Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi và những lưu ý dành cho mẹ

Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi ra sao, cột mốc nào đáng chú ý là vấn đề mà các bậc cha mẹ đều cần quan tâm. Vì đối với trẻ nhỏ, sự thay đổi diễn ra rất nhanh, thậm chí hàng ngày. Việc quan sát quá trình phát triển của bé từng tháng, sẽ giúp chúng ta nhận biết được con có đang đạt được những mốc thông thường theo độ tuổi hay không. Bên cạnh đó nếu theo sát những biểu hiện của bé chúng ta còn có thể phát hiện ra những dấu hiệu bất thường để can thiệp kịp thời. 

banner ads
Bé cười
Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi ra sao, cột mốc nào đáng chú ý là vấn đề mà các bậc cha mẹ đều cần quan tâm. Nguồn ảnh: SleepBaby 

1. Đặc điểm chung về sự phát triển của bé 8 tháng tuổi

Trước khi đi vào chi tiết, chúng ta có thể lưu ý đặc điểm chung về sự phát triển của bé 8 tháng tuổi.

Ở độ tuổi này, trẻ không chỉ di chuyển xung quanh mà muốn “can thiệp” vào mọi thứ. Đây là giai đoạn trẻ đặc biệt rất tò mò vì con bắt đầu trở nên ý thức hơn về môi trường chung quanh mình.

Vậy thì trẻ thể hiện sự quan tâm của mình như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

Bé bò
Bé 8 tháng tuổi không chỉ di chuyển xung quanh mà muốn can thiệp vào mọi thứ. Nguồn ảnh: Parents 

2. Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi

Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi thể hiện qua các lĩnh vực: kỹ năng vận động, giấc ngủ , ăn uống và khả năng giao tiếp. Chúng ta hãy di vào cụ thể từng khía cạnh.

2.1. Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi về kỹ năng vận động

Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi về kỹ năng vận động thể hiện qua việc con đạt được sức mạnh để làm nhiều thứ.

banner ads

Lúc này, con đã đủ mạnh để kéo mình dậy ở tư thế đứng khi vịn vào ghế hoặc sofa. Chỉ trong vòng một, hai tháng nữa, trẻ có thể dùng đồ vật làm hỗ trợ để di chuyển xung quanh. Bạn hãy đảm bảo các loại đồ vật dễ vỡ, đồ điện, ổ cắm điện ở xa tầm tay của bé. Ngoài ra, hãy kiểm tra các món đồ trẻ có thể vịn và đẩy đi như ghế gỗ, để loại bỏ những món đồ không chắc chắn. Tất cả sẽ giúp giữ an toàn cho bé khi di chuyển quanh nhà.

Hầu hết trẻ ở độ tuổi này đã biết bò, nhưng bạn cũng đừng lo lắng nếu em bé của mình vẫn chưa bò. Một số em bé mất thêm vài tháng nữa mới bắt đầu bò, hoặc có những bé chuyển thẳng từ lật sang tập đi mà không “thèm” dừng lại tập bò . Điều này phụ thuộc vào đặc điểm của mỗi bé. 

Bé trai đang cười
Có những bé ở độ tuổi 8 tháng tuổi không tập bò. Nguồn ảnh: Rainy Day Mum 

Trẻ 8 tháng tuổi cũng đang phát triển khả năng kết hợp kỹ năng vận động với các giác quan. Bé thường có thể nhận ra một món đồ từ xa, xác định rằng mình muốn chúng và tìm cách di chuyển đến nơi và nhặt món đồ đó lên.

Bé cũng có thể thao tác với các món đồ chơi một cách tương đối dễ dàng như: đập các khối vào nhau, ném bóng, hoặc chồng các ly khác kích thước vào nhau,…

Khả năng cầm nắm đồ vật nhỏ của trẻ hiện đang bắt đầu phát triển và được tiếp tục tinh chỉnh khi trẻ qua chín tháng tuổi. Hầu hết mọi thứ mà trẻ nhặt được sẽ “kết thúc” hành trình trong miệng bé, nên bạn hãy nhớ bỏ đi những đồ chơi nhỏ hoặc những đồ vật khác trên sàn nhà.

Bạn hãy nhớ rằng bất kỳ thứ gì đủ nhỏ để nhét vào trong lõi giấy vệ sinh thì cũng có thể làm trẻ nghẹt thở. Nếu bé có anh chị em lớn hơn 3 tuổi, bạn nên giữ các khu vực vui chơi riêng biệt và nhắc nhở trẻ về quy tắc ống giấy vệ sinh. Nhưng tốt hơn hết, bạn hãy hạn chế để trẻ lớn chơi cùng các món đồ chơi nhỏ trong khi bé còn thức. Bạn có thể cho trẻ lớn chơi các món đồ chơi nhỏ khi bé ngủ, và dọn dẹp sạch sẽ khi bé thức dậy. 

Bé chơi cùng mẹ
Bé 8 tháng tuổi thường có thể nhận ra một món đồ từ xa, xác định rằng mình muốn chúng. Ảnh Internet 

2.2. Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi về giấc ngủ

Khi được 8 tháng tuổi, hầu hết các bé sẽ ngủ tổng cộng khoảng 13 – 14 tiếng một ngày, trong đó bao gồm cả hai giấc ngủ ngày vào buổi sáng và chiều.

Giấc ngủ ngày của bé thường kéo dài khoảng 1 giờ, nhưng có những bé chỉ ngủ khoảng 20 phút mà thôi.

Giờ đây, bé cũng đã có cảm giác về vật thể vĩnh viễn – đó là nhận thức được bạn vẫn tồn tại ngay cả khi không có mặt bên cạnh con. Tuy vậy, con vẫn rơi vào tình trạng “lo lắng về sự xa cách” với mẹ, bé có thể khóc khi thấy bạn cố gắng rời khỏi phòng. Việc này sẽ làm cho thời gian đi vào các giấc ngủ ngày của con trở nên khó khăn hơn.

Tình trạng này sẽ biến mất khi bé được 2 tuổi nên bạn đừng quá lo lắng. Nếu khi bạn rời đi, bé quấy khóc, thì cơn khóc này không nên kéo dài quá vài phút. Hãy nhất quán trong thói quen của bạn và điều đó sẽ giúp cả bạn và bé dễ thích nghi hơn. 

Bé ngủ
Khi được 8 tháng tuổi, hầu hết các bé sẽ ngủ tổng cộng khoảng 13 – 14 tiếng một ngày. Nguồn ảnh: Parents 

2.3. Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi về ăn uống

Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi về ăn uống không có sự thay đổi nhiều về tổng lượng sữa hàng ngày, từ 720 – 960 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức . Tuy nhiên, thực đơn ăn dặm của bé lúc này cần được mở rộng ngày càng đa dạng hơn.

Các thực phẩm bạn nên đưa vào thực đơn của bé gồm: ngũ cốc, rau củ, trái cây, thịt băm hoặc xay.

Khi lượng thức ăn đặc được tiêu thụ nhiều hơn, nhu cầu về sữa của bé sẽ dần giảm đi. Một số em bé ở giai đoạn này tỏ ra vô cùng hào hứng với thức ăn và sẽ bớt hào hứng hơn khi bú mẹ hay bú bình.

Bạn sẽ thấy rằng chế độ ăn của bé sẽ chuyển sang nhiều thức ăn đặc hơn là sữa. Tuy nhiên lúc này, bé vẫn cần ít nhất 480 – 600 ml sữa mẹ hoặc sữa công thức một ngày, cho đến khi bé có thể chuyển sang dùng sữa bò khi được 1 tuổi.

Kỹ năng cầm nắm và nhai đồ ăn của bé lúc này đã phát triển hơn, nên bạn có thể xem xét cho bé ăn thức ăn dạng ngón tay. Các loại thực phẩm thích hợp nhất cho dạng thức ăn ngón tay ở giai đoạn này gồm: chuối, bánh mì mềm, mì ống, nui, thịt nấu mềm, và ngũ cốc. Bạn hãy cắt thức ăn thành miếng vừa với một lần nhai của bé. Hãy tránh cho bé ăn các loại thực phẩm có nguy cơ gây hóc cao như: xúc xích, bỏng ngô, cà rốt sống, nho, việt quất và nho khô.

Có một điều bạn cần lưu ý đó là dù bạn cắt đồ ăn nhuyễn thế nào hoặc nấu mềm ra sao, bạn cũng không bao giờ được để bé ăn một mình. Ngoài ra, để tránh nguy cơ bị nhiễm khuẩn, bạn không nên cho bé ăn mật ong cho đến khi con được ít nhất 1 tuổi. 

Bé ngồi ghế ăn
Kỹ năng cầm nắm và nhai đồ ăn của bé khi 8 tháng đã phát triển hơn, nên bạn có thể xem xét cho bé ăn thức ăn dạng ngón tay. Nguồn ảnh: FirstCry Parenting 

2.4. Về khả năng giao tiếp

Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi về khả năng giao tiếp thể hiện qua việc con đang phát triển ý thức mạnh mẽ về bản thân và nhận thức tốt hơn về môi trường xung quanh.

Trẻ 8 tháng tuổi đã hiểu về khái niệm tính lâu dài của đồ vật và bắt đầu dự đoán các thói quen hàng ngày. Ví dụ: khi mình ở trong nôi thì đó là giờ đi ngủ, khi mình ngồi trên ghế cao đó là giờ ăn,…Bé cũng bắt đầu nhận ra mối quan hệ giữa nguyên nhân và kết quả. Ví dụ: khi mình đánh rơi chiếc khăn ăn này, mẹ sẽ nhặt nó lên.

Ở độ tuổi này, bé cũng bắt đầu nhận ra mình thích và không thích gì. Đó là lý do vì sao bạn có thể trông thấy vẻ mặt cau có của bé khi bạn cho con ăn bông cải xanh và vẻ mặt vui vẻ của con khi bạn chuyển sang khoai lang.

Khi được 8 tháng tuổi, những tiếng bập bẹ mà bạn đã nghe được một thời gian bắt đầu có ý nghĩa. Bạn có thể nghe thấy bé nói da-da hay ma-ma nhắm về hướng của bạn. Giờ đây, bé cũng hiểu được ý nghĩa của một số từ cơ bản, bao gồm “tạm biệt” và “sữa”. Đồng thời con cũng có thể làm theo một số câu lệnh đơn giản như: “Chào bà” hoặc “Vẫy tay chào dì”,… 

Bé vui cười cùng mẹ
Ở 8 tháng tuổi bé cũng bắt đầu nhận ra mình thích và không thích gì. Nguồn ảnh: BabyCenter 

3. Một số điều bạn cần lưu ý về sự phát triển của bé 8 tháng tuổi

Về sự phát triển của bé 8 tháng tuổi, bạn cần lưu ý một số điểm sau:

  • Nếu bạn chưa thực hiện, thì đây là lúc bạn cần biến ngôi nhà của bạn thành môi trường phù hợp, an toàn cho một em bé đang tập bò. Bạn hãy:

+ Cất tất cả các sản phẩm tẩy rửa, mỹ phẩm, và các loại chất có thể gây ngộ độc.

+ Khóa cửa phòng tắm và các ngăn đựng đồ trong nhà bếp.

+ Lắp cửa chặn cầu thang và cửa chặn ở hành lang cũng như các lối ra để mở.

+ Không để các loại dây điện trong tầm với của bé, cũng như đảm bảo không có các loại dây (không chỉ là dây điện) thòng xuống sàn nhà.

+ Dọn dẹp mọi đồ vật nhỏ quanh nhà, bao gồm cả. đồ chơi và tiền xu.

+ Đóng cửa dẫn đến phòng tắm và phòng ngủ

  • Không để trẻ xem tivi, điện thoại hay các thiết bị thông minh khác. Ở giai đoạn trẻ chuyển động không ngừng này, bạn sẽ rất dễ bị cám dỗ cho con ngồi trước tivi để rảnh rang thực hiện công việc nào đó. Mặc dù một vài phút xem các video về giáo dục có thể không làm tổn thương bé, nhưng Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên đợi đến khi bé được ít nhất 2 tuổi khi muốn cho con tiếp xúc với các phương tiện này. Đọc, hát, trò chuyện là những cách tốt hơn nhiều giúp bé giải trí ở độ tuổi này. 
Bé ngậm đồ chơi
Bạn hãy tạo môi trường sạch sẽ và an toàn cho bé để con tập bò, cũng như vui chơi. Nguồn ảnh: Hello Motherhood 

Sự phát triển của bé 8 tháng tuổi cũng như mọi thời điểm khác trong vài năm đầu đời của con, sẽ bao gồm những điều vô cùng thú vị. Ở giai đoạn bé đang bắt đầu di chuyển khắp nơi để khám phá xung quanh cũng như khẳng định bản thân, điều bạn cần làm là phải tạo môi trường an toàn nhất cho bé, cũng như theo mỗi bước chân của con để biết được con có đang đi theo đà phát triển thông thường hay không. Để có thể thực hiện được điều này, bạn có thể phải đánh đổi thời gian làm việc – cách mà không phải cha mẹ nào cũng lựa chọn được. Tuy nhiên, hãy cố gắng dành thời gian bên con nhiều nhất có thể, vì bé sẽ lớn rất nhanh và bạn có thể bỏ lỡ rất nhiều điều tuyệt vời trong giai đoạn đầu đời của con.

Theo WebMD

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI