1. Sữa mẹ
Sữa mẹ được sản xuất từ nguồn dinh dưỡng trong máu và các kho dự trữ dinh dưỡng trong cơ thể mẹ do đó hàm lượng dưỡng chất trong sữa mẹ tương đối đồng nhất. Sữa mẹ có sự cân bằng tối ưu giữa lượng chất béo, đường, nước và đạm là những chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Sữa mẹ tạo ra các phản ứng sinh hóa giúp kích thích các hormone, enzyme và kháng thể giúp trẻ sơ sinh phòng ngừa được các bệnh truyền nhiễm thông thường. Các acid béo trong sữa mẹ cũng giúp phát triển võng mạc và hệ thần kinh của bé.
Thành phần dinh dưỡng của sữa mẹ thay đổi tùy theo giai đoạn phát triển của trẻ. Tuy nhiên, liên quan đến sữa mẹ, có 2 thời kỳ quan trong cần phải lưu ý là thời kỳ sữa non và sữa trưởng thành.
- Sữa non: Sữa non được sản xuất vào cuối thời kỳ mang thai và lưu thông qua tuyến sữa mẹ trong những ngày đầu sau sinh (trong vòng khoảng 72 giờ sau sinh). Đây là nguồn sữa giàu kháng thể và dinh dưỡng nhưng lại rất dễ tiêu hóa. Những kháng thể trong sữa non giúp trẻ sơ sinh bài tiết bilirubin thừa, ngăn ngừa chứng vàng da đồng thời giúp bảo vệ bé khỏi sự tấn công của vi trùng trong màng nhầy của cổ họng, phổi và ruột. Sữa non cũng giúp ngăn ngừa tác động của những chất lạ có thể có trong thức ăn của mẹ tới hệ tiêu hóa của bé.
- Sữa trưởng thành : Nguồn sữa này được sản xuất sau giai đoạn sữa non (khoảng 3-4 ngày sau sinh) với số lượng tăng lên dần theo nhu cầu của trẻ và hàm lượng chất dinh dưỡng cũng thay đổi. Khi bé bú mẹ, tuyến sữa sẽ tiết sữa đầu dòng (chứa nhiều nước cũng như giàu đạm và vitamin) trước nhằm đáp ứng nhu cầu về nước của bé. Khi bé tiếp tục bú, sữa cuối dòng (đặc và giàu chất béo hơn) sẽ được tiết ra để thỏa mãn cơn đói của bé.
2. Nhu cầu bú của trẻ
Khi mới sinh, bé nên được bú mẹ càng sớm càng tốt để được hưởng nguồn sữa non giàu dưỡng chất và kháng thể, điều này rất quan trọng vì bé sẽ được bảo vệ một cách tự nhiên trong những ngày đầu đời.
Trong khoảng tuần thứ nhất đến thứ tư sau sinh, trẻ có nhu cầu bú mỗi 1 đến 3 giờ một lần (8 đến 12 lần trong vòng 24 giờ). Trẻ sơ sinh có dạ dày rất nhỏ, chỉ chứa được khoảng 5-7ml khi được 1 ngày tuổi, 22-30ml ở 3 ngày tuổi, và ở ngày tuổi thứ bảy dạ dày bé chứa được khoảng 45-60ml. Thông thường nhu cầu bú mẹ ở mỗi bé là khác nhau, hầu hết trẻ sẽ khóc đòi bú khi đói, tuy nhiên một số bé vẫn có nhu cầu bú mẹ khi thấy đau, mệt mỏi hay khó chịu vì bú mẹ giúp trẻ thấy thoải mái và dễ chịu hơn.
3. Cho bé bú mẹ trong bao lâu khi nuôi con bằng sữa mẹ
Các tổ chức y tế khuyến cáo nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu sau sinh do trong thời gian này, nguồn sữa mẹ có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ. Bú mẹ hoàn toàn được hiểu là ngoài nguồn sữa mẹ, không cho trẻ ăn, uống thêm bất kì loại thức ăn, thức uống nào khác kể cả nước ngoại trừ một số vitamin, khoáng chất hoặc dược phẩm được bác sĩ chỉ định (như vitamin D…)
Sau sáu tháng, vẫn nên tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ , kết hợp với việc cho bé ăn dặm, đến ít nhất 1 tuổi hoặc hơn (tùy nhu cầu và điều kiện của mẹ và bé). Việc cho bé bú mẹ có thể tiếp tục đến khi trẻ được 2 tuổi hoặc hơn.
4. Cho bé bú như thế nào
Vị trí và kỹ thuật đúng khi cho bé bú rất quan trọng trong việc đảm bảo bé được bú đủ và mẹ không bị đau.
Bé có thể tiếp cận vú mẹ từ nhiều vị trí và mỗi bé có thể yêu thích một vị trí khác nhau khi bú. Tuy nhiên khi mẹ cho bé bú cần đảm bảo miệng bé ngậm được toàn bộ vùng quầng vú, mẹ thấy được cả hai vành môi của bé nút vú mẹ, bé nuốt sữa đều đặn, mẹ không cảm thấy đau, cả mẹ và bé đều thấy thoải mái.
- Mẹ có thể cho bé bú ở nhiều tư thế:
- Mẹ nằm ngửa và cho bé nằm lên ngực
- Mẹ ôm và đỡ phần đầu của bé bằng khuỷu tay, tay kia mẹ đỡ nhẹ mông bé.
- Mẹ đỡ phần đầu và lưng của bé bằng tay đối diện, có thể đặt một chiếc gối mềm dưới mông bé.
- Mẹ cho bé bú bên nào thì cho người bé quay về phía đó sao cho phần thân bé nằm dưới cánh tay bên bé bú. Mẹ ôm bé và có thể kê thêm gối mềm để đỡ bé.
- Mẹ ngồi ngả người trên ghế dựa và ôm bé như khi bé nằm trên ngực khi mẹ nằm ngửa.
- Mẹ nằm nghiêng một bên và cho bé bú ở tư thế nằm nghiêng.
Dù mẹ cho bé bú ở tư thế nào mẹ cũng cần quan sát bé để đảm bảo bé không bị cản trở việc thở cũng như việc nuốt sữa.
Khi cho bé bú mẹ nên cho bé bú hết một bên ngực sau đó mới cho bú bên còn lại để đảm bảo bé nhận được đủ nước, dưỡng chất đồng thời kích thích tuyến sữa tiếp tục sản xuất sữa cho lần ăn sau của bé.
Nuôi con bằng sữa mẹ với những kiến thức cơ bản cần thiết, sẽ giúp cho các bé luôn nhận được nguồn dinh dưỡng tốt và an toàn nhất. Bé vui khỏe, mẹ không quá vất vả và yên tâm, vì con còn có thêm một nguồn kháng thể tốt nhất, cần thiết nhất trong suốt quá trình phát triển đầu đời của mình.
Theo WHO, UNICEF & Wikipedia
Lily Nguyễn lược dịch và tổng hợp