Ốm nghén muộn - một trải nghiệm không vui của mẹ bầu

Ốm nghén muộn là tình trạng không quá phổ biến nhưng cũng không phải hiếm gặp. Chúng ta đã quá quen thuộc với việc ốm nghén ở phụ nữ mang thai ở giai đoạn đầu thai kỳ. Nhưng khi đã đến giai đoạn nước rút – những tháng cuối chuẩn bị sinh, mà những cơn buồn nôn, ói, sợ đồ ăn vẫn còn xuất hiện thì thật là trải nghiệm không vui chút nào. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này và xem có cách nào khắc phục không nhé. 

banner ads
Bà bầu ốm nghén muộn
Ốm nghén muộn dù có thể bạn ít nghe nhưng chúng vẫn có thể xảy ra. Ảnh Internet 

1. Vì sao mẹ bầu lại bị ốm nghén muộn

Khi bạn nghe kể về kinh nghiệm mang thai và sinh con từ những người thân, bạn bè hay người quen, bạn sẽ thấy rằng ốm nghén là một chủ đề thường được nhắc tới nhất. Đó là một trải nghiệm không mấy vui vẻ mà khá nhiều phụ nữ mang thai trải qua ở đầu thai kỳ. Một tình trạng khiến bạn đôi khi phải bật dậy vào buổi sáng một cách bất đắc dĩ vì buồn nôn hay nôn thật sự.

Tuy nhiên, đối với việc ốm nghén muộn – hay ốm nghén vào tam cá nguyệt thứ ba thì có lẽ bạn sẽ thấy khá lạ lẫm. Nhưng như vậy không có nghĩa là chúng không diễn ra. Ngược lại, nó còn phổ biến hơn bạn nghĩ nhiều.

Sự tác động của hormone được xem là nguyên nhân chính khiến bạn bị ốm nghén. Điều này cũng không có gì khác biệt đối với ốm nghén muộn. Và dù có tin hay không, thì ngay cả khi bạn đã đi đến chặng cuối của thai kỳ, thì cơ thể bạn vẫn đang phải vất vả tìm cách tự cân bằng. 

Ốm nghén ở tam cá nguyệt thứ 3
Bạn vẫn có thể bị ốm nghén ở tam cá nguyệt thứ ba. Ảnh: Women’s Health 

Một điều khác biệt đối với tình trạng ốm nghén muộn, đó là ngoài ảnh hưởng của hormone, bạn có thể còn chịu tác động của các yếu tố khác. Chúng bao gồm:

  • Hệ thống tiêu hóa làm việc lỏng lẻo. Đây là một trong những hệ quả do hormone gây ra. Chúng làm cho quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Tình trạng ợ nóng (tình trạng trào ngược axit dạ dày, vì chiếc van cuối thực quản đôi khi bị mở hoặc không đóng chặt) khiến axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Chứng ợ nóng khi mang thai khiến bạn rất dễ bị buồn nôn hoặc nôn.
  • Kích thước của thai nhi và tử cung ngày càng phát triển nhanh hơn, gây áp lực lên dạ dày, khiến bạn dễ bị buồn nôn.
  • Ăn uống không khoa học. Có thể vì khẩu vị thay đổi do mang thai, mà bạn thích ăn, uống một số loại thực phẩm khó tiêu như đồ chiên rán, cay nóng, nhiều chất béo,…Việc này làm cho bạn bị khó tiêu (vì vốn dĩ hệ tiêu hóa lúc này đã làm việc khá “đình trệ”) và dễ dẫn tới buồn nôn. 
Đồ chiên
Ăn đồ chiên rán cay nóng sẽ làm bạn khó tie6i và dễ dẫn đến bị buồn nôn. Ảnh Internet 

2. Bạn có thể làm gì để đối phó với tình trạng ốm nghén muộn

Để làm giảm sự khó chịu do ốm nghén muộn mang lại, bạn có thể thực hiện những việc sau:

  • Chia nhỏ bữa ăn. Thay vì ăn 3 bữa chính một ngày, bạn có thể chia nhỏ chúng ra để giảm lượng ăn ở mỗi bữa xuống hơn. Điều này giúp dạ dày của bạn không bị quá tải và làm việc hiệu quả hơn. Từ đó bạn sẽ giảm được cảm giác buồn nôn (hoặc nôn).
  • Tránh các loại thực phẩm khó tiêu hoặc dễ gây cảm giác buồn nôn. Ví dụ như thực phẩm nhiều dầu mỡ, nhiều chất béo, thực phẩm quá chua hoặc quá cay. Bạn hãy thay chúng bằng các loại bánh quy dinh dưỡng cho bà bầu , bánh nướng hoặc các loại hạt. 
Chia nhỏ bữa ăn
Chia nhỏ bữa ăn là một cách giúp bạn giảm buồn nôn do ốm nghén muộn. Ảnh: The Bump 
  • Uống thật nhiều nước. Dù rằng lúc này bàng quang của bạn cũng đang là đối tượng bị tử cung chèn ép. Việc uống nhiều nước sẽ khiến bạn phải ghé thăm nhà vệ sinh thường xuyên. Tuy nhiên, thiếu hoặc mất nước không những làm tình trạng ốm nghén trở nên nghiêm trọng hơn, mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bạn và thai nhi. Vì vậy bạn đừng nên lơ là việc bổ sung đủ nước cho cơ thể. Nếu thấy nhạt miệng, bạn có thể uống xen kẽ một ít nước trái cây hoặc nước lúa mạch.
  • Tập thể dục điều độ. Việc tập luyện điều độ sẽ giúp cơ thể bạn được khỏe mạnh, bền sức và nhờ đó, các cơ quan bên trong cũng hoạt động tốt hơn. Tập thể dục còn giúp bạn trải qua quá trình sinh nở một cách dễ dàng hơn, cũng như hồi phục nhanh hơn sau khi sinh.
  • Tránh đi ngủ ngay sau khi ăn no. Việc này sẽ dễ khiến bạn bị ợ nóng dẫn đến buồn nôn. Bạn nên ăn tối khoảng 2-3 tiếng trước khi ngủ là tốt nhất. 
Bà bầu đọc sách
Bạn tránh đi ngủ ngay sau khi ăn no. Ảnh Internet 

3. Khi nào bạn cần lo lắng về tình trạng ốm nghén muộn

Ốm nghén muộn hay ốm nghén khi mới mang thai đều khá phổ biến và không có gì đáng lo ngại. Trừ những trường hợp ốm nghén nặng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu thì tình trạng này thường không gây nguy hại gì cho em bé của bạn. Ngoại trừ việc nó khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hơn bình thường.

Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy buồn nôn hoặc bị nôn ói kèm theo những triệu chứng sau thì bạn cần đến gặp bác sĩ ngay:

  • Bạn bị phù mặt, tay hoặc chân
  • Bạn bị chuột rút và co thắt một cách thường xuyên
  • Bạn bị đau đầu
  • Bạn bị tiêu chảy
  • Bạn bị mất tầm nhìn
  • Bạn bị sốt 
Bà bầu đau đầu
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu thấy buồn nôn kèm theo triệu chứng khác ví dụ như đau đầu hay tiêu chảy. Ảnh: Lifespan 

Ốm nghén muộn kèm theo một (hoặc nhiều) trong những triệu chứng trên có thể là dấu hiệu cảnh báo một số tình trạng nghiêm trọng. Trong đó có thể kể đến tiền sản giật , sanh non, nhiễm trùng,…Chúng đều rất nguy hiểm, đặc biệt đối với thai nhi nếu không được can thiệp kịp thời.

Ốm nghén muộn thường diễn ra với các triệu chứng không quá nghiêm trọng, có thể vẫn chỉ như khi bạn mới có thai. Tuy nhiên, cuối thai kỳ là giai đoạn cơ thể bạn phải chịu rất nhiều áp lực. Vì lúc này em bé đang nằm ở vị trí trung tâm của cơ thể bạn đang lớn lên với tốc độ khá nhanh và khả năng ảnh hưởng đến các khu vực khác sẽ rất cao.

Chính vì vậy, việc bị ốm nghén sẽ làm cho bạn khó chịu, lo lắng và mệt mỏi hơn gấp nhiều lần so với đầu thai kỳ. Điều này ảnh hưởng đến tâm lý của bạn, và em bé trong bụng cũng có thể bị tác động một cách tiêu cực. Đó là lý do bạn cần cố gắng duy trì sức khỏe tốt nhất có thể. 

Bà bầu tập tạ tay
Ốm nghén sẽ làm bạn khó chịu, lo lắng và mệt mỏi, nhưng bạn phải rất cố gắng duy trì sức khỏe tốt để giam nghén và không ảnh hưởng đến em bé. Ảnh Internet 

Có thể nói rằng, những biện pháp được đề cập không hẳn sẽ khiến vị khách ốm nghén muộn tránh xa bạn, nếu bạn gặp phải. Nhưng ít nhất, chúng sẽ giúp bạn thấy dễ chịu, thoải mái và khỏe mạnh hơn. Ngoài việc áp dụng chúng, bạn hãy thư giãn đầu óc, tranh thủ nghỉ ngơi và đến gặp bác sĩ bất cứ khi nào bạn thấy lo lắng hoặc có biểu hiện bất ổn nhé.

Theo Practical Parenting & Women's Health

Lily Nguyễn lược dịch và tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI