3 phương pháp ăn dặm "hot" nhất hiện nay

Chăm sóc con nhỏ có muôn vàn điều cần phải học hỏi và tập tành. Chỉ riêng chuyện ăn dặm cho con, các bố mẹ đã phải rất đau đầu trước quá nhiều phương pháp. Trong đó, có 3 phương pháp được nhiều người hưởng ứng hiện nay, bao gồm: ăn dặm truyền thống, ăn dặm theo phong cách Nhật và baby led weaning (BLW).

banner ads

Phương pháp ăn dặm truyền thống

7766-3-phuong-phap-an-dam-hot-nhat-hien-nay-2.jpg

Một chén bột ăn hỗn hợp theo cách truyền thống

Trước những lời ca ngợi về ích lợi của các phương pháp ăn dặm hiện nay, không ít bố mẹ trẻ cho rằng cách cho ăn truyền thống như bố mẹ ngày xưa đã quá "lạc hậu".

Thực tế, ở nước ta, cách cho con ăn bột hỗn hợp vẫn được hầu hết mọi người áp dụng từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và đó cũng là cách làm của nhiều hãng dinh dưỡng trẻ em hàng đầu trên thế giới. Theo đó, thức ăn sẽ được xay nhuyễn thành dạng bột bao gồm đủ các thành phần dinh dưỡng: tinh bột, đạm, rau củ và dầu.

Ưu điểm lớn nhất có thể nhận thấy từ cách cho ăn này đó là sự phù hợp khá hoàn hảo với hệ tiêu hóa non yếu cũng như khả năng nhai nuốt của trẻ nhỏ. Trẻ có thể bổ dung đủ các chất trong 4 nhóm dinh dưỡng thiết yếu. Bên cạnh đó, đây cũng là cách chế biến ít tốn kém thời gian hơn cả.

Tuy nhiên, nhiều bà mẹ ngày nay muốn loại trừ phương pháp này trong sổ tay nuôi con của mình là vì những nhược điểm sau:

- Vì nấu nhuyễn và nhừ nên thức ăn dễ mất chất trong quá trình chế biến. Nếu phải mua bột ăn dặm thì khoản chi phí trong gia đình sẽ đội lên rất nhiều. Hơn nữa, nhu cầu dinh dưỡng của trẻ mỗi ngày một cao, việc ăn bột chế biến sẵn không đủ để đáp ứng.

- Trẻ không cảm nhận đầy đủ các vị của thức ăn trong một chén bột được trộn lẫn. Chính vì thế, vị giác của trẻ cũng sẽ kém đi và sinh ra chứng biếng ăn.

- Trẻ lười nhai và chậm phản xạ nuốt làm ảnh hưởng đến chất lượng bữa ăn.

Phương pháp ăn dặm theo phong cách Nhật

Dựa trên một số lập luận mang tính khoa học, nhiều người rất tin phương pháp ăn dặm kiểu Nhật sẽ làm một cuộc cách mạng trong việc ăn dặm của trẻ. Theo đó, trẻ ăn dặm kiểu Nhật sẽ có một tiến trình cụ thể: ăn cháo hạt từ khi được 7 tháng và đến năm một tuổi đã có thể ăn cơm.

7764-3-phuong-phap-an-dam-hot-nhat-hien-nay-3.jpg

Bát cháo với một phần thức ăn thô theo kiểu ăn dặm của người Nhật.

Những điểm cộng cho phương pháp này bao gồm:

Thay đổi thức ăn dạng thô đúng lúc:Không giống cách cho ăn truyền thống, ăn dặm kiểu Nhật giúp bé làm quen thức ăn từ dạng cháo loãng. Nghĩa là một phần thức ăn dạng thô trên 10 phần thức ăn dạng nước. Cứ thế, độ thô này sẽ tăng dần khi bé thêm tháng. Vì thế, phần lớn các trẻ được cho ăn theo cách này biết ăn thô từ rất sớm.

Cảm nhận vị ngon riêng của mỗi loại thức ăn:Thay vì tô màu từng bát bột hỗn hợp, ăn dặm theo kiểu Nhật sẽ chỉ cho bạn cách bày biện sắc màu trước mắt bé bằng từng tô thức ăn riêng biệt. Cũng cùng những thực phẩm trong 4 nhóm dinh dưỡng nhưng tất cả sẽ được phân chia rõ ràng thành từng món để bé được thưởng thức. Như vậy, trẻ sẽ cảm nhận được vị ngon của thực phẩm và thèm ăn hơn sau mỗi bữa.

Quen với việc ăn nhạt:Trẻ ăn dặm nhạt sẽ tốt cho hoạt động của phổi vốn rất non yếu.

Không nhồi nhét: Đây cũng chính là tôn chỉ của phương pháp này. Theo đó, bé được ăn một nơi, không đi rong, không tivi và không thúc ép.

Chính vì sự cầu kỳ trên, phương pháp này đòi hỏi người chăm sóc trẻ phải bỏ nhiều thời gian và công sức hơn. Đồng thời, sự khó khăn bước đầu rất cần đến sự kiên nhẫn.

Chính vì thế, ở đất nước "Mặt trời mọc", mọi phụ nữ đều nghỉ việc để toàn tâm chăm sóc con cái. Điều đó như một phần trong văn hóa và quan niệm nhân sinh của họ. Nếu bạn muốn bắt chức các mẹ Nhật, bạn cũng nên chuẩn bị sắp xếp trước mọi việc vì chuyện cho con ăn sẽ ngốn mất của bạn khá nhiều thời gian.

Phương pháp ăn dặm bé chỉ huy - Baby Led Weaning (BLW)

7765-3-phuong-phap-an-dam-hot-nhat-hien-nay-4.jpg

Bé tự chỉ huy bữa ăn của mình là tinh thần chính của phương pháp Baby Led Weaning.

Ăn cùng một lúc và ngồi cùng một bàn ăn chính là điều mà BLW hướng đến. Ngược hẳn so với các bước đi từ đơn giản đến phức tạp của các phương pháp khác, cách này tập cho bé ăn thô ngay từ khi mới bắt đầu. Trong nhà có thức ăn nào, trẻ sẽ được ăn thức ăn đó và ăn cùng một kiểu. Rau củ được nấu mềm và cắt thành từng miếng. Thịt, cá nấu mềm và xé thành từng miếng. Tất cả sẽ để cho bé tự ăn. Bốc, nắm, vo, dùng muỗng múc... bất cứ điều gì bé muốn để cho vào miệng, bé sẽ làm.

Nhiều bố mẹ sẽ phải sốt ruột vài ba tháng đầu khi cho bé làm quen với phương pháp này vì lượng thức ăn dung nạp vào cơ thể trẻ không nhiều như những phương pháp cho ăn khác. Có khi, một ngày trẻ không ăn được gì nhiều ngoài việc gặm nhắm thức ăn bày trước mắt.

Nhiều chuyên gia cho rằng không nên quá lo lắng với tình trạng này vì từ giai đoạn từ 6 cho đến 9 tháng, trẻ chỉ trong giai đoạn làm quen thức ăn và lượng dinh dưỡng dự trữ trong cơ thể đủ để trẻ đảm bảo phát triển bình thường. Tất nhiên, điều này phải đi đôi với việc bú sữa đều đặn. Từ 9 tháng trở đi, trẻ đã bắt đầu làm quen với cách ăn thô sẽ bắt đầu dung nạp thức ăn nhiều hơn đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ thể.

Điều đặc biệt của phương pháp này là để trẻ tự quyết định mình sẽ ăn gì và ăn như thế nào. Theo nhiều người, đó là cách để trẻ vận động tư duy và khám phá thông qua thức ăn nhằm phát triển trí não. Hiệu quả của điều này có thể còn nhiều tranh cãi, tuy nhiên tác dụng lớn nhất của phương pháp này chính là làm cho trẻ sớm hình thành kỹ năng nhai nuốt.

Tóm lại, bằng cách này, trẻ sẽ không bị biếng ăn, cảm nhận mùi vị rõ ràng, tự lập trong chuyện ăn uống từ rất sớm, kỹ năng nhai nhuần nhuyễn và trở thành người cùng bàn ăn với cả nhà dù còn rất bé.

Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của nhiều mẹ, phương pháp này đòi hỏi sự kiên nhẫn rất lớn để đi đến cùng. Không ít người nản lòng bỏ giữa chừng khiến thói quen ăn uống của bé bị đảo lộn nghiêm trọng, ảnh hưởng hệ tiêu hóa. Hơn thế, ngoài sự cầu kỳ trong việc cho ăn, phương pháp này còn tiềm ẩn nhiều tai nạn do hóc, nghẹn thức ăn, nhiều người không đủ thời gian để ở bên con suốt thời gian tập ăn khó khăn này. Chưa kể, thức ăn vung vãi khắp nơi vì không bé nào chịu yên trước các đồ vật có mùi vị. Chính vì thế, tuy có nhiều người đồng tình nhưng lại rất ít người theo đuổi đến cùng để thành công với cách làm này.

7767-3-phuong-phap-an-dam-hot-nhat-hien-nay-1.jpg

Phương pháp nào cũng đòi hỏi người mẹ ở sự kiên nhẫn.

Như vậy, cả 3 phương pháp trên đều có những ưu, nhược điểm của mình. Mỗi người mẹ khi cho con ăn phải chuẩn bị tâm lý kiên nhẫn và chịu khó mất thời gian để đạt hiệu quả đến cùng của một phương pháp. Điều quan trọng, mỗi người mẹ phải nhận biết được nhu cầu dinh dưỡng của con và đáp ứng. Đừng bao giờ nhìn cách con người khác tăng cân để đòi buộc con mình cũng giống như vậy.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI