1. Sự phát triển của thai nhi 22 tuần
Có rất nhiều thay đổi diễn ra đối với em bé trong tuần thai thứ 22 này. Kích thước của bé đã bằng một em búp bê hay quả bí nhỏ và trông giống như phiên bản thu nhỏ của em bé sơ sinh. Bé cũng di chuyển xung quanh nhiều hơn và các hoạt động cũng mạnh mẽ và có chủ đích hơn.
Chỉ số chiều cao và cân nặng của bé lúc này ở vào khoảng 25 cm và 0.4 kg với các hoạt động đáng chú ý gồm:
- Nhu động ruột đầu tiên xảy ra trong đường ruột của bé, còn được gọi là phân su.
- Bé hoạt động nhiều hơn vì cơ bắp đang phát triển.
- Bác sỹ đã có thể nghe thấy nhịp tim của bé qua ống nghe.
- Móng tay của bé đã mọc hoàn chỉnh.
- Lông mày và lông mi của bé đang phát triển.
- Đôi mắt của bé đã hình thành đầy đủ nhưng tròng mắt vẫn thiếu màu.
- Đôi môi của bé đang hình thành.
- Tuyến tụy của bé đã được hình thành và đang tiếp tục hoàn thiện.
Lớp lông măng (lanugo) xuất hiện từ tuần thứ 14-16 vẫn tồn tại và tiếp tục bao bọc cơ thể thai nhi. Lý do lớp lông mỏng, mềm mịn này phát triển là không rõ ràng nhưng nó có thể giúp duy trì nhiệt độ cho em bé và thường nó sẽ biến mất vào khoảng tuần thứ 31-34 trước khi bạn sinh.
Một số trẻ sinh non vẫn còn lớp lông này, một số trẻ khác còn một ít lông đến 1-2 tuần sau sinh. Trẻ sinh non thì thường “giữ” lanugo lâu hơn.
2.Cơ thể mẹ bầu ở tuần thai thứ 22
2.1. Triệu chứng
Khi đến tuần thai thứ 22, bạn có thể trải qua những tình trạng sau:
- Ợ nóng và khó tiêu.
- Đói thường xuyên.
- Táo bón và trĩ.
- Tăng tiết dịch âm đạo.
- Chóng mặt và ngất xỉu.
- Chuột rút ở chân.
- Đau lưng.
- Rạn da.
- Rốn lồi.
- Các cơn co Braxton-Hick
2.2. Về cơn co Braxton-Hick
Braxton-Hicks là một dạng co thắt thường bắt đầu xuất hiện vào tuần thứ 22 của thai kỳ hoặc sớm nhất là tuần thứ 16. Đây là tình trạng các cơ tử cung co thắt khiến bụng của bạn cứng lại. Chúng có thể diễn ra một hoặc hai lần trong một giờ, một vài lần trong một ngày hoặc bạn có khi không nhận thức được.
Tuy nhiên Braxton-Hicks khác với cơn co chuyển dạ, bạn sẽ phân biệt được dựa vào những điểm sau:
- Chúng diễn ra không thường xuyên và không tăng tần suất.
- Chúng kéo dài dưới một phút và không tăng thời lượng hoặc cường độ.
- Chúng có thể dừng lại nếu bạn thay đổi tư thế hay hoạt động, ví dụ như nằm xuống nghỉ ngơi.
- Chúng không tăng mức độ đau.
Nếu bạn không chắc chắn liệu các cơn co thắt là Braxton-Hicks hay cơn đau đau chuyển dạ, hãy hỏi ý kiến bác sỹ để tránh bị lo lắng.
2.3. Sự thay đổi hormone
Trong suốt thai kỳ, nồng độ hormone trong cơ thể bạn sẽ thay đổi, và khi thai 22 tuần cơ thể bạn cũng không nằm ngoài quá trình này. Sự thay đổi hormone ảnh hưởng trực tiếp đến tâm trạng và ham muốn tình dục của bạn. Nó có thể dẫn đến sự tăng ham muốn tình dục ở một số phụ nữ khi chuyển từ cuối tam cá nguyệt thứ nhất sang tam cá nguyệt thứ hai.
Lý do của tình trạng này có thể bao gồm:
- Ngực bạn nhạy cảm hơn.
- Sự tăng lưu lượng máu đến khu vực sinh dục và âm vật.
- Sự bôi trơn âm đạo diễn ra dễ dàng và hiệu quả hơn.
Những thay đổi này làm cho quá trình kích thích trở nên dễ dàng và hoạt động tình dục cũng thú vị hơn.
Sự ham muốn tình dục cao hơn này thường kéo dài từ cuối tam cá nguyệt thứ nhất đến cuối tam cá nguyệt thứ hai, khi các triệu chứng ốm nghén ở những tuần đầu đã giảm hoặc biến mất và sự khó chịu của những tháng cuối thai kỳ vẫn chưa xuất hiện.
Tuy nhiên, một số người lại nhận thấy rằng họ có ham muốn tình dục thấp hơn và nguyên nhân có thể bao gồm:
- Sự không thoải mái.
- Đau khi quan hệ.
- Sức khỏe yếu.
- Nỗi sợ gây hại cho thai nhi hoặc làm vỡ màng ối.
- Lo lắng về nhiễm trùng.
- Mệt mỏi.
Khi bạn bị giảm ham muốn tình dục, hãy trò chuyện với ông xã về cảm giác của bạn. Việc này sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và lo lắng. Bạn cũng nên tham khảo ý kiến bác sỹ để được tư vấn thêm về khả năng bị nhiễm trùng và sinh sớm nếu giao hợp trong thai kỳ.
Tuy nhiên nhìn chung nếu bạn có thai kỳ bình thường, không có biến chứng và không gặp vấn đề gì về sức khỏe cho đến thời điểm này, thì việc quan hệ tình dục không khiến em bé của bạn gặp nguy hiểm.
3. Thai 22 tuần - bạn cần lưu ý những gì khi muốn đi du lịch
Đối với một số mẹ bầu, có thai không phải là việc có thể cản trở thói quen hoặc sự yêu thích đối với du lịch. Trong 40 tuần thai , thời điểm thai 22 tuần là lúc nhiều mẹ cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn nhiều rồi, nên có thể việc đi du lịch sẽ là một phần nhỏ trong cuộc sống mà bản thân muốn thực hiện. Vậy khi có dự định đi chơi ở một khu vực nào đó, bạn cần lưu ý những gì, hãy tham khảo qua các câu hỏi phổ biến sau nhé:
3.1. Tôi có thể du lịch muộn nhất đến tuần thứ bao nhiêu của thai kỳ?
Bạn có thể đi du lịch bằng đường hàng không muộn nhất là đến tuần thứ 36 của thai kỳ với điều kiện cả bạn và em bé đều ở tình trạng sức khỏe tốt. Những phụ nữ có nguy cơ bị vỡ ối sớm thì không nên đi du lịch.
Một số hãng bay có thể yêu cầu chứng nhận của bác sỹ về tình trạng thai kỳ của bạn, có thể là 1 tháng trước ngày dự sinh đối với các chuyến bay nội địa hoặc 28 tuần thai trở đi đối với một số chuyến bay quốc tế.
3.2. Tôi có thể đi du lịch những đâu?
Khi đi du lịch, bạn nên tránh những khu vực mà bạn có nguy cơ phải tiếp xúc với những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm đối với thai kỳ, cũng như những bệnh mà bạn chưa hoặc không tiêm được vaccine.
Bạn cũng nên cẩn thận và đảm bảo thực phẩm mình sử dụng đảm bảo vệ sinh và an toàn. Ở một số khu vực, bạn chỉ nên uống nước đóng chai. Hãy hỏi ý kiến bác sỹ về trường hợp bạn bị tiêu chảy khi đi xa để được chuẩn bị thuốc nếu cần thiết.
Ngoài ra bạn hãy kiểm tra khí hậu nơi bạn đến và chắc chắn rằng mình sẽ chịu được nhiệt độ khắc nghiệt ở đó, trước khi quyết định đặt vé nhé.
3.3. Tôi nên chuẩn bị thuốc như thế nào?
Bạn hãy chuẩn bị các loại vitamin cần thiết, thuốc không kê đơn và các loại thuốc theo toa có thể bạn đang dùng.
Bạn cũng cần kiểm tra xem có cần tiêm vaccine gì hay không. Đối với những loại vaccine mà bạn không thể tiêm trong thai kỳ, ví dụ như rubella, bạn không nên đến những khu vực mà loại bệnh này đang hoạt động để tránh mắc rubella khi mang thai .
3.4. Tôi cần chuẩn bị thông tin y tế gì?
Bạn cần kiểm tra với nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe của mình cũng như đến gặp bác sỹ sản khoa trước khi đặt vé đi du lịch.
Bên cạnh đó, bạn hãy mang theo thông tin về ngày dự sinh, số liên lạc của bác sỹ sản khoa của bạn, và bất cứ thông tin quan trọng cần thiết nào liên quan đến thai kỳ của bạn.
Bạn cũng có thể cần xác nhận tình trạng sức khỏe của bác sỹ nếu bạn ở tuần thứ 28 của thai kỳ trở đi.
3.5. Tôi cần đặt vé và bảo hiểm như thế nào?
Bạn nên mua loại bảo hiểm du lịch có điều khoản chi trả cho các tình huống liên quan đến thai kỳ của bạn.
Đối với vé máy bay và phòng ở, hãy chọn loại vé có thể thay đổi hoặc hoàn tiền phòng trường hợp bạn thay đổi kế hoạch du lịch trước hoặc trong chuyến đi.
3.6. Làm thế nào để tôi có thể du lịch một cách thoải mái và an toàn?
Để có thể đi du lịch một cách thoải mái và an toàn trong thai kỳ, bạn hãy thực hiện những việc sau:
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái và chọn đường đi nhanh nhất.
Những cách sau có thể giúp bạn giảm nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu:
- Lựa chọn chỗ ngồi có thêm chỗ để chân.
- Thức dậy và đi lại xung quanh mỗi vài giờ trong cuộc hành trình.
- Uống nhiều nước.
- Mang vớ nén (vớ áp lực).
Có rất nhiều loại vớ nén trên thị trường nên bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để được tư vấn hoặc chỉ định loại phù hợp.
3.7. Tôi có nên thắt dây an toàn?
- Dù bạn di chuyển bằng phương tiện giao thông gì, hãy luôn thắt dây an toàn nếu có.
- Đối với xe hơi, hãy thắt dây an toàn dưới bụng, chuyền phần dây chéo giữa ngực và xuống bên hông bụng.
- Đối với máy bay, bạn hãy thắt dây an toàn suốt hành trình.
3.8. Tôi có thể đi tàu không?
Nếu bạn lên kế hoạch đi tàu hãy đảm bảo:
- Tham khảo ý kiến bác sỹ nếu bạn bị say sóng.
- Trên tàu có hỗ trợ y tế (bác sỹ hoặc y tá).
- Thực hiện nghiêm ngặt việc rửa tay và vệ sinh để tránh bị nhiễm virus gây tiêu chảy.
- Chọn một hành trình có dừng ở những nơi có cơ sở y tế thích hợp.
- Kiểm tra xem con tàu bạn dự định đi có được cấp phép và đảm bảo an toàn hay không.
- Tránh các khu vực có khả năng gây nguy hiểm cho thai kỳ của bạn.
3.9. Khi nào tôi nên gặp bác sỹ khi đi du lịch?
Trong khi đi du lịch, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào khiến bạn lo lắng, hãy đến gặp bác sỹ. Các dấu hiệu bao gồm:
- Chảy máu âm đạo.
- Đau hoặc cơn co thắt bất thường.
- Tiêu chảy hoặc nôn nặng.
- Huyết áp cao, phù tay chân, đau đầu hoặc thay đổi thị lực (có thể là dấu hiệu của tiền sản giật trong thai kỳ ).
- Dấu hiệu cho thấy bạn bắt đầu chuyển dạ ví dụ như vỡ ối.
- Bất kỳ dấu hiệu nào khác khiến bạn lo lắng.
Thai 22 tuần tuy đã qua giai đoạn phải kiêng khem nhiều thứ, nhưng bạn vẫn không nên chủ quan, đặc biệt đối với việc đi du lịch. Nếu bạn dự định đến một khu vực nào đó, dù là nội địa hay nước ngoài, hãy kiểm tra mọi thứ thật cẩn thận trước khi đặt vé, nhằm hạn chế tối đa các rủi ro về sức khỏe, cũng như có thể đối phó được nếu bạn gặp vấn đề ngoài ý muốn trên đường đi bạn nhé.
Theo Medical News Today
Lily Nguyễn lược dịch