Kỹ năng làm cha mẹ là điều cần thiết mọi phụ huynh nên học

Kỹ năng làm cha mẹ là điều rất cần thiết mà các bậc phụ huynh cần nắm được trước khi có con. Và, chúng ta cũng vẫn nên tiếp tục học hỏi trong quá trình nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, đây không phải là vấn đề mà mọi cha mẹ đều nhìn nhận và thực hiện một cách nghiêm túc. Người lớn xem việc con trẻ “phải” học là điều đương nhiên, nhưng bản thân họ lại phớt lờ việc học làm cha mẹ. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu để biết được vai trò của việc học các kỹ năng làm cha mẹ quan trọng như thế nào trong quá trình dạy dỗ trẻ nhé. 

banner ads
Bé trai đi theo bố
Kỹ năng làm cha mẹ rất cần thiết cho mọi phụ huynh. Ảnh Internet 

1. Tổng quan về kỹ năng làm cha mẹ

Nếu quay lại khi cha mẹ chúng ta được sinh ra, ta sẽ thấy các kỹ năng làm cha mẹ được học từ đại gia đình. Thời xưa, nếu cha mẹ, ông bà, cô, dì, chú, bác không sống chung thì họ cũng sống gần nhau trong vòng vài dặm. Họ luôn sẵn sàng truyền đạt sự khôn ngoan cho con cháu về các vấn đề mang thai, sinh nở, chăm sóc và nuôi nấng con cái.

Tuy nhiên, dần dà mọi thứ đã thay đổi. Sự phát triển của khoa học, công nghệ đã gây những ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng con người. Nó làm cho chúng ta thay đổi và kéo khoảng cách giữa các thế hệ ngày càng xa cả về mặt địa lý và tư duy. Hậu quả là những người trẻ trở nên bối rối với vai trò làm cha mẹ của mình. Mà nguyên nhân sâu xa là do họ chưa có sự chuẩn bị đúng đắn những kỹ năng cần thiết để “gánh vác” trọng trách làm ngọn hải đăng cho những cuộc đời bé nhỏ do chính họ tạo ra.  

Bố dắt con gái đi trên bãi biển
Cha mẹ như những ngọn hải đăng cho cuộc đời bé nhỏ của những đứa con. Ảnh Internet 

Kể từ cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, phụ huynh đã phải đương đầu với nhiều khó khăn trong quá trình dạy dỗ con cái. Chúng ta phải lướt Internet, đọc sách, tham gia các lớp học, kết bạn và trao đổi với những bậc phụ huynh từng trải khác,…nhằm rút ra được những cách sáng tạo để nuôi dạy con. Những phương pháp này còn phải trải qua quá trình chắt lọc dựa vào đạo đức, sự nhạy cảm và tính cách riêng cho phù hợp với hoàn cảnh của từng gia đình. Đây thực sự là một công việc đầy khó khăn, thách thức mà có lẽ không ít lần bạn phải tự đặt câu hỏi: “Mỗi em bé đến thế giới này đều kèm theo một “bản hướng dẫn sử dụng” thì mọi thứ có phải dễ dàng hơn hay không”

Nhưng chắc chắn bạn sẽ không bao giờ nhận được một bản hướng dẫn như thế. Vì mỗi đứa trẻ là đặc biệt và duy nhất, và bạn chính là người phải viết ra bản kế hoạch nuôi dạy con cũng như rút kinh nghiệm khi trở thành cha mẹ. Bản kế hoạch này sẽ đòi hỏi bạn rèn luyện kỹ năng làm cha mẹ trước tiên. Có như vậy thì việc đúc kết kinh nghiệm mới có thể theo hướng tích cực nhiều hơn được. 

Trẻ đang chơi
Không có bất cứ bản hướng dẫn sử dụng nào để nuôi dạy trẻ vì mỗi đứa trẻ là đặc biệt và duy nhất. Ảnh Internet

2. Những kỹ năng làm cha mẹ bạn cần trang bị

2.1. Kỹ năng về kỷ luật

Kỹ năng làm cha mẹ quan trọng và có lẽ gây nhiều tranh cãi nhất đó là tính kỷ luật. Phụ huynh thường mâu thuẫn về loại hình kỷ luật để áp dụng vào thời gian nào. Kỷ luật phù hợp cho một đứa trẻ hai tuổi có thể không hiệu quả với trẻ mười tuổi hoặc một thiếu niên. Phần quan trọng nhất của câu đố kỷ luật là xác định người chịu trách nhiệm: cha mẹ hay trẻ. Điều này nghe có vẻ đơn giản, nhưng trong thời đại ngày nay, câu trả lời không phải lúc nào cũng rõ ràng.

banner ads

Trách nhiệm của bạn là dạy trẻ sự khác biệt giữa đúng và sai. Bạn không những cần dạy trẻ những bài học này mà chính bạn cũng phải tuân theo các quy tắc đã đề ra. Điều này có nghĩa là bạn không phải lúc nào cũng đúng (thực tế là không thể), nhưng bạn cũng biết nhận mình sai với trẻ. Hãy dũng cảm thừa nhận việc này với con vì sẽ có lúc bạn phạm lỗi. Điều này sẽ giúp trẻ thấy được sự nghiêm túc của bạn cũng như thấy mình được tôn trọng. Từ đó con sẽ chấp nhận sự kỷ luật một cách dễ dàng hơn.

Một điều bạn cần lưu ý đó là nỗi sợ làm tổn thương cảm xúc của trẻ hoặc sợ ảnh hưởng đến tinh thần của chúng đã khiến bạn bị trẻ điều khiển. Trẻ em cần ranh giới vững chắc từ những bậc cha mẹ có kỷ luật rõ ràng và nhất quán. Cho dù phương pháp của bạn là gì thì điều quan trọng là bạn phải nắm lấy vai trò của mình để đào tạo con cái trở thành những người trưởng thành có đạo đức và nhân cách tốt. Trẻ em rất nhạy cảm và tinh ý, chúng có thể phát hiện ra những người đạo đức giả (kể cả bạn) thực sự nhanh chóng. 

Mẹ ngồi cùng bé
Trách nhiệm của bạn là dạy trẻ sự khác biệt giữa đúng và sai. Ảnh Internet 

2.2. Kỹ năng về giáo dục

Khả năng nhận ra những gì chúng ta dạy con cái là một kỹ năng làm cha mẹ mà từ đó tất cả chúng ta đều được hưởng lợi. Từ thời điểm các con được sinh ra, chúng đã bắt đầu học hỏi từ cha mẹ. Ví dụ như trẻ biết được nếu khóc bạn sẽ đến dỗ dành, nếu kéo tóc bạn sẽ phải la lên ối, nếu ném ly của mình xuống đất, bạn sẽ nhặt nó lên giúp,…Thời gian trôi qua và trẻ tiếp tục được học cách đi bộ, nói chuyện, mặc quần áo,…

Những gì bạn dạy con không chỉ gói gọn trong các ví dụ đơn giản trên, bạn có trách nhiệm phải dạy trẻ về đạo đức và các giá trị khác trong cuộc sống. Bạn không thể phó mặc cho nhà trường và thầy cô giáo thực hiện nghĩa vụ quan trọng này. Tại phần lớn các thời điểm, cha mẹ mới chính là người đưa ra quyết định về cách xử lý và giáo dục chính thức đối với trẻ.

Việc cho trẻ đi học tại trường công hay trường tư không quyết định trẻ được giáo dục tốt và đầy đủ hay không. Nó chỉ là một yếu tố phụ thêm để hỗ trợ bạn trong vấn đề này. Sự thành công trong giáo dục một đứa trẻ không phải lúc nào cũng phụ thuộc vào nơi trẻ đi học mà chính là sự tham gia của bố mẹ vào quá trình giáo dục đó. 

Mẹ bế bé sơ sinh
Từ thời điểm các con được sinh ra, chúng đã bắt đầu học hỏi từ cha mẹ. Ảnh Internet 

2.3. Kỹ năng về tài chính

Xử lý hiệu quả các vấn đề tài chính là một kỹ năng làm cha mẹ sẽ theo bạn trong suốt tuổi trưởng thành của trẻ. No bắt đầu với một suy nghĩ khá thực tế: “Mình đang có em bé, làm thế nào để chi trả cho việc này”

Nhiều cặp đôi đã trì hoãn kết hôn và có con cho đến khi họ tiết kiệm được một khoản tiền tương đối thoải mái.

Một số gia định lại muốn tiết kiệm đủ để người mẹ có thể nghỉ việc ở nhà chăm sóc con trong một khoảng thời gian nhất định. Những người khác thì cố gắng để mẹ ở nhà vô thời hạn. Sau đó, những sinh linh bé nhỏ xuất hiện và dần dà sẽ “lấy đi” tất cả mọi thứ mà bạn dành dụm.

Nhưng vấn đề tài chính không dừng lại ở đó. Nếu mẹ ở nhà thì bảo hiểm nhân thọ sẽ trở nên cực kỳ quan trọng để bảo vệ gia đình trong trường hợp bố gặp bất trắc. Và bạn cũng đừng quên tiết kiệm cho việc học đại học của con.

Cha mẹ ngày nay phải đối mặt với vô số khoản chi tiêu cho gia đình và con cái, từ tã, sữa, quần áo, thực phẩm, giải trí, giáo dục, chăm sóc trẻ,…Những bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ biết nhìn xa trông rộng khi có kế hoạch tài chính trong vài năm hoặc thậm chí mười năm và viết ra các mục tiêu cụ thể để thực hiện. Những mục tiêu này có thể đơn giản là để dành một khoản tiền nhất định mỗi tháng vào tài khoản tiết kiệm đại học của trẻ hoặc thêm một điều khoản phục vụ cho mục đích học tập vào bảo hiểm của gia đình hay hướng tới số dư thẻ tín dụng. Dù là cách thực hiện nào thì việc lên kế hoạch chi tiêu và có mục tiêu rõ ràng sẽ luôn giúp bạn chủ động và sẵn sàng cho những điều cần thiết liên quan đến vấn đề giáo dục trẻ. 

Kế hoạch tài chính
Bạn nên có kế hoạch tài chính để lo cho con cái lâu dài. Ảnh Internet 

2.4. Kỹ năng về điều khiển cảm xúc

Sự phát triển về cảm xúc rất quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Và cách bạn thể hiện cảm xúc của mình trước mặt trẻ sẽ ảnh hưởng đến cách trẻ hình thành và điều khiển cảm xúc của bản thân trong tương lai. Những việc dưới đây có thể giúp bạn và trẻ một cách tích cực trong vấn đề này:

  • Bạn lắng nghe trẻ : bạn đã bao giờ bận rộn đến mức không nhận ra trẻ đang nói chuyện với mình? Thực tế thì điều này xảy ra với hầu hết chúng ta. Bạn có thể làm gì để cải thiện tình hình này? Khi ở nhà, bạn hãy gạt bỏ tất cả những phiền nhiễu, những thứ làm bạn xao nhãng như tivi, điện thoại,…và dành một khoảng thời gian nhất định ưu tiên để lắng nghe trẻ, để hiểu con hy vọng những gì, sợ hãi điều gì, lo lắng việc gì,…Hãy đừng dừng việc hỏi han trẻ dù trẻ có từ chối bạn bao nhiêu lần. Khi bạn thể hiện sự quan tâm của mình, bạn cũng cho trẻ thấy tình yêu mình dành cho con. Lắng nghe tích cực nghĩa là bạn tập trung và những gì trẻ nói mà không nghĩ về cách mình sẽ phản hồi. Hãy quan sát ngôn ngữ cơ thể của trẻ và chọn một tín hiệu phù hợp. Bạn cũng có thể cải thiện khả năng lắng nghe của mình bằng cách quỳ gối (nếu cần thiết), ngồi,…cho phù hợp với chiều cao của trẻ. Hãy dành cho trẻ sự tập trung hoàn toàn cũng như tăng cường giao tiếp bằng mắt với trẻ. 
Giao tiếp mắt với trẻ
Bạn nên tăng cường giao tiếp bằng mắt với trẻ. Ảnh Internet 
  • Bạn hãy kiểm soát cảm xúc của mình : nếu bạn mất bình tĩnh trước mặt trẻ, chúng sẽ trở nên sợ bạn. Cho dù bạn đang tranh cãi với ai đó trên điện thoại hay với chồng/ vợ mình, đừng biểu lộ hành vi giận dữ trước sự chứng kiến của trẻ. Bất cứ khi nào bạn mất kiểm soát và la hét hoặc cãi cọ với ai đó, bạn sẽ cho trẻ thấy đây là cách mọi người phản ứng khi gặp khó khăn.

Thay vào đó, bạn hãy kiềm chế và giải quyết vấn đề một cách bình tĩnh. Hãy cho trẻ thấy trí tuệ cảm xúc là gì. Nếu bạn lỡ nổi nóng, hãy chắc chắn xin lỗi và chịu trách nhiệm cho sự tức giận của mình. Đó là một cách khác để hình thành mô hình hành vi lành mạnh cho trẻ.

  • Bạn hãy thể hiện tình yêu trong những khoảng thời gian chất lượng : bạn rất yêu con cái của mình phải không? Điều đó là chắc chắn. Bạn có thể nói “Mẹ yêu con/ Ba yêu con” nhưng làm thế nào để thể hiện cho trẻ hiểu. Một việc rất dễ dàng mà bạn có thể làm hàng ngày, thậm chí hàng giờ là ôm ấp và hôn trẻ. Một cái ôm sẽ khiến trẻ cảm thấy an toàn và được yêu thương. Ngoài ra, hãy bắt đầu các hoạt động tương tác với trẻ. Chẳng hạn như chơi các trò chơi cờ truyền thống, tận hưởng các hoạt động ngoài trời hoặc đơn giản là nói chuyện với trẻ để tận dụng tối đa thời gian các bạn có với nhau một cách chất lượng nhất. 
Bố cõng bé
Hãy tận hưởng các hoạt động ngoài trời cùng trẻ để tận dụng tối đa thời gian bạn có với con một cách chất lượng. Ảnh Internet 

Khi đã làm cha mẹ, có lẽ chúng ta đều ước có thể một lần quay lại trường học để học về chuyên ngành kỹ năng làm cha mẹ. Bạn sẽ nhận được hướng dẫn với câu “Đây là cách nó được thực hiện” và bạn thấy rằng mọi thứ sẽ đâu vào đó. Ngôi trường kỳ diệu này cũng sẽ dạy bạn cách xử lý trong quá trình dạy dỗ con cái khi nhà trẻ hay ông bà đang tự đặt ra các quy tắc mới.

Thật không may, trên thực tế lại không có những ngôi trường như vậy. Chúng ta chỉ có các bậc cha mẹ khác đã từng trải qua việc nuôi dạy con cái và sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm của mình. Với sự phát triển của công nghệ như hiện nay, bạn có thể dễ dàng liên hệ, trao đổi và học hỏi họ qua Internet, mạng xã hội hay những hội nhóm khác bất kể khoảng cách địa lý là bao xa. Bạn hãy tận dụng lợi thế này để trau dồi kỹ năng của mình để cải thiện chúng ngày càng tốt hơn.

Kỹ năng làm cha mẹ đối với một số bậc phụ huynh cho rằng đó là bản năng, là những gì họ sẵn có và chỉ đợi em bé xuất hiện là họ có thể áp dụng ngay. Tuy nhiên, đó lại không phải những gì sẽ xảy ra. Bản năng của cha mẹ chính là tình yêu và khả năng hy sinh vô điều kiện, khiến chúng ta sẵn sàng làm mọi thứ để bảo vệ, che chở cho những đứa con bé bỏng của mình. Bản năng đó đôi khi che mờ những điều đúng đắn đáng lẽ chúng ta phải làm cho con để giúp chúng trưởng thành. 

Bố ôm con gái
Bản năng của cha mẹ chính là tình yêu và khả năng hy sinh vô điều kiện cho con cái. Ảnh Internet 

Quả thực, chúng ta cần học hỏi kỹ năng làm cha mẹ và củng cố kỹ năng này của mình mỗi ngày, ngay từ khi bạn có kế hoạch sinh con. Tất cả những gì bạn chuẩn bị và tiếp thu sẽ đảm bảo cho bạn có khoảng thời gian chất lượng khi nuôi dạy con cái . Thời gian bên cạnh con là rất quý giá, và chúng sẽ mang lại cho bạn nhiều niềm vui cũng như trách nhiệm. Việc học hỏi và lên kế hoạch trước sẽ giúp bạn bớt đi sự căng thẳng, lo lắng cũng như gánh nặng khi nuôi nấng những thiên thần của mình.

Theo All About Parenting & Verywell Family

Lily Nguyễn lược dịch

Đã có 1 người đánh giá bài viết này Đáng Tin Cậy

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI