Theo đông y, lá trầu vị cay nồng, mùi thơm hắc, tính ấm; có tác dụng trung hành khí, khư phong tán hàn, tiêu thũng chỉ thống, hoá đàm, chống ngứa. Kết quả nghiên cứu của khoa học hiện đại cho thấy trong 100g lá trầu chứa tới 2,4% tinh dầu, có tác dụng kháng sinh rất mạnh đối với các loại vi khuẩn, tụ cầu khuẩn, liên cầu khẩu, song cầu khuẩn, vi khuẩn subtillis và trực trùng coli, lỵ…
Với các tác dụng đó, lá trầu không được nhiều bà mẹ tin dùng để chăm sóc sức khỏe cũng như làm đẹp sau sinh. Minh Hà, bà xã của ca sĩ Lý Hải, cũng không phải ngoại lệ khi cô sớm sử dụng bài thuốc dân gian này sau khi sinh con trai thứ tư. Trên trang cá nhân, cô chia sẻ hình ảnh cùng lời chú thích: "Mẹ hơ lá trầu không, Mio được ké. Hai mẹ con cùng làm đẹp". Nội dung này nhanh chóng được các bà mẹ khác quan tâm.
Liên quan đến nội dung này, chị Kiều Anh, quản lý một trung tâm làm đẹp sau sinh tại Hà Nội, đã chia sẻ với Ngoisao.net những bài thuốc dân gian xứ Huế sử dụng lá trầu không.
1. Chữa hết sạm da cho mẹ
Minh Hà đắp mặt bằng lá trầu không hơ nóng.
Bên cạnh những thành phần kể trên, lá trầu không còn chứa 2,3% muối khoáng, 2,3% chất xơ và 61% carbohydrate. Đây là những chất quan trọng giúp ngăn chặn sự hình thành sắc tố melanin gây nám da. Đắp lá trầu hơ trên lửa lên mặt hoặc vùng da sạm nám là cách để thúc đẩy quá trình sản sinh collagen và elastin, giúp da trắng hồng, mịn màng.
2. Nhiều công dụng chăm sóc sức khỏe cho bé
Cũng theo kinh nghiệm dân gian, khi ấp lá trầu ấm vào rốn bé rồi bế bé vào lòng, áp bụng con vào bụng mẹ sẽ giúp bé nhanh chóng nín khóc. Cách này có tác dụng rất tốt đối với trẻ hay khóc đêm thuộc dạng tỳ vị hư hàn. Ngoài ra, có thể đặt trực tiếp hoặc giã nát lá trầu để đắp lên mông, đùi, tay, chân của bé cũng có tác dụng tương tự.
Bé Mio được đắp lá trầu hơ nóng lên trán, tay, lưng, rốn.
Nói về tác dụng của lá trầu không với trẻ nhỏ, đã có nhiều bài thuốc dân gian hữu ích như:
- Giúp bé hết nấc cụt: Hơ lá trầu không cho ấm, đặt vào thóp bé, giữ nguyên khoảng 10 phút rồi cho em bé ti mẹ.
- Làm thuốc giảm đau: Dùng loại lá này để giảm đau trong các trường hợp bị trầy, rách hay xước da, phát ban hay sưng viêm (cả bên trong lẫn bên ngoài), khó tiêu, táo bón… Chỉ cần lấy một vài lá trầu không giã nát rồi đắp lên chỗ đang bị đau, làm 2-3 lần sẽ giảm đau đáng kể.
- Làm sáng mắt cho bé: Lấy lá trầu không hơ qua lửa đắp vào mắt (làm phép).
- Chữa chứng đầy bụng, khó tiêu: Dùng lá trầu không hơ nóng (đừng nóng quá) và vuốt bụng cho bé, vuốt khoảng 5 phút theo chiều từ trên xuống dưới.
- Trị ho cho trẻ: Rửa sạch lá trầu, giã nhuyễn, sau đó lọc qua nước ấm để lấy nước cốt. Hàng ngày, lấy ra cho bé uống 5-10ml/lần, ngày 2 lần. Khoảng 3-5 ngày, bé sẽ hết ho (có thể pha thêm mật ong cho bé dễ uống). Ngoài ra, bố mẹ kết hợp hơ nóng lá trầu rồi đắp lên ngực bé trước lúc ngủ cũng rất tốt.
* Lưu ý: Không nên dùng than trong phòng kín để hơ lá trầu không. Điều này gây hại cho sức khỏe của mẹ và em bé.
Theo ngoisao