Mách mẹ bí quyết mua đồ chơi phù hợp, an toàn với trẻ từ 0 - 12 tuổi

Đồ chơi là một công cụ để trẻ học hỏi về thế giới xung quanh, phát triển tư duy và rèn luyện các kỹ năng cần thiết.

banner ads

Muốn đồ chơi trở nên những món đồ hữu ích thật sự, trước hết bố mẹ cần tìm hiểu về sở thích của mỗi bé, lứa tuổi phù hợp và xét cả yếu tố an toàn đối với mỗi loại.

1. Những ghi nhớ khi mua đồ chơi cho con

Để món đồ chơi mua về không bị bé vứt lăn lóc ở một xó nhà nào đó, trước khi quyết định, bố mẹ cần nhớ những điều sau:

Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và sở thích của trẻ

32444-do-choi-6.jpg

Chọn đồ chơi phù hợp với lứa tuổi và sở thích của trẻ

Hãy luôn nhớ rằng mỗi món đồ chơi được tạo ra với nhiều mục đích khác nhau ứng với mỗi lứa tuổi khác nhau. Đừng vì mong muốn con tư duy nhiều hơn mà mua thật nhiều món đồ chơi khơi gợi trí thông minh trong khi bé nhà bạn chỉ vừa biết bò. Hãy cố gắng tìm hiểu các mốc quan trọng của quá trình hoàn thiện các giác quan nơi trẻ để nắm được nhu cầu thực sự của bé.

Với mỗi giới tính khác nhau, các bé cũng sẽ có những sở thích và nhu cầu riêng của mình. Do đó, hãy cân nhắc vì lợi ích của trẻ trước hết để chọn lựa món đồ chơi cho thật phù hợp. Nếu bé thích đá banh hơn cặm cụi xếp những khối hình, hãy mua cho bé một trái bóng để trẻ thỏa thích vui đùa. Nếu bé thích tô màu, hãy mua cho bé những hộp bút màu. Nếu bé yêu những con thú cưng, hãy mua cho bé một vài chú gấu bông xinh xắn… Đừng bao giờ áp đặt ý muốn và sở thích của bản thân để lựa chọn món đồ chơi cho trẻ.

Đảm bảo an toàn cho bé khi vui chơi

Từ nguồn gốc xuất xứ, chất liệu, kiểu dáng đến các chi tiết, phụ kiện như pin, ốc vít… đều phải đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Nên nhớ, chỉ cần một chút sơ suất của người lớn cũng đủ dẫn đến những tai nạn ngoài ý muốn rất đáng tiếc.

Khi trẻ đến tuổi học hỏi, ưu tiên chọn các món đồ chơi kích thích trí tuệ

32441-do-choi-1.jpg

Khi trẻ đến tuổi học hỏi, ưu tiên chọn các món đồ chơi kích thích trí tuệ

Óc sáng tạo và trí thông minh của trẻ nhỏ vô cùng phong phú. Vì thế, hãy cho trẻ có cơ hội để phát triển nó. Thay vì chọn cho con những bộ trò chơi lắp ghép theo mẫu, bạn hãy chọn cho bé những bộ lắp ghép tự do để trẻ tha hồ tạo ra những món đồ từ trong trí tưởng tượng của mình. Thông qua những sản phẩm trẻ làm ra, bạn sẽ đánh giá được năng lực trí tuệ của bé.

Chớ bỏ qua các món đồ chơi hỗ trợ vận động

Không chỉ chú trọng về trí tuệ, bố mẹ cần phải đề cao vai trò của những hoạt động thể chất nếu muốn trẻ phát triển toàn diện. Bên cạnh những hoạt động vận động ngoài trời, bố mẹ có thể mua một trái bóng, một bộ bóng rổ mini, một bộ đồ chơi bowling… để trẻ có thể vận động chạy, nhảy ngay trong nhà.

Chọn đồ chơi nên chú ý tính lâu dài

Nếu mỗi tháng bố mẹ đều phải dành ra một khoản chi phí để mua đồ chơi thì khoản phí này sẽ không hề nhỏ. Do đó, để tiết kiệm, bố mẹ nên liệt kê sẵn các món đồ chơi cần thiết cho mỗi giai đoạn và chỉ mua những món đồ có thể sử dụng trong một thời gian dài hoặc những món đồ có thể sử dụng cho nhiều giai đoạn khác nhau. Những món đồ chơi trong ít tiếng hoặc vài ngày có thể ngốn của bố mẹ một khoản lớn.

Bổ sung thêm bộ đồ chơi cho bé bằng những món đồ trải nghiệm đa giác quan

Có những món đồ chơi được tích hợp nhiều công năng như phát nhạc, kết cấu đa dạng, phát sáng… Những món đồ này sẽ giúp trẻ có được những trải nghiệm phong phú hơn ở mọi giác quan.

Cho con thời gian của chính bạn

32445-do-choi-7.jpg

Sẽ không gì có thể sánh bằng chính thời gian bố mẹ dành cho con trong những giờ vui chơi ngập tràn tiếng cười của tình yêu thương.

Đừng bao giờ nghĩ những món đồ chơi bày la liệt đủ để làm trẻ vui thú cả ngày. Sẽ không gì có thể sánh bằng chính thời gian bố mẹ dành cho con trong những giờ vui chơi ngập tràn tiếng cười của tình yêu thương. Hãy sắp xếp công việc để cùng con sút một vài quả bóng, xếp những khối hình ngay ngắn hay vẽ những sắc màu sinh động cùng con trên các mảnh giấy trắng. Những việc này sẽ mang đến cho bạn nhiều giá trị tốt đẹp bạn có thể tưởng tượng ra.

2. Gợi ý những món đồ chơi phù hợp với từng giai đoạn phát triển

Giai đoạn từ 0 đến 6 tháng tuổi

32448-playing-position-for-baby.jpg

Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi rất thích những món đồ chuyển động.

Trong giai đoạn này trẻ chủ yếu phát triển các giác quan. Ở những tháng đầu, trẻ rất thích nhìn ngắm, có hứng thú với những vật phát ra âm thanh hoặc vật có khả năng di chuyển. Sau vài tháng đầu thích những màu sắc kẻ sọc hai màu đối lập đen – trắng, trẻ sẽ dần chuyển sang thích thú với những món đồ đầy màu sắc sau khoảng 3 tháng tuổi.

Đồ chơi phù hợp nhất dành cho bé lúc này là các vòng lắc tay leng keng, những cái lục lạc, trống hoặc chùm đồ chơi treo lơ lửng. Các món đồ này sẽ kích thích trẻ điều chỉnh tầm nhìn, hướng nhìn và rèn luyện kỹ năng nắm đồ vật. Bạn có thể mua cho bé chú sâu con ngộ nghĩnh hoặc đồ chơi bóng luồn với những đứa trẻ đang tập đi...

Giai đoạn từ 6 đến 8 tháng

32449-baby-playing-with-toys1.jpg

Khi đã có thể ngồi vững, nắm chắc, bé rất thích ngửi, mút, nhai… để khám phá mọi thứ chung quanh.

Lúc này bé đã có thể ngồi vững, nắm chắc và bắt đầu chuyển sang giai đoạn ngửi, mút, nhai… để khám phá mọi thứ chung quanh. Một số trẻ đang trong giai đoạn bò nên rất thích các món đồ chuyển động.

Bố mẹ có thể chọn mua cho bé mô hình điện thoại di động, mô hình ô tô, các khối gỗ lớn hoặc xe thú cưng, búp bê, vài con thú đáng yêu… để bé vui đùa.

Giai đoạn từ 8 đến 18 tháng tuổi

Các bé đang trong giai đoạn chập chững những bước đi đầu đời. Do đó những chiếc xe đẩy hình thú, các khối hình đầy màu sắc, bảng trò chơi chữ cái, giấy màu và bút vẽ, các món đồ chơi lên dây cót, bộ đồ chơi xe vệ sinh,…là sự lựa chọn rất lý tưởng.

  • Xem thêm: 7 trò thú vị mẹ nên cho trẻ chơi để phát triển trí tuệ, thể chất

Giai đoạn từ 18 đến 24 tháng tuổi

32442-do-choi-2.jpg

Các đồ chơi có âm thanh, ánh sáng, màu sắc và hình ảnh chuyển động sẽ được bé tiếp nhận một cách rõ ràng hơn.

Việc đi đứng của bé lúc này đã trở nên cứng cáp. Bé có thể leo trèo để khám phá mọi thứ chung quanh mình. Các đồ chơi có âm thanh, ánh sáng, màu sắc và hình ảnh chuyển động sẽ được bé tiếp nhận một cách rõ ràng hơn, thậm chí bé còn bắt chước hoặc phản ứng lại với những gì được nhìn thấy, nghe thấy. Mẹ có thể mua cho bé thêm bộ đồ chơi xe các loại, hay bộ dụng cụ nhà bếp, bộ sưu tập búp bê, xe đẩy trái cây, xe kéo bò, các món đồ phân vai, các bộ lắp ghép, các khối gỗ xếp hình... để giúp bé kết hợp giữa vận động và học hỏi. Cần tránh mua những món đồ chơi có các bộ phận quá nhỏ như ốc vít, miếng ghép để phòn những tai nạn đáng tiếc. Ngoài ra, bóng bay cũng là một nguy cơ tiềm ẩn cần tránh cho bé.

Giai đoạn từ 2 đến 3 tuổi

Trong giai đoạn này, nhận thức về màu sắc của bé đã bắt đầu phát triển. Bạn nên chọn cho bé những bộ màu vẽ từ những chất liệu khác nhau hoặc có thể chọn đất nặn để trẻ tự do sáng tạo và khám phá. Ngoài ra, các trò chơi âm nhạc, điều khiển ô tô… cũng khiến trẻ rất thích thú.

Giai đoạn từ 3 đến 4 tuổi

32446-do-choi-8.jpg

Có thể cho trẻ 3-4 tuổi chơi những món đồ hàng, búp bê, hoặc đồ dùng chuyên cho một nghề nghiệp nào đó.

Đây là lứa tuổi trẻ được đến mẫu giáo, làm quen với nhiều bạn mới và tiếp xúc với môi trường bên ngoài mà không có sự kề cận của bố mẹ. Trong môi trường giáo dục này, các bé sẽ được hướng dẫn tổ chức các trò chơi có kịch bản như làm bác sĩ, làm nội trợ, làm người bán hàng… Thông qua những cách chơi đùa trong tập thể như thế này, trẻ sẽ phát huy được sở trường và bộc lộ tính cách, năng lực bản thân. Khi trẻ về nhà, bạn có thể cho trẻ chơi những món đồ hàng, búp bê, hoặc đồ dùng chuyên cho một nghề nghiệp nào đó. Đừng quên rèn luyện cho bé cách phân biệt màu sắc và hình khối thông qua những trò chơi tô màu hay lắp ghép nhé!

Ngoài ra, một tuyển tập các câu đố vui cho độ tuổi này cũng sẽ giúp trẻ có những giờ giải trí rất bổ ích. Một bộ đồ chơi cát hoặc một chiếc xe đạp là những vật mẹ có thể sắm ngay cho bé từ lúc này.

Giai đoạn từ 4 đến 5 tuổi

32443-do-choi-3.jpg

Vẽ hoặc nặn tượng là một trong những hoạt động mà các trẻ từ 4-5 tuổi rất thích.

Những con rối, xe đạp, bộ đồ chơi cát, bộ đồ vẽ đa dạng, đồ chơi bằng pin, đất nặn… là những món đồ các trẻ từ 4-5 tuổi rất thích. Lưu ý, tránh để trẻ chơi những món đồ có mùi độc hại, đồ dễ cháy hoặc các món đồ có khả năng gây thương tích.

Giai đoạn từ 5 đến 8 tuổi

Lúc này trẻ đã bắt đầu lớn và thế giới bên ngoài là cả một bầu trời rộng lớn luôn thôi thúc các bé không ngừng khám phá. Hãy để trẻ được tiếp xúc trực tiếp với thế giới muôn vật bằng một vài chuyến đi thực tế đến các khu bảo tồn thiên nhiên hoặc sở thú. Cách khác, có thể để trẻ tham gia hoạt động dã ngoại, hoạt động văn nghệ, xã hội với nhà trường để trẻ khám phá nhiều hơn về chính mình và thế giới xung quanh. Một bộ đồ chơi thả diều, bộ lắp ghép phức tạp, tuyển tập câu đố vui, xe đạp lớn, xe trượt, bộ cầu lông… là những món đồ chơi quen thuộc của lứa tuổi này.

Giai đoạn từ 8 đến 12 tuổi

Ở tuổi này, trẻ có thể tự tạo cho mình một vài món đồ chơi thủ công từ giấy màu, giấy bìa cứng hay lắp ghép những mô hình đơn giản có thể chạy bằng pin hoặc hoạt động dưới nước. Bố mẹ có thể hướng dẫn trẻ tự mua đồ dùng cho mình hoặc để sẵn trong nhà một vài dụng cụ cần thiết để trẻ có thể dùng khi cần.

Hy vọng, một vài gợi ý trên đây sẽ giúp bố mẹ tìm được những món đồ chơi phù hợp với sở thích, lứa tuổi và thật sự đem lại an toàn cho trẻ.

Yeutre.vn (Tổng hợp)

Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm:

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI