1. Tính cách của một đứa trẻ bướng bỉnh thể hiện như thế nào
Trên thực tế, không phải bất cứ một đứa trẻ nào có cá tính mạnh cũng bướng bỉnh. Vì vậy, việc phân biệt trẻ có tính cách mạnh mẽ hay ương bướng rất quan trọng để giúp cha mẹ có hành động phù hợp.
Một đứa trẻ cá tính thường khá thông minh và sáng tạo. Chúng sẽ đặt rất nhiều câu hỏi mà đôi khi khiến chúng ta nghĩ là chúng có ý định nổi loạn. Chúng có chính kiến và là người thích hành động. Mặt khác, trẻ bướng bỉnh thường rất bảo thủ và không sẵn sàng lắng nghe những gì bạn nói.
Dưới đây là một số đặc điểm khác thường thấy ở một đứa trẻ bướng bỉnh:
- Trẻ có nhu cầu mạnh mẽ về việc được thừa nhận và lắng nghe nên sẽ thường xuyên tìm cách thu hút sự chú ý của bạn
- Trẻ có thể độc lập một cách cực đoan
- Trẻ cam kết và quyết tâm làm những gì chúng thích
- Trẻ nổi cơn thịnh nộ một cách thường xuyên (dù đây là trạng thái phổ biến ở mọi đứa trẻ nhưng trẻ bướng bỉnh thể hiện nó với mật độ dày hơn)
- Trẻ có xu hướng lãnh đạo người khác, và thường tỏ ra kẻ cả
- Trẻ thích làm mọi thứ theo tốc độ của mình
2. Hiểu tâm lý trẻ bướng bỉnh
Nếu sự quyết tâm là một trong những đức tính của bạn thì chắc chắn bạn cũng muốn nhìn thấy nó ở trẻ. Tuy nhiên, điều khó khăn là bạn nhận biết được sự khác biệt giữa quyết tâm và bướng bỉnh. Vậy làm thế nào để bạn phân biệt được hai đặc điểm này ở trẻ?
Từ quyết tâm được định nghĩa là “sự vững chắc của mục đích”. Trong khi đối với bướng bỉnh, đó là một quyết tâm không lay chuyển được để làm điều gì đó hoặc hành động theo một cách cụ thể.
Nói một cách đơn giản thì bướng bỉnh nghĩa là từ chối thay đổi một suy nghĩ, hành vi hay hành động của một người, bất kể áp lực bên ngoài tác động lên.
Sự bướng bỉnh ở trẻ em có thể do di truyền hoặc là một hành vi mắc phải do ảnh hưởng của môi trường.
Cách dạy dỗ trẻ bướng bỉnh đòi hỏi cha mẹ phải kiên nhẫn và nỗ lực cao hơn bình thường, vì bạn sẽ cần quan sát kĩ mô hình hành vi của trẻ.
Một vài lời khuyên dưới đây có thể hưu ích cho bạn trong việc đối phó với một đứa trẻ bướng bỉnh.
3. Một số lời khuyên hữu ích giúp bạn dạy dỗ trẻ bướng bỉnh
3.1. Hãy lắng nghe trẻ
Giao tiếp là một con đường hai chiều. Nếu bạn muốn trẻ lắng nghe mình, thì bản thân bạn phải lắng nghe con trước. Vì trẻ bướng bỉnh thường khá bảo thủ và có xu hướng hay phản đối. Nếu cảm thấy mình không được lắng nghe, trẻ sẽ có khuynh hướng cãi lại và trở nên thách thức.
Tuy nhiên, đa phần việc lắng nghe và trò chuyện một cách cởi mở sẽ giúp cải thiện sự ương bướng của trẻ khi chúng đang khăng khăng muốn hoặc không muốn làm một việc gì đó.
Ví dụ, nếu trẻ nổi cáu và không muốn tiếp tục ăn bữa trưa của mình, thay vì ép trẻ ăn tiếp, bạn hãy hỏi trẻ tại sao không muốn ăn và lắng nghe câu trả lời của con. Trẻ có thể đơn giản chỉ đang đùa giỡn hoặc thực sự bị đau bụng.
3.2. Hãy đừng ép buộc trẻ
Khi bạn ép buộc trẻ một việc gì đó, trẻ thường sẽ nổi loạn và làm ngược lại những gì bạn nói. Một thuật ngữ định nghĩa chính xác hành vi này đó chính là “phản tác dụng” – đây là một đặc điểm chung của những trẻ ương bướng (nó cũng là một bản năng và không chỉ giới hạn ở trẻ em).
Thay vì ép buộc, bạn hãy kết nối với trẻ.
Ví dụ, việc ép buộc trẻ đi ngủ, khi trẻ đang khăng khăng muốn xem tivi, sẽ không có tác dụng gì. Thay vào đó, bạn hãy cùng ngồi lại với trẻ và thể hiện sự quan tâm đến những gì trẻ đang xem. Lúc này, có khả năng trẻ sẽ phản ứng tích cực, và bạn có cơ hội để nói chuyện với trẻ về việc đi ngủ khi đến giờ.
Trẻ em có sự kết nối với cha mẹ hoặc người chăm sóc thường cũng muốn hợp tác. Việc thiết lập một mối liên hệ vững chắc với những đứa trẻ thích thách thức sẽ giúp bạn dễ dàng đối phó với chúng hơn.
Bạn có thể thực hiện bước đầu của sự kết nối với trẻ ngay hôm nay bằng cách hãy ôm chúng.
3.3. Hãy cho trẻ lựa chọn
Trẻ bướng bỉnh thường có suy nghĩ và quyết định riêng nên sẽ không thích được bảo phải làm gì. Nếu bạn nói với con gái 4 tuổi của mình phải đi ngủ lúc 9 giờ tối, bạn sẽ nhận được câu trả lời không. Hay nếu bạn lựa chọn cho cậu con trai 6 tuổi của mình một món đồ chơi, thì phản ứng của con sẽ là không muốn nó.
Do vậy, thay vì chỉ huy, bạn hãy cho trẻ lựa chọn. Thay vì bắt trẻ đi ngủ, bạn hãy hỏi trẻ muốn nghe câu chuyện A hay B trước khi ngủ.
Bạn có thể vẫn phải nghe câu trả lời: “Con không muốn đi ngủ” từ trẻ. Khi đó, hãy bình tĩnh và nói với trẻ đó không phải là một trong những lựa chọn. Bạn hãy lập lại điều này với trẻ nhiều lần nếu cần và với thái độ hòa nhã nhất có thể. Khi bạn nhận thấy trẻ bắt đầu lung lay nghĩa là cách giải quyết của bạn đã có hiệu quả.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là quá nhiều lựa chọn trước mắt cũng không phải là tốt. Ví dụ, nếu bạn yêu cầu trẻ chọn một bộ đồ trong tủ quần áo, trẻ sẽ rất bối rối. Bạn có thể tránh trường hợp này bằng cách giới hạn sự lựa chọn của trẻ xuống còn 2-3 bộ (tất nhiên do bạn chọn), và để trẻ chọn trong số đó.
3.4. Hãy bình tĩnh
Việc quát tháo một đứa trẻ đang thách thức và phản đối sẽ dễ dàng biến cuộc trò chuyện giữa bạn với trẻ thành một cuộc chiến và sẽ làm cho tình huống trở nên tệ hơn.
Bạn cần ý thức được vai trò điều khiển cuộc nói chuyện để đi đến kết luận thực tế chính là của bạn, phụ thuộc vào bạn. Vì vậy, bạn hãy giúp trẻ hiểu được sự cần thiết của việc cư xử đúng mực trong các cuộc giao tiếp , không chỉ riêng với bạn, mà còn với những người lớn khác.
Để giữ được bình tĩnh, bạn hãy thực hiện tất cả những hoạt động mà bạn thấy có tác dụng như thiền, hít thở, đi dạo, nghe hoặc chơi nhạc tại nhà để ngay cả trẻ cũng có thể nghe được. Thỉnh thoảng, bạn có thể mở loại nhạc trẻ thích để con cũng cảm thấy mình được tôn trọng và thư giãn.
3.5. Hãy tôn trọng trẻ
Trẻ thường sẽ không chấp nhận thẩm quyền của bạn (dù công khai hay trong ý nghĩ) nếu bạn bắt buộc chúng.
Bạn hãy thể hiện sự tôn trọng trẻ bằng cách:
- Hãy tìm kiếm sự hợp tác của trẻ, đừng nhấn mạnh vào việc tuân thủ các chỉ thị
- Hãy đưa ra các quy tắc một cách nhất quán cho mọi trẻ trong nhà, đừng nới lỏng vào một thời điểm nào đó với riêng một trẻ nào chỉ vì bạn thấy thuận tiện
- Hãy thông cảm với trẻ và đừng bao giờ phớt lờ cảm xúc cũng như suy nghĩ của chúng
- Hãy để trẻ tự làm những gì có thể cho bản thân. Bạn nên tránh bị cám dỗ làm điều gì đó cho con với mục đích làm giảm gánh nặng cho chúng trong khi những việc đó chúng có thể tự làm được. Điều này cũng cho trẻ thấy bạn tin tưởng chúng
- Hãy nói rõ ý của bạn và làm đúng những gì bạn nói
- Hãy hướng dẫn trẻ bằng ví dụ và hành động của chính bạn. Đây chính là câu thần chú bạn nên tuân theo vì trẻ đang quan sát bạn mọi lúc.
3.6. Hãy hợp tác với trẻ
Trẻ bướng bỉnh hay những trẻ có cá tính mạnh thường rất nhạy cảm với cách đối xử của bạn với chúng. Vì vậy bạn hãy thận trọng với từ ngữ bạn nói ra, ngôn ngữ cơ thể bạn biểu hiện và cao độ giọng nói của bạn. Khi trẻ không còn thấy thoải mái với hành vi của bạn, chúng sẽ làm tất cả những gì chúng cho là có thể bảo vệ bản thân như phản đối, cãi lại, hay thể hiện thái độ gây hấn.
- Thay đổi cách bạn tiếp cận một đứa trẻ bướng bỉnh có thể thay đổi cách chúng phản ứng với bạn. Thay vì bạn bảo trẻ phải làm gì, hãy hợp tác với chúng
- Thay vì dùng những câu ra lệnh như: “Mẹ muốn con làm việc này”, hãy nói “Con hãy làm việc này nhé” hay “Chúng ta hãy thử việc này xem sao nhé”
- Bạn hãy làm cho các hoạt động trở nên vui vẻ thú vị. Ví dụ nếu bạn muốn đứa trẻ ngang bướng của mình dọn dẹp đồ chơi, bạn hãy tự làm trước và yêu cầu trẻ làm người giúp đỡ đặc biệt
- Bạn có thể thách đố trẻ thực hiện một việc gì đó nhanh hơn bạn, chắc chắn trẻ sẽ cố gắng hết sức mình
3.7. Hãy đàm phán
Đôi khi, bạn cũng cần phải thương lượng với trẻ. Thông thường, trẻ sẽ phản ứng khi không nhận được những gì trẻ muốn. Nếu bạn muốn trẻ lắng nghe, bạn cần hiểu được điều gì ngăn cản trẻ làm như vậy.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách hỏi trẻ: “Có chuyện gì đang làm phiền con không?”, hay “Có chuyện gì xảy ra mà mẹ không biết không?”, hoặc “Con có muốn gì không?”. Việc này cho trẻ thấy bạn tôn trọng mong muốn của trẻ và sẵn sàng xem xét chúng.
Đàm phán không có nghĩa là bạn phải nhượng bộ trước những đòi hỏi của trẻ mà là bạn quan tâm đến trẻ một cách chu đáo và thiết thực.
Ví dụ, trẻ có thể không muốn đi ngủ vào giờ quy định. Thay vì ép buộc, bạn hãy thương lượng với trẻ để thiết lập khung giờ mới phù hợp với cả bạn và trẻ.
3.8. Hãy tạo không khí hòa nhã trong gia đình
Trẻ học qua sự quan sát và trải nghiệm. Nếu trẻ thấy cha mẹ mình thường xuyên cãi nhau, chúng sẽ học cách bắt chước điều đó. Sự bất hòa trong hôn nhân giữa cha mẹ có thể dẫn đến không khí căng thẳng trong gia đình, từ đó ảnh hưởng đến tâm trạng và hành vi của con cái. Theo một nghiên cứu, bất hòa trong hôn nhân có thể dẫn đến sự khép kín với xã hội và thậm chí xu hướng gây hấn ở trẻ.
3.9. Hãy thấu hiểu trẻ
Để có thể hiểu hơn về hành vi đứa trẻ bướng bỉnh của bạn, bạn hãy thử nhìn nhận tình huống từ quan điểm của trẻ. Bạn nên cố gắng đặt mình vào vị trí của trẻ, tưởng tượng những gì chúng phải trải qua để có thể dẫn đến hành vi như vậy. Bạn càng thấu hiểu trẻ thì càng dễ đối phó với sự bướng bỉnh của chúng.
Bạn cũng nên thông cảm với trẻ ngay cả khi không đáp ứng đòi hỏi của chúng, cũng như hiểu sự tức giận, thất vọng của trẻ trong khi vẫn giữ vững lập trường của mình.
Ví dụ, nếu trẻ không sẵn sàng làm bài tập về nhà vì khối lượng quá nhiều. Bạn có thể hỗ trợ trẻ bằng cách giúp con chia nhỏ lượng bài tập sao cho có thể hoàn thành mỗi phần trong khoảng thời gian ngắn. Bên cạnh đó, bạn để trẻ nghỉ giải lao vài phút với những hoạt động thư giãn nhẹ nhàng hoặc một món ăn nhẹ sau khi hoàn thành mỗi phần bài tập. Như vậy, “nhiệm vụ” học tập sẽ trở nên bớt căng thẳng hơn đối với trẻ.
3.10. Hãy khuyến khích các hành vi tích cực của trẻ
Sẽ có lúc bạn không biết phải làm gì với trẻ bướng bỉnh để kiểm soát cơn giận và hành vi gây hấn của chúng. Nhưng nếu bạn phản ứng mà không suy nghĩ thận trọng, bạn có thể thúc đẩy thậm chí vô tình khuyến khích sự phát triển thái độ và hành vi tiêu cực của trẻ đối với vấn đề.
Ví dụ, trẻ có thể đang trả lời “không” với tất cả những gì bạn nói. Lúc này bạn hãy nghĩ lại xem mình có thường xuyên nói “không” với trẻ hay không. Nếu có, thì phản ứng của trẻ cho thấy bạn đang củng cố hành vi tiêu cực của trẻ bằng chính việc làm của mình.
Một cách rất thú vị để giúp thay đổi phản ứng tiêu cực của một đứa trẻ bướng bỉnh, đó chính là trò chơi “Nói có”.
Khi chơi trò này, trẻ phải trả lời “có” với tất cả các câu hỏi của bạn. Những câu hỏi như: “Con có thích kem không?”, “Con có thích chơi với đồ chơi của mình không?”, “Con có muốn xem con khủng long nổi trong bồn tắm như thế nào vào ngày mai không?”,…đều có khả năng nhận được câu trả lời có từ trẻ. Trẻ càng phản ứng tích cực với trò chơi thì càng chứng tỏ chúng đang cảm thấy được lắng nghe và đánh giá cao.
4. Đối mặt với một số vấn đề phổ biến khi dạy trẻ bướng bỉnh như thế nào
4.1. Làm thế nào để tập cho trẻ bướng bỉnh đi vệ sinh
Tập cho trẻ đi vệ sinh là một công việc không phải dễ dàng. Đối với trẻ bướng bỉnh thì đây có thể xem là nỗi nhức nhối của cha mẹ. Để giúp việc huấn luyện này trở nên dễ dàng hơn, bạn có thể thực hiện một số mẹo sau:
- Trò chuyện với trẻ về việc đi vệ sinh
- Giải thích cho trẻ mọi thứ diễn ra như thế nào
- Làm cho việc đi vệ sinh trở nên vui vẻ, đừng gây áp lực nếu trẻ từ chối sử dụng nhà vệ sinh
Bạn cần lưu ý rằng một đứa trẻ bướng bỉnh có thể mất nhiều thời gian hơn trong việc tập đi vệ sinh . Vì vậy hãy kiên nhẫn và giúp trẻ hoàn thành mục tiêu thay vì thúc ép chúng.
4.2. Làm thế nào để trẻ bướng bỉnh chịu ăn ngoan
Ăn uống là vấn đề dễ khiến trẻ phản đối nhất. Ngay cả món ăn trẻ yêu thích, bạn không phải lúc nào cũng bắt chúng ăn được.
Vì vậy, cách tốt nhất để khiến trẻ chịu ăn những thực phẩm tốt cho sức khỏe, đó là làm cho bữa ăn trở thành một hoạt động vui vẻ, thú vị, bằng cách:
- Trình bày món ăn của trẻ một cách sinh động, sáng tạo
- Cho trẻ tham gia vào quá trình chuẩn bị bữa ăn (như phụ bếp, dọn bàn ăn,…)
- Khuyến khích trẻ ăn thử món ăn (dù chỉ một miếng nhỏ) trước khi từ chối chúng. Hãy dọn cho trẻ khẩu phần nhỏ (đối với tất cả các món ăn) và để trẻ chọn lựa những thứ mình muốn ăn
- Chuẩn bị một món tráng miệng thật ngon để tạo động lực cho trẻ hoàn thành bữa ăn của mình
4.3. Phạt trẻ bướng bỉnh như thế nào
Mọi đứa trẻ cần hiểu về các luật lệ và quy tắc để ý thức được hậu quả tốt hay xấu từ hành động của mình.
Khi đưa ra hình phạt, bạn cần chắc chắn trẻ nhận thức được hậu quả của việc phá vỡ các quy tắc.
Hình phạt nên giúp trẻ thấy được hậu quả hành động của mình một cách tức thì để trẻ có thể dễ dàng kết nối hành động của mình với kết quả có thể nhận được. Bạn có thể áp dụng một số hình thức phạt như suy gẫm, cắt giảm thời gian vui chơi, xem tivi hay làm việc nhà (những việc nằm ngoài danh sách công việc nhà thông thường của trẻ) hoặc những hình thức phạt linh động khác phù hợp với tình huống cụ thể.
Bạn lưu ý rằng điều quan trọng của việc áp dụng hình phạt không phải để làm trẻ phải chịu đau, mà là để giúp trẻ nhận ra rằng mình đã làm sai.
Cách dạy dỗ trẻ bướng bỉnh là việc đòi hỏi các bậc cha mẹ phải rất kiên nhẫn và bình tĩnh. Vì nếu không thận trọng, cách làm của bạn có thể trở nên phản tác dụng. Và trẻ ương bướng có thể càng trở nên ngang ngạnh hơn. Do vậy, bạn hãy cố gắng đầu tư thời gian để lập kế hoạch “huấn luyện” phù hợp với tính cách của trẻ và giúp đưa con vào nề nếp một cách hòa bình nhất nhé.
Theo Momjuntion
Lily Nguyễn lược dịch