1. Làm cha mẹ cũng cần phải học
Làm cha mẹ cũng cần phải học khiến bạn thắc mắc? - Có thể là như vậy. Vì, khá nhiều người trong chúng ta cho rằng, làm cha mẹ là bản năng. Chúng ta có thể nuôi dạy con cái tốt mà không cần phải học. Nếu có, hẳn cũng không nắm được sẽ phải học gì.
Nếu bạn lần đầu làm cha mẹ hay đã làm cha mẹ một khoảng thời gian, bạn sẽ phát hiện một điều rất đáng suy ngẫm: Bạn cũng đang "lớn" thêm cùng con mỗi ngày.
Có vẻ sẽ rất khó tin, song trong giai đoạn 6 năm đầu đời của trẻ, hầu hết mọi cha mẹ đều vô cùng bận rộn nhưng là sự bận rộn "không có hệ thống". Phụ huynh nào cũng vất vả và không tránh khỏi cả những lúc bối rối, luống cuống, căng thẳng, áp lực. Và cũng trong 6 năm này, bạn có tác động cực lớn đến sự phát triển của con, ngay cả khi bạn không nhìn nhận ra. Mối quan hệ của bạn và con hiện tại và sau này, được vun đắp qua những gì bạn làm hàng ngày, cùng với trẻ. Thậm chí, nó có thể tạo nên sự khác biệt trong tương lai.
2. Học làm cha mẹ cũng cần phải có thời gian
Nuôi dạy con cái là nghệ thuật và cũng phải trải qua thời gian chắc chắn sẽ gắn với nhiều thăng trầm. Bạn cũng như các cha mẹ khác đều có những điều cơ bản cho việc làm cha mẹ như tình yêu dành cho con, bản năng và nhận thức chung về vai trò này.
Mọi cha mẹ đều có kỹ năng, thái độ, kinh nghiệm, niềm tin, giá trị và văn hóa của riêng họ dành cho gia đình của mình. Và theo thời gian, ai cũng phải tiếp tục vun đắp, xây dựng những điều ấy. Đây chính là thời gian để tôi luyện nên những bậc cha mẹ "trưởng thành."
3. Mỗi gia đình đều có cách nuôi dạy con cái riêng
Thực vậy, mỗi gia đình đều có cách dạy trẻ không giống các gia đình khác. Trong cách dạy trẻ , có thể điều này hiệu quả với đứa trẻ này ở gia đình này, song nó lại không có hiệu quả với đứa trẻ ở gia đình khác. Do đó, bạn cần:
- Biết rõ một đứa trẻ thường phát triển và học hỏi như thế nào trong hành trình lớn lên. Nhờ đó, bạn cảm và hiểu được nhu cầu của con mình.
- Giữ cho con an toàn và khỏe manh.
- Tạo sự ấm áp trong tương tác hàng ngày với con.
- Tạo nề nếp qua các thói quen hàng ngày. Hướng dẫn, dạy trẻ để con có những thói quen tốt, đi vào nề nếp đó.
- Coi trọng sự khác biệt ở mỗi đứa trẻ.
- Làm gương cho con,
- Luôn nỗ lực hết sức và nhận sự hỗ trợ của người thân khi cần.
4. Bạn học hỏi làm cha mẹ từ ai, học những gì và những ai có thể giúp đỡ bạn
4.1. Học hỏi làm cha mẹ từ chính trải nghiệm thực tế của bản thân
Là cha mẹ, bạn sẽ có rất nhiều điều phải học. Trẻ em sinh ra không hề kèm theo sách hướng dẫn. Nên khi bạn có một đứa trẻ và nuôi dạy, con sẽ học kỹ năng sống còn bạn sẽ học kỹ năng làm cha mẹ .
Tất cả chúng ta không phải sinh ra là đã biết làm cha mẹ. Chúng ta đều phải tự học để làm điều này mỗi ngày khi nuôi con. Khi bạn học hỏi từ hoàn cảnh thực tế và phát triển cùng con mình, bạn sẽ trở thành những bậc cha mẹ mà bạn thực sự muốn trở thành.
4.2. Học hỏi từ những thất bại và điều chưa đạt được
Mọi người chúng ta không ai hoàn hảo. Tất cả các bậc cha mẹ đều có những lúc ước rằng, họ đã làm không làm điều này hay điều khác với con cái của họ.
Nhưng như đã nói, không ai hoàn hảo, làm cha mẹ cũng thế. Không nên xoáy sâu vào những điều mình chưa làm được như những sai lầm. Bạn hãy xem đó là những cơ hội để bản thân học hỏi, tự rút kinh nghiệm. Và, bạn hãy tự hỏi chính mình, xem bản thân có thể làm gì khác vào những dịp tương tự hay lần sau. Như thế, bạn sẽ học hỏi được và phát triển với tư cách là cha mẹ thực thụ. Chính bạn lúc này trong vai trò làm cha mẹ có thể giúp con mình đạt được những thứ mà chúng có thể.
4.3. Những ai có thể giúp đỡ bạn
Bạn không làm cha làm mẹ một mình - chính xác là như vậy. Bạn cũng không thể một mình trả lời tất tần tật mọi câu hỏi liên quan đến vai trò làm cha mẹ, hay nuôi dạy con của mình. Cũng không ai mong bạn phải có tất cả mọi câu trả lời khi nuôi dạy con . Do đó, khi bạn có băn khoăn hay cần sự giúp đỡ, đừng ngại yêu cầu sự trợ giúp từ những người chung quanh.
Bạn có thể bắt đầu tìm sự giúp đỡ từ những người bạn tin tưởng nhất. Bạn bè, người thân, hàng xóm, thậm chí những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tư vấn giáo dục đều có thể là nguồn hỗ trợ bạn và cung cấp thông tin mà bạn cần.
Sự giúp đỡ hỗ trợ chung quanh có thể sẽ giúp bạn:
- Học cách đối phó với những thách thức hàng ngày trong vai trò làm cha mẹ.
- Gặp gỡ các bậc cha mẹ khác để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
- Để thư giãn cùng những người như mình.
5. Nuôi dạy trẻ là bạn cần phải nhìn đến mục tiêu dài hạn
Phải. Khi trẻ còn nhỏ, cha mẹ nào cũng tập trung vào những gì diễn ra hàng ngày. Tuy nhiên, nuôi con không phải là một cuộc đua chạy nước rút mà là chặng đường dài. Do đó, hãy dành thời gian để suy nghĩ về mục tiêu dài hạn cho bạn và cho con. Ví dụ:
Bạn hy vọng con mình lớn lên sẽ trở thành người như thế nào?
Bạn hy vọng con có những phẩm chất và đặc điểm gì khi trưởng thành?
Bạn muốn bạn và trẻ có mối quan hệ ra sao khi chúng lớn lên còn bạn già đi?
Bạn muốn trở thành bậc cha mẹ ra sao?
....
Bạn hãy trao đổi những điều như thế, những câu hỏi đặt ra như thế với chồng/ vợ mình. Hãy hỏi anh ấy/ cô ấy về việc hai bạn sẽ làm việc cùng nhau như thế nào, trong hành trình làm cha mẹ này.
Khi bạn có ý tưởng về những gì bạn hoặc hai vợ chồng bạn muốn đạt được trong vai trò làm cha mẹ, hãy liệt kê chúng ra. Hãy định hướng và đưa ra những giải pháp. Điều này sẽ giúp các bạn làm được nhiều thứ, trở thành những bậc phụ huynh nuôi dạy con thực sự thành công.
6. Mối quan hệ giữa bạn và con cái
Trong bất cứ mối quan hệ nào, chúng ta cũng cần học hỏi, trang bị một số nguyên tắc nhất định nào đó. Điều này nhằm giữ gìn, xây dựng để làm cho mối quan hệ đó trở nên tốt đẹp hơn. Làm cha mẹ, muốn có mối quan hệ tốt đẹp với con cái mình khi trẻ lớn và ta già đi, thì mối quan hệ này phải được đặt nền móng vững chắc ngay từ những ngày đầu tiên.
Mặc dù là bạn dạy con, song điều này không có nghĩa là bạn hoàn toàn quyết định một cách chủ quan trong mọi việc. Vì làm như thế, chúng ta sẽ rất dễ rơi vào mối quan hệ một chiều, thiếu sự giao tiếp, cảm thông, ấm áp, sẻ chia và nâng đỡ.
Vậy nguyên tắc hay một số khía cạnh nhất định bạn nên học hỏi và thực thi để vun đắp mối quan hệ này là gì? Chúng sẽ bao gồm những điều như dưới đây:
6.1. Nguyên tắc của sự tôn trọng
- Bạn hãy dành thời gian cho trẻ và ở bên trẻ thường xuyên. Cùng con trải qua những hoạt động gắn kết vui vẻ và ấm áp.
- Không bao giờ nên đưa ra một mệnh lệnh hay yêu cầu mà không thể thực thi vào thời điểm bạn ra mệnh lệnh hay yêu cầu trẻ.
- Tránh bất nhất về tính kỷ luật với trẻ.
- Nhất quán trong lời nói và hành động với trẻ.
- Xác định rõ hành vi có thể chấp nhận được và không chấp nhận được.
6.2. Kiên định, nhất quán - Công bằng - Thân thiện
6.2.1. Về sự kiên định và nhất quán
Làm cha mẹ, bạn phải học hỏi rèn luyện cho chính mình sự kiên định và nhất quán khi dạy trẻ. Điều này chính là cơ sở thực hiện tính kỷ luật. Bạn sẽ không thỏa hiệp hoặc mềm lòng khi con cố tình nhũng nhiễu, lúc trẻ bướng bỉnh ...Hậu quả luôn được nêu rõ ràng nếu như trẻ có hành vi không phù hợp hoặc không tuân thủ hoặc tôn trọng thỏa thuận mà bạn và trẻ đã thống nhất.
6.2.2. Về sự công bằng
Hình phạt nên phù hợp với sai phạm. Bạn cần cho trẻ biết nếu có trường hợp tái diễn hành vi sai phạm thì hậu quả sẽ thế nào. Điều này nhằm để trẻ biết mình sẽ phải làm gì nếu phạm phải thêm lần nữa. Nó cũng giúp nhắc nhở để trẻ không tái phạm.
Bạn nên lưu ý rằng, hình phạt nghiêm khắc với trẻ là không thực sự cần thiết. Bạn chỉ cần sử dụng hình thức Time out đơn giản. Tức hình phạt úp mặt vào tường hoặc ngồi một mình để suy nghĩ về hành vi sai trái hay lỗi phạm của bản thân.
Bạn cũng nên sử dụng phần thưởng để khen ngợi trẻ khi con làm được điều tốt, đúng đắn. Hay, khen thưởng cho nỗ lực cố gắng không mắc sai phạm của trẻ. Mô tả hành vi phù hợp của trẻ để con biết chính xác hành vi mà mình được khen ngợi, khen thưởng.
6.2.3. Về sự thân thiện
Cách giao tiếp thân thiện mà bạn dành cho trẻ là rất cần và bạn nên "rèn luyện" để đạt được. Vì thường, gặp nhiều tình huống, làm cha mẹ chúng ta khó lòng mà không nổi nóng. Thậm chí, đôi khi ta còn mất kiểm soát khiến cho tình hình giữa mình và trẻ trở nên nghiêm trọng.
Khi trẻ sai, hãy giao tiếp thân thiện, cho trẻ biết rõ con đã cư xử không đúng mực và sẽ nhận hình phạt/ hậu quả "đã thỏa thuận." Bạn không quên nên khuyến khích trẻ cố gắng ghi nhớ những gì trẻ nên và không nên làm để tránh hậu quả lặp lại.
7. Các mối quan hệ chung quanh
Mặc dù mối quan hệ của bạn với con là trung tâm của chúng. Song, mối quan hệ với ông bà, anh chị em, những người thân, bạn bè, người giữ trẻ, giáo viên,...cũng khá quan trọng. Không chỉ dừng ở đó, sẽ còn cả những nhóm, cộng đồng chung quanh nữa. Các mối quan hệ này, cảm giác thân thuộc và kết nối cộng đồng đều có ảnh hưởng đến sự tăng trưởng và phát triển của con.
Nếu gia đình bạn đang "phát triển quy mô" tức có thêm thành viên, bạn cũng cần lưu ý về sự thay đổi này đối với trẻ. Bạn cần giúp con chuẩn bị sẵn sàng và thích nghi với sự xuất hiện của một thành viên mới.
Bạn nên biết rằng, khi trẻ có em , trẻ sẽ phải trải qua một giai đoạn khó khăn, trước khi có thể chấp nhận thực tế mình không phải là "trung tâm vũ trụ". Do đó, làm cha mẹ, bạn cần phải cùng con có một khoảng thời gian nhất định để chuẩn bị đối mặt. Bạn có thể cung cấp thông tin cho trẻ về việc, một em bé sơ sinh thì cần sự chăm sóc nhiều hơn. Bé sơ sinh sẽ không thể tự làm một số việc cho đến khi lớn lên như anh/ chị của mình. Hãy dành thời gian nhất định chỉ cho mình trẻ, tỏ sự yêu thương ấm áp để chúng hiểu rằng bạn vẫn yêu thương trẻ và không có bất sự thay đổi hoặc xáo trộn nào.
Bạn thấy đấy, quả thực, làm cha mẹ cũng cần phải học. Chúng ta học để nuôi dạy con tốt hơn. Chính chúng ta cũng sẽ trưởng thành, trở thành những bậc phụ huynh tốt, hoàn thành được vai trò làm cha mẹ thành công, theo hành trình lớn lên của con mình.
Theo Child Development Institute & Healthy Parents Healthy Children
Cát Lâm tổng hợp và lược dịch