Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn và những câu hỏi liên quan thường gặp

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là việc các bà mẹ đều mong muốn thực hiện. Vì sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tuyệt vời đối với trẻ. Nó không những là nguồn dinh dưỡng, mà còn cung cấp những kháng thể cho trẻ. Đây là “chức năng” mà không một loại sữa nào khác có thể làm được. 

banner ads
Các bà mẹ cho con bú
Nhiều bà mẹ mong muốn nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh Internet 

Thực tế, không phải ai cũng hiểu được tầm quan trọng của nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn. Hoặc hiểu rõ những vấn đề liên quan cần lưu ý khi thực hiện. Chúng ta hãy cùng tìm hiều về vấn đề này để có thêm thông tin. Từ đó bổ sung vào cẩm nang nuôi con một cách khoa học các mẹ nhé.

1. Thế nào là nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn

Bản thân cụm từ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đã nói lên đầy đủ ý nghĩa của nó. Đây chính là việc mẹ chỉ cho trẻ bú mẹ mà không cung cấp thêm bất kì loại thức ăn hay sữa nào khác, kể cả nước. Tuy nhiên, trẻ có thể được bổ sung dịch truyền, vitamin hoặc thuốc qua đường uống nếu được bác sĩ chỉ định.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn được khuyến khích thực hiện cho đến khi trẻ được 6 tháng tuổi. Sau đó mẹ có thể áp dụng chế độ ăn dặm cho con, nhưng sữa mẹ hoặc sữa công thức vẫn là nguồn thức ăn chính. 

Mẹ cho bé bú
Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn không cần bổ sung thêm chất lỏng khác. Ảnh nguồn: Fox News

2. Vì sao nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời của trẻ

Sữa mẹ là nguồn thức ăn lý tưởng cho trẻ sơ sinh. Nó an toàn, vệ sinh và chứa nguồn kháng thể giúp bảo vệ trẻ khỏi nhiều căn bệnh thông thường. Sữa mẹ cung cấp đầy đủ nguồn năng lượng và dinh dưỡng cho nhu cầu của trẻ trong những tháng đầu đời. Nó tiếp tục cung cấp đến một nửa hoặc hơn nhu cầu dinh dưỡng trong 6 tháng tuổi tiếp theo của trẻ. Đến năm tuổi thứ hai, sữa mẹ vẫn có thể cung cấp đến 1/3 nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.

Những trẻ em bú mẹ thể hiện kết quả tốt hơn trong những cuộc kiểm tra về trí thông minh. Cũng như chúng ít có khả năng bị thừa cân, béo phí và tiểu đường sau này.

Phụ nữ cho con bú mẹ cũng có thể giảm nguy cơ bị ung thư vú và ung thư buồng trứng.

Việc cho con bú mẹ còn giúp tăng sự kết nối giữa mẹ và bé. Đồng thời giúp con giàu tình cảm và thông minh hơn.

Tất cả những điều tuyệt vời trên chính là lý do phụ nữ được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đến khi trẻ được ít nhất 6 tháng tuổi. Và việc này nên được tiếp tục tới khi trẻ lên 2 hoặc hơn nếu mẹ có điều kiện. 

Mẹ và bé
Mọi phụ nữ được khuyến khích nuôi con bằng sữa mẹ. Ảnh Internet 

3. Những câu hỏi thường gặp về nước khi nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ

Những câu hỏi thường gặp nhất liên quan đến vấn đề nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ chính là việc cho trẻ uống thêm nước. Có lẽ vì chúng ta không có gì để nghi ngờ gì về chất lượng của sữa mẹ. Tuy nhiên, do khi trẻ bú, mẹ không thể đong đếm được chính xác lượng sữa con đã ăn. Từ đó nỗi lo lắng con có được cung cấp đủ theo nhu cầu không khiến mẹ phải suy nghĩ. Bên cạnh đó, một điều nữa các mẹ thường băn khoăn đó là liệu con có bị khát hay không.

Một điều chúng ta cần lưu ý là sữa mẹ chứa đến 88% nước, chính vì vậy nó cung cấp đủ cho nhu cầu của trẻ. Và các chuyên gia đều khuyến cáo không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống thêm bất kì loại chất lỏng nào trừ sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Chúng ta hãy cùng xem các mẹ còn thắc mắc điều gì liên quan đến việc nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ nữa nhé.

3.1. Trẻ bú mẹ hoàn toàn có được cung cấp đủ nước không? 

Các bà mẹ nói chuyện
Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời không cần uống thêm nước. Ảnh Internet

Nhu cầu về chất lỏng trung bình hàng ngày của một trẻ sơ sinh khỏe mạnh dao động từ:

  • 80-100ml/ kg trọng lượng trong tuần đầu tiên
  • 140-160ml/ kg trọng lượng trong 3-6 tháng tiếp theo

Nhu cầu này sẽ tùy thuộc vào nhiệt độ, độ ẩm của môi trường. Bên cạnh đó là trọng lượng và mức độ hoạt động của trẻ.

Tất cả lượng chất lỏng này đã có sẵn trong sữa mẹ. Trong điều kiện mẹ cho con bú hoàn toàn không hạn chế (cả ngày và đêm theo nhu cầu của trẻ). Lý do của việc này là:

  • Sữa mẹ chứa 88% nước. Dù khi mới sinh, trẻ chỉ được cung cấp một lượng nước nhỏ qua sữa non. Nhưng vì trẻ được sinh ra với một lượng nước dự trữ nên không cần thêm nữa trong ít nhất vài ngày. Lượng sữa chứa nhiều nước hơn thường về 3-4 ngày sau sinh.
  • Sữa mẹ có ít chất hòa tan. Một trong những chức năng chính của nước là giúp hòa tan và xả các chất dư thừa ra khỏi cơ thể qua nước tiểu. Các chất này gồm natri, kali, nito và clorua. Thận là cơ quan có khả năng tập hợp các chất này lại trong nước tiểu để giữ cho các hóa chất trong cơ thể được cân bằng. Ở trẻ sơ sinh, cơ quan này chưa phát triển hoàn thiện cho đến 3 tháng tuổi. Và do sữa mẹ chứa rất ít chất hòa tan nên trẻ sơ sinh không cần uống nhiều nước như người lớn

3.2. Nếu trẻ sơ sinh sống trong điều kiện khí hậu khô nóng thì sao?

Nước trong sữa mẹ vượt quá nhu cầu nước của trẻ sơ sinh trong điều kiện bình thường. Và nó đủ cho nhu cầu của trẻ trong vùng khí hậu khô, nóng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ sơ sinh khỏe mạnh, bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời, không cần thêm bất kì chất lỏng nào. Ngay cả khi trẻ sống ở những khu vực có nhiệt độ cực cao và độ ẩm cực thấp. Nồng độ chất tan trong nước tiểu và máu của trẻ ở những khu vực này trong phạm vi bình thường cho thấy trẻ đã được cung cấp đủ nước.

3.3. Cho trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi uống nước có hại không? 

Trẻ uống nước
Cho trẻ dưới sáu tháng tuổi uống nước có thể gây hại cho con. Ảnh nguồn: Vix.com 

Việc cho trẻ sơ sinh dưới sáu tháng tuổi uống nước có thể gây ra những mối nguy hiểm đáng kể cho sức khỏe của trẻ bao gồm:

  • Tăng nguy cơ suy dinh dưỡng . Việc trẻ sơ sinh dưới sau tháng uống thêm một lượng nước nhỏ có thể khiến con bị đầy bụng. Từ đó làm giảm nhu cầu bú sữa. Điều này tác động tiêu cực đến tình trạng dinh dưỡng, sự sống sót, tăng trưởng và phát triển của trẻ sơ sinh. Các nghiên cứu cho thấy nước làm giảm đến 11% nhu cầu sữa mẹ của trẻ. Ngoài ra, bổ sung nước đường trong tuần tuổi đầu tiên có liên quan đến việc giảm cân nhiều hơn và thời gian nằm viện lâu hơn của trẻ
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh. Nước và dụng cụ cho ăn là phương tiện có khả năng cao truyền mầm bệnh cho trẻ. Đặc biệt trong điều kiện vệ sinh kém, chúng làm tăng nguy cơ gây bệnh tiêu chảy cho trẻ

3.4. Có nên cho trẻ bù nước khi bị tiêu chảy không?

Khi trẻ sơ sinh bị tiêu chảy nhẹ, nên tăng cường cho trẻ bú sữa mẹ. Nếu trẻ bị tiêu chảy từ trung bình tới nặng, mẹ cần hỏi ý kiến bác sĩ. Chỉ nên cho trẻ bù nước qua đường uống theo chỉ định của bác sĩ. 

Mẹ cho con bú
Nếu trẻ bị tiêu chảy nhẹ, bạn cần tăng cường cữ bú cho bé. Ảnh Internet

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn là việc mà mọi bà mẹ dều nên áp dụng. Sữa mẹ không những cung cấp dinh dưỡng mà còn kháng thể để giúp trẻ phát triển khỏe mạnh. Mẹ nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu đời và tiếp tục đến khi trẻ được hai tuổi hoặc hơn. Điều này sẽ mang lại lợi ích không thể đong đếm được không những khi trẻ còn nhỏ, mà đến tương lai sau này của con.

Theo Breast Crawl & WHO

Lily Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI