Chị Bích Thủy, một bà mẹ Việt đang sống tại Mỹ đã vô cùng bất ngờ khi thấy bọn trẻ – con bạn chị, đến giờ là lên giường ngủ. Chị Thủy cho biết, khi chị còn nhỏ, cả nhà 4 người nằm trên một cái giường. Em chị một đêm dậy khóc mấy lần, cả nhà thay phiên nhau bế ru em ngủ. Khi chị có con, những tuần và tháng đầu tiên, con cứ ngủ được 2-3 tiếng là dậy khóc đòi sữa, đòi bế. Hai vợ chồng thay phiên nhau cho con uống sữa, bế, đung đưa, hát ru cho con ngủ lại. Trong thời gian ở Mỹ, khi đến thăm một người bạn tên Alex, chị ngạc nhiên thấy hai bé con của cô, một bé 1 tuổi rưỡi, một bé 3 tuổi, tự ngủ. “13h chiều, Alex đưa Owen 3 tuổi vào phòng riêng của bé, Owen tự trèo lên cái giường nhỏ thấp, đắp chăn rồi nằm đó. Alex vẫy tay ‘Sleep well’ rồi nhẹ nhàng đóng cửa. Tiếp đó, cô đưa Leah vào phòng con, mặc cho Leah một cái chăn giống như chiếc túi ngủ, đặt con vào trong cũi. Cô để vào cũi một bình nước, loại bình nếu có đổ nước cũng không chảy ra và chỉ chảy khi bé mút ống hút. Cô cũng nói ‘Sleep well’, rồi nhẹ nhàng đóng cửa phòng. Thế là xong, không một tiếng khóc”, chị Bích Thủy kể.
Cho con vào giường, Alex chỉ cần chào con là bé đã tự ngủ. Ảnh minh họa
Khi chị và cô bạn Alex xuống nhà hàn huyên, khoảng một tiếng rưỡi sau, Leah khóc. Bé đã tỉnh giấc và Alex lên tầng đưa con xuống. “Đó quả thực là một điều tuyệt vời! Thử nghĩ bao nhiêu thời gian Alex đã tiết kiệm được, bao nhiêu công sức và mệt mỏi mà Alex không phải chịu đựng khi bế và ru con ngủ”, bà mẹ Việt chia sẻ.
Thực tế, ở Mỹ, ông bố bà mẹ nào cũng đều biết phương pháp “sleep training” (luyện cho con ngủ ngoan) như Alex. Ngay từ khi Owen và Leah 3 tháng tuổi, Alex đã bắt đầu “sleep train”. Cô xây dựng cho bé một nếp gọi là 3B (bottle, bath, bed) (uống sữa, tắm, đi ngủ). Cứ mỗi tối, từ khi 3 tháng tuổi, Owen và Leah sẽ được uống sữa, đi tắm, rồi mặc quần áo ấm, thế là bé biết mình sẵn sàng đi ngủ. Alex cho biết, tất cả phương pháp này nằm ở một quy tắc không gieo rắc các thói quen xấu. Vì khi đã tạo thói quen xấu thì về sau rất khó khăn xây dựng được thói quen tốt. Để con ngủ mà phải bế, đung đưa, hát ru, cho uống sữa, đó là các thói quen xấu.Chính vì vậy, ngày đầu tiên luyện cho con ngủ, sau khi đặt con vào cũi, Alex tắt đèn, ra khỏi phòng. Bé bắt đầu khóc.
Một ngày bình thường, bé đã ăn no, sạch sẽ, không ốm bệnh nhưng vẫn khóc, vì đã quen và muốn được bế, được ôm, được đung đưa để giúp đi vào giấc ngủ. Nhưng Alex sẽ không đi vào phòng mà bế bé lên. Bởi vì bé cần học được cách tự ru mình vào giấc ngủ.Đây chính là thời gian khó khăn nhất cho bất cứ ông bố bà mẹ trẻ nào. Nhiều người mua camera có tia hồng ngoại để họ ở bên ngoài phòng vẫn có thể nhìn thấy con, để biết con chỉ khóc thôi, con không trớ, không gặp chuyện gì.Trong tuần đầu tiên, khi con khóc, Alex không vào dỗ con ngay mà đợi 5 phút mới vào vỗ về, nhưng tuyệt đối không bế con lên. Việc vỗ về này giảm dần, sau 10 phút, 20 phút, mới vào vỗ về con. Đây được coi là sự hỗ trợ cho bé, để bé có cảm giác an tâm, biết mẹ vẫn có ở đó, mẹ sẽ tới, và bé sẽ bình tĩnh lại để chìm vào giấc ngủ. Alex nói trong 2 tuần sau đó, thời gian hai bé của cô khóc giảm dần từ nửa tiếng xuống một vài phút, rồi tới mức không khóc một chút nào nữa, đặt vào cũi là nằm im và một lúc sau tự ngủ. Alex cho biết, một đứa trẻ 3 tháng tuổi ngủ được 5 tiếng liền đã được coi là ngủ qua đêm. Sau này khi lớn hơn một chút, bé có thể ngủ liền một mạch 12 tiếng mà không khóc dậy đòi bế hay đòi uống sữa.
Ba mẹ đừng tập cho trẻ thói quen xấu "dỗ" trước khi ngủ. Ảnh minh họa
Các bé khi đã tự ngủ được, nhưng sau 2-3 tiếng vẫn tỉnh dậy và khóc thì cũng không được bế lên để ru. Vì đây là thời điểm quan trọng để bé học cách tự vỗ về mình ngủ trở lại. Lúc này thực ra bé chỉ khóc theo thói quen chứ không cần gì cả, không cần sữa, không cần bế ru, vỗ về. Nhưng nếu bố mẹ vẫn lo lắng và bế lên hay cho uống sữa thì bé sẽ “học” thói quen xấu đó.
“Tôi nhớ mãi cảm giác thoải mái khi học được bài rèn con ngủ từ Alex và áp dụng cho bé gái nhà mình. Mỗi tối tôi lại được thư thái đọc sách và ngủ một lèo đến 7h sáng, nhòm vào camera thấy con trong cũi đã tỉnh nhưng vẫn nằm cười toe toét đợi bố mẹ dậy vào bế lên”, chị Bích Thủy kể.Nhà tâm lý Lê Khanh, Giám đốc Trung tâm tư vấn tâm lý và đào tạo kỹ năng Rồng Việt (Vũng Tàu) cho biết, phương pháp rèn con tự ngủ tốt cho cả trẻ lẫn bố mẹ. Trẻ ngủ theo nề nếp, ngủ thẳng đêm, còn phụ huynh không quá vất vả, mất thời gian và giấc ngủ để ru, dỗ con.Ông ủng hộ quan điểm “không gieo thói quen xấu cho con” khi bé ngủ. Nhiều bố mẹ Việt Nam hay tạo cho con các thói quen như trẻ phải được nằm võng, bế đu đưa, ngậm ti bình… mới ngủ, rồi lỡ thức giấc thì lại cần được ru dỗ, bế dậy, cho uống sữa… để ngủ lại. Thực tế, đây là các nhu cầu không cần thiết, do chính bố mẹ tạo ra. Nhiều người nghĩ làm vậy mới chứng tỏ mình thương con. Một số bà mẹ hiện đại biết không nên như thế, nhưng nếu khóc không dỗ con ngay lại có thể bị chồng, bố mẹ chồng trách móc là không thương hoặc không biết chăm con, nên tiếp tục làm theo lối cũ.Theo chuyên gia, biết cách đi vào giấc ngủ và tự vỗ về mình ngủ là biểu hiện của trẻ tự chủ với bản thân. Trẻ Tây từ nhỏ được ngủ riêng, có phòng riêng, lớn lên bố mẹ muốn vào phòng con phải gõ cửa, con không muốn cho vào thì phụ huynh hãy cứ đứng ngoài. Trẻ Việt không được tôn trọng cá nhân, phải gắn kết với trách nhiệm gia đình.Ở Việt Nam, trẻ dưới 2-3 tuổi vẫn có thể ngủ chung với bố mẹ, sau đó ngủ ở phòng riêng, hoặc nếu điều kiện không cho phép, để bé ngủ cùng phòng nhưng riêng giường.
Nếu có điều kiện ba mẹ nên cho trẻ ngủ riêng để tập cho trẻ tính tự lập. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, ông cho rằng, quan điểm giáo dục của phương Tây và phương Đông có những khác biệt. Quan điểm giáo dục của phương Tây căn cứ trên giá trị cá nhân, hướng tới giúp trẻ từ bé phát triển sự tự lực, tự tin vào bản thân. Người phương Đông, trong đó có Việt Nam, lại giáo dục theo hướng gắn cá nhân với gia đình, cộng đồng. Trẻ được sống trong sự chăm sóc, nâng đỡ của gia đình.“Mỗi cách giáo dục có một giá trị riêng, không có cái nào là đúng hay sai. Trẻ Tây có thể lớn lên độc lập, thoát ly gia đình, và bố mẹ chúng khó khăn nối kết với con cái. Trẻ ta đôi khi được bố mẹ chăm sóc quá mức thành phụ thuộc. Thực tế, trong cách dạy dỗ trẻ tốt nhất nên có sự hài hòa, vừa phát triển cá nhân nhưng vẫn gắn kết với gia đình”, ông Khanh bày tỏ.Ông cho rằng, dù muốn giáo dục con theo phương pháp nào thì đều phải cân nhắc xem có phù hợp với bối cảnh xã hội hay điều kiện gia đình không, và quan trọng nhất, cần có sự trao đổi giữa mọi người trong nhà ngay từ đầu để thống nhất cách thực hiện, như vậy mới có hiệu quả. (*) Bài viết này đã được Yeutre.vn đặt lại tựa
Theo Vnexpress
Xem thêm các bài viết khác nếu bạn quan tâm: