1. Chuẩn bị tài chính
Lên kế hoạch tài chính cho mầm non tương lai.
Lên ngân sách
Bạn cần thiết phải lên một ngân sách cho từng giai đoạn phát triển của con từ khi vợ mới mang thai cho đến những năm đầu đời tiếp theo. Điều này giúp bạn có những hoạch định rõ ràng về những thay đổi trong sinh hoạt cũng như cách chi tiêu hợp lý trong gia đình nhỏ của mình. Sau khi khoản ngân sách này chỉ cho bạn thấy điều hợp lý và vô lý suốt thời gian thực hiện, bạn sẽ rút được kinh nghiệm để lên tiếp ngân sách cho các năm học của trẻ đến khi chúng vào đại học.
Cân nhắc chi tiêu
Tâm lý của bố mẹ thường muốn dành hết mọi thứ tốt đẹp cho con. Vì thế bạn sẽ dễ dàng vung tay mua sắm những món đồ xinh xắn, đáng yêu mà không cần cân nhắc giai đoạn nào con cần những gì. Điều này sẽ thực sự ngốn đi của bạn khá nhiều khoản chi vô lý. Hãy tìm hiểu xem những đặc điểm của trẻ ở từng giai đoạn để biết cách mua sắm phù hợp với túi tiền của hai vợ chồng.
Mở tài khoản cho con
Bạn có thể mở cho con một tài khoản và lấy đó làm bài học cho con về cách quản lý đồng tiền và làm cho nó sinh lợi. Điều này cũng rất tốt cho những dự phòng tương lai của bạn trên chặng đường dài nuôi dạy con cái nên người.
2. Tìm hiểu các vấn đề sức khỏe phổ biến liên quan đến trẻ
Trẻ nhỏ cần được bố mẹ chăm sóc bằng những kiến thức khoa học phổ thông nhất. Bạn có thể tìm hiểu điều này thông qua các tạp chí uy tín, sách vở hoặc chính những người bác sĩ của gia đình. Các kiến thức căn bản như lịch tiêm phòng, cách rửa tay sạch khuẩn, các bệnh trẻ thường gặp, cách chọn sữa phù hợp… tất cả bạn cần nên trang bị cho hành trang làm bố của mình. Sẽ thật ích lợi nếu bạn đăng ký một gói bảo hiểm cho con để phòng khi đau ốm.
3. Con sẽ thành người thế nào?
Điều quan trọng nhất là thái độ của con với cuộc sống.
Không việc gì phải vội vàng để vạch sẵn một nghề nghiệp lý tưởng theo ý bạn và hướng con làm theo. Điều quan trọng nhất bạn cần định sẵn trong suy nghĩ giáo dục của mình là thái độ của con với cuộc sống. Hãy hướng trẻ đến những giá trị bền vững làm nên con người chúng như sự vị tha, tình yêu thương bao la, sự cân bằng giữa hướng nội và hướng ngoại.
4. Con học từ ai?
Bạn là hình mẫu đầu tiên của con
Không phải ai khác mà chính bạn phải trở thành hình mẫu đầu tiên và tuyệt vời đối với con. Bạn không thể sống cẩu thả, xuề xòa như trước. Trẻ sẽ bắt chước bạn từ tác phong cho đến tính cách. Chính vì vậy, bạn phải nghiêm khắc trước hết với bản thân mình, biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình. Cần thiết phải xác định ranh giới bố con, bạn có thể làm song song với những khoảnh khắc vui đùa thân mật bên con. Cây tốt thì sinh trái tốt. Muốn con bạn trở thành người tốt, bạn không thể là mẫu gương xấu.
Ông bà ảnh hưởng nhất định đến bạn
Bạn tin tưởng những gì bố mẹ đã trao cho mình từ khi còn ấu thơ. Và đó là cách bạn áp dụng lại cho các con của mình. Tuy nhiên, mỗi thế hệ đều mang theo những đặc điểm của thời đại mà họ được sinh ra và lớn lên. Bạn không thể dạy con trong khuôn khổ khác với những gì chúng vẫn tiếp xúc hàng ngày. Vậy nhưng, những giá trị tốt đẹp và bền vững thì không bao giờ thay đổi. Do đó, để đồng hành cùng con, song song với những bài học làm người căn bản, bạn nên tìm hiểu về thế giới xung quanh chúng xem điều gì đã thay đổi. Hẳn bạn không muốn mình là những ông bố, bà mẹ lạc hậu phải không?
5. Bạn học gì nơi con
Mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ qua lại. Mỗi bên đều có sự ảnh hưởng ngược lại với bên kia. Một lúc nào đó, khi đã thực sự trở thành những ông bố, bạn sẽ chân nhận rằng mình khám phá ra chính mình qua các con.
6. Linh hoạt giữa kèm cặp và cho trẻ tự lập
Linh hoạt giữa kèm cặp và dạy cho trẻ tự lập.
Bạn theo sát con, điều này không sai. Chúng cần được bảo vệ và uốn nắn kịp thời. Nhưng đôi khi bạn hãy để chúng tự đi trên đôi chân của mình. Vấp ngã chưa hẳn đã là tai nạn. Và đó là cách bạn trao lại cho chúng quyền quản lý cuộc đời mình. Đương nhiên, điều đó luôn đi đôi với trách nhiệm.
7. Giữ con trong sự an toàn
Khi con mới chập chững bước đi, những tai nạn luôn tiềm ẩn. Ngay cả trong lúc ngủ, các cơn đột tử vẫn có thể xảy ra. Vì thế, bạn hãy luôn để mắt tới con mọi lúc khi chúng còn là những thiên thần nhỏ cần bàn tay nắm. Hãy chắc chắn trong gia đình mọi ngóc ngách đều giảm thiểu tối đa nguy cơ tai nạn cho trẻ.
Khi trẻ đã lớn, bạn không cần phải chăm bẵm quá mức nhưng cái nhìn dõi theo hàng ngày bằng cách quan tâm đến suy nghĩ của con, nắm bắt thay đổi của con, biết rõ bạn bè con gồm những ai…vẫn hết sức cần thiết để giữ con trong sự an toàn.
8. Cân bằng cuộc sống vợ chồng
Cân bằng cuộc sống vợ chồng.
Nhiều cặp vợ chồng trở thành những cái máy chăm con mà quên mất rằng mình cần giành thời gian cho nhau. Điều này chẳng những có ý nghĩa trong chuyện tình cảm vợ chồng mà còn liên hệ chặt chẽ đến sức khỏe và tâm lý của cả hai. Vì thế, cần thiết, bạn nên gửi cho nhờ ông bà trông hộ và giành cho nhau khoảng thời gian riêng tư để hâm nóng xúc cảm. Đó cũng là cách tiếp thêm cho bạn sinh lực và tinh thần để tiếp tục bắt tay vào công việc và nuôi dạy các con nên người.
9. Tin tưởng vào linh cảm của người cha
Mặc cho việc đây là lần đầu tiên làm bố mẹ, bạn hãy tin rằng mỗi một ông bố, bà mẹ đều có những linh cảm đặc biệt của mình trong việc chăm sóc các con. Bạn có thể lắng nghe những ý kiến góp ý chân thành hoặc thực hiện nguyên mẫu những phương pháp giáo dục con. Nhưng trên hết chính linh cảm của một người mẹ, một người cha sẽ mách cho bạn biết bạn nên làm gì. Và đó mới thực sự là điều con cái cần nhất ở nơi bạn. Vì thế, đừng bao giờ quên lắng nghe con tim của người cha, người mẹ trong bạn.
Yeutre.vn