Bệnh về mắt và thị lực do hiện tượng Screen time gây nên

Gắn với hiện tượng dành quá nhiều thời gian cho thiết bị công nghệ, hiểm họa xảy ra với trẻ là một số bệnh về mắt, thị lực, mà chúng ta có thể điểm qua dưới đây.

banner ads

1.1 Hội chứng về thị lực do máy tính

Computer vision syndrome (CVS) – Hội chứng về thị lực do máy tính – hay còn được gọi là chứng căng mắt do kỹ thuật số - là tình trạng căng thẳng của mắt thể hiện qua các triệu chứng: thị lực không ổn định, khô mắt, mỏi mắt, nhức đầu và mệt mỏi. Việc ngồi trước máy tính trong thời gian dài với tư thế sai còn làm cho một số cơ quan khác như cổ, vai, lưng bị đau và dễ hình thành tư thế “turtle” – cổ rùa với lưng, vai gù xuống , đầu ngửa ra sau, cằm đưa lên phía trước. Những biểu hiện đó cũng được xem là thuộc hội chứng CVS nhưng thuộc nhóm các triệu chứng không thuộc về thị lực.

1.2 Cận thị

Các nhà nghiên cứu về thị lực tin rằng, việc tăng thời gian tiếp xúc với máy tính và các thiết bị công nghệ khác làm tăng nguy cơ trẻ bị cận thị . Số lượng trẻ em bị cận thị đã gia tăng đáng kể trong những thập niên gần đây, cũng là giai đoạn các thiết bị thông minh phát triển nhanh chóng và việc trẻ em sử dụng các thiết bị này trở nên phổ biến. Việc đeo kính để giúp mắt điều tiết trong cận thị vừa ảnh hưởng đến quá trình sinh hoạt và học tập, vừa làm giảm tính thẩm mỹ đối với trẻ.

Trẻ cận thị do tiếp xúc quá nhiều với thiết bị công nghệ
Cận thị là tật khúc xạ mắt phổ biến do việc tiếp xúc công nghệ nhiều gây ra. Ảnh Internet

1.3 Sự gia tăng mức độ phơi sáng với ánh sáng xanh

Ánh sáng nhìn thấy được với mức năng lượng cao được phát ra từ màn hình LED của máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông mình và các thiết bị kỹ thuật số khác được gọi là ánh sáng xanh. Mặc dù ánh sáng xanh tự nhiên chủ yếu được phát ra từ mặt trời, nhiều nhà nghiên cứu lo ngại rằng, việc tiếp xúc với ánh sáng xanh nhân tạo từ các thiết bị số có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh về mắt liên quan đến tuổi, tiêu biểu như bệnh thoái hóa điểm vàng sau này.

2. Các biện pháp bảo vệ đôi mắt trẻ trước hiện tượng Screen time

Mặc dù các bệnh về mắt liên quan đến thiết bị công nghệ không đến nỗi nguy hiểm đến tính mạng, nhưng nó làm giảm chất lượng sống nói chung. Vậy để bảo vệ đôi mắt của trẻ và hạn chế thời gian tiếp xúc của con với các thiết bị này, chúng ta có thể làm gì? Các cha mẹ hãy tham khảo một số biện pháp sau nhé.

2.1 Khuyến khích trẻ thường xuyên nghỉ giải lao khi dùng thiết bị công nghệ

Trên thực tế, việc không cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị công nghệ dường như là một nhiệm vụ bất khả thi. Vì vậy, thay vì cấm đoán, bạn có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh về mắt cho trẻ bằng cách, khuyến khích trẻ áp dụng quy tắc giải lao 20-20-20 khi sử dụng máy tính hoặc điện thoại, rồi giảm dần thời gian dùng chúng.

Quy tắc 20-20-20 nghĩa là cứ 20 phút sử dụng máy tính (hoặc thiết bị khác), trẻ sẽ nghỉ giải lao để nhìn vào một vật gì đó (tốt nhất là cây xanh) cách xa 20 feet (khoảng 6 mét) trong vòng 20 giây. Cách áp dụng đơn giản này được xem như bài tập hiệu quả cho mắt , giúp mắt được nghỉ ngơi, thư giãn đồng thời giảm nguy cơ tiến triển của cận thị cũng như sự mệt mỏi và nhiều triệu chứng khác liên quan đến sử dụng thiết bị kỹ thuật số.

Khuyến khích trẻ thường xuyên giải lao khi dùng thiết bị công nghệ.
Khuyến khích trẻ thường xuyên giải lao khi dùng thiết bị công nghệ. Ảnh Internet

2.2 Khuyến khích trẻ thường xuyên điều chỉnh tư thế khi sử dụng máy tính hay các thiết bị khác

Trong thời gian áp dụng quy tắc 20-20-20, trẻ còn có thể điều chỉnh tư thế của đầu, cổ, vai để giảm căng cơ và mệt mỏi. Vận động đầu qua trái, phải, lên xuống hay đứng dậy và kéo căng toàn bộ cơ thể cũng là hoạt động rất tốt để giảm nguy cơ mắc các triệu chứng liên quan gián tiếp đến hội chứng về thị lực do máy tính.

2.3 Bảo vệ mắt trẻ khỏi ánh sáng xanh

Hiện tại, chưa ai có thể khẳng định được mức độ gây hại của ánh sáng xanh phát ra từ máy tính và các thiết bị công nghệ khác đối với mắt trẻ. Có lẽ cần nhiều nghiên cứu chuyên sâu trong nhiều thập kỷ nữa mới có thể kết luận chính xác được. Tuy nhiên tốt nhất, chúng ta vẫn nên bảo vệ đôi mắt của trẻ khỏi cả ánh sáng xanh có hại từ cả tự nhiên và nhân tạo.

Khi ra ngoài, nên dùng kính mát cho để bảo vệ mắt trẻ khỏi ánh sáng xanh từ mặt trời. Còn khi sử dụng máy tính, điện thoại, máy tính bảng hay các thiết bị công nghệ khác, nên dùng các loại kính có bộ lọc ánh sáng xanh để giúp hạn chế sự tác động có hại đối với mắt trẻ.

2.4 Thiết lập những khoảng thời gian không thiết bị công nghệ

Học viện nhi khoa Hoa Kỳ khuyên các bậc cha mẹ nên thiết lập những khoảng thời gian không thiết bị công nghệ, hướng trẻ đến những hoạt động ngoài trời để giảm sự ảnh hưởng của chúng lên sức khỏe của trẻ, cũng như tăng sự kết nối trong gia đình. Bạn có thể tổ chức các buổi dã ngoại, hay đơn giản là các trò chơi ngoài trời để cả gia đình cùng tham gia.

Trẻ đọc sách
Bố mẹ hãy cùng trẻ thiết lập những khoảng thời gian không thiết bị công nghệ. Ảnh Internet

2. 5. Kiểm tra mắt định kỳ

Cuối cùng, bạn hãy cho trẻ đi khám mắt định kỳ vào đầu mỗi năm học. Qua kiểm tra bác sỹ nhãn khoa sẽ cho bạn biết tình trạng thị lực của trẻ, đồng thời sẽ đưa ra những lời khuyên cụ thể trong việc bảo vệ và duy trì sức khỏe mắt của con để bạn có thể giúp con thực hiện tốt hơn.

Trẻ em và công nghệ đều là tương lai của thế giới. Tuy nhiên, bệnh mắt ở trẻ em và thiết bị công nghệ cũng đi liền với nhau. Vì vậy, các cha mẹ hãy quan tâm đến đôi mắt của trẻ một cách tích cực hơn. Qua những biện pháp chúng ta đã cùng chia sẻ ở trên, hy vọng các cha mẹ sẽ giúp con thật hiệu quả, trong việc bảo vệ đôi mắt và sức khỏe thị lực của mình nhé.

Theo All About Vision

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI