Lẩu vịt: 3 cách nấu thơm ngon “bất chấp thời tiết” thanh mát mùa hè, ấm áp mùa đông

Lẩu vịt là một trong những lựa chọn sáng suốt cho những ngày mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên vào những ngày mưa lạnh hay mùa nóng, món ăn này cũng là một đề xuất tuyệt vời. Món ăn mang đến hương vị thơm ngon, hấp dẫn rất thích hợp để chiêu đãi người thân, bạn bè. Không những thế chúng còn thường được chọn đưa vào thực đơn các buổi tiệc tiếp đãi quan khách. Món ăn có thể linh hoạt biến tấu công thức tạo ra đa dạng hương vị được mọi người yêu thích.

banner ads

1. Cách nấu lẩu vịt nấu chao

Lẩu vịt nấu chao là món ăn đặc trưng của vùng Nam Bộ nhất là khu vực miền Tây. Món ăn được nấu với chao và khoai sọ thơm ngon, đậm đà khó cưỡng. Nếu thích ăn béo bạn có thể thêm sữa tươi hay nước cốt dừa đều hết sẩy. Tin rằng vịt nấu chao sẽ là trải nghiệm lạ miệng sau những ngày chán ngán các món lặp lại.

1.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 800gram thịt vịt
  • 1kg khoai môn
  • 2 củ hành tím băm
  • 5 tép tỏi năm
  • 1 nhánh gừng thái sợi
  • 1 hũ chao
  • Bún
  • 500ml nước dừa tươi
  • Rau ăn kèm: Rau muống, húng quế, ngò gai, cải bẹ xanh, ngò om
  • Rượu gừng (hoặc rượu trắng)
  • Ớt xay ít cay
  • Chanh
  • Gia vị: Dầu màu điều, đường, hạt nêm, muối, dầu ăn

1.2. Các bước thực hiện

Bước 1 : Thịt vịt chà xát muối, rượu gừng (hoặc chanh, giấm) khử mùi hôi sau đó rửa sạch lại. Chặt thịt vịt thành các miếng vừa ăn cho vào tô. Ướp thịt vịt với 1 thìa canh dầu màu điều, 6 viên chao và đổ vào hết phần nước. Trộn đều cho chao thấm đều vào thịt vịt. Tiếp tục cho vào 2 thìa canh đường, 1/3 phần hành tím, tỏi băm, gừng sợi vào trộn đều. Ướp gia vị 30 phút cho thấm gia vị.

Cắt thịt vịt
Thịt vịt chọn loại tươi ngon, làm sạch, cắt miếng vừa ăn ướp gia vị. Ảnh: Internet

Bước 2 : Cho 3 thìa canh giấm, 1 thìa cà phê muối vào trong thau nước khuấy đều. Mang bao tay bào vỏ khoai sọ bỏ vào thau nước ngâm 5 phút, sau đó rửa sạch chúng lại, cắt khúc vừa phải để ráo.

Bước 3 : Bắc chảo lên bếp cho vào 2 thìa canh dầu ăn. Bỏ hành tím, tỏi băm, gừng còn lại vào phi thơm vàng. Gấp từng miếng thịt vịt vào chảo chiên săn lại, xém vàng các mặt. Nước gia vị ướp vịt bạn đổ hết khoai môn vào ướp. Khi vịt rám vàng thì bỏ chúng vào nồi. Đổ vào nồi vịt 1 lít nước đậy nắp đun sôi.

Chiên vịt khoai môn
Vịt và khoai môn chiên sơ để tăng độ săn chắc, khoai nấu không rã. Ảnh: Internet

Bước 4 : Chảo dầu vừa chiên thịt bạn cho khoai môn vào chiên lửa vừa. Khi khoai môn săn lại đều các mặt thì tắt bếp.

Bước 5 : Gia vị trong thau còn dư bạn đổ vào 500ml nước dừa tươi vào tráng đều. Đổ hết chúng vào nồi thịt vịt. Nấu đến khi thịt vịt mềm. Bỏ hết khoai môn vào nấu mềm. Khi khoai môn mềm cho 200gram nấm mỡ rửa sạch vào nấu cùng. Nấu thêm 5 phút cho nấm chín nêm nếm gia vị cho vừa miệng thì tắt bếp.

Bước 6 : Bắc chảo lên bếp cho vào 1 thìa cà phê dầu ăn đun nóng. Thả 3 tép tỏi băm vào phi thơm. Cho vào 2 thìa canh nước chao, 3 viên chao, 3 thìa canh đường, 1 thìa canh ớt xay không cay. Xào đều, tán mịn nấu lửa nhỏ. Khi chúng nóng lên sền sệt bạn tắt bếp. Vắt vào 2 thìa cà phê nước cốt chanh khuấy đều. Như vậy bạn đã có phần nước chấm chao.

Nấu sốt chao ăn lẩu vịt
Bạn có thể thay nấm mỡ bằng nấm rơm, nấm đùi gà, nấm đông cô đều được. Ảnh: Internet

Múc lẩu vịt nấu chao ra nồi nhỏ, chuẩn bị đĩa rau ăn kèm, bún, nước chấm chao là có thể thưởng thức. Cách nấu lẩu vịt thơm ngon, nghi ngút khói khiến mùa đông, ngày lạnh trở nên ấm áp. Cả nhà quây quần cùng nhau ăn bữa cơm gia đình vui vẻ giúp tình cảm thơm thắt chặt.

Lẩu vịt nấu chao
Món lẩu nghi ngút khói vừa đun trên bếp vừa nhúng rau nóng hổi cực ngon. Ảnh: Internet

2. Cách nấu lẩu vịt thập cẩm

Món lẩu từ lâu đã trở thành món ăn mang đậm phong cách ẩm thực người Châu Á. Chúng được người Việt ưa chuộng lựa chọn vào những dịp đoàn viên gia đình. Đây cũng là văn hóa ăn chung ấm áp, dân dã. Dưới đây cùng tham khảo cách nấu lẩu vịt thập cẩm chiêu đãi cả nhà bữa ăn no nê nhé!

2.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 1 con vịt
  • 3 quả cà chua
  • 1 củ cà rốt
  • 1 củ hành tây
  • 2 củ khoai tây
  • 3 củ hành tím thái lát
  • Ớt, chanh
  • 1/2 chén cơm mẻ xay nhuyễn
  • Rau ăn kèm: Rau muống, ngò om, ngò gai...
  • Gia vị: Dầu ăn, đường, bột ngọt, muối, hạt nêm, tiêu xay, nước mắm

2.2. Các bước thực hiện

Bước 1 : Thịt vịt làm sạch lông con, cho vào thau nước muối pha giấm ngâm 5 phút. Chà xát rửa sạch thịt vịt rồi rửa sạch chúng lại với nước nhiều lần. Chặt vịt thành các miếng vừa ăn, để ráo nước.

Bước 2 : Cà rốt, khoai tây gọt vỏ, rửa sạch, thái khúc vừa ăn. Cà chua, hành tây rửa sạch thái múi cau. Rau muống nhặt, rửa sạch, rau om ngò rai rửa sạch, thái nhỏ.

Sơ chế nguyên liệu
Các nguyên liệu chọn loại tươi ngon, sơ chế sạch để nấu lẩu và nhúng. Ảnh: Internet

Bước 3 : Bắc nồi lên bếp cho vào 2 thìa canh dầu ăn. Bỏ hết hành tím thái mỏng vào phi thơm. Bỏ cổ vịt vào xào săn lại, nêm nếm 4 thìa canh mẻ xay, 1. 5 thìa canh đường, 1/2 thìa cà phê bột ngọt, 1 thìa canh hạt nêm, 2 thìa cà phê muối. Cho cà chua vào xào cùng rồi đổ vào 3 lít nước. Kế đến cho hành tây, nước cốt 1/2 quả chanh vào. nước ôi nêm nếm gia vị vừa miệng cho ngò om, ngò gai vào là xong.

Nấu nước lẩu vịt
Bạn có thể thay nước mẻ bằng nước cốt me, quả sấu, nước cốt chanh, giấm. Ảnh: Internet

Bày bếp ga mini, bún, các loại rau, nước mắm ra bàn. Bắt đầu cho thịt vịt vào nấu chín, nhúng rau thưởng thức món lẩu ngon miệng. Nồi nước lẩu có vị chua thanh, thịt vịt ngọt tự nhiên, các loại rau củ quả thanh mát. Nồi lẩu thập cẩm thanh mát mùa hè, ấm áp mùa đông "cân" mọi thể loại thời tiết cho cả nhà ngon miệng, bồi bổ sức khỏe.

Lẩu vịt thập cẩm ngon
Nước lẩu chua thanh, ngọt béo vừa miệng có thể ăn kèm thêm đậu hũ, đậu hũ ky... Ảnh: Internet

3. Cách nấu lẩu vịt chua cay

Lẩu vịt chua cay mặn ngọt giúp cả nhà kích thích khẩu vị ăn ngon miệng. Vào ngày cuối tuần bạn có thể nấu món lẩu để cùng cả nhà thư giãn, trò chuyện vui vẻ. Đây cũng là món nhậu ngon để mọi người nhâm nhi đánh chén cùng bạn bè. Món lẩu vịt còn thể hiện tài năng nấu nướng khéo léo của chị em nội trợ.

3.1. Chuẩn bị nguyên liệu

  • 40gram sả, gừng thái lát mỏng
  • 40gram tỏi, hành tím thái mỏng
  • 3.3 lít nước hầm xương
  • 70gram ớt sừng, cà rốt
  • 120gram dứa
  • 150gram cà chua
  • 6 thìa canh nước cốt me
  • Bún, mì
  • Rau ăn kèm: Mùi tàu, hành lá, cải thảo, rau muống bào...
  • Gia vị: Dầu ăn, màu điều, bột ngọt, bột canh, hạt nêm, đường, nước mắm, tiêu xay

3.2. Các bước thực hiện

Bước 1 : Thịt vịt mua về làm sạch lông con còn sót, chà muối giấm thật kỹ, rửa sạch lại nhiều lần nước khử mùi tanh. Chặt vịt thành các miếng vừa ăn để ráo nước.

Bước 2 : Bắc nồi lên bếp cho vào 2 thìa canh dầu ăn. Bỏ 80gram sả gừng, hành tím tỏi thái lát vào phi thơm dậy mùi. Đổ vào 2.3 lít nước hầm xương (xương heo, xương gà, xương vịt đều được) vào nấu sôi. Nêm nếm 1 thìa canh hạt nêm, 2 thìa canh bột canh, 1/3 thìa canh bột ngọt, ít tiêu xay, 2 thìa canh nước mắm, 2 thìa canh đường khuấy đều.

Rửa thịt vịt
Thường thịt vịt sẽ rất hôi lông nên bạn cần rửa thật kỹ với muối, chanh, giấm hay rượu. Ảnh: Internet

Bước 3 : Kế đến bạn cho vào nồi 70gram ớt sừng, cà rốt thái lát, 120gram dứa thái mỏng, 40ml dầu điều, 150gram cà chua thái múi cau, 6 thìa canh nước cốt me. Nấu đến khi nồi nước sôi bùng thì cho thịt vịt, mùi tàu thái nhỏ, hành lá thái khúc vào. Nêm nếm lại gia vị vừa ăn, nhúng thêm các loại rau sống ăn kèm là hoàn thành.

Nước lẩu chua cay
Tùy theo sở thích bạn có thể điều chỉnh, tăng độ chua cay theo khẩu vị. Ảnh: Internet

Với món lẩu vịt chua cay bạn có thể ăn kèm bún, mì gói đều được. Chuẩn bị thêm nước mắm mặn cay cay để chấm thịt vịt thì càng hết sẩy. Món ngon từ vịt nóng hổi ăn vào những ngày mưa lạnh sẽ rất ấm bụng.

Lẩu vịt chua cay
Nồi lẩu vịt thơm ngon, ngọt nước, chua cay kích thích mọi giác quan. Ảnh: Internet

Lẩu vịt mang đến cho mọi người bữa ăn lạ miệng, nhiều dinh dưỡng. Đây hứa hẹn sẽ là món ăn chống ngán tuyệt vời sau những ngày vòng lặp thịt cá. Thỉnh thoảng thay đổi thực đơn mới lạ cho cả nhà cũng giúp bạn thể hiện tình cảm yêu thương dành cho gia đình.

Ngọc Hân

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI