Khái niệm kỹ năng sống theo UNESCO và hệ thống các kĩ năng cần thiết cho trẻ

Khái niệm kỹ năng sống theo UNESCO đều được đề cập khi bàn về việc dạy kỹ năng sống cho trẻ. Vài năm trở lại đây, mùa hè gần đến cũng là khi phụ huynh lại có dịp bàn thêm, về chuyện dạy và học kỹ năng ở trẻ. Vì thời gian này, trẻ có thời gian để học thêm về các kỹ năng trong các khóa học hè. Vậy kỹ năng sống là gì và như thế nào? Ở mỗi độ tuổi, chúng ta cần dạy trẻ những kỹ năng cần thiết ra sao? Bài viết dưới đây sẽ đem đến cho phụ huynh những câu trả lời cụ thể và chi tiết hơn.

banner ads

1. Khái niệm kỹ năng sống theo UNESCO

Bốn trụ cột giáo dục
Bốn cột trụ của giáo dục - Ảnh Internet

4 mục tiêu cơ bản - hay nói cách khác là 4 cột trụ của việc học theo UNESCO ( Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hiệp quốc ) bao gồm: Học để biết - Học để làm - Học để là chính mình - Học để cùng chung sống. Dựa trên mục tiêu này, khái niệm kỹ năng sống theo UNESCO là " năng lực cá nhân giúp cho việc thực hiện đầy đủ chức năng và tham gia vào cuộc sống hằng ngày" .

Bên cạnh đó theo UNICEF ( Quỹ nhi đồng Liên hiệp quốc ) thì kỹ năng sống là những hành vi cụ thể hiện khả năng chuyển đổi kiến thức và thái độ thành hành động thích ứng trong cuộc sống. Kỹ năng sống phải dựa trên nhận thức, thái độ và chuyển biến thành hành vi như một yêu cầu liên hoàn và có hướng đích.

Kỹ năng sống cho trẻ
Kỹ năng sống là những hành vi chuyển đổi từ kiến thức và thái độ thành những hành động cụ thể. Ảnh Internet

Như vậy, từ hai khái niệm trên kỹ năng sống được phân loại thành:

  • Các kỹ năng cơ bản:  Kỹ năng đọc, viết, tính toán cho các chức năng hàng ngày. Những kỹ năng này không mang đặc trưng tâm lý nhưng là nền tảng cho những năng lực thực hiện các chức năng của cuộc sống.
  • Các kỹ năng chung (kỹ năng nhận thức, kỹ năng cảm xúc, kỹ năng xã hội) như các kỹ năng ra quyết định, kỹ năng tư duy phê phán, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp,...
  • Các kỹ năng trong tình huống , ngữ cảnh, vấn đề cụ thể của đời sống xã hội, như: vấn đề về giới tính, về môi trường, về phòng chống bạo lực,...

2. Hệ thống các kỹ năng theo độ tuổi phụ huynh nên biết

Kỹ năng cho học sinh tiểu học
Kỹ năng sống ở mỗi độ tuổi là không giống nhau, kỹ năng cho học sinh tiểu học khác với mầm non - Ảnh Internet

Dựa vào khái niệm kỹ năng sống theo UNESCO, có thể chia các nhóm dạy kỹ năng cho trẻ theo độ tuổi mầm non và tiểu học.

2.1 Kỹ năng cho trẻ mầm non

Ở trẻ mầm non, tập trung rèn luyện cho trẻ 4 nhóm kỹ năng sau:

  • Nhóm kỹ năng nhận thức bản thân: kỹ năng nhận biết các giá trị của bản thân.
  • Nhóm kỹ năng quản lí cảm xúc: kỹ năng học cách cảm thông và chia sẻ, kỹ năng kiểm soát cảm xúc và kỹ năng thể hiện lòng tự trọng.
  • Nhóm kỹ năng giao tiếp và quan hệ xã hội: kỹ năng thiết lập mối quan hệ với bạn bè và người lớn, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng thể hiện tự tin.
  • Nhóm kỹ năng tương tác: kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng giải quyết vấn đề,...
Kỹ năng làm việc nhóm của trẻ mầm non
Dạy trẻ mầm non kỹ năng làm việc nhóm. Ảnh Internet

2.2 Kỹ năng cho trẻ tiểu học

Ở học sinh tiểu học, tập trung rèn luyện cho trẻ 2 nhóm kỹ năng sau:

  • Nhóm kỹ năng giao tiếp - hòa nhập cuộc sống: Các em có thể giới thiệu về bản thân, gia đình, trường lớp học và thầy cô giáo. Biết chào hỏi lễ phép ở nhà, ở lớp và nơi công cộng. Trẻ cần biết nói lời cảm ơn & xin lỗi và biết phân biệt hành vi đúng sai, phòng tránh tai nạn.
  • Nhóm kỹ năng học tập, lao động - vui chơi giải trí: Các kỹ năng nghe, nói, viết, kỹ năng quan sát, kỹ năng đưa ra ý kiến trong nhóm. Các kỹ năng giữ gìn vệ sinh, cá nhân. Các kỹ năng kiểm soát tình cảm - kỹ năng kiềm chế thói hư tật xấu của cá nhân.

3. Những lưu ý khi dạy kỹ năng cho trẻ

Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp
Kĩ năng giao tiếp giúp bé kết bạn, mở rộng mối quan hệ xã hội - ảnh Internet

Dạy kỹ năng là dạy thực hành nên điều quan trọng phải dạy trẻ trong các tình huống có thực trong cuộc sống. Bên cạnh kỹ năng thì trẻ cần có nhận thức và thái độ đúng để xử lí linh hoạt trong các tình huống khác nhau. Tùy theo độ tuổi mà kỹ năng được học được thể hiện ở mức độ cao hơn, đòi hỏi tính chính xác và linh hoạt hơn.

Trong quá trình thiết kế giảng dạy kỹ năng sống cho trẻ, cần có sự lồng ghép giữa các nội dung, vào các tiết học chứ không chỉ trong tiết học kỹ năng. Các kỹ năng được tiến hành dựa trên nền tảng hoạt động chủ đạo của giai đoạn lứa tuổi, để mang lại hứng thú và hiệu quả cao nhất. Quá trình dạy kỹ năng sống cho trẻ cần sự hợp tác của nhà trường, phụ huynh và tác động của toàn xã hội.

Dạy trẻ kỹ năng sống
Dạy trẻ kỹ năng sống cần sự hợp tác phối hợp của cả gia đình và nhà trường. Ảnh Internet

Khái niệm kỹ năng sống theo UNESCO là một trong những khái niệm bao quát được những nội dung của kỹ năng sống, cũng như cho thấy tầm quan trọng của kỹ năng sống. Yeutre.vn hy vọng rằng, bài viết trên đã cung cấp thông tin một cách cơ bản nhất, về khái niệm cũng như những nội dung liên quan, để phụ huynh nắm rõ, cũng như đầu tư hơn vào các lớp học kỹ năng cho con, trong mùa hè sắp tới này.

Như Hà tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI