Khi trẻ có em - nỗi buồn mang tên "được lên chức anh - chị" và cách xoa dịu trẻ theo độ tuổi

Khi trẻ có em sẽ đi kèm với một nỗi buồn mang tên “trẻ lớn” hay “con đầu lòng” hay “được lên chức anh chị, mà các cô bé cậu bé dù bao nhiêu tuổi cũng đều gặp phải. Tuy nhiên, điều này không phải mọi bậc cha mẹ hay người lớn chung quanh trẻ dễ nhận ra hay chịu nhìn nhận. Vậy để giúp các bé ở các độ tuổi khác nhau vượt qua được nỗi buồn này như thế nào, chúng ta hãy cùng tham khảo nội dung chia sẻ ngay sau đây nhé.

banner ads

1. Khi trẻ có em và những câu chuyện dở khóc dở cười

Khi tôi mang thai bé thứ hai – Issac, một người bạn đã kể lại cho tôi câu chuyện không được vui vẻ lắm về con của cô ấy: Trong khi em bé thứ hai của cô ấy đang ngủ, thì cô nghe thấy bé đầu đang thì thầm với bạn mình, “Khi mẹ ở trong bếp, chúng ta có thể nhổ nước miếng vào người nó (em mới sinh của cậu bé).” Nghe câu chuyện, tôi đã khá lo lắng và kiên quyết không để sự việc tương tự xảy ra trong nhà mình. Tuy không xảy ra một vụ việc “nhổ nước miếng nào” nhưng chắc chắn vẫn có sự ghen tỵ tồn tại.

Có một lần, con gái 3 tuổi – Hannah của tôi đã đề nghị bố mẹ với một nụ cười ngọt ngào trên môi rằng hãy làm cho em trai mới sinh một ngôi nhà dành cho cún thật đẹp và đặt ở sân sau cho em trai ở.

Trẻ ghen tỵ khi có em
Bất cứ đứa trẻ nào cũng nổi cơn ghen tỵ khi có thêm em - một tình trạng phổ biến và rất bình thường. Ảnh Internet

Hẳn 2 câu chuyện trên chỉ là số ít điển hình trong vô vàn câu chuyện "khó đỡ" về trẻ khi có em, khiến bố mẹ rơi vào tình trạng dở khóc dở cười và khó xử lý. Tất nhiên, ghen tỵ là một trạng thái thường gặp đối với hầu hết con đầu lòng khi có em. Cách bạn xử lý tình trạng này sẽ quyết định việc bé đầu sẽ xem em của mình là bạn hay thù. Những gợi ý theo độ tuổi dưới đây hy vọng sẽ giúp bạn có cách “dàn xếp” đối với bé lớn để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp đối với thành viên mới của gia đình (và tất nhiên giúp bé không nhổ nước miếng vào ai cả).

2. Giúp trẻ xây dựng mối quan hệ tốt với em bé - cách xoa dịu nỗi buồn và tâm lý con một cách hiệu quả

2.1 Đối với trẻ dưới 24 tháng tuổi

Những điều bạn có thể dự đoán

Bé lớn Issac nhà tôi đã 15 tháng tuổi – độ tuổi mà bé chưa nhận thức được gì nhiều về việc có em. Tuy nhiên thực sự đây là một biến chuyển tâm lý lớn khi trở thành anh/ chị lúc chưa đầy 2 tuổi. Đây là độ tuổi khó khăn nhất trong việc chấp nhận sự có mặt của em bé. Vì ở độ tuổi này, bé cần sự tập trung hoàn toàn của ba mẹ vào mình. Nếu không, bé sẽ dễ dàng trở nên ghen tỵ và khó lòng nhìn nhận em bé như một thành viên mới của gia đình. Trường hợp bé không có vẻ phiền lòng về sự xuất hiện của em bé, thì trong tâm lý trẻ , trạng thái của trẻ là sự đau buồn vẫn tồn tại và có thể thể hiện ra tại một thời điểm nào đó sau này, thường là khi em bé bắt đầu biết chơi đồ chơi và đặc biệt khi bé biết cầm, giữ, với lấy đồ chơi của anh/ chị mình.

banner ads
Trẻ buồn khi có thêm em
Trong lòng bất cứ đứa trẻ nào cũng tồn tại một nỗi buồn khi có thêm em. Ảnh Internet
Giải quyết như thế nào

Bạn hãy tập điềm tĩnh từ bây giờ và cố gắng thiết lập khoảng thời gian một mình với bé lớn, dù chỉ là 15 phút đọc truyện trong khi ai khác đang bế bé nhỏ. Hãy nhắc mình nở nụ cười với anh/ chị cả khi bé bước vào phòng, như bạn vẫn thường làm trước kia (trước khi sinh bé sau). (Hãy tự nhủ chẳng tốn mấy năng lượng khi ôm và hôn một thiên thần bé nhỏ). Bạn cũng đừng tự bẫy mình bằng cách thỏa thuận với bé điều gì đó. Ví dụ khi bé muốn bạn bế bé trong khi bạn đang cho bé nhỏ bú, hãy nói với bé rằng: “Con rất buồn vì bây giờ mẹ không thể bế con phải không, mẹ cũng vậy. Con hãy tới ngồi cạnh mẹ và em này. Mẹ cho em ăn xong sẽ bế con nhé.”

2.2 Đối với bé 2-3 tuổi

Những điều bạn có thể dự đoán

Rất nhiều trẻ ở độ tuổi này có thể quấy khóc và bám mẹ đặc biệt là sau sự xuất hiện của em bé. “Ngay khi em bé được đưa về nhà, một trong hai đứa sinh đôi 3 tuổi của tôi đã trở nên cực kỳ ghen tỵ” Chị Any Shoaff, một bà mẹ ở Westchester, California cho biết. “Bé nói bé muốn rắc phấn rôm vào tã, việc mà bé thấy tôi làm cho em bé, và bé gào khóc đến khi được làm cho như vậy mới thôi.” Những đứa trẻ anh/ chị có thể muốn được chăm bẵm như em bé trở lại như bú mẹ hoặc bú bình nếu đã cai sữa. Giờ chuẩn bị đi ngủ có thể trở thành thảm họa, bé có thể muốn ngủ với bạn thay vì ngủ trong phòng riêng của bé, đặc biệt nếu em bé cũng được ở chung phòng với bạn. Và nếu bình thường bé ngủ xuyên đêm thì nay bé có thể gặp ác mộng hoặc giật mình thức giấc giữa đêm khi nghe em bé khóc. Khi có em , hầu hết các trẻ ở độ tuổi tập đi và lớn hơn một chút sẽ cảm thấy rất mâu thuẫn về “em bé mới”. Một phần trong trẻ chỉ muốn trở lại thành em bé và phần khác lại muốn tự làm mọi thứ một cách tự chủ và độc lập.

Trẻ muốn mẹ bồng bế
Khi có em, trẻ muốn được mẹ chăm bẵm như em bé trở lại. Ảnh Internet
Giải quyết như thế nào

Hãy trò chuyện với trẻ. Hãy thử nói với trẻ những câu như: “Có vẻ như con cũng muốn trở thành em bé nhỉ”. Và để trẻ đóng vai em bé một lúc. Bạn sẽ thấy rằng trẻ sẽ chỉ đòi làm em bé một vài lần nữa mà thôi.

Để giúp trẻ lớn nhà bạn thích nghi được với “cuộc sống” mới (sau khi có em) của mình, bạn hãy lập kế hoạch ngay từ khi đang mang thai. Hãy rút ngắn các thói quen đi ngủ của bé. Bên cạnh đó, nếu trẻ đã quen với việc mẹ là người đánh thức trẻ và giúp trẻ ăn sáng thì hãy chuyển việc này cho chồng bạn sớm và tất nhiên trước khi bạn sinh. Bố cũng phải thể hiện sự hào hứng của mình đối với những việc này, vì nó sẽ tác động rất tích cực đến thái độ và tâm trạng của trẻ. Nếu em bé sẽ ngủ trong nôi/ cũi của trẻ lớn, bạn hãy sắm giường hoặc cũi mới cho trẻ lớn ít nhất vài tháng trước khi sinh em bé. Một điều rất quan trọng nữa là bạn hãy tránh đổ lỗi cho em bé (trước mặt trẻ lớn) vì bất kỳ thay đổi mang tính tiêu cực nào trong nhà, vì như vậy sẽ vô tình hình thành nên sự oán giận trong lòng trẻ lớn.

Bố hãy thay mẹ dần dần trong việc chăm sóc trẻ
Bố hãy thay mẹ dần dần trong việc chăm sóc trẻ, ngay từ khi mẹ vừa mang thai. Ảnh Internet

2.3 Đối với trẻ 4-6 tuổi

Những điều bạn có thể dự đoán

Trẻ em ở độ tuổi này đã hiểu chuyện hơn và có thể khá bình tĩnh khi tiếp nhận sự giới thiệu thành viên mới. Vì thế nếu em bé có trớ sữa lên anh/ chị mình, thì bạn cũng có thể dễ dàng giải thích cho trẻ rằng em không cố ý. Nếu em bé có với lấy đồ chơi của anh/ chị thì bạn cũng có thể giúp trẻ cất món đồ chơi yêu thích để em bé khỏi nghịch vào. (Tất nhiên những món đồ chơi có thể gây nguy hiểm phải được để tránh xa tầm tay của bé) Trẻ em trong nhóm độ tuổi này cũng có khả năng đối phó với tình huống tốt hơn.

Bé có thể sẽ không bận lòng lắm về việc phải chờ đến lượt hoặc phải đợi đôi chút để được kể chuyện hay ăn quà vặt. Ngoài ra, thế giới của trẻ 4-6 tuổi cũng mở rộng hơn, ngoài ba mẹ trẻ còn có bạn bè, trường học, sân chơi và các hoạt động khác. Trẻ sẽ không còn phụ thuộc hoàn toàn vào bạn trong mọi thứ nữa. Tuy vậy, bạn vẫn là người rất quan trọng đối với trẻ và nếu trẻ không có được đủ sự quan tâm cần thiết, trẻ có thể rơi vào nỗi sợ hãi rằng mình sẽ bị bỏ rơi và có thể phản kháng theo cách nào đó.

Giải quyết như thế nào

Dành thời gian riêng cho trẻ lớn là cách hiệu quả nhất để xoa dịu nỗi sợ hãi bị bỏ rơi của bé. Dẫu chỉ là một chuyến đi ngắn đến cửa hàng tạp hóa, hãy rủ trẻ đi cùng và để chồng bạn trông em bé ở nhà. Và nếu em bé có làm gì khiến trẻ lớn tức giận, hãy ủng hộ trẻ: Hãy thay cuốn sách bị rách cho trẻ, dỗ dành trẻ bằng một bài hát dịu dàng trên điện thoại của bạn. Hãy nói với bé: “Mẹ biết thật là khó cho con, chúng ta hãy cùng hít thở thật sâu nào.”

Đừng bỏ rơi trẻ dù trong bất cứ tình huống nào
Đừng bỏ rơi trẻ dù trong bất cứ tình huống nào. Ảnh Internet

2.4 Đối với trẻ 7-8 tuổi

Những điều bạn có thể dự đoán

Ở độ tuổi này, nếu bạn hỏi con ngày hôm nay của con như thế nào, trẻ có thể chỉ trả lời: “Ổn”. Vì vậy, bạn cần phải nỗ lực để có thể hiểu được và giúp trẻ cởi mở hơn và thể hiện những cảm xúc của mình. Thách thức lớn ở đây là bạn làm cho trẻ chịu thể hiện bất kỳ sự ghen tức nào có thể dẫn tới những hành vi tiêu cực, đặc biệt đối với em bé mới sinh (như cãi bướng hay phớt lờ em bé).

Giải quyết như thế nào

Khi các con tôi ở độ tuổi này, vũ khí bí mật của tôi làm cho chúng cởi mở hơn là 15 phút thủ thỉ trước khi đi ngủ. Trong khi lũ trẻ hầu như không nói gì khi tôi đón chúng đi học về, chúng lại kể lể rất nhiều vào giấc hơn 8 giờ tối. Bạn nên hỏi han trẻ về cảm nhận của bé trước và sau khi có em, có gì vui và có gì chán. Nếu trẻ biểu lộ sự ghen tỵ của mình, bạn hãy dỗ dành trẻ và hỏi xem mình có thể làm gì giúp bé không. Hoặc bạn cũng có thể kể cho bé nghe về khoảng thời gian bạn cũng từng ghen tỵ như thế đối với em mình. Để giúp xây dựng mối quan hệ giữa các con, bạn hãy cố gắng kết nối trẻ lớn với em bé. Hãy đề nghị trẻ giúp bạn chăm em như quấn khăn cho em sau khi tắm hay đọc truyện cho em. Tuy nhiên, bạn hãy thận trọng đừng quá dựa dẫm vào anh/ chị cả để biến bé trở thành một người chăm trẻ “nhí”, vì việc đó có thể nhanh chóng biến thành gánh nặng đối với bé.

Hỏi han chia sẻ và giúp trẻ xây dựng mối quan hệ tốt với em bé
Hỏi han chia sẻ và giúp trẻ xây dựng mối quan hệ tốt với em bé. Ảnh Internet

3. Một số mẹo nhỏ có thể hữu ích cho bạn để giúp bé thích nghi khi có em

  • Bạn đừng cố gắng điều chỉnh cảm xúc tiêu cực của trẻ lớn, mà hãy làm hết sức có thể để hiểu cảm nhận của trẻ và chấp nhận chúng.
  • Thỉnh thoảng hãy vào hùa với bé và đừng ngại tỏ ra ngớ ngẩn một chút, ví dụ khi bé đề nghị làm chuồng cún cho em ở, bạn hãy nói: “Ừ, hãy giả bộ xây nhà cún cho em bé ở nào, chúng ta có thể đưa cả chú Noah vào đó ở nữa nhỉ.”
  • Tuy nhiên đừng giả vờ quá ngớ ngẩn (hoặc quá thường xuyên) vì có thể làm thu giảm cảm giác của con.
  • Hãy nghiêm túc bày tỏ sự cảm ơn và lòng tự hào mỗi khi trẻ đối xử ngọt ngào với em.
  • Giúp trẻ lớn thích nghi với việc có em là cả một quá trình. Nếu bạn không chắc về những việc mình định làm, hãy trò chuyện với những bà mẹ thông thái đã có con lớn, bác sỹ nhi khoa hoặc các nhà tư vấn.

Có thể nói rằng, khi trẻ có em - diễn biến tâm lý của con phức tạp hay đơn giản, nỗi buồn của con trở nên nhẹ nhàng hơn hay tình trạng trở nên xấu đi, đều dựa trên cách xử lý của cha mẹ. Do vậy, tìm hiểu những cách cụ thể để xoa dịu con trẻ - là một việc làm quan trọng cần được chuẩn bị, mà bất cứ bậc phụ huynh nào cũng phải lưu ý quan tâm.

Theo Parents.com

Lily Nguyễn lược dịch

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI