1. Về các yếu tố ảnh hưởng đến chiều cao của trẻ
Theo các chuyên gia, chiều cao của trẻ phụ thuộc vào các yếu tố gắn với các tỉ lệ cụ thể như dưới đây:
- Yếu tố di truyền: ảnh hưởng khoảng trên dưới 23%
- Dinh dưỡng: ảnh hưởng khoảng 32%
- Hoạt động thể chất: ảnh hưởng khoảng 20%
- Môi trường sống, thói quen sinh hoạt và các yếu tố khác: phần còn lại
Trong đó, yếu tố dinh dưỡng, hoạt động thể chất và thói quen sinh hoạt tác động vô cùng mạnh mẽ đến sự phát triển chiều cao của trẻ, nhất là trẻ ở tuổi dậy thì.
Nếu con được áp dụng một chế độ dinh dưỡng khoa học đủ dưỡng chất cần thiết, hoạt động thể chất tích cực và phù hợp, cũng như duy trì thói quen sinh hoạt tốt, chiều cao của con có thể được cải thiện vô cùng hiệu quả. Chiều cao của trẻ có thể tăng vượt trội từ 10-12cm - một tỉ lệ đáng kinh ngạc mà khi giai đoạn dậy thì qua đi, việc tăng cao thêm trên dưới 5cm thôi cũng chỉ còn là mơ ước.
Như vậy, chúng ta thấy rằng, nắm bắt yếu tố tác động lớn nhất đến việc tăng chiều cao nhanh ở tuổi dậy thì như trên, cũng đồng nghĩa với việc cha mẹ nắm trong tay bí quyết tuyệt vời, có thể giúp con cải thiện chiều cao tốt nhất của mình. Vậy các yếu tố cơ bản này cần áp dụng vào thực tế như thế nào để giúp trẻ cải thiện, phát triển chiều cao hiệu quả nhất - cha mẹ hãy tham khảo chi tiết ngay sau đây.
2. Bí quyết giúp trẻ tăng chiều cao nhanh và tối ưu ở tuổi dậy thì
2.1 Ăn uống khoa học và chế độ dinh dưỡng cân bằng đủ chất cần thiết
2.1.1 Ăn uống khoa học
- Trẻ cần ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày với các bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, thực phẩm phong phú để đảm bảo đủ chất cần thiết, nhất là những chất cần cho phát triển chiều cao .
- Không bỏ bữa
- Chia nhỏ bữa ăn tức bổ sung thêm các bữa phụ giữa các bữa chính để đảm bảo con nạp đủ dinh dưỡng.
- Ăn uống đúng giờ
- Uống đủ nước mỗi ngày
2.1.2 Chế độ dinh dưỡng tốt với các nhóm thực phẩm có lợi cho chiều cao của trẻ
Để tăng chiều cao nhanh ở giai đoạn dậy thì, trẻ cần trung bình mỗi ngày 2500-2800 calo đối với nam và 2200 calo đối với nữ. Lượng calo này nhằm đáp ứng cho nhu cầu tăng trưởng chiều cao của cơ thể. Bên cạnh đó, mẹ cần tăng cường các nhóm thực phẩm có lợi cho chiều cao của con như:
Nhóm thực phẩm giàu đạm
Ở mỗi độ tuổi và giới tính cụ thể của trẻ, lượng đạm cần thiết sẽ là khác nhau. Thông thường:
- Nữ ở độ tuổi 14-18 cần khoảng 140g đạm/ ngày
- Nam ở độ tuổi 9-12 cần khoảng 140g đạm/ ngày nhưng ở độ tuổi 13-18 sẽ cần 185g/ ngày.
- Nhóm thực phẩm giàu đạm có thể kể đến như thịt nạc, trứng, cá, các loại hạt, các loại đậu. Mẹ có thể tận dụng nguồn thực phẩm này để xây dựng thực đơn phù hợp cho trẻ.
Nhóm thực phẩm giàu canxi
- Chúng ta đều biết canxi rất cần để xương phát triển và chắc khỏe. Trung bình, trẻ dậy thì sẽ cần khoảng 1.300mg canxi.
- Thực phẩm giàu canxi nhất dành cho trẻ đó là sữa và các chế phẩm từ sữa. Mẹ có thể cho trẻ nạp từ 700ml-800ml sữa/ ngày để đảm bảo con nhận đủ lượng canxi cần thiết. Bên cạnh sữa, mẹ cũng có thể bổ sung các thực phẩm giàu canxi khác vào thực đơn cho trẻ như đậu nành, ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, hải sản,...
Nhóm thực phẩm giàu kẽm
- Dù kẽm không góp phần trực tiếp cho phát triển chiều cao của trẻ dậy thì, nhưng lượng kẽm đầy đủ sẽ là yếu tố bảo đảm cho quá trình phát triển của trẻ được duy trì mà không chấm dứt sớm. Điều này cũng rất cần để trẻ có đủ thời gian phát triển chiều cao tối ưu của mình trong giai đoạn vàng này.
- Lượng kẽm trẻ dậy thì sẽ cần nằm ở khoảng 8-11mg/ ngày. Thực phẩm giàu kẽm có thể kể đến như rau dền, rau bina, hải sản nhất là các loại có vỏ cứng và thịt cừu.
Sự cần thiết của vitamin D
- Vitamin D có vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao của trẻ kể cả ở giai đoạn dậy thì. Vai trò của vitamin D là giúp cơ thể hấp thụ canxi được hiệu quả.
- Ngoài nắng sớm là kho vitamin D dồi dào, chúng ta cũng có thể tìm thấy vitamin này trong các thực phẩm như cá hồi, đậu nành, một số loại hạt, dầu cá, chế phẩm sữa,...Vì vậy, mẹ cũng nên lưu ý bổ sung các thực phẩm này thường xuyên vào thực đơn của trẻ, để đảm bảo con không thiếu hụt loại vitamin cần thiết này.
2.2 Tăng cường vận động, rèn luyện thể lực
Vận động là điều kiện giúp hệ cơ, xương của trẻ phát triển tốt hơn. Vận động ngoài trời giúp trẻ tiếp nhận được nguồn vitamin D cho cơ thể. Đồng thời, sự vận động giúp trẻ tiêu thụ năng lượng giảm nguy cơ béo phì, kích thích ăn uống và tiêu hóa, giúp cho trẻ ngủ ngon mà giấc ngủ cũng là một yếu tố có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển chiều cao của trẻ.
Rèn luyện thể lực qua các môn thể thao sẽ góp phần tăng chiều cao nói riêng, tăng sức khỏe về thể chất của trẻ nói chung rất hiệu quả. Các môn thể thao mẹ có thể cho trẻ tập luyện và duy trì thường xuyên như bơi lội, xe đạp, bóng rổ, chạy bộ, hít xà, yoga,...
2.3 Thói quen sinh hoạt
2.3.1 Rèn luyện tư thế đi, đứng, ngồi đúng
Với trẻ dậy thì, việc điều chỉnh hay rèn luyện tư thế đi, đứng và ngồi đúng là cực kỳ quan trọng. Vì, các tư thế này ảnh hưởng trực tiếp đến cấu trúc xương, tác động đến chiều cao của trẻ. Trẻ nên đi, đứng thẳng và ngồi thẳng tránh khom lưng, gù lưng.
2.3.2 Ngủ đúng giờ, đủ giấc
- Giấc ngủ của trẻ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển thể chất, ảnh hưởng nhất định đến chiều cao của trẻ. Việc ngủ đúng giờ và đủ giấc sẽ làm cho nội tiết tố tăng trưởng hay hormone tăng trưởng được sản sinh nhiều, các tế bào sẽ được phục hồi và tái tạo.
- Thời gian ngủ của trẻ nên bắt đầu vào khoảng 22h mỗi tối cho đến 6h sáng hôm sau. Không gian ngủ của trẻ cần thoáng đãng, yên tĩnh, hạn chế ánh sáng để chất lượng giấc ngủ của trẻ được bảo đảm hơn.
- Trẻ cũng nên có giấc ngủ trưa khoảng 30 phút mỗi ngày, vì điều này rất có lợi cho sức khỏe kể cả thể chất lẫn trí não trẻ.
2.3.3 Thời gian nghỉ ngơi thư giãn hợp lý
- Trẻ cần có thời gian thư giãn, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh việc học tập dày đặc mà không có giải lao thư giãn, giải trí.
- Hoạt động vui chơi giải trí thư giãn nên chú trọng các hoạt động vui chơi vận động ngoài trời.
- Việc nghỉ ngơi thư giãn nên được bố trí với thời lượng thích hợp.
- Việc giải trí thư giãn của trẻ không nên tập trung vào các t hiết bị công nghệ quá nhiều. Trung bình trẻ chỉ nên sử dụng thiết bị công nghệ khoảng 1h/ ngày.
- Tăng cường việc đọc sách và nghe nhạc để đầu óc trẻ được thư giãn, tư duy tích cực, tránh được những căng thẳng, áp lực.
3. Về việc sử dụng thuốc bổ hay thực phẩm chức năng hỗ trợ tăng chiều cao nhanh ở tuổi dậy thì
Hiện nay có các loại thuốc hay thực phẩm chức năng chứa các vitamin và khoáng chất mẹ có thể bổ sung cho trẻ, để hỗ trợ giúp con tăng chiều cao nhanh. Tuy nhiên, mẹ cần lưu ý kỹ, việc bổ sung hay dùng bất cứ loại thực phẩm chức năng và thuốc nào, tốt nhất đều nên theo chỉ định, tư vấn của bác sỹ, hoặc theo hướng dẫn cụ thể chi tiết và chính xác của các chuyên gia dinh dưỡng.
Việc bổ sung vitamin và khoáng chất qua các loại thuốc hay thực phẩm chức năng không đúng cách hoặc không theo chỉ định có thể là tác nhân ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và trì hoãn sự phát triển chiều cao của con.
Tăng chiều cao nhanh ở tuổi dậy thì cần sự hỗ trợ tối đa của cha mẹ về mọi mặt. Bên cạnh chế độ dinh dưỡng khoa học, phù hợp nhất cho sự phát triển chiều cao của trẻ, thì chế độ sinh hoạt tốt, tập luyện điều độ cũng rất cần chú trọng thiết lập và duy trì với sự kiên nhẫn tích cực. Yeutre.vn hy vọng, phụ huynh sẽ luôn động viên, khích lệ, đồng hành với con, cùng con phát huy hết những điều kiện có lợi nhất trong thời gian vàng của trẻ, để con đạt được chiều cao vượt trội như mong đợi.
Cát Lâm tổng hợp