1. Tại sao Tết Đoan Ngọ ăn thịt vịt?
Có 3 điều lý giải cho việc tại sao Tết Đoan Ngọ ăn thịt vịt mà khi bạn biết qua, hẳn sẽ thấy khá thú vị bởi sự hợp lý của nó:
Tục dùng thịt vịt liên quan đến văn hóa nông nghiệp và đặc trưng vùng miền
Trong mối liên hệ giữa con người và đất, nói cụ thể hơn là giữa người Việt xưa với nông nghiệp có rất nhiều phong tục mang ý nghĩa đẹp, thể thiện sự mật thiết trong tư duy và những hoạt động diễn ra trong cuộc sống thường ngày của họ. Bên cạnh đó, mối quan hệ mật thiết này còn ẩn chứa một thông điệp rất cụ thể về văn hóa vùng miền, mà dựa vào đó, chúng ta có thể nhìn ra đặc trưng rất riêng, được thể hiện có chủ đích mang tính thông điệp được truyền tải. Việc ăn thịt vịt trong ngày Tết Đoan Ngọ cũng thể hiện sự mật thiết như thế.
Tục ăn thịt vịt trong Tết Đoan Ngọ được xác định là phổ biến ở khu vực miền Trung nhất là người Huế và khu vực miền Nam, đặc biệt là ở miền Tây. Cho đến nay, tục này vẫn được nhiều gia đình ở các nơi này gi, thực hiện hàng năm. Và nếu bạn có dịp tiếp cận với nhiều gia đình người miền Trung hay miền Nam, chắc chắn sẽ có cơ hội thấy rõ điều này trên mâm cơm, mâm cúng của những gia đình ấy, trong dịp Tết Đoan Ngọ.
Lý giải cho việc tại sao người miền Trung đặc biệt là người Huế dùng thịt vịt trong dịp Tết Đoan Ngọ , thực sự đến nay chưa có lời giải thích hay có cơ sở cụ thể và chính xác. Tuy nhiên, theo quan điểm và suy luận của nhiều người, họ cho rằng, miền Trung khí hậu khắc nghiệt, vào dịp tháng 5 âm lịch, việc ăn thịt vịt có ý nghĩa về nhiều mặt, từ việc trân trọng ngày lễ lớn chỉ sau Tết Nguyên đán, lẫn mặt sức khỏe trong thời điểm nóng bức. Hơn nữa, chúng ta cũng đều biết rằng, người Huế đặc biệt có một nền ẩm thực phong phú, quan trọng lễ nghi và rất mực thước trong ý nghĩa của các phong tục tập quán. Đây cũng được cho là một lý do khiến thịt vịt luôn xuất hiện trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân xứ Huế.
Còn ở miền Nam, nhất là miền Tây, việc dùng thịt vịt cho dịp Tết Đoan Ngọ lại nằm ở việc, đây là một trong những vùng chăn nuôi vịt lớn của nước ta. Văn hóa miền sông nước có những điều đẹp giản dị ở chỗ, mùa nào thức nấy, dịp Tết Đoan Ngọ rơi vào mùa vịt, thì vật phẩm tốt nhất cho ngày lễ này với họ không gì khác giá trị và tốt hơn là thịt vịt cả.
Ăn thịt vịt có liên quan đến sức khỏe trong dịp giết sâu bọ
Thực vậy, nếu như ăn cơm rượu Tết Đoan Ngọ có thể diệt sâu bọ, thì việc ăn thịt vịt có tính hàn tăng sức khỏe cho cơ thể trong những ngày nóng, cũng như một liều thuốc bổ tự nhiên. Và liều thuốc này giúp cho cơ thể được bồi bổ, thêm đề kháng để chống lại "sâu bọ".
Như vậy, về mặt sức khỏe, việc dùng thịt vịt theo truyền thống cũng không vượt ngoài tính hợp lý của thực tế, lẫn cơ sở nền tảng trong việc chăm lo sức khỏe, trong dịp người dân xưa phải khỏe mạnh để vừa diệt được "sâu bọ" trong cơ thể, vừa có sức diệt sâu bọ ngoài đồng - đang đến mùa cực điểm sinh sôi.
Ăn thịt vịt vì dịp Tết Đoan Ngọ hàng năm rơi vào mùa vịt
Như đã đề cập, với những nhà nông nuôi vịt, thì vào khoảng thời gian tháng 5 âm lịch được xem là mùa vịt. Thời gian này tìm rất sẵn những chú vịt béo tốt để dùng cho ngày tết quan trọng này. Và lý do dùng thịt vịt trong dịp Tết Đoan Ngọ, đơn giản là như thế.
2. Tác dụng của thịt vịt đối với sức khỏe
Theo Đông y, từ xưa đến nay, thịt vịt cũng được xếp vào trong các loại thịt gia cầm có những tác dụng nhất định cho sức khỏe con người. Người ta cũng gọi thịt vịt là món ăn bài thuốc có thể dùng đến trong nhiều trường hợp trị bệnh. Do tính hàn, giàu dinh dưỡng, thịt vịt bổ máu, giải nhiệt, bồi bổ dạ dày và còn góp phần ổn định tâm thần. Những lợi ích của thịt vịt mang lại được ghi chép, lưu truyền từ xưa cho tới nay.
Trong y học và các nghiên cứu dinh dưỡng ở thời hiện đại, thịt vịt cũng được đề cao về tác dụng của nó đối với sức khỏe. Như công nhận của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, hay Hội Tim mạch Mỹ thì thịt vịt tốt cho sức khỏe nhờ giàu protein, canxi, lipit, phospho, kẽm, magie, đồng và hàng loạt các vitamin phong phú như vitamin A, E, K, B,...
Cụ thể hơn, thịt vịt có thể góp phần giảm nguy cơ sơ vữa động mạch nhờ chứa nhiều axit oleic , hay chất AHA có trong thịt vịt giúp bảo vệ tim mạch, cùng một số tác dụng khác mà Đông y rất đề cao như tăng cường miễn dịch, góp phần giúp chống tình trạng tiêu phù và rất lợi tiểu.
Ngoài ra, thịt vịt khi kết hợp với một số nguyên liệu vị thuốc theo Đông y, có thể dùng như bài thuốc hiệu quả để trị bệnh như thịt vịt + gia đỗ trọng + mộc nhĩ trắng có thể giúp hạ huyết áp, thịt vịt + bách hợp tươi có tác dụng bồi bổ khí huyết và phổi, thịt vịt + đậu đỏ giúp cải thiện tình trạng thiếu máu, hay thịt vịt + mạch môn đông + rượu vang + ngọc trúc có tác dụng tốt trong điều trị tiểu đường,....
3. Cách chế biến một số món vịt ngon cho Tết Đoan Ngọ
Bàn về thịt vịt chắc chắn không thể không nói sơ qua các món ngon từ thịt vịt, để chúng ta có thể áp dụng nấu trong dịp Tết Đoan Ngọ sắp đến này. Dù có rất nhiều cách chế biến thịt vịt nhưng vào dịp Tết Đoan Ngọ, đa phần các gia đình dùng thịt vịt lại chọn cách chế biến khá đơn giản như luộc, nấu cháo vịt , kèm một ít gỏi vịt, bún vịt xáo măng hay bún măng vịt. Một số gia đình dùng vịt quay, song món này không phổ biến như 2 món còn lại.
3.1 Vịt luộc, nấu cháo và làm gỏi - cách chế biến 1 thành 3 cho bữa cơm ngày Tết Đoan Ngọ
Thông thường, các gia đình chọn món vịt luộc, thì đồng thời sẽ nấu cháo và làm thêm một ít gỏi. Vì, cách này rất tiện, dễ ăn và làm không mất quá nhiều thời gian, nhưng vẫn đảm bảo mâm cỗ "xôm tụ". Nếu bạn cũng thích một bữa ăn đơn giản nhưng ngon lành như thế thì chọn cách làm này nhé.
3.1.1 Nguyên liệu
- 1 con vịt đẫy và già thịt, khoảng 1,5kg
- Muối hạt, gừng, hành tím, tỏi, rượu trắng
- Gạo tẻ
- Cải bắp, rau răm
- Hành tây, cà rốt (không bắt buộc)
- Nước mắm, đường, tiêu xay
3.1.2 Cách làm
- Món vịt cần nhiều gừng nên bạn chuẩn bị nhiều gừng nhé. Hành tím, tỏi bỏ vỏ rửa sạch. Rau răm nhặt sạch rửa sạch, cải bắp thái mỏng rửa sạch để ráo. Còn cà tốt và hành tây cũng bỏ vỏ thái sợi ngâm chút đường cho giòn.
- Vịt bạn có thể chọn mua vịt sống nhờ nơi bán làm sạch hoặc có thể mua vịt đã làm sạch hiện các siêu thị đều có bán. Dùng muối hạt và gừng giã dập sát kỹ lên toàn thân vịt, rửa sạch. Tiếp tục sát rượu trắng kỹ thêm một lần, rửa lại bằng nước sạch. Bạn cũng có thể thay rượu bằng giấm gạo. Bạn nên rửa thật kỹ nhé, Chuyên mục Món ngon của Yeutre.vn bảo đảm theo cách này, món vịt của bạn chế biến xong sẽ thơm thịt và không bị hôi.
- Bạn cho vịt vào nồi, thêm gừng đập dập, hành tím đập dập (nếu được dùng hành tím nướng sẽ thơm hơn), 1 thìa cà phê rượu trắng, 1-2 thìa cà phê bột nêm. Đổ nước vào bằng thịt luộc chín. Thời gian luộc khoảng 30-35 phút. Để đảm bảo thịt vịt chín, bạn dùng đũa xâm vào ức vịt, nếu nước tiết ra không còn hồng thì vịt đã được.
- Thịt vịt chín, bạn vớt ra cho ráo. Khi nào thịt vịt nguội thì 1 nửa con bạn chặt miếng vừa ăn, nửa còn lại gỡ thịt làm gỏi.
- Phần nước vịt bạn gạn qua nồi nấu để nấu cháo, cho gạo vo sạch vào nấu sôi với lửa vừa, sau đó giảm lửa nhỏ ninh cho nhừ, không cần khuấy vì bạn để lửa nhỏ cháo nhừ ngon nhưng không hề bị khê hay dính nồi.
- Để làm gỏi, bạn chuẩn bị một ít nước mắm gừng, hoặc nước mắm chua ngọt làm gỏi như khẩu vị của gia đình. Nếu dùng hành tây và cà rốt thì lúc này bạn trộn cùng cải bắp đã thái mỏng, nêm nước trộn gỏi cho vừa ăn, thêm rau răm cắt vừa hoặc để nguyên lá đều được. Dọn gỏi ra đĩa, cho thêm một ít hành phi lên trên cho ngon và đẹp mắt.
- Phần cháo vị khi đã ninh nhừ, bạn nêm nếm cho vừa ăn rồi tắt bếp.
- Dọn cháo, vịt luộc và gỏi vịt ra mâm để gia đình cùng thưởng thức. Không quên bày thêm một chén nước mắm gừng để chấm và thêm ít tiêu xay vào cháo để món ăn thêm thơm ngon.
3.2 Bún măng vịt - cách nấu đơn giản nhưng dễ chinh phục khẩu vị cả nhà
3.2.1 Nguyên liệu
- 1 con vịt béo khoảng 1.5kg
- 500g măng tươi/ măng chua/ mang khô đều được
- Bún tùy theo mức gia đình dùng
- 1 bộ xương gà hoặc 300g xương heo
- Gừng, muối hạt, giấm gạo hoặc rượu trắng
- Dầu ăn, hành tím, hành lá, mùi tàu, rau thơm, giá, rau sống
- Gia vị: muối, nước mắm, đường, bột nêm
3.2.2 Cách làm
- Vịt đã làm sạch rửa với gừng đập dập và muối hạt, rửa sạch với nước lạnh. Kế đến sát rượu trắng hoặc giấm rửa tiếp và lại rửa bằng nước sạch cho sạch để giảm tối đa mùi hôi của vịt.
- Cho vịt vào nồi thêm hành tím đập dập và 1 thìa cà phê bột nêm luộc chín. Vớt thịt vịt ra để nguội.
- Cho xương gà hoặc xương heo vào nồi ninh nhừ lấy nước ngọt, sau đó vớt ra và đổ nước luộc vịt vào chung để nấu nước dùng.
- Măng xử lý kỹ, làm sạch tước vừa ăn, xào sơ qua với chút tỏi băm.
- Cho măng vào nồi nước dùng nấu chín kỹ. Nêm nếm gia vị vừa ăn, thêm đầu hành lá là đã có nồi nước dùng cho bún. Bạn có thể thái một ít mùi tàu cho vào để nước dùng thêm thơm.
- Rau thơm, rau sống, mùi tàu, giá... bạn nhặt sạch rửa sạch ngâm nước muối rồi vớt ra cho ráo, dọn ra đĩa.
- Cho ít bún vào tô, múc ít măng cho vào, thêm ít hành lá cắt nhỏ rồi chan nước dùng. Thưởng thức bún nấu măng cùng thịt vịt và rau thơm rất ngon miệng.
- Bạn chuẩn bị thêm 1 chén nước mắm tỏi để chấm thịt vịt và cho thêm vào bún nếu ai thích vị đậm một chút.
Như vậy, qua chia sẻ trên, chúng ta không chỉ có dịp tìm hiểu về việc tại sao Tết Đoan Ngọ ăn thịt vịt, mà còn biết thêm lợi ích của thịt vịt với sức khỏe. Kèm theo đó là một vài cách chế biến thịt vịt theo truyền thống, có thể áp dụng ngay cho mâm cỗ dịp tết giết sâu bọ sắp tới này. Yeutre.vn hy vọng, bạn sẽ chuẩn bị được món vịt thật ngon cho gia đình thưởng thức, trong không khí thân mật ấm cúng, cùng bàn về việc ăn thịt vịt nhân ngày này, hay thịt vịt tốt cho sức khỏe thế nào. Hoặc, chỉ đơn giản là bạn và gia đình có một bữa ăn mang đầy đủ ý nghĩa đúng dịp, giữ phong tục đẹp, đồng thời tận dụng món ăn để bồi bổ cho cả nhà.
Cát Lâm tổng hợp