Trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để đảm bảo sự phát triển toàn diện.
Cho bé “ăn” ngon
Hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vẫn chưa đạt đến sự hoàn thiện. Do đó, nó vô cùng non yếu và khó hấp thu dưỡng chất. Chính vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu.
Mỗi cữ, trẻ sơ sinh trung bình bú được lượng sữa từ 60 -100ml tùy theo cân nặng và nhu cầu mỗi trẻ. Cứ sau khoảng 2 tiếng, trẻ lại được cho bú một lần. Trường hợp trẻ bú sữa công thức, sau 3 tiếng lại cho trẻ bú.
Phải qua 3 tháng đầu, trẻ mới bắt đầu tăng dần lượng sữa trong mỗi lần bú từ 120 - 210 ml và duy trì cho đến những tháng tiếp theo.
Mẹ chia các cữ sữa cách nhau 2 tiếng để trẻ có thể hấp thu dinh dưỡng tốt nhất.
Có thể chia các cữ sữa trong ngày cho trẻ như sau:
- Từ 1 - 2 ngày tuổi: Trẻ bú khoảng 30-90ml/ cữ. Mỗi ngày cho bú từ 8 -12 cữ. Mỗi cữ bú từ 15 - 20 phút.
- Từ 3 - 6 ngày tuổi: Trẻ bú khoảng 60-90ml/ cữ. Mỗi ngày cho bú từ 8 -12 cữ. Mỗi cữ bú từ 15 - 20 phút.
- Từ 7 ngày - một tháng tuổi: Trẻ bú khoảng 90-150ml/ cữ. Mỗi ngày cho bú từ 8 -12 cữ. Mỗi cữ bú từ 15 - 20 phút.
- Từ 1 - 2 tháng tuổi: Trẻ tiếp tục duy trì lượng sữa từ 90-150ml/ cữ nhưng giảm dần số lần bú, chỉ còn khoảng 6-8 cữ/ngày. Mỗi cữ bú từ 15 - 20 phút.
- Từ 3 - 6 tháng tuổi: Trẻ có thể tăng lượng sữa từ 120 - 210ml/ cữ và giảm chỉ còn 5-6 cữ/ ngày. Mỗi cữ bú từ 15 - 20 phút.
Những lưu ý cần nhớ khi cho trẻ bú mẹ
Nếu chất lượng sữa đã giảm đi thì mẹ nên cho bé dặm thêm sữa công thức.
- Nếu sữa mẹ đến tháng thứ 6 đã cạn dần và lỏng, chất lượng sữa đã giảm đi thì mẹ nên cho bé dặm thêm sữa công thức.
- Bản thân sữa mẹ đã chứa lượng nước đủ cho trẻ dưới 6 tháng dùng. Do đó, không nên cho trẻ uống thêm nước lọc để tránh trẻ no hơi và suy dinh dưỡng vì bú kém.
- Để sữa mẹ có chất lượng cao, người mẹ sau sinh phải ăn uống đủ chất và cân bằng các nhóm thực phẩm dinh dưỡng. Đặc biệt lưu ý dùng nhiều thức ăn có hàm lượng DHA dồi dào (200mg DHA/ngày) cùng các dưỡng chất thiết yếu khác như canxi, sắt, choline. Mẹ có thể tận dụng các nguồn thực phẩm thiên nhiên để bổ sung dưỡng chất trong giai đoạn cho con bú. Cách khác có thể bổ sung bằng sữa công thức và các loại thuốc bổ thích hợp. Bên cạnh đó, mẹ phải kích thích bầu sữa bằng cách cho con bú liên tục. Trẻ bú càng nhiều, sữa càng tiết ra nhiều hơn. Sữa trẻ bú còn dư nên vắt hết ra ngoài để sữa mới tiết ra.
- Với những bà mẹ phải quay trở lại công việc sớm hơn, cần biết cách vắt và trữ sữa để người chăm sóc trẻ ở nhà có thể tiếp tục duy trì nuôi bé bằng sữa mẹ. Trước khi đi làm nên cho trẻ bú no. Phần sữa còn lại vắt hết và bảo quản trong túi nylong chuyên dụng, cho vào ngăn đông tủ lạnh. Nếu ở cơ quan, mẹ bị căng sữa phải vắt sữa ra bỏ để đảm bảo duy trì nguồn sữa cho con. Giờ nghỉ trưa, nếu có điều kiện nên tranh thủ về nhà cho con bú trước khi đi làm lại. Lượng sữa dư vắt ra và tiếp tục bảo quản.
Bằng cách chăm sóc bầu sữa như vậy trẻ sẽ có được nguồn sữa mẹ liên tục trong ngày để đảm bảo dinh dưỡng cần thiết.
Cho bé ngủ tốt
Trẻ ngủ nhiều và sâu sẽ phát triển tốt.
Trong giai đoạn này, trẻ ngủ rất nhiều và điều đó vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của trẻ bên cạnh chuyện bú mớm. Một giấc ngủ đủ lượng và chất sẽ giúp bé tăng cân nhanh, đồng thời phát triển trí não tốt.
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng vẫn chưa thể phân biệt được ngày và đêm nên bố mẹ lưu ý nhớ tắt đèn sáng khi trẻ vào giấc đêm và cho trẻ sinh hoạt nơi có đủ ánh sáng vào ban ngày.
Tóm lại, nguồn dinh dưỡng cần thiết nhất của trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi chính là sữa mẹ. Do đó, người mẹ cần phải thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để con được hấp thụ tốt. Bên cạnh đó, một giấc ngủ ngon và sâu cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển toàn diện của trẻ.
Yeutre.vn (Tổng hợp)
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: