Dạy trẻ chậm nói như thế nào cho hiệu quả?

Dạy trẻ chậm nói biết nói và phát triển kỹ năng ngôn ngữ, cũng như giao tiếp là việc mà có lẽ bất kì bậc cha mẹ nào ở trong hoàn cảnh này, đều mong muốn thực hiện hiệu quả. Công việc này đòi hỏi các cha mẹ phải rất kiên nhẫn. Tuy nhiên không phải lúc nào chúng ta cũng có thể cùng con tự xoay sở. Vậy lời khuyên của các chuyên gia trong trường hợp này là gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Dạy trẻ chậm nói
Dạy trẻ chậm nói biết nói là mong muốn thực hiện sao cho thật hiệu của với không ít cha mẹ. Ảnh Internet 

1. Trẻ như thế nào được xem là chậm nói

Để dạy trẻ chậm nói biế nói, trước hết, chúng ta hãy cùng xem trẻ như thế nào gọi là chậm nói. Ở thực tế, một đứa trẻ được xem là chậm nói khi ở độ tuổi từ 18-30 tháng tuổi, có đầy đủ các kỹ năng sau:

  • Kỹ năng hiểu ngôn ngữ (khi nghe người khác nói hay yêu cầu)
  • Kỹ năng chơi
  • Kỹ năng vận động
  • Kỹ năng tư duy
  • Kỹ năng xã hội

nhưng, con lại có vốn từ vựng hạn chế so với lứa tuổi của mình.

Trong trường hợp này chúng ta không đề cập đến những trẻ gặp khiếm khuyết về khả năng ngôn ngữ do ảnh hưởng của một số tình trạng đặc biệt như hội chứng Down, hội chứng phổ tự kỷ, chứng apraxia (trong đó trẻ khó điều phối các cơ được sử dụng để tạo ra lời nói), hoặc trẻ gặp khó khăn đặc biệt trong việc hiểu và phát âm – được biết đến với tên gọi sự chậm hoặc rối loạn ngôn ngữ.

Trẻ chậm nói thường gặp khó khăn trong ngôn ngữ nói hoặc biểu cảm. Nhóm trẻ này có thể khiến chúng ta khá bối rối vì chúng phát triển rất bình thường, chỉ có việc nói chuyện là hạn chế.

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa có sự khẳng định cụ thể nào về nguyên nhân dẫn tình trạng trẻ chậm nói . Tuy nhiên, có một số yếu tố có thể tác động đến tình trạng này của trẻ bao gồm:

  • Tiền sử gia đình bị chậm phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn nhỏ tuổi
  • Có giới tính nam
  • Sinh dưới 37 tuần
  • Cân nặng khi sinh dưới 85% mức cân nặng thông thường

Cũng có số liệu thống kê cho thấy rằng khoảng 13% trẻ 2 tuổi chậm nói. 

Em bé trai đang cười
Các em bé trai thường chậm nói hơn các em bé gái. Ảnh Internet

2. Làm thế nào bạn xác định được trẻ có vốn từ vựng ít hơn so với độ tuổi

Mặc dù sự phát triển ở mỗi trẻ là không giống nhau, nhưng vẫn có những mốc nhất định mà phần lớn trẻ sẽ đạt được ở những độ tuổi nhất định. Đối với ngôn ngữ, có một số hướng dẫn có thể giúp bạn xác định xem trẻ có được vốn từ vựng phù hợp với tuổi của mình hay không, cụ thể đó là:

  • Trẻ 18 tháng tuổi nên sử dụng được ít nhất 20 từ, bao gồm các loại từ khác nhau như danh từ (em bé, bánh quy,..), động từ (ăn, đi,…), giới từ (lên, xuống,…), tính từ (nóng, buồn ngủ,…) và những từ trong giao tiếp xã hội (xin chào, bái bai,…).
  • Trẻ 24 tháng tuổi nên sử dụng được ít nhất 100 từ và ghép từ với nhau. Những từ ghép này được ghép lại không theo quy chuẩn ngữ pháp thông thường chẳng hạn như cảm ơn mẹ, tạm biệt cô,… mà đơn thuần chỉ là những từ trẻ ghép để thể hiện ý muốn hay suy nghĩ của mình ví dụ như “chó đi rồi”, “ăn bánh”, hay “tay bẩn rồi”,…

3. Trẻ chậm nói có tự phát triển để đuổi kịp các trẻ khác cùng tuổi hay không

Nếu bạn google cụm từ “trẻ 18 tháng chưa nói, bạn có thể thấy hàng ngàn bài đăng của các bậc phụ huynh về vấn đề liên quan đang tìm kiếm lời khuyên đối với trẻ chậm nói của mình. Nhiều người trong số họ, có trẻ phát triển bình thường ở mọi khía cạnh (tất nhiên trừ việc nói chuyện) nói rằng họ được bảo đừng lo lắng, rằng ai đó trong gia đình không nói cho tận tới khi 3 tuổi, hoặc một đứa trẻ nào đó trong họ hàng hay người quen cũng như vậy…Một số bậc cha mẹ khác thì được bác sỹ khuyên nên đợi đến khi trẻ được ít nhất 2 tuổi trước khi tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên môn. 

Mẹ bé trẻ ngồi xem sách
Khi trẻ chậm nói thường bạn sẽ được những người xung quanh khuyên nên đợi cho đến khi trẻ 2-3 tuổi rồi mới cần tìm đến bác sỹ. Ảnh Internet 

Thông thường, bản năng của cha mẹ luôn là tìm kiếm sự giúp đỡ khi thấy lo lắng về sự phát triển ngôn ngữ của trẻ, tuy nhiên họ lại được khuyên là “wait and see” – đợi một thời gian nữa xem sao, vì vậy đây sẽ là một tình huống khiến phụ huynh bối rối khi chỉ muốn làm những điều tốt nhất cho con mình. Chúng ta vẫn biết rằng mỗi trẻ em đều phát triển theo tốc độ của riêng mình. Nhưng sự phát triển theo tốc độ riêng này chỉ nên đến một mức độ nào đó và có những mốc nhất định cần đạt được ở một độ tuổi cụ thể. Khi trẻ không đạt được, thì nó sẽ trở thành nguyên nhân gây lo ngại.

Mặc dầu vậy, vì nhóm trẻ này tiến bộ rất tốt trong các lĩnh vực khác nên cha mẹ và những người xung quanh có thể cho rằng trẻ sẽ tự mình bắt kịp những trẻ khác. Thật vậy, nhiều trẻ chậm nói có thể tự theo kịp bạn bè, nhưng nhiều trẻ thì lại không. Việc dự đoán trẻ nào sẽ không đuổi kịp bạn đồng trang lứa là rất khó. Tuy nhiên, có một số yếu tố rủi ro đã được xác định để giúp cha mẹ hoặc các chuyện gia có thể nhận biết được khả năng trẻ có thể gặp khó khăn và không tự mình đạt được mốc phát triển ngôn ngữ bình thường.

Các yếu tố đó bao gồm:

  • Trẻ ít ê a
  • Trẻ có tiền sử bị các vấn đề về thính giác
  • Trẻ phát âm số lượng phụ âm rất giới hạn (như p, b, m, t, d, n, y, k, g,…)
  • Trẻ không có sự phối hợp giữa ý tưởng và hành động trong những trò chơi giả vờ
  • Trẻ không bắt chước từ ngữ 
Trẻ đang nghịch sách
Trẻ không bắt chước từ ngữ là yếu tố mẹ cần theo dõi kỹ vì có thể đây là dấu hiệu của việc trẻ chậm nói. Ảnh Internet 
  • Trẻ dùng chủ yếu là danh từ (tên người, nói chốn, đồ vật) và ít động từ (các từ chỉ hành động)
  • Trẻ khó hòa nhập với bạn bè cùng tuổi (kỹ năng xã hội kém)
  • Trẻ có tiền sử gia đình chậm phát triển kỹ năng giao tiếp hay học tập
  • Trẻ học chậm hơn so với bạn cùng tuổi
  • Trẻ sử dụng ít ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp

Nếu trẻ có vốn từ vựng hạn chế kèm theo bất kỳ yếu tố nguy cơ nào ở trên, bạn nên tham khảo ý kiến của chuyên gia về ngôn ngữ.

Riêng trẻ thể hiện 3 yếu tố rủi ro cuối cùng như liệt kê ở trên (lịch sử gia đình, khả năng học tập, ít sử dụng ngôn ngữ cơ thể) thì sẽ có nguy cơ cao tiếp tục chậm phát triển về mặt ngôn ngữ.

Thay vì hành động thông thường của cha mẹ và người lớn đối với trẻ chậm nói là “hãy đợi một thời gian nữa xem” (wait and see), thì bạn nên can thiệp để giúp trẻ càng sớm càng tốt.

Thế còn nhóm những trẻ có thể tự bắt kịp bạn bè thì sao? Mặc dù một phần lớn trẻ tự đuổi kịp bạn đồng trang lứa về sự phát triển ngôn ngữ, nhưng các nghiên cứu cho thấy, chúng không thể hiện tốt bằng những trẻ khác cùng tuổi ở một số khía cạnh khi đi học, đặc biệt là mức độ phức tạp của từ ngữ và ngữ pháp.

Chính vì vậy, các cha mẹ được khuyên nên giúp đỡ trẻ chậm nói sớm để tránh những khó khăn trẻ có thể gặp phải về ngôn ngữ sau này. 

Mẹ dắt tay bé
Cha mẹ được khuyên nên giúp đỡ trẻ chậm nói sớm để con tránh được những khó khăn về ngôn ngữ sau này. Ảnh Internet 

4. Bạn có thể làm gì khi trẻ chậm nói

Nếu bạn nghĩ trẻ có thể thuộc nhóm chậm nói, thì việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia hoặc bác sỹ chuyên khoa không bao giờ là quá sớm. Vì càng được can thiệp sớm, thì kĩ năng của trẻ càng sớm được cải thiện.

Dưới đây là những việc đầu tiên bạn nên làm cho trẻ:

  • Tham khảo ý kiến của một chuyên gia trị liệu về ngôn ngữ
  • Đánh giá khả năng nghe của trẻ, ngay cả khi bạn nghĩ rằng trẻ không gặp vấn đề gì về nghe cả. Điều quan trọng là phải đảm bảo trẻ nghe được âm thanh ở nhiều âm lượng và âm vực khác nhau. Vì ngay cả khiếm thính nhẹ cũng có thể gây khó khăn cho việc phát triển ngôn ngữ và khả năng nói.
  • Tìm hiểu các chương trình giúp hướng dẫn cha mẹ kĩ thuật cụ thể để biến các hoạt động hàng ngày thành cơ hội để xây dựng vốn từ vựng cho trẻ.

Ngoài ra, bạn có thể thực hiện những chiến lược sau để giúp trẻ:

4.1. Chiến lược “bạn tự nói chuyện”

“Tự nói chuyện” ở đây thực ra là bạn nói với trẻ, nhưng do trẻ chưa thể dùng từ vựng để đáp lại, nên có thể xem như bạn tự nói chuyện.

Bạn hãy mô tả lại những gì bạn đang cầm nắm, những hoạt động bạn đang thực hiện, những gì bạn đang cảm thấy, kể cả những gì bạn nghe, ngửi hoặc nếm được. Khi bạn nói về tất cả những điều này, trẻ sẽ học được từ việc nghe bạn nói về chúng.

Tuy nhiên bạn cần lưu ý một điều quan trọng là hãy nói những từ hoặc câu ngắn, tốt nhất là nên cùng độ dài với từ mà trẻ đã bắt đầu nói được, hoặc dài hơn một chút. Ví dụ, nếu trẻ mới chỉ nói được từ đơn, bạn cũng nên nói từ đơn hoặc cụm hai từ như bóng, ném, ném bóng, trái bóng. Nếu trẻ đã bắt đầu ghép được hai từ, bạn cũng hãy sử dụng nhiều cụm từ hai từ cũng như cụm ba từ để nói với trẻ.

Bạn đừng ngần ngại việc lặp lại những từ đó nhiều lần vì trẻ học được thông qua sự lặp lại. 

Trẻ đang ngước nhìn
Bạn đừng ngần ngại lặp lại 1 từ nhiều lần vì trẻ có thể học được thông qua sự lặp lại. Ảnh Internet 

4.2. Chiến lược sử dụng ngôn ngữ ký hiệu

Bạn hãy tiếp tục sử dụng “chiến lược” tự nói ở trên nhưng sẽ ghép từ với một dấu hiệu của ngôn ngữ ký hiệu. Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ngôn ngữ ký hiệu là một công cụ tuyệt vời có thể khiến trẻ nói (hoặc nói nhiều hơn), đặc biệt là những trẻ chậm nói. Một khi học được sức mạnh của việc giao tiếp thông qua ký hiệu, trẻ sẽ sớm chuyển sang ngôn ngữ nói, vì trẻ sẽ nhận ra được ngôn ngữ nói giúp trẻ giao tiếp hiệu quả hơn. Bạn có thể tìm hiểu về ngôn ngữ ký hiệu trên các website và hướng dẫn trẻ một số dấu hiệu cơ bản.

4.3. Chiến lược nói chuyện song song

Nói chuyện song song gần giống như tự nói chuyện nhưng thay vì nói về những gì bạn đang làm, bạn nói về những gì trẻ đang thực hiện. Bạn có thể mô tả những đồ vật trẻ đang chơi, hành động của trẻ, những gì bé có thể cảm nhận hay nghe được (theo dự đoán của bạn). Bạn lưu ý vẫn nên tiếp tục sử dụng những từ cùng độ dài với từ trẻ nói được, và kết hợp với những cụm từ ở “trình độ” cao hơn một chút để giúp trẻ học từ vựng cũng như cách nói. 

Trẻ tập nói chuyện
Áp dụng chiến lược nói chuyện song song để trẻ học thêm từ vựng cũng như cách nói. Ảnh Internet 

4.4. Chiến lược mở rộng

Trong chiến lược này, bạn hãy xây dựng lời nói dựa vào cử chỉ hoặc hành động của trẻ. Bạn hãy nói bất kì từ gì trẻ nói và thêm vào đó một từ nữa. Ví dụ nếu trẻ nói bóng, bạn có thể nói “quả bóng”, “bóng vàng”, “ném bóng”, “chơi bóng”,…

Nếu trẻ chưa nói mà dùng cử chỉ như trỏ vào đồ vật nào đó, bạn hãy nói từ đi cùng với cử chỉ đó. Bạn có thể nêu tên đồ vật mà trẻ chỉ vào hoặc với tới, đoán cảm xúc của trẻ, hoặc nói bất cứ điều gì khác mà bạn cảm thấy như trẻ đang cố gắng giao tiếp.

4.5. Chiến lược xây dựng vốn từ vựng dễ tiếp thu

Xây dựng vốn từ vựng dễ tiếp thu là chiến lược mà bạn có thể thực hiện để tăng vốn từ vựng bao gồm những từ dễ tiếp thu cho trẻ.

Từ vựng dễ tiếp thu là tất cả những từ mà trẻ có thể hiểu khi bạn nói chúng, ngay cả khi trẻ chưa tự nói. Trước tiên, trẻ phải hiểu những từ này thì mới có thể sử dụng được. Bạn hãy cho trẻ chỉ vào đồ vật, tranh ảnh, hoặc người khi bạn nói.

Ví dụ bạn có thể hỏi trẻ: “Ba đâu rồi?” và giúp trẻ chỉ hoặc nhìn về phía bố. Hoặc bạn yêu cầu trẻ chỉ vào một đối tượng trong sách bằng cách nói “…..(con chó, con mèo, bông hoa,…) đâu con?”,…Hãy cho trẻ một chút thời gian để tìm và nhận biết đối tượng đó. Khi trẻ tìm được con vật, đồ vật,…mà bạn nói đến, hãy giúp trẻ chỉ lại một cách chính xác kèm theo việc nhắc lại từ đó. Bạn hãy tiếp tục thực hiện việc này, chẳng mấy chốc bạn sẽ thấy trẻ sẽ bắt đầu hiểu nhiều từ hơn.

Bạn hãy thử thực hiện 5 chiến lược đơn giản trên và xem phản hồi của trẻ. Nếu bạn thấy trẻ có tiến bộ, điều này có nghĩa là bạn đã đi đúng hướng và nên tiếp tục phát huy. Nếu tình trạng của trẻ vẫn không cải thiện bạn cần đưa con đến gặp chuyên gia trị liệu ngôn ngữ hoặc bác sỹ càng sớm càng tốt (nếu bạn vẫn chưa thực hiện). 

Mẹ đọc sách với bé
Giúp trẻ xây dựng vốn từ dễ tiếp thu. Ảnh Internet 

Dạy trẻ chậm nói là việc đòi hỏi các bậc cha mẹ phải kiên nhẫn và có chiến lược (như đã chia sẻ ở trên). Các cha mẹ nên thực hiện các chiến lược này cùng với việc tham khảo ý kiến của bác sỹ hoặc chuyên gia. Vì sự tư vấn về chuyên môn sẽ giúp các cha mẹ giúp đỡ trẻ một cách hiệu quả hơn. Bạn hãy kiên trì đồng hành cùng trẻ vượt qua khó khăn trở ngại để giúp cho sự phát triển ngôn ngữ trong tương lai của con được thuận lợi hơn, bạn nhé.

Theo The Hanen Centre & Speech and Language Kids

Lily Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI