Tắc mạch ối là một tai biến nguy hiểm trong thai kỳ.
Tắc mạch ối xảy ra do nước ối, chất gây, lông tơ, tóc hay các mảnh mô khác lọt vào tuần hoàn của mẹ gây ra suy hô hấp và suy tuần hoàn cấp tính.
Nguyên nhân gây ra tắc mạch ối
Bình thường nước ối nằm riêng biệt trong buồng ối và không lẫn vào tuần hoàn của người mẹ. Nhưng khi một sự cố nào đó xảy ra khiến hàng rào ngăn cách giữa khoang ối và tuần hoàn của mẹ bị vỡ khiến cho nước ối trộn lẫn vào tuần hoàn gây ra nguy hiểm.
Theo các bác sĩ sản khoa, tắc mạch ối là một thảm họa bởi việc cấp cứu cho sản phụ tắc mạch ối là rất khó khăn và nguy cấp. Điều này được TS. Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội lý giải như sau: "Nước ối là môi trường an toàn cho bé nhưng nếu nước ối đi vào mạch máu, tuần hoàn và cơ thể người mẹ thì nó như bơm một loại tạp chất độc vào. Trong nước ối có lẫn vô số tạp chất từ các vi chất dinh dưỡng, lông em bé, gây, các lớp màng, các chất dịch, nước tiểu phân su do em bé thải ra... Nước ối đi đến đâu sẽ gây ra tắc mạch đến đó, người mẹ ngay lập tức sẽ sốc phản vệ, ngừng tim, suy hô hấp, tím tái toàn thân, rối loạn đông máu và đông máu nội mạc rải rác sau đó là tử vong nhanh chóng".
Cũng theo ông Ánh, tai biến tắc mạch ối có thể xảy ra trong khi sản phụ chuyển dạ, trong khi mổ lấy thai hoặc thậm chí vẫn gặp khi chưa có chuyển dạ, sau đẻ thường hoặc sau mổ.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra rằng, 75% sản phụ bị tắc mạch ối là ở những người chửa thai trai. Bên cạnh đó, sản phụ sinh con dạ, đẻ nhiều lần, thai to, thai lưu, đa thai, đa ối… là yếu tố nguy cơ bị tai biến này.
Mẹ có thể bị tắc mạch ối khi sinh hoặc sau sinh.
Mặc dù là một biến chứng sản khoa khá nguy hiểm nhưng tỷ lệ bệnh nhân tắc mạch ối chỉ chiếm khoảng 10-15 trên 100.000 ca đẻ sống. Hiện nay vẫn chưa có cơ sở gì để giải thích điều này.
Triệu chứng tắc mạch ối
Khi nước ối và các mảnh mô cũng như các chất có trong nước ối xâm nhập vào hệ tuần hoàn thì cơ thể mẹ sẽ phản ứng phản vệ với các chất lạ này. Lúc này cơ thể xác định nước ối như một dị vật trong máu và giải phóng hàng loạt các chất nội sinh như: histamin, bradykinin, cytokin, prostaglandin, leukotrien, thromboxan... Chính các chất mới được giải phóng này gây ra các triệu chứng lâm sàn của tắc mạch ối.
Biểu hiện của tắc mạch ối gồm có 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1
Áp lực lên phổi tăng, đòi hỏi cung cấp nhiều oxy hơn cho cơ thể khiến cho hô hấp trở nên nhanh và gấp. Áp lực này khiến cho tâm thất phải bị thiếu oxy, không giãn ra được và quá trình tuần hoàn máu bị tạm ngưng, dẫn đến thiếu oxy cả ở tim và phổi. Theo trình tự cơ thể bắt đầu tím tái, tụt huyết áp, xuất hiện phù phổi, choáng váng, biểu hiện thần kinh như: lú lẫn, mất ý thức và co giật.
Thiếu oxy nhanh chóng gây tổn thương cho cơ tim và mao mạch phổi, đồng thời cũng khiến cho tâm thất trái bị suy, cuối cùng dẫn đến suy hô hấp cấp và lâm vào tình trạng hôn mê.
Có khoảng 50% bệnh nhân sẽ tử vong trong giai đoạn này.
Giai đoạn 2
Nếu vượt qua được giai đoạn 1, giai đoạn 2 bắt đầu với triệu chứng xuất huyết ồ ạt trong cơ thể. Điều này xảy ra do tổn thương tử cung và đông máu nội mạch rải rác.
Biến chứng tắc mạch ối một khi xảy ra thì cực kỳ nguy hiểm, tỷ lệ tử vong lên đến 80% hay 90%. Thường tỉ lệ may mắn được cứu sống phải có sự chạy chữa từ đội ngũ y bác sĩ dày dạn kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại.
May mắn tỉ lệ tắc mạch ối rất thấp, các mẹ thường đều mẹ tròn con vuông.
4 tiêu chuẩn chẩn đoán tắc mạch ối
- Huyết áp bỗng dưng bị tụt đột ngột hay tim ngừng đập.
- Bệnh nhân bị thiếu oxy cấp tính.
- Xuất hiện bệnh lý đông máu hay chảy máu ồ ạt mà không tìm ra nguyên nhân.
- Biểu hiện trên xuất hiện trong lúc mẹ bầu sinh, đẻ mổ hay sau đó chừng 30 phút mà không có bất kỳ tác động nào khác.
Các bước xử trí
- Duy trì cung cấp oxy cho sản phụ (đặt nội khí quản, thở máy).
- Đặt hơn 2 đường truyền tĩnh mạch, nâng huyết áp bằng dung dịch cao phân tử.
- Hồi sức tim nếu ngừng tim: Adrénaline tiêm tĩnh mạch 1 mg, hoặc qua đường nội khí quản 3 mg, hoặc Xylocaine 1 mg/kg tiêm tĩnh mạch chậm (trong 2 phút). Có thể tiêm nhắc lại sau mỗi 3 – 5 phút. Tuy nhiên, liều tổng cộng của xylocaine không được quá 3 mg/kg.
- Làm các xét nghiệm cấp cứu: khí trong máu, công thức máu, đông máu
- Theo dõi bằng monitor.
- Truyền máu và các chế phẩm của máu nếu kết quả đông máu không tốt kèm chảy máu dữ dội: truyền máu toàn phần hay khối hồng cầu và huyết tương,…
Tuy nhiên trên đây chỉ là những xử trí triệu chứng nhằm hồi phục dấu hiệu sinh tồn của người bệnh, không xử lý được căn nguyên.Vì tai biến này hay xảy ra đột ngột và tiến triển nhanh nên hầu hết người bệnh đều tử vong. Nếu thai chưa xổ thì hầu hết thai nhi không được cứu kịp, người ta có thể mổ ngay để cứu thai nhưng tính may rủi cũng rất lớn.
Phòng bệnh
Biến chứng tắc mạch ối là không thể đoán trước hay dự phòng cho mẹ bầu.
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm một số các bài viết khác nếu bạn quan tâm: