Thai nhi 35 tuần và bí kíp giúp mẹ bầu chuẩn bị vượt cạn

Thai nhi 35 tuần tuổi tức là mẹ bầu còn cách ngày sinh không xa nữa. Chỉ nghĩ đến ngày được gặp con yêu đang cận kề thôi là mẹ đã rất vui rồi đúng không. Ngoài tâm trạng háo hức chờ đợi con chào đời, mẹ bầu cũng sẽ có những thắc mắc xoay quanh tình hình phát triển của con cũng như giải pháp giải quyết những vấn đề của mẹ trong thai kỳ, đặc biệt là tuần thai thứ 35 này. Đây là tuần thai quan trọng mà mẹ nên đặc biệt lưu ý để phòng tránh những rủi ro không đáng có cho cả mẹ và con. Bên cạnh đó, mẹ cũng hãy bỏ túi những bí kíp mà Yeutre.vn giới thiệu để chuẩn bị cho ngày vượt cạn sắp tới.

banner ads
Thai nhi 35 tuần tuổi có hình hài gần như là trẻ sơ sinh rồi ba mẹ ơi
Thai nhi 35 tuần tuổi có hình hài gần như là trẻ sơ sinh rồi ba mẹ ơi. Ảnh Internet

1. Thai nhi 35 tuần phát triển đến đâu rồi?

1.1. Cân nặng và kích cỡ của con

Bước vào tuần 35, bé con trong bụng mẹ đã dài khoảng 46 cm và nặng khoảng từ 2.3 đến 2.5 kg rồi đấy, mẹ có thể hình dung con có kích cỡ bằng một trái dứa. Thai nhi lúc này đã có hình hài như là trẻ sơ sinh. Và chỉ còn vài tuần nữa thôi là mẹ sẽ đón con đến với thế giới này. Con có thể đạt được chiều dài lý tưởng nhưng vẫn có thể tăng thêm vài cân nữa trước khi chào đời, cụ thể trung bình con tăng khoảng 30 gram mỗi ngày.

1.2. Thai nhi 35 tuần đã chuẩn bị sẵn sàng để chào đời

Sang tuần 35, con có kích cỡ bằng một trái dứa
Sang tuần 35, con có kích cỡ bằng một trái dứa. Ảnh Internet
  • Các cơ quan của con gần như hoàn thiện: Mặc dù con đã sẵn sàng đến thời điểm ra khỏi bụng mẹ, tuy nhiên điều đó không có nghĩa là con sẽ không phát triển thêm nữa. Vào những tuần cuối cùng là thời điểm quan trọng để những cơ quan như thận và phổi được hoàn thiện. Gan của con bắt đầu lọc chất thải. Não và hệ thần kinh của con thời điểm này đang phát triển rất nhanh. Thính giác, hệ thống tuần hoàn và các cơ xướng khớp của con đã phát triển đầy đủ. Trong tuần này, con đặc biệt nhạy cảm với những âm thanh chói tai.
  • Lớp lông tơ của con đang rụng dần và gần như biến mất trong tuần thai này. Trên da con lúc này chỉ còn lớp sáp bảo vệ con khỏi nước ối, lớp sáp này không mỏng đi mà sẽ có xu hướng dày hơn các tuần trước.
  • Vào tuần này, hầu hết đầu của thai nhi đều đã hướng xuống dưới tử cung của mẹ, sẵn sàng cho việc ra ngoài. Con cũng đang tập mút tay rất thuần thục để chuẩn bị cho lần bú đầu tiên.

1.3. Hoạt động của con trong bụng mẹ

  • Con nuốt nước ối và thải phân : Lớp lông tơ rụng dần cùng với lớp sáp bên ngoài cơ thể con sẽ hòa vào trong túi nước ối. Con sẽ nuốt hỗn hợp chất này và thải ra một hỗn hợp màu đen, gọi là phân su. Đây cũng được coi như là lần "đi ngoài" đầu tiên của con luôn đấy.
  • Con ít nhào lộn trong bụng mẹ : Vì kích thước của con đến tuần thai này đã lớn hơn rất nhiều, khoảng trống trong bụng mẹ không còn rộng rãi đủ chỗ cho bé con đùa nghịch như trước nữa. Tuy vậy, mẹ vẫn còn cảm nhận được bé đạp và huých bụng mẹ mỗi ngày, mẹ hãy thường xuyên theo dõi tần suất đạp của con để biết được tình hình sức khỏe của con nhé.

2. Vấn đề sức khỏe của mẹ trong tuần thai này

Vì là tuần cận kề ngày sinh rồi nên mẹ phải hết sức lưu ý đến sức khỏe của mình. Bênh cạnh những triệu chứng thông thường khi mang thai , nếu có những biểu hiện lạ hoặc khó chịu trong cơ thể nằm ngoài kiểm soát thì mẹ nên báo ngay cho người chăm sóc hoặc đến bác sĩ khám.

2.1. Mẹ cảm thấy khó chịu và hay bị những cơn đau thắt

Ngoài những cơn đau thắt, mẹ dễ bị chóng mặt và đau đầu hơn
Ngoài những cơn đau thắt, mẹ cũng dễ bị chóng mặt và đau đầu hơn. Ảnh Internet
  • Bước sang tuần 35, cổ tử cung của mẹ bắt đầu giãn ra hoặc chỉ mở ra một chút để sẵn sàng cho việc sinh con sắp tới. Điều này sẽ khiến dịch nhầy trong tử cung của mẹ tiết ra nhiều hơn và thỉnh thoảng mẹ bị đau nhói đột ngột trong âm đạo. Những cơn đau thắt sẽ diễn ra thường xuyên nhưng không thành một nhịp đều đặn, mẹ hãy chú ý phân biệt những cơn đau trong tuần này với đau chuyển dạ. Mẹ sẽ cảm nhận rõ sự gia tăng áp lực ở vùng bụng dưới, nếu bé ở vị trí thấp trong bụng còn khiến vùng âm đạo của mẹ thêm khó chịu và dẫn đến nhiều cơn co thắt khác. Mẹ vì vậy cũng sẽ chậm chạp hơn, hoạt động cũng theo đó mà trở nên vụng về và vướng víu.
  • Ngoài những cơn đau vùng bụng, lưng và hông, mẹ cũng sẽ dễ bị chóng mặt và đau đầu thường xuyên. Do thai nhi lớn hơn chèn ép các dây thần kinh và mạch máu, khiến cho lượng máu lưu thông lên não ít đi, mẹ dễ bị chóng mặt khi đổi tư thế đột ngột hoặc làm việc gì quá sức.

2.2. Các vấn đề răng miệng

Bên cạnh đó, tình trạng sức khỏe răng miệng của mẹ cũng kém đi. Vi khuẩn đường miệng hoạt động tích cực trong thời kỳ mang thai dễ gây ra các vấn đề về răng miệng mà mẹ không ngờ tới. Bệnh viêm nướu chân răng rất thường gặp ở các mẹ bầu. Để phòng hạn chế bệnh về răng, mẹ nên vệ sinh răng miệng đều đặn, chú ý thay bàn chải đánh răng đúng hạn và chọn cho mình loại kem đánh răng phù hợp.

2.3. Đi tiểu thường xuyên hơn

Đây cũng là một trong những dấu hiệu khi em bé trong bụng mẹ đã di chuyển xuống tới vị trí xương chậu và ấn vào bàng quang của mẹ. Khi mẹ ho, cười to hoặc hắt hơi có thể sẽ bị rỉ một ít nước tiểu. Một vài hành động đột ngột như cuối người xuống thôi cũng khiến mẹ cảm thấy khó chịu vùng bụng. Mẹ nên sử dụng thêm tã, băng vệ sinh hàng ngày để cơ thể sạch sẽ và sinh hoạt thoải mái hơn.

2.4. Chứng khó ngủ

Mẹ bầu thường bị khó ngủ vào những tuần cuối thai kỳ
Mẹ bầu nên tận dụng mọi nơi dễ chịu nhất để tạo cho mẹ giấc ngủ ngon. Ảnh Internet

Vào những tuần cuối thai kỳ, để tìm được một tư thế ngủ ngon là rất khó. Mẹ hãy nằm nghiêng qua một bên, dùng gối kê giữa hai đầu gối cho thoải mái. Hoặc nếu mẹ thấy nằm ghế dựa dễ chịu hơn thì cứ tận dụng nó để có một giấc ngủ ngon trước đã. Mẹ cũng có thể thử sử dụng những loại gối cho bà bầu để có tư thế nằm vừa ý. Vì giấc ngủ quý giá, hãy cố gắng khiến bản thân thoải mái nhất có thể, nghỉ ngơi bất cứ lúc nào mẹ muốn, ở bất cứ nơi nào mẹ cảm thấy dễ chịu.

2.5. Chân mẹ bị sưng và đau nhức

Phần lớn phụ nữ mang thai đều bị sưng ở bàn chân hoặc cả chân. Nguyên nhân là do khi mang thai, tử cung sẽ gây áp lực lên tĩnh mạch của mẹ, gây giảm lưu thông máu, khiến máu khó tuần hoàn về tim. Để giảm sưng đau, mẹ nên hạn chế đứng quá lâu một chỗ cũng như hạn chế gây áp lực lên chân quá nhiều. Mẹ cũng có thể kê gối mềm dưới chân khi ngồi và đi giày hỗ trợ để giảm đau.

2.6. Chứng ợ nóng

Nếu những tuần thai trước mẹ bị chứng ợ nóng thì trong tuần này, cảm giác nóng rát ở cổ và ngực sẽ có dấu hiệu thuyên giảm vì thai nhi đã di chuyển xuống vùng xương chậu. Mẹ hãy cố gắng tránh những món cay nóng, món chiên xào nhiều nhất có thể. Hạn chế ăn các loại trái cây có múi và socola vì mùi của những loại thức ăn này khi đi vào thực quản sẽ không hề dễ chịu đâu. Bên cạnh đó, để khắc phục chứng ợ nóng khi mang thai , mẹ không nên ăn quá no mà hãy chia nhỏ bữa ăn để tiêu hóa hoạt động trơn tru mẹ nhé.

2.7. Tâm lý của mẹ thay đổi

Bước vào tuần thai thứ 35, mẹ đang ở tháng thứ 8 của thai kỳ, tức là còn 4 tuần nữa mẹ sẽ sinh, tâm lý lúc này của mẹ có thể chuyển biến theo nhiều hướng. Mẹ có thể sẽ trông chờ đến ngày con được sinh ra, không biết con sẽ trông như thế nào và sức khỏe con liệu có ổn không. Nhưng mẹ cũng có thể hơi lo sợ vì ngày sinh cận kề, không biết cảm giác sinh nở như thế nào, nhất là đối với những mẹ lần đầu sinh con sẽ càng căng thẳng hơn.

Tâm lý mẹ bầu sẽ thường không ổn định khi bước sang tuần thai 35
Tâm lý mẹ bầu sẽ thường không ổn định khi bước sang tuần thai 35. Ảnh Internet

Khi mẹ thay đổi tâm lý thất thường, từ buồn sang vui, lo âu hay giận dữ, thai nhi sẽ gò nhiều hơn. Thế nên nếu mẹ để ý thấy thai nhi gò nhiều bất thường thì khả năng cao là do tâm lý của mẹ không được ổn định đó. Mẹ nên giữ tâm trạng thoải mái hơn để con yêu trong bụng được an toàn và khỏe mạnh.

3. Thực đơn cho mẹ bầu tuần 35

Chỉ còn vài tuần nữa là mẹ sẽ sinh, vậy nên chế độ dinh dưỡng cần phải được duy trì hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho mẹ và đảm bảo sự phát triển cho con.

  • Thực phẩn giàu đạm : Trong thai kỳ, chọn ăn các thực phẩm chứa đạm vừa giúp bổ sung đủ chất cho con phát triển toàn diện các cơ và hện tuần hoàn, vừa giúp mẹ không bị tăng cân quá nhanh. Việc bổ sung đủ đạm vào thực đơn hàng ngày còn giúp ngăn chặn nguy cơ khiến bé bị các bệnh do thiếu chất, bị dị tật hoặc các bệnh bẩm sinh về não.
  • Bổ sung tinh bột : Mẹ nên ăn khoảng 2-3 bát cơm mỗi ngày là vừa đủ. Việc bổ sung lượng tinh bột vừa phải sẽ vừa giúp cung cấp năng lượng mà không khiến thân hình mẹ trở nên quá phù nề, hệ tiêu hóa cũng hoạt động tốt hơn. Đặc biệt mẹ nhớ hạn chế ăn tinh bột sau 8 giờ tối để tránh bị khó tiêu gây mất ngủ.
  • Mẹ nên ăn thêm rau và trái cây : Lượng chất xơ và các loại vitamin trong rau củ, trái cây luôn là cái cân giúp cân bằng cực tốt lượng thực phẩm nạp vào và thải ra. Chất xơ trong trái cây còn hỗ trợ mẹ hấp thụ chất sắt trong các loại thực phẩm khác.
Các món salad rau củ sẽ là thức ăn vặt cực lành mạnh cho mẹ bầu thèm ăn
Các món salad rau củ sẽ là thức ăn vặt cực lành mạnh cho mẹ bầu thèm ăn. Ảnh Internet
  • Các thực phẩm chứa sắt, canxi và các khoáng chất : Đây vừa được xem như là món giúp cung cấp dưỡng chất cho con lớn khỏe, vừa giúp cho chính mẹ không bị thiếu chất trong thời kỳ mang thai. Bổ sung các chất sắt hay canxi vào cơ thể sẽ giúp mẹ duy trì được độ dẻo dai, tăng lưu thông máu và giúp hạn chế các cơn đau dai dẳng.
  • Uống đủ nước : Việc uống đủ nước vốn đã rất quan trọng vào những ngày bình thường thì đối với những mẹ bầu lại càng quan trọng hơn. Cung cấp đủ chất lỏng cho cơ thể giúp cơ thể có đủ môi trường và điều kiện để trao đổi chất một cách trơn tru. Uống đủ nước sẽ giúp mẹ ngăn ngừa được chứng táo bón đáng ghét trong thai kỳ, hoặc ít nhất là khiến bệnh bớt trầm trọng.

4. Những điều mẹ nên biết khi mang thai tuần 35

4.1. Lưu ý cho mẹ sinh đôi trở lên

Mẹ tốt nhất nên tìm hiểu các dấu hiệu chuyển dạ sinh non, vì với các cặp song sinh thì khả năng sinh non sẽ cao hơn 50%, và tỷ lệ sinh non sẽ tăng lên 90% đối với sinh ba. Một vài dấu hiệu sinh non trong tuần này như chuột rút, áp lực ở lưng dưới, bị tiêu chảy và tăng lượng dịch âm đạo. Mẹ nên tìm hiểu kỹ và liên hệ với bác sĩ, người chăm sóc sức khỏe ngay khi có những dấu hiệu chuyển dạ sinh non.

Trường hợp sinh no thường xảy ra với những mẹ mang song thai trở lên
Trường hợp sinh non thường xảy ra với những mẹ mang song thai trở lên. Ảnh Internet

4.2. Sinh thường hay sinh mổ?

Từ tuần này trở đi, các bác sĩ sẽ khám định kỳ một lần/tuần cho đến khi mẹ sinh. Từ các kết quả thăm khám, bác sĩ sẽ cho mẹ biết tình hình sức khỏe của mẹ và con có thích hợp sinh thường hay không. Mẹ cũng nên biết những điều kiện nào thì nên chọn sinh mổ sẽ an toàn hơn để chuẩn bị trước tinh thần lúc vượt cạn.

Một vài lý do dẫn đến những ca sinh mổ mẹ nên biết:

  • Bé con đang ở một vị trí bất thường trong bụng mẹ và vị trí này không thuận lợi để sinh thường.
  • Con có thể quá lớn để đi qua được xương chậu và âm đạo của mẹ để ra ngoài.
  • Nhau thai trong bụng mẹ ngăn không cho bé ra khỏi tử cung một cách an toàn.
  • Nếu trước đây mẹ sinh mổ, thì khả năng cao mẹ sẽ sinh mổ lần nữa, vì đây chắc hẳn là phương pháp sinh an toàn nhất cho mẹ.

4.3. Thai nhi 35 tuần gò nhiều hay ít?

Thông thường khi thai 35 tuần thai sẽ gò khá nhiều đấy mẹ ơi. Nếu thai gò chỉ khiến mẹ hơi khó chịu mà không có nhiều biểu hiện gì kèm theo thì mẹ không phải quá lo lắng. Nguyên nhân là do thai nhi đã phát triển lớn hơn và sắp không đủ chỗ cho con nữa rồi, thế nên cứ mỗi lần con xoay mình cử động trong tử cung sẽ tạo ra những con gò nhẹ. Tuy nhiên, thai gò nhiều cũng có thể do tâm lý của mẹ bầu không được ổn định, vui buồn quá mức hoặc hay lo âu.

Những bài tập yoga sẽ giúp hiện tượng gò thai dễ chịu hơn đấy mẹ
Những bài tập yoga sẽ giúp hiện tượng gò thai dễ chịu hơn đấy mẹ. Ảnh Internet

Khi con gò nhiều, mẹ chỉ cần nghỉ ngơi, thư giãn bằng cách dùng khăn ấm chườm vắt ngang qua bụng, tắm nước ấm hoặc ngâm mình trong nước ấm. Ngoài ra, những bài tập yoga cho bà bầu luôn luôn có ích trong việc làm dịu những cơn gò khi mang thai, mẹ cũng nên thử xem nhé.

Vậy khi nào thì việc thai gò trở nên bất thường? Mẹ nên để ý xem thai khi gò có bị lệch sang một bên không, hoặc nếu thai gò kéo dài cũng không ổn. Nếu mẹ có cảm giác đau nhiều, căng cứng bụng quá lâu, bụng bầu như chùng xuống và bị nhồi liên tục thì lời khuyên là mẹ nên đi khám xem con có ổn không.

4.4. Các dấu hiệu chuyển dạ

Không phải lúc nào dự đoán ngày sinh cũng hoàn toàn chính xác. Tuần 35 của thai kỳ, mẹ không thể chắc chắn hay biết trước được khi nào thì mình sẽ lâm bồn. Thế nên việc biết được những dấu hiệu chuyển dạ vào tuần này không hề quá sớm. Những dấu hiệu này không hề quá nguy hiểm như nhiều người tưởng, nó chỉ đơn giản là những triệu chứng mẹ bầu nào cũng sẽ có khi sắp sinh em bé, mẹ nên biết để phân biệt với những dấu hiệu về bệnh khác. Những dấu hiệu chuyển dạ sắp sinh thông thường:

  • Vỡ ối : Nếu bị vỡ ối, việc khẩn cấp cần làm là đến bệnh viện. Vì màng ối có tác dụng bảo vệ thai nhi nên nếu bị vỡ ối, đây là lúc con của mẹ chào đời rồi đấy.
  • Ngừng tăng cân : Nếu mẹ ngừng tăn cân hoặc thậm chí tụt vài ký, đó có thể là do ngày sinh đã cận kề rồi đấy.
  • Chuột rút, các cơ giãn ra : Mẹ sẽ thấy việc đi lại rất khó khăn, các cơ xương chậu và tử cung như được kéo giãn ra. Đó là do cơ thể mẹ đang "giãn nở" để chuẩn bị sinh em bé đó.
  • Đau thắt cổ tử cung : Dấu hiệu thường xảy ra từ tuần thứ 37 trở đi. Những cơn đau thắt liên tục từ lưng dưới xuống bụng dưới và lan xuống hai chân là dấu hiệu cho thấy bé sắp chào đời.
  • Dịch nhầy tiết nhiều và đặc hơn vào ngày cận sinh : Dịch nhầy tiết ra vào những ngày cận sinh có thể sẽ có màu hồng, nhiều người gọi đây là máu báo sinh. Khi có hiện tượng này, mẹ hãy đến bệnh viện để kiểm tra nhé.
  • Thai dịch chuyển xuống dưới : Dấu hiệu này thường xảy ra trước một tuần trước khi sinh nên mẹ hãy đi khám để kịp chuẩn bị.
  • Cổ tử cung mở : Đây là tín hiệu chính xác nhất về ngày mà con ra đời đấy. Dù mẹ chưa gặp hết những dấu hiệu phía trên, nhưng miễn cổ tử cung mở thì cũng là lúc mẹ nên đến bệnh viện để khám và chuẩn bị vượt cạn được rồi đấy.

4.5. Và vấn đề quan hệ trong tuần thai thứ 35 này

Liệu có thể quan hệ trong tuần thai 35 này không?
Liệu có thể quan hệ trong tuần thai 35 này không? Ảnh Internet

Tin tốt là mẹ hoàn toàn có thể yên tâm về vấn đề tình dục trong tuần này, tình dục là an toàn cho mẹ và con. Tuy nhiên, chọn được tư thế thoải mái để thực hiện chuyện chăn gối mới là vấn đề đáng lo ngại. Mẹ hãy ngồi lại và trao đổi với ba về vấn đề này để khiến mẹ dễ chịu nhất có thể. Bên cạnh đó, quan hệ nhẹ nhàng và tìm hiểu kỹ những trường hợp nào mẹ cần tránh quan hệ khi mang thai, ví dụ như khi mang song thai hoặc khi mẹ từng có tiền sử sảy thai, thì việc quan hệ sẽ không được khuyến khích đâu nhé. Và mẹ không nhất thiết phải làm chuyện đó nếu cảm thấy không quá cần thiết. Ba mẹ chỉ cần massage nhẹ nhàng cho nhau, thì thầm trò chuyện để gần nhau hơn cũng là một cách rất tốt để giải tỏa vấn đề giường chiếu.

5. Mẹ nên làm gì khi thai nhi 35 tuần tuổi

5.1. Thư giãn, thư giãn và thư giãn

Thật ra, mẹ bầu nên khiến bản thân mình thoải mái trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, để thư giãn trong tuần thai thứ 35 này lại là một việc không hề dễ dàng. Bên cạnh việc cơ thể mẹ to hơn, bụng gồ lên nhiều lần, những cơn đau thắt bất chợt đến thường xuyên, thì tâm trạng của mẹ cũng bắt đầu khó kiểm soát. Bên cạnh việc chịu đựng bị con "hành" những ngày cuối tam cá nguyệt thứ 3, mẹ sẽ càng lo lắng hơn khi ngày sinh cận kề. Thế nên việc khiến cho bản thân thoải mái hơn sẽ giúp mẹ tránh bị căng thẳng hoặc bị mắc các chứng bệnh trầm cảm sau sinh.

Ghi chép lại những cảm xúc và quá trình mang thai của mẹ bầu giúp giảm bớt căng thẳng
Ghi chép lại những cảm xúc và quá trình mang thai của mẹ bầu giúp giảm bớt căng thẳng. Ảnh Internet

Dành cho những mẹ không thể không nghĩ đến vấn đề cận ngày sinh: Để khiến việc sinh đẻ được nhẹ nhàng hơn, mẹ hãy thử làm một quyển sổ nhật ký mẹ bầu đi nào. Ghi chép những thông tin cần thiết cho ngày vượt cạn. Ngoài ra, lưu lại thông tin liên lạc những lúc cấp bách hoặc vài dòng ghi chú nhỏ dành cho những người sẽ cùng mẹ vượt cạn. Đừng quên viết ra những cảm xúc của mẹ trong những ngày con còn trong bụng nữa hay đơn giản là cảm xúc của mẹ khi vừa xem một bộ phim hay về gia đình, mẹ sẽ có rất nhiều chuyện muốn kể lại sau khi con chào đời đấy.

5.2. Theo dõi tần suất "đạp" của con

Sang tuần thứ 35, bé con sẽ có dấu hiệu ít đạp trong bụng mẹ hơn. Dù vẫn còn thường xuyên đạp mẹ, nhưng những cú đạp của con sẽ nhẹ hơn và thưa hơn. Thậm chí vào những tuần sắp tới bé sẽ không còn đạp nữa. Nguyên nhân là do kích thước thai nhi tuần này đã lớn hơn nhiều, bé sẽ không còn nhiều khoảng trống để tung những cú đạp thẳng chân mạnh mẽ như trước nữa. Vậy nên mẹ cũng đừng quá lo lắng khi con không đạp nhiều như những tuần trước. Tuy nhiên mẹ vẫn nên thường xuyên để ý theo dõi tần suất đạp của con nhé. Nếu để ý thấy con đột nhiên đạp quá nhiều hoặc quá mạnh, mẹ cũng nên hỏi thăm ý kiến của người chăm sóc, vì rất có thể bé đang bị thiếu dinh dưỡng hoặc bị quấn dây rốn. Còn nếu ngược lại, con đạp ít hơn mức bình thường quá lâu, mẹ cũng nên đến bác sĩ thăm khám để biết rõ tình hình con trong bụng.

5.3. Thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B (GBS)

Xet nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B là rất cần thiết từ tuần 35 37
Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B là rất cần thiết cho mẹ và con từ tuần thai 35-37. Ảnh Internet

Mẹ bầu hãy đến bệnh viện để các bác sĩ thực hiện xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B trong thời gian từ tuần 35 đến tuần 37. Liên cầu khuẩn nhóm B, nếu mẹ bầu nào mắc phải và truyền sang cho con thì có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Mặc dù khi ở cơ thể của mẹ, loại vi khuẩn này là vô hại, nhưng con có thể nhận nó trong khi sinh khiến con có nguy cơ mắc bệnh phổi, bị viêm màng não hoặc nhiễm trùng máu nếu kết quả xét nghiệm của mẹ là dương tính với vi khuẩn này. Nếu mẹ có mang loại vi khuẩn này khi mang thai, mẹ sẽ được tiêm kháng sinh trong thời gian chuyển dạ để bảo vệ em bé.

5.4. Đừng quên thai giáo cho con mẹ nhé

Nếu mẹ vẫn đang thực hiện thai giáo cho con đến tuần này, hãy tiếp tục duy trì nó. Thời điểm này con đã phát triển gần như toàn diện nên thai giáo cho con trong những tuần cuối cùng ở tam cá nguyệt thứ ba sẽ rất hiệu quả. Hãy thường xuyên trò chuyện cùng con, đọc sách cho con nghe và nghe nhạc cùng con để tạo thói quen cho con sau khi con chào đời.

5.5. Chuẩn bị đồ "vượt cạn" thôi

Mẹ nên tìm hiểu và mua sắm đầy đủ những vật dụng cần thiết vào ngày sinh từ giờ đi nhé
Mẹ nên tìm hiểu và mua sắm đầy đủ những vật dụng cần thiết vào ngày sinh từ bây giờ nhé. Ảnh Internet

Mẹ hãy tham khảo kinh nghiệm cũng như nghe thêm lời khuyên từ những mẹ bầu đi trước, vì sẽ có những thứ mẹ nghĩ sẽ không cần đến lại là cứu tinh trong tình huống cấp bách đấy. Chuẩn bị đồ sơ sinh đầy đủ sẽ giúp ba mẹ không bị lúng túng khi mẹ đột ngột lâm bồn. Còn dưới đây là danh sách những vật dụng cơ bản mà mẹ nên mang theo vào bệnh viện:

5.5.1. Chuẩn bị cho mẹ

  • Giấy tờ cần thiết: Chứng minh nhân dân, Bản sao hộ khẩu, thẻ bảo hiểm. Mẹ nên photo thêm vài bản để thuận tiện làm các thủ tục nhập viện, giấy chứng sinh cho bé,...
  • Các loại sổ, giấy khám thai: Sổ khám thai, giấy tờ xét nghiệm, siêu âm gần đây nhất trong thai kỳ.
  • Bảng kế hoạch sinh con: Nếu có thời gian, mẹ hãy thử làm một bảng kế hoạch sinh con. Trong bảng kế hoạch này là tất cả những kiến thức mà mẹ có thể lưu lại về quá trình trước sinh, khi sinh và sau sinh. Từ các loại thuốc ảnh hưởng đến thai nhi, biện pháp thai giáo mẹ áp dụng, phương pháp giục sinh, chuẩn bị vật dụng sau sinh hay bệnh viện mẹ muốn chọn để sinh, tất tần tật những câu hỏi hay kiến thức mà mẹ có được, hãy lưu hết vào bảng kế hoạch sinh con này nhé.
  • Vật dụng cho mẹ: Bao gồm những bộ quần áo thoải mái nhất trên đời cho mẹ, vật dụng vệ sinh cá nhân. Đừng quên mang theo băng vệ sinh và miếng lót ngực mẹ nhé.

5.5.2. Chuẩn bị cho con

  • Quần áo cho con: Mẹ hãy chuẩn bị thật nhiều khăn nữa nhé. Bên cạnh đó là tất, mũ, bao tay cho con giữ ấm.
  • Gối, mền nhỏ cho con
  • Vật dụng vệ sinh cho con: Tã sơ sinh, tăm bông, khăn giấy, bông gòn, kem chống hăm,... là những vật dụng về sinh cơ bản cho trẻ sơ sinh mẹ nên nhớ.

Ngoài ra, hãy nhờ đến sự trợ giúp từ ba hoặc người thân nữa mẹ nhé. Những vật dụng như điện thoại, sạc dự phòng, tiền mặt, bộ gối chăn riêng,... sẽ là rất cần thiết dành cho người đi cùng mẹ đấy.

Thai nhi 35 tuần với hình hài gần như một trẻ sơ sinh có thể khiến cho ba mẹ cảm nhận rõ hơn thời khắc con đến với thế giới này đang cận kề. Bên cạnh đó, tâm lý của mẹ cũng sẽ là một vấn đề cần được quan tâm nhiều hơn trong tuần này. Dù có chuyện gì thì mẹ hãy cố gắng ổn định cảm xúc và giữ cho tâm trạng thoải mái, điều này tốt cho cả mẹ lẫn con và tránh được những tình huống xấu có thể xảy ra. Với những chia sẻ trong bài viết này, Chuyên mục Mang thai mong rằng các mẹ bầu nhạy cảm sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để lưu vào sổ ghi chép thai kỳ, đồng thời luôn vui vẻ và giữ được trạng thái cân bằng tốt nhất để chuẩn bị cho lần vượt cạn sắp tới nhé!

Nguồn tham khảo: Healthline, What to Expect, Baby Centre, The Bump

Nguyễn Diệp tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI