Theo Đông y, thịt vịt có vị ngọt, hơi mặn, tính hàn nên có tác dụng giải độc, thanh nhiệt và tiêu thủng rất tốt. Chính vì vậy, nếu chọn thịt vịt để làm nguyên liệu cho các món ăn mùa hè sẽ rất tốt cho sức khỏe của cơ thể. Dưới đây là những món lẩu bạn có thể biến tấu với cùng một nguyên liệu duy nhất - thịt vịt.
1. Cách nấu lẩu vịt hầm sả
Lẩu vịt hầm sả
Sở dĩ mọi người ngại chọn vịt để nấu nướng vì sợ mùi tanh của nó. Nhưng nếu kết hợp với sả thì mùi tanh ấy sẽ không còn.
Nguyên liệu làm lẩu vịt hầm sả :
- 1 con vịt xiêm
- 2 trái dừa xiêm
- 2 củ cải trắng
- 1 vỉ trứng cút
- 250g nấm rơm
- 2 bìa đậu hũ non
- 3 củ cải
- 2 trái dưa leo
- Các gia vị: sả, gừng băm, tỏi băm, hành tím băm, muối, nước mắm, đường, rượu trắng, chanh, tiêu, hạt nêm và dầu ăn
Cách nấu lẩu vịt hầm sả:
- Sơ chế nguyên liệu:
1. Chà xát vịt xiêm với muối, kế tiếp dùng rượu và gừng đập dập để khử mùi hôi lông. Sau đó, rửa lại thật sạch và chặt thịt thành từng miếng vừa ăn.
2. Luộc chín trứng cút và bóc vỏ, để riêng
3. Cắt gốc nấm rơm, ngâm muối và rửa sạch
- Cách nấu:
Bước 1: Ướp vịt với 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng canh gừng băm, 1 muỗng canh hành tím băm, tỏi, 2 muỗng cà phê rượu trắng và ½ muỗng nước cốt chanh (để giúp thịt vịt mau mềm). Để thịt ướp trong khoảng nửa tiếng trước khi nấu.
Bước 2: Phi thơm sả băm với chút dầu, sau đó trút thịt vịt vào chảo xào trên lửa lớn thật nhanh tay.
Bước 3: Đổ 1,5 lít nước vào nồi, sau đó cắt củ cải trắng, dưa leo bỏ lõi và củ hành nướng đập dập cho vào nồi. Hầm khoảng 1 tiếng để lấy độ ngọt của nước. Lưu ý, trong cách nấu lẩu vịt này, bạn có thể dùng ngay nước dừa nhưng nếu muốn vị rau củ đậm đà, nên dùng củ quả hầm trước.
Bước 4: Lọc nước dùng củ quả lấy nước trong, sau đó cho nước dừa vào nồi nước dùng, thả thêm ít nhánh sả tươi đập dập và ít lát gừng. Nấu sôi nồi nước dùng này và cho thịt vào vào.
Bước 5: Khi thấy bọt trong nồi nước dùng nổi lên, bạn vớt bỏ hết cho đến khi nước trong.
Bước 6: Khi dọn lẩu vịt, cắt thêm vài trái ớt tươi vào nồi và dọn kèm thêm một dĩa gồm các món rơm, trứng cút, đậu hũ non.
Món lẩu vịt om sả, có thể dùng chung với bún tươi, bún khô hoặc miến đều rất ngon.
2. Cách nấu lẩu vịt măng cay
Lẩu vịt măng cay
Thịt vịt kết hợp cùng măng chua và nấu với vị cay nồng nghe thật hấp dẫn phải không nào? Mong rằng với cách nấu lẩu vịt này, cả nhà sẽ trầm trồ khen ngợi tài nấu nướng của bạn.
Nguyên liệu cho món lẩu vịt măng cay:
- 1 con vịt ta (chọn con trưởng thành không quá già cũng không quá non)
- 500g măng chua
- 2 trái dừa xiêm
- 3 bìa đậu phụ non
- 2 bìa đậu phụ chiên vàng
- Gia vị: gừng băm, tỏi băm, hành băm, ớt, sa tế, tiêu, muối, đường, bột ngọt, rượu trắng và dầu ăn
- Rau ăn kèm: các loại nấm, rau muống lấy cọng, rau nhút, cải thảo…
Cách nấu lẩu vịt măng cay:
Bước 1: Làm sạch thịt vịt với muối, sau đó xát nhiều lần với rượu và gừng để khử mùi hôi lông. Sau khi vịt sạch mùi, chặt nhỏ thành miếng và để ráo.
Bước 2: Ướp thịt vịt với 1 muỗng canh nước mắm ngon, 1 muỗng cà phê các gia vị: hạt nêm, tiêu, hành tím băm và gừng băm. Để thịt ướp trong khoảng 1 tiếng.
Bước 3: Thái măng chua càng mỏng càng tốt, sau đó đem luộc xả khoảng 2 lần. Sau khi để măng ráo, khử dầu và trút măng vào xào để giúp măng dễ thấm gia vị hơn.
Bước 4: Thái nhỏ đậu phụ thành miếng vuông và làm sạch các loại rau
Bước 5: Phi thơm tỏi, hành và sả băm, kế đến trút phần thịt vịt vào xào. Khi thịt săn, cho thêm 2 muỗng canh sa tế. Sau đó, đổ nước dừa xiêm vào nồi thịt và nấu sôi. Khi thấy nước sôi, hãm lửa vừa và ninh vịt mềm khoảng 30 phút.
Bước 6: Khi thấy thịt vịt đã mềm, trút phần măng chua vào và dọn lẩu
Lẩu vịt măng cay ăn kèm với các loại rau sống như rau muống lấy cọng, rau nhút, cải thảo… và các loại nấm. Đừng quên có cả bún tươi hoặc bún khô nhé!
3. Cách nấu lẩu vịt om sấu
Lẩu vịt om sấu
Sấu nấu kèm với thịt vịt là sự kết hợp quen thuộc của người miền Bắc để tạo nên vị chua thanh cho món ăn khiến cho bạn ăn hoài vẫn không ngán. Trong cách nấu lẩu vịt om sấu, bạn cũng sẽ có được trải nghiệm những hương vị rất ấn tượng này.
Nguyên liệu chuẩn bị cho lẩu vịt om sấu:
- 1 con vịt xiêm
- 15 trái sấu
- 2 quả cà chua
- 2 miếng tàu hũ ky
- ½ hũ sa tế
- Rau ăn kèm: rau nhút, rau muống, rau tần ô… và các loại nấm
- Gia vị cơ bản và các thành phần ớt, tỏi, hành, sả,…
Cách nấu lẩu vịt om sấu:
Bước 1: Tương tự những công trên, làm sạch thịt vịt với muối, rượu và gừng đập dập trước khi chặt miếng nhỏ vừa ăn và chần sơ qua. Sau khi hoàn tất việc làm sạch mùi hôi vịt, đem thịt đi ướp với 1 muỗng canh nước mắm, 2 muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê bột ngọt và ½ hũ sa tế.
Bước 2: Làm sạch và rửa các loại rau, nấm, cà chua, sấu
Bước 3: Thái cau cà chua; cạo vỏ sấu; ngâm nấm với nước muối pha loãng.
Bước 4: Chiên tàu hũ ky vàng giòn và để riêng
Bước 5: Phi thơm hành tím, tỏi băm, sả băm và ớt băm. Sau đó trút thịt vịt vào xào săn. Khi thịt đã săn lại, cho nước vào nấu sôi và ninh thịt mềm trong khoảng 30 phút. Sau thời gian này, cho sấu vào ninh cùng thêm 15 phút để ra nước chua. Với cách nấu lẩu vịt này bạn sẽ thấy nước chua thanh rất vừa miệng.
Bước 6: Sau cùng, cho cà chua, đậu hũ và tàu hũ ky vào nồi. Nêm lại gia vị và chuyển sang nồi lẩu.
Dọn kèm lẩu vịt om ấu với bún tươi, các loại rau và nấm.
4. Cách nấu lẩu vịt nấu chao
Lẩu vịt nấu chao
Vịt nấu chao không xa lạ gì với người dân Nam bộ. Hãy cùng họ học cách nấu lẩu vịt nấu chao để thưởng thức vị đậm đà của món ăn này nhé!
Nguyên liệu cho món lẩu vịt nấu chao:
- 1 con vịt tơ: làm sạch và chặt miếng vừa ăn
- 5 viên chao trắng
- 4 viên chao đỏ
- 1 trái dừa xiêm
- 2 củ khoai môn cao: gọt vỏ, cắt miếng vuông và chiên giòn
- Rau ăn kèm: rau muống nhặt cọng
- Gia vị: dầu hào, dầu mè, hành, tỏi, muối, tiêu, đường…
Cách nấu lẩu vịt nấu chao:
Bước 1: Ướp vịt với 1 muỗng cà phê muối, ½ muỗng cà phê tiêu, 2 muỗng đường, 1 muỗng canh nước mắm và 1 muỗng canh các loại: hành băm, tỏi băm, dầu hào, dầu mè và chao tán nhuyễn. Để vịt thấm gia vị khoảng nửa tiếng trước khi nấu.
Bước 2: Phi thơm hành, tỏi và sả băm, sau đó trút thịt vịt vào xào săn. Khi thịt săn, cho nước dừa vào hầm thịt đến khi mềm.
Bước 3: Cho khoai vào nồi, nêm lại gia vị và dọn lẩu.
Dọn lẩu vịt nấu chao nên dọn kèm với bún tươi, rau muống hoặc ít lát bánh mì.
Vậy là bạn đã biết cách nấu lẩu vịt nấu chao theo cách của người Nam bộ rồi đấy! Đây là món lẩu rất đậm đà và chắc chắc mọi hương vị đều rất ấn tượng.
Một số bí quyết trong cách nấu lẩu vịt:
- Chọn vịt ngon: Vịt không quá non, cũng không quá già sẽ là vịt ngon. Vịt non có mỏ to và vịt già có mỏ cứng, nhỏ. Ngoài ra, vịt đực thường ngon hơn vịt cái; Vịt ngon thường có ức tròn, da cổ và da bụng đều dày, lông mọc đủ các loại và cánh đan xéo vào nhau. Nhìn chung, cứ chọn vịt ức đầy sẽ ngon.
- Bỏ đi phần phao câu của vịt thì mùi hôi sẽ không còn bên cạnh việc sơ chế qua muối, rượu và gừng.
- Vịt trong các món lẩu có thể chấm với nước mắm tỏi, ớt sẽ rất ngon.
Trên đây là 4 cách nấu lẩu vịt với đủ các kiểu kết hợp chuẩn vị. Mong rằng chúng sẽ là những món ngon để bạn lựa chọn trong dịp cuối tuần này.
Chúc bạn thành công!
Yeutre.vn (Tổng hợp)