Hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh và cách điều trị tốt nhất

Hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh là căn bệnh về đường hô hấp phổ biến và ngày càng có xu hướng gia tăng. Bệnh này làm nhiều bố mẹ lo lắng, đứng ngồi không yên vì đặc tính khó chữa trị dứt điểm, có thể trở nên nặng hơn khi thời tiết hoặc môi trường sống thay đổi, và thậm chí, bệnh có thể dai dẳng theo con đến hết cuôc đời.

banner ads
Hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh dưới sapo
Vào mùa lạnh bệnh hen suyễn ở trẻ em rất phổ biến. Ảnh: Internet

1. Hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh

Hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh dễ xuất hiện đặc biệt khi thời tiết giao mùa, vì lúc này khí hậu và độ ẩm trong không khí thay đổi đột ngột làm cơ thể không thích ứng kịp nhất là trẻ nhỏ. Vào mùa lạnh độ ẩm tăng cao sẽ là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây bệnh qua đường hô hấp phát triển mạnh, dẫn đến các bệnh dịch liên quan đến hệ hô hấp, nhất là với các trẻ có tiền sử hay đang mắc bệnh hen suyễn có sức đề kháng kém, vào mùa này nếu không kỹ lưỡng, bệnh của con có thể trở nặng.

1.1. Hen suyễn là gì?

Hen suyễn là bệnh về đường hô hấp còn có tên gọi là hen phế quản, đặc biệt hay gặp ở trẻ nhỏ.

Hen suyễn là tình trạng đường dẫn khí bị viêm nhiễm mãn tính, sưng to lên làm ảnh hưởng đến đường thở làm cho trẻ thở khò khè và khó thở. Đối với trẻ bị hen suyễn, sẽ tạo ra nhiều cơn co thắt phế quản và làm gia tăng lượng dịch nhầy dư thừa tiết ra trong niêm mạc phế quản, ngăn cản sự lưu thông của đường dẫn khí tạo ra âm thanh huýt sáo khi thở gọi là khò khè ở trẻ mắc bệnh. Do đó, hoạt động của phế quản và dịch nhầy sẽ quyết định mức độ khó thở của con. Đây cũng là lí do tại sao con bị hen suyễn hay nhạy cảm với sự thay đổi thời tiết, khói bụi, lông thú cưng,...

Hen suyễn ở trẻ em
Hen suyễn là mạn tính, khó điều trị khỏi hẳn. Ảnh: Internet

1.2. Những yếu tố gây bệnh hen suyễn ở trẻ

  • Thay đổi thời tiết

Thời tiết là một trong những yếu tố quan trọng nhất, mỗi khi trái gió trở trời, thời tiết bất đầu chuyển lạnh trẻ em sẽ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn so với các mùa khác trong năm. Bởi, vào mùa đông gió mùa đông bắc làm nhiệt độ môi trường giảm mạnh, không khí ẩm ướt cộng với trang bị giữ ấm không kỹ làm con cảm lạnh dễ hen suyễn. Đồng thời, khi vào mùa lạnh nếu con từng bị suyễn sẽ có khả năng cao con bị tái phát trở lại.

Giai đoạn từ mùa thu sang mùa đông, được gọi là "thời điểm cao điểm" để dịch suyễn tấn công trẻ nhỏ, vì đây là thời gian con bắt đầu tựu trường cũng đồng nghĩa với mùa vi khuẩn phát triển đỉnh điểm. Việc tựu trường tiếp xúc với nhiều học sinh bị nhiễm vi khuẩn cũng làm con dễ bị lây nhiễm vi khuẩn.

banner ads
  • Dị ứng

Có thể bố mẹ chưa biết dị ứng và hen suyễn có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Có đến 60% bệnh nhân bị hen suyễn do dị ứng và sốt tạo ra. Do đó, khi trẻ tiếp xúc với các chất có khả năng gây dị ứng như bọ mạt, phấn hoa, hóa chất, nấm mốc,...hoặc các loại thực phẩm kích thích cơn hen như tôm, ốc, bò, gà...cũng dễ gây bệnh suyễn và tạo ra những cơn hen dai dẳng.

  • Lông vật nuôi

Khi con trẻ chơi với thú cưng (chó, mèo), lông nó sẽ vô tình làm khởi phát cơn hen. Đồng thời, trong lông vật nuôi cũng tiềm ẩn nhiều vi khuẩn gây nguy cơ hen suyễn ở bé.

  • Bụi bẩn và khói

Môi trường ô nhiễm do khói bụi từ xe lưu thông trên đường, khói đốt rơm rạ, lò củi, bếp than đá, rác thải, đặc biệt là khói thuốc lá,...được xếp vào hàng những thủ phạm nguy hiểm tạo nên những mầm móng gây hen suyễn.

  • Vận động mạnh

Khi trẻ chơi các hoạt động quá sức như đùa nghịch, chạy nhảy, rượt đuổi, leo cầu thang hoặc khóc quá nhiều sẽ tạo ra những cơn thở dốc, ho liên tục. Ngay lúc đó, theo phản ứng tự nhiên trẻ sẽ dùng miệng để hít được nhiều oxy, vô tình không khí lạnh tràn vào đường thở phản ứng ngược lại qua việc co thắt các cơ phế quản làm hẹp đường thở, gây nên hen suyễn.

  • Vi sinh vật (vi khuẩn, vi-rút)

Vi khuẩn gây bệnh sinh sôi trong môi trường thuận lợi, sẽ là mối đe dọa hen suyễn nguy hiểm đối với trẻ con từ 1 - 12 tuổi có hệ miễn dịch kém.

  • Yếu tố di truyền

Khi người thân trong gia đình ông, bà, bố, mẹ bị bệnh hen suyễn thì tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ sẽ cao hơn so với trẻ bình thường.

  • Mắc các bệnh khác

Một số bệnh như viêm VA, viêm mũi họng, viêm phế quản nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời dễ dẫn đến biến chứng làm trẻ có khả năng bị bệnh hen suyễn rất cao

Bệnh suyễn ở trẻ khi trời lạnh
Thời tiết chuyển lạnh đột ngột là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra bệnh hen suyễn ở trẻ. Ảnh: Internet

1.3. Triệu chứng khi trẻ bị hen suyễn

1.3.1. Triệu chứng chung

  • Vào buổi sáng sớm hoặc nửa đêm khi thời tiết trở lạnh, nhiệt độ xuống thấp những con hen bắt đầu xuất hiện gây cản trở nhịp thở, làm trẻ khó chịu làm trẻ mất ngủ dễ nổi cáu lâu dài sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bé.
  • Hen suyễn sẽ làm cho tinh thần trẻ mệt mỏi, thở dốc, gấp, hơi thở không đều, ngắt quãng, khò khè làm cơ thể đờ đẫn không được cung cấp oxy đầy đủ.
  • Khi thời tiết lạnh bước vào thời điểm giao mùa, cơ thể bé dễ nhiễm cảm lạnh kèm theo sổ mũi, đau họng, ho kéo dài dai dẳng hơn bình thường dù cho có can thiệp thuốc hoặc các phương pháp khác. Thậm chí, bệnh có thể kéo dài liên tục khoảng 10-15 ngày mới dứt hẳn. Đây là dấu hiệu của trẻ bắt đầu bị bệnh hen suyễn mà gia đình cần lưu ý.
  • Hễ cứ tới mùa lạnh là trẻ bắt đầu có những biểu hiện hắc hơi, cảm, ho,...lặp đi lặp lại ở một mùa cố định trong năm như đồng hồ sinh học.
  • Xuất hiện tình trạng ho kéo dài liên tục, đau tức ngực, hơi thở không đều khi trẻ ăn các thực phẩm lạ như thịt gà, măng tây, hải sản hoặc các thực phẩm làm nóng cơ thể...
  • Đối với trẻ bị hen suyễn nặng, bố mẹ nên theo dõi các triệu chứng của con như khó thở, bắt đầu hắc hơi, ngứa họng, tiếng thở càng lúc càng khò khè, cánh mũi phập phồng, nhiều lúc không thở nổi bé phải ngồi dậy,nhiều khi phải dùng miệng thở phụ. Đồng thời sự thay đổi sắc mặt tái nhạt, môi tím tái, nặng ngực, khó bật thành tiếng nói hoặc khóc, đặc biệt là tiếng rít lớn khi hít vào, thở ra ở phổi.
  • Cơn hen có thể đột ngột bắt đầu và kết thúc. Đồng thời, viêm phế quản cũng là một dạng biểu hiện của những cơ hen ở trẻ.
  • Biểu hiện tiêu biểu để nhận biết cơn hen là những cơn ho gà, ở phổi phát ra âm thanh rít tuy nhiên đối với các trẻ lớn hơn hen sẽ làm trẻ đau tức ngực, nặng lồng ngực gây khó lấy hơi thở, thở gấp.
  • Những cơn ho khi bị hen có thể sẽ tự hết hoặc có thể phát triển nặng hơn. Nếu nặng, ho sẽ không ngưng được gây nôn ói, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của bé.
  • Trẻ bị hen suyễn sẽ làm xuất hiện khò khè với tuần xuất dày đặc có thể khoảng hơn 1 lần trong tháng, khi trẻ hoạt động mạnh khò khè sẽ lặp đi lập lại, mặc dù không bệnh, thời tiết không lạnh vẫn làm ho và khò khè về đêm. Hoặc khò khè dai dẳng khi trẻ từ 3 tuổi trở đi.
Trẻ ho
Những cơn ho liên tục kéo dài, cảm lạnh, khó thở là những dấu hiệu khởi phát cơn hen. Ảnh: Internet

1.3.2. Triệu chứng theo cấp độ bệnh

Hen suyễn tùy theo mức độ bệnh mà các biểu hiện cũng ở các dạng khác nhau như:

  • Triệu chứng cơn hen suyễn nhẹ: Những triệu chứng ở giai đoạn này thường có khi trẻ vận động mạnh như chạy nhảy, lên cầu thang, khóc quá sức. Các hoạt động này làm bung ra các cơn ho gà, trẻ vẫn nói được câu dài bình thường, khi đưa ống nghe vào sẽ nghe phổi có tiếng rít.
  • Triệu chứng cơn hen suyễn vừa: Khi trẻ bị mệt, cơn ho sẽ liên tục làm ngắt đoạn tiếng nói, lồng ngực bị kéo co lại, ức và hố thượng đòn bị hõm vào. Đồng thời khi thở ra phổi nghe tiếng rít.
  • Triệu chứng cơn hen suyễn nặng: khi bị hen suyễn nặng trẻ sẽ xuất hiện tình trạng ho nhiều dù không vận động kèm theo khó thở, hai cánh mũi phập phồng, đối với trẻ nhỏ bé sẽ không bú được, lồng ngực bị co kéo làm hố thượng đòn hõm rõ, màu môi tím lại. Không thể hoặc chỉ nói được 1, 2 từ. Tiếng rít nghe rõ khi hít vào và thở ra trong ống nghe.
  • Đối với con hen suyễn trầm trọng: các biểu hiện sẽ rất dữ dội khi trẻ bị hen suyễn ác tính, không thể khóc hoặc nói, khó thở trầm trọng, phổi phát ra tiếng ran rít. Nếu có sự can thiệp chữa trị của bác sĩ cơn suyễn sẽ không được chặn đứng.
Bệnh hen suyễn
Tùy theo cấp độ bệnh mà biểu hiện cũng khác nhau, vì thế bố mẹ nên theo dõi con chặt chẽ. Ảnh: Internet

2. Những biến chứng khôn lường từ hen suyễn

Hen suyễn là loại bệnh khó trị tận gốc, dẫn đến nhiều biến chứng khôn lường và có thể tái đi tái lại nhiều lần khi thời tiết thay đổi hoặc một số nguyên nhân liên quan khác. Tuy nhiên, khi phát hiện con bị bệnh bố mẹ đừng quá lo lắng, mà hãy bình tĩnh tìm hiểu thông tin trường hợp cần thiết hãy đưa con đến bác sĩ để được chữa trị kịp thời.

2.1. Những yếu tố làm khởi phát con hen

  • Vảy, lông vật nuôi, da
  • Nấm móc, mạt gà
  • Phấn hoa, phấn bướm, phấn bảng,...
  • Mạt bụi nhà
  • Khói thuốc lá, khói lò than
  • Viêm nhiễm đường hô hấp, cảm lạnh
  • Các hóa chất dùng để bảo quản thực phẩm, các loại phụ gia thành phần có trong thực phẩm
  • Một số loại mỹ phẩm, dược phẩm, nước hoa mùi quá nồng.
  • Vận động mạnh, quá sức (khóc, chạy nhảy, tập thể dục các động tác mạnh, xúc động mạnh)
Hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh không để trẻ khóc nhiều
Bố mẹ nên dỗ dành không nên để trẻ khóc quá nhiều. Ảnh: Internet

2.2. Hen suyễn và những biến chứng nguy hiểm

Bệnh hen suyễn là bệnh rất khó điều trị dứt điểm và sẽ gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe, hoạt động và sự phát triển của trẻ sau này nếu không được chữa trị kịp thời. Dưới đây là một số biến chứng do hen suyễn gây ra.

  • Não bộ bị tổn thương và ngừng hô hấp: Khi con bị hạnh hạ bởi các cơn hen suyễn kéo dài triền miên với tuần suất dày đặc, sẽ gây ra tình trạng khó thở. Điều đó dẫn tới não không được cung cấp đủ oxy gây ra tổn thương cho não bộ.
  • Suy hô hấp: Trường hợp trẻ lên cơn hen làm môi tím tái, khó thở hoặc có thể không thể thở phải dùng máy hỗ trợ thở là biểu hiện thường thấy ở trẻ bị hen suyễn ác tính. Nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ có nguy cơ làm trẻ tử vong.
  • Xẹp phổi: Đây là một trong những biến chứng thường gặp ở trẻ bị bệnh hen suyễn . Nếu được nhập viện chữa trị ổn định, cơn hen được dập tắt phổi sẽ ổn định và hoạt động lại bình thường.
  • Tràn khí màn phổi và tràn khí trung thất:  Các mạch máu thưa thớt do các phế nang giãn rộng gây nên áp lực trong phế nang. Do đó, khi trẻ ho mạnh hoặc vận động quá sức sẽ làm phá vỡ thành phế nang dẫn đến tràn khí màng phổi và trung thất.
  • Giãn phế nang: Khi trẻ mắc bệnh hen suyễn sẽ dẫn đến tình trạng các phế nang giảm dần mức độ đàn hồi, điều này làm lượng khí thở ra ít, thể tích khí cặn tăng cao trong cơ thể tích tụ lâu ngày sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ nhỏ.
  • Nhiễm khuẩn đường phế quản: Khi thời tiết trở lạnh, độ ẩm tăng cao trong không khí sẽ là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn phát triển, lây lan vào các bộ phận như tai mũi họng, đường hô hấp dưới là thủ phạm dẫn tới các cơn hen kéo dài và có thể dẫn đến bệnh nặng hơn.
Hen suyễn gây nhiều biến chứng
Hen suyễn nếu không được chữa trị kịp thời có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Ảnh: Internet

3. Những phương pháp nhận biết và điều trị hen suyễn

Bệnh hen suyễn là căn bệnh nguy hiểm với những cơn hen bột phát có thể đẩy trẻ vào tình trạng thập tử nhất sinh. Do đó, bố mẹ luôn phải theo dõi và hiểu biết để tìm ra những biện pháp đúng đắn giúp con an toàn vượt qua cơn hen suyễn.

3.1. Phương pháp chẩn đoán

Do các biểu hiện về đường hô hấp khá giống nhau nên khó để nhận diện được trẻ có bị bệnh suyễn không. Lấy ví dụ đơn giản như thở khò khè cũng chưa thể xác định đây là biểu hiện của bệnh hen suyễn mà có thể là một bệnh khác liên quan đến hô hấp.

  • Trường hợp đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ cũng không thể dùng biện pháp đo chức năng phổi. Điều này đòi hỏi gia đình phải quan tâm, thường xuyên theo dõi để nắm được bệnh tình của trẻ. Tuy nhiên, nếu các biểu hiện có mặt khi trẻ đột nhiên khởi phát mà không bị bệnh viêm đường hô hấp hoặc tiếp xúc bụi bẩn thì khả năng rất cao con bị hen suyễn. Ngoài ra, nếu cơ thể trẻ có phản ứng lại với các phương pháp điều trị hen suyễn thì chính xác là bệnh hen suyễn.
  • Trong trường hợp khi trẻ xuất hiện những dấu hiệu trùng khớp đáng nghi, đo hô hấp ký cũng là một cách phát hiện bệnh.
  • Thực hiện cách xét nghiệm máu để biết được mức độ dị ứng ở trẻ. Đây sẽ là phương pháp hữu hiệu đối với một số trẻ nhảy cảm với các yếu tố dị ứng.
  • Nghiệm pháp gắng sức: Để chẩn đoán hen suyễn, có thể cho trẻ vận động mạnh như chạy nhảy, leo thang bộ và xem biểu hiện của trẻ để phát hiện bệnh. Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp là chỉ thực hiện được ở trẻ 6 tuổi trở lên.
Xét nghiệm máu nhận biết hen suyễn
Xét nghiệm máu là một trong những phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán hen suyễn. Ảnh: Internet

3.2. Cách điều trị hen suyễn

Khi trẻ bị mắc bệnh hen suyễn mãn tính, những cơn hen sẽ không được chữa khỏi hoàn toàn mà sẽ đi theo trẻ đến hết đời. Tuy nhiên, nếu trẻ được khám chữa và chăm sóc đúng cách thì tần suất bột phát của những cơn hen sẽ giảm dần, trả lại cho trẻ cuộc sống bình thường như bao trẻ khác.

  • Do đó, khi phát hiện bệnh gia đình và trẻ cần tuân thủ đúng cách điều trị, hướng dẫn từ bác sĩ chuyên khoa, khám định kỳ và uống thuốc đúng giờ, những điều cần tránh khi bị hen suyễn. Ngoài ra, nếu nguyên nhân hen suyễn được bác sĩ chẩn đoán là từ di truyền thì phương pháp duy nhất để điều trị là uống thuốc để kìm chế các cơn hen khởi phát.
  • Khi đã xác định được con bị bệnh hen suyễn, gia đình luôn luôn lưu ý phần điều trị dự phòng cho trẻ, để khi trẻ có biểu hiện tái phát cơn hen sẽ được xử lý kịp thời. Một trong những phương pháp điều trị dự phòng hiệu quả nhất là sử dụng thuốc dạng hít corticoid, cho trẻ hít lượng thấp với những liều ban đầu. Tiếp đó, có thể tăng dần lên liều lượng trung bình, cao để khống chế được căn bệnh trẻ em nguy hiểm này.
  • Gia đình cần chú ý theo dõi, đưa trẻ đi khám theo định kỳ 3 tháng một lần, để khi những cơn hen suyễn có chiều hướng thuyên giảm có thể hạ liều lượng thuốc hợp lý. Trường hợp, nếu bệnh được kiểm soát hoàn toàn sau 1 năm điều trị thì trẻ có thể ngưng điều trị dự phòng. Tuy nhiên, phải giảm từ từ chứ không được cắt điều trị đột ngột sẽ làm cơn hen tái phát, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Mặc dù hữu hiệu nhưng các nhóm thuốc corticoid vẫn có nhiều tác dụng phụ nên các bác sĩ vẫn khuyên hạn chế dùng, chỉ nên đưa vào sử dụng khi những cơn hen bột phát nghiêm trọng.
  • Ngoài ra, gia đình phải luôn nhớ trang bị thuốc sẵn sàng ở nhà và khi trẻ ra ngoài. Ngoài ra, các cơn hen xuất hiện với tuần suất dày phải thường xuyên cắt cơn thì cần tăng liệu lượng dự phòng cho trẻ theo hướng dẫn bác sĩ. Khi cơn hen bột phát có dấu hiệu sắc mặt và môi tím tái, những cơn ho kéo dài liên tục, thở gấp, nói hoặc khó ngắt quảng từng tiếng dù dùng thuốc xịt vẫn không giảm, bố mẹ hãy nhanh chóng đưa trẻ đến trạm y tế, bệnh viện gần nhất để được chữa trị kịp thời, tránh mất sức cho trẻ.
Chăm sóc trẻ
Khi trẻ hen suyễn gia đình cần chú ý phần điều trị dự phòng theo chỉ định của bác sĩ. Ảnh: Internet

Các nhóm thuốc điều trị hen suyễn

  • Thuốc kiểm soát cơn hen: nhóm thuốc này có công dụng phòng ngừa và kéo giãn thời gian bột phát cơn hen với thuốc giãn phế quản và thuốc chống viêm. Trong đó, để làm giảm tình trạng viêm, thuốc chống viêm được dùng nhiều hơn để đường dẫn khí bị sưng thu hẹp được giãn ra hoặc tiếp xúc với các yếu tố gây ra dị ứng. Corticoid dưới dạng các đơn chất flixotide, pulmicort hay kết hợp với các chất seretide, symbicort,...
  • Thuốc nhóm chủ vận: nhóm thuốc này chỉ sử dụng kết hợp với nhóm thuốc corticoid dạng hít vì nó có tác dụng kéo dài. Ngoài ra, nếu trẻ đã sử dụng lượng trung bình corticoid dạng hít mà bệnh vẫn không được cải thiện thì nhóm thuốc này cũng có thể được chỉ định điều trị dự phòng hàng ngày cho trẻ.
  • Thuốc cắt cơn hen: thuốc có tác dụng làm giảm tình trạng đường dẫn khí phồng to, làm chít hẹp đường thở. Do đó, nhóm thuốc này sẽ giúp cắt cơn hen gây mệt mỏi một cách nhanh chóng. Một số loại thuốc phố biến chuyên dùng để cắt cơn hen như bricanyl, ventolin,...dưới dạng phun khí dung hoặc dạng bình xịt. bên cạnh đó, các bác sĩ còn sử dụng thuốc cắt cơn để cấp cứu trong trường hợp hen suyễn nặng.
  • Thuốc nhóm kháng leucotriene: Trong trường hợp trẻ bị hen suyễn nghiêm trọng, ngay cả khi dùng corticoid liều cao để hít mà vẫn không khống chế được bệnh thì nhóm thuốc này sẽ được bác sĩ chỉ định. Để cắt cơn hen kịp thời cho trẻ cần sử dụng nhóm chủ vận b2 có công dụng nhanh.
Cách chữa hen suyễn
Thuốc chữa hen suyễn có thể ở dạng hít, bình xịt, khí dung để dập tắt cơn hen. Ảnh: internet

4. Chăm sóc trẻ hen suyễn và kiểm soát bệnh sao cho đúng cách

Hen suyễn là bệnh khó chữa trị dứt điểm hoàn toàn, tuy nhiên nếu biết được nguyên nhân gia đình có thể chăm sóc trẻ tốt hơn hạn chế được những cơn hen đau đớn hành hạ cơ thể con trẻ.

4.1. Kiểm soát bệnh

  • Khi trẻ bị hen suyễn gia đình cần làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ. Luôn quan sát, để ý cho trẻ uống thuốc đúng bữa và liều lượng, sử dụng các biện pháp dự phòng theo chỉ định của bác sị vì hen suyễn ở trẻ không chỉ chặn đứng cơn hen mà còn phải có phương pháp điều trị dự phòng để phòng tránh tái phát các cơn hen.
  • Nếu gia đình phát hiện những biểu hiện của bệnh hen suyễn thì hãy lập tức đưa trẻ đến bệnh viện nhi để được điều trị sớm. Gia đình nên tránh nghe theo người lớn tự mua thuốc hoặc chữa bằng biện pháp dân gian, sẽ gây nguy hiểm cho trẻ.
  • Không nên cho trẻ ngồi, chơi ngoài trời gió lạnh, cũng như không nên tắm khi trẻ đang lên cơn hen suyễn tạo ra nguy cơ bệnh phát triển nặng hơn.
  • Trường hợp trẻ khởi phát cơn hen nguy cấp gia đình nên đưa trẻ đến chỗ thoáng khí trong nhà, có không khí sạch, bổ sung nước hoặc có thể cho trẻ hít corticoid để trẻ thở tốt hơn.
  • Nếu cơn hen quá nặng, cấp thiết cần đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu ngay khi có các biểu hiện không thể bú, thở ngắt quãng, khó thở, sắc mặt tím tái,...
Đưa trẻ đến bệnh viện
Nếu cơn hen nghiêm trọng hãy đưa trẻ đến bác sỹ ngay. Ảnh: Internet

4.2. Trẻ bị hen suyễn nên ăn gì

Khi trẻ bị hen suyễn, yếu tố dinh dưỡng trong thức ăn cũng là một trong những vấn đề quan trọng cần được lưu ý. Việc bổ sung nhiều thức ăn có chứa nhiều vitamin C, axit béo, magnesium, omega-3 sẽ rất tốt để cải thiện sức khỏe của trẻ. Bởi, môi trường không khí ô nhiễm cộng với việc thiếu vitamin C sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh suyễn, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.

Đối với trẻ bước vào giai đoạn ăn dặm hoặc lớn hơn mẹ nên cung cấp đầy đủ 4 nhóm đạm, chất béo, chất đường bột, các loại vitamin và khoáng chất rau củ quả cho bé. Trong đó, cần chú ý bổ sung đạm để bù lại lượng đạm đã mất. Đồng thời, xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học để trẻ giảm nguy cơ mắc bệnh và phát triển khỏe mạnh. 

Dinh dưỡng cho trẻ hen suyễn
Trẻ bị bệnh hen suyễn phải có chế độ ăn uống khoa học. Ảnh: Internet

4.3. Trẻ bị hen suyễn kiêng ăn gì

Trẻ bị hen suyễn nên kiêng những thức ăn chiên bằng dầu cũ, thức ăn quá mặn hay thức thứ có nhiều gia vị như salad. Ngoài ra, các loại nước uống giải khát, thức uống lên men, thức ăn lên men như dưa chua, rau cải ngâm dấm, thực phẩm đóng hộp, các loại trái cây khô đóng bao bì cũng cần hạn chế tối đa.

Bên cạnh đó, bố mẹ nên lưu ý tránh cho trẻ ăn những thức ăn dễ gây ra dị ứng. Bởi, dị ứng là một trong những thủ phạm làm bột phát cơn hen và làm bệnh càng thêm trầm trọng. Một số loại thực phẩm có khả năng kích thích gây dị ứng như các loại hạt, trứng, sữa, rượu đỏ, lúa mì, các loại hải sản như ốc, tôm, cua, ghẹ...

Đối với đối tượng hen suyễn là bé sơ sinh, sữa bò sẽ có nguy cơ gây dị ứng rất cao nên mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ để đảm bảo an toàn cho con. Hoặc gia đình có thể tham khảo thêm về chế độ dinh dưỡng cho trẻ bị hen suyễn từ 0 - 12 tháng tuổi .

Thực phẩm không nên ăn
Trẻ nên kiêng một số loại thực phẩm kích thích cơn hen như tôm, cua, ốc. Ảnh: Internet

5. Cách phòng ngừa bệnh hen suyễn ở trẻ

Bệnh hen suyễn là bệnh mạn tính, nên không thể điều trị khỏi hẳn. Do đó, gia đình nên có những biện pháp phòng ngừa bệnh tối ưu, hạn chế khả năng phát sinh mầm bệnh một cách tối đa.

5.1. Phòng ngừa hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh

  • Thời tiết thay đổi đột ngột là một trong những tác nhân quan trọng hình thành bệnh hen suyễn ở trẻ. Do đó, khi thời tiết giao mùa, chuyển lạnh trẻ cần được mặc quần áo ấm, mẹ luôn phải nhớ chuẩn bị khăn choàng quấn giữ ấm cho trẻ khi ra ngoài. Đồng thời, nên tắm cho con bằng nước ấm trong lúc các cơn hen "ngủ yên". Nên tắm cho trẻ trong không gian kín, không có gió lùa vào, tắm nhanh và dùng khăn lao khô người và mặc quần áo cho trẻ ngay.
  • Bên cạnh đó, khi tắm cho trẻ mẹ nên chuẩn bị sẵn sàng quần áo, điều hòa ấm, lò sưởi tránh để cho cơ thể trẻ bị lạnh đột ngột sẽ rất dễ gây ra cảm lạnh tạo ra nguy cơ tái phát cơn hen với trẻ có tiền sử hen suyễn.
  • Luôn theo sát trẻ, tuyệt đối không để trẻ ra ngoài trời lạnh chơi đùa, nghịch nước làm ướt người cũng sẽ rất nguy hiểm.
  • Nên tạo điều kiện môi trường sống tốt nhất, có không khí trong lành, nhiệt độ ấm áp nếu trẻ có tiền sử hen suyễn.
  • Giữ ấm cho trẻ
    Đảm bảo giữ ấm cho trẻ mỗi khi trời trở lạnh. Ảnh: Internet

5.2. Một số cách phòng ngừa hen suyễn mạn tính

Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh hen suyễn bao gồm cả khách quan lẫn chủ quan. Do đó, trong khả năng có thể phòng ngừa bố mẹ nên thực hiện để con có thể khỏe mạnh phát triển.

  • Bố mẹ nên đeo khẩu trang, dùng các vật dụng tránh bụi cho trẻ khi ra đường
  • Nên tránh cho trẻ tiếp xúc với thú cưng trong nhà
  • Luôn luôn giữ nhà cửa sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh chăn, ga, niệm, gối, quét bụi làm sạch không khí trong nhà. Khi vệ sinh phòng cho bé, nên dùng máy hút bụi hoặc khăn ướt không nên quét bằng chổi sẽ tạo ra bụi. Ngoài ra, không nên sử dụng các vật dụng có bông, sợi, lông như thảm, chổi...
  • Đưa trẻ đến cơ sơ y tế để tiêm phòng cúm cho trẻ đúng định kỳ.
  • Gia đình nên tránh để trẻ vận động quá sức, chơi các môn thể thao phù hợp với thể trạng.
  • Nếu con từng bị hen suyễn, bố mẹ nên khuyên bảo tránh la mắng con lớn tiếng làm trẻ khóc lớn gây nên những cơn ho kéo dài kèm theo nôn ói rất dễ làm cơn hen tái phát. Đồng thời gia đình nên tránh tạo áp lực, làm trẻ stress hoặc xúc động mạnh cũng rất nguy hiểm.
  • Nên cách li, tránh cho trẻ tiếp xúc với người bị bệnh cảm.
  • Nên thay bếp củi, các loại bếp đốt khói nhiều bằng các loại bếp điện, bếp gas hoặc bếp tạo ít khói để đảm bảo môi trường trong lành.
  • Chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng để giúp trẻ hình thành hệ thống miễn dịch tốt. Thậm chí trong giai đoạn thai kỳ, mẹ còn ăn táo mỗi ngày để giúp con tránh được hen suyễn khi chào đời .
Đeo khẩu trang cho trẻ
Chuẩn bị khẩu trang khi đưa trẻ ra ngoài. Ảnh: Internet

6. Bố mẹ cần giúp đối mặt khi bị hen suyễn

Ngoài việc ảnh hưởng đến thể chất bệnh hen suyễn còn làm tổn thương đến tâm lý nặng nề khi con lớn khôn. Bởi, khi bị bệnh các hoạt động bên ngoài của con sẽ bị hạn chế không giống như các bạn bình thường tạo nên tâm lý mặc cảm, tự ti cho trẻ.

6.1. Giải thích bệnh cho con hiểu

Khi biết mình bị bệnh trẻ sẽ thấy sợ hãi nên bố mẹ cần phải kiên nhẫn, từ tốn giải thích cho con hiểu về bệnh của mình. Việc này sẽ rất tốt, vì khi con ngày càng lớn gia đình không thể theo dõi con mọi lúc mọi nơi. Do đó, bố mẹ đừng ngần ngại mà hãy chia sẻ cung cấp thông tin giúp con nhận thức được bệnh.

Hãy dùng cách giải thích nhẹ nhàng nhất có thể, trang bị kiến thức vững vàng và có thể cùng con tìm hiểu, thực hành diễn tập xử lý khi cơn hen bột phát bất ngờ.

Nói cho con biết về tầm quan trọng của điều trị, là biện pháp để con phối hợp dập tắt cơn hen suyễn. Những lúc cấp bách, con có thể tự biết dùng thuốc xịt, hít hoặc khí dung và chủ động uống thuốc đúng giờ. Đây cũng là cách tránh trường hợp con dùng sai cách hoặc tự ý bỏ thuốc gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Ổn định tâm lý cho con
Bố mẹ cần giúp con đối mặt, giải thích bệnh hen suyễn cho trẻ hiểu. Ảnh: Internet

6.2. Ổn định tâm lý để con phát triển toàn diện

Đây là điều quan trọng mà gia đình cần hết sức lưu ý, vì ngoài tiêu chí trị khỏi bệnh thì tinh thần của con cũng ảnh hưởng ít nhiều đến sự phát triển của bệnh. Bởi, nhiều trẻ khi biết mình bị bệnh sẽ bị shock, mặc cảm, tự ti nếu nặng có thể gây nên trầm cảm. Do đó con cần nhận được sự an ủi, động viên tinh thần từ gia đình, thầy cô và bạn bè để con có thêm nguồn năng lượng, dũng cảm đối mặt với bệnh tật.

Ngoài ra, khi bị hen suyễn các hoạt động của con sẽ bị hạn chế chứ không phải không thể. Gia đình nên tham khảo ý kiến của bác sĩ, để con có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa nhẹ nhàng tạo cơ hội hòa nhập với các bạn đồng trang lứa, để con có tinh thần thoải mái, giảm bớt áp lực, căng thẳng.

Động viên trẻ bệnh hen suyễn
Động viên, làm bạn với con để con giảm bớt căng thẳng, tự ti. Ảnh: Internet

7. Những câu hỏi thường gặp khi trẻ bị hen suyễn

Hen suyễn không giống như các loại bệnh thông thường có thể tự điều trị tại nhà. Do đó, gia đình phải hết sức cẩn thận, tìm hiểu thông tin đưa con đến bác sĩ khi cần thiết.

7.1. Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không?

Đây là câu hỏi thường xuyên gặp phải biểu hiện sự lo lắng của gia đình và bệnh nhân mắc bệnh hen suyễn. Thực tế bệnh hen suyễn là bệnh mạn tính, tuy không thể điều trị dứt điểm, nhưng nếu được phát hiện và chữa trị kịp thời, đúng cách bệnh có thể được kiểm soát hoàn toàn.

Đồng thời, nếu người bệnh tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ bệnh nhân mắc bệnh hen rất ít hoặc không có triệu chứng lên cơn hen, có thể có cuộc sống học tập, làm việc, sinh hoạt, phổi hoạt động gần như bình thường. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện được bệnh sớm hoặc chủ quan, lơ là không tuân thủ đúng điều trị từ bác sĩ chuyên khoa sẽ làm tần suất xuất hiện của các cơn hen trở nên dày đặc, bệnh tiến triển nặng hơn có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, gây nguy hiểm đến tính mạng khi không được cấp cứu kịp thời.

Bệnh suyễn có nguy hiểm không
Bệnh hen suyễn hoàn toàn có thể được cải thiện nếu được điều trị kịp thời và đúng cách. Ảnh: Internet

7.2. Chữa hen suyễn bằng Đông y có hiệu quả?

Chữa hen suyễn theo phương pháp Đông y cũng là một điểm sáng, niềm tin cho người bệnh không kém gì Tây y.

7.2.1 Quan niệm Đông y về bệnh hen suyễn

Theo quan niệm Đông y, hen suyễn thuộc chứng háo suyễn, háo rỗng, nghĩa là thận không được liễm nạp khí không, đờm được sinh ra do thủy tấp ứ đọng, tỳ dương hư yếu. Âm thanh được phát ra từ cổ họng gọi là háo (hen), hít vào thở ra gấp gáp, khí đưa xuống ít mà đưa lên nhiều, được gọi là suyễn.

7.2.2. Nguyên nhân sinh bệnh

Nguyên nhân sinh ra bệnh hen suyễn là do sự rối loạn và suy yếu của các chức năng gồm 3 tạng Tùy - Phế - Thận.

Tạng Phế: Do chức năng của tạng Phế bị suy giảm làm rối loạn việc điều khí tạo ra biểu hiện khó thở. Các dấu hiệu thường gặp ở hen suyễn là ngắt quãng nhịp thở, khó thở, khó thở ra, cơn khó thở bột phát nặng khi có tác yếu tố tác động bên ngoài như khói bụi, thời tiết ẩm lạnh, gió, mùi lạ, mệt mỏi, căng thẳng...

Tạng Tỳ: Khi các chức năng của tạng Tỳ suy yếu, sẽ dẫn đến tình trạng không vận hóa được đờm sinh ra, từ đó làm tắc nghẽn đờm ở phế quản gây triệu chứng khó thở cho người bệnh.

Tạng Thận: Chủ nạp khí. Sự rối loạn chức năng thận sẽ làm cơ thể suy yếu từ lúc bẩm sinh, dẫn đến việc thận không nhận được khí và khí đi ngược lên gây tình trạng khó thở, thở không đều.

Đối với bệnh nhân hen suyễn thường được kiêng cử hoạt động, công việc nặng nhọc và tinh thần luôn trong tâm thế lo lắng, căng thẳng làm cơ thể trở nên gầy yếu, xanh xao, nặng nề rất dễ dẫn đến suy tim, tổn thương phổi, cơ thể ngày càng suy nhược.

7.2.3. Cách điều trị

Muốn trị được bệnh hen suyễn phải tìm được nguyên nhân. Khi bệnh hen suyễn các chức năng tỳ, phế thận suy giảm dẫn đến hệ miễn dịch của thể yếu. Chính vì thế, khi môi trường chuyển lạnh sẽ làm viêm khí đạo, sinh ra đờm gây ra các cơn hen.

Chữa trị hen suyễn phải tập trung xử lý phần gốc của bệnh, nên sẽ ít xảy ra tác dụng phụ. Bệnh sẽ được thuyên giảm, các cơn hen được hạn chế nếu có phương pháp điều trị thích hợp. Hen suyễn căn bệnh mạn tính làm Tạng - Phủ suy yếu phải được chữa bằng thuốc để giúp các chức năng của chúng phục hồi, cân bằng trở lại hoạt động bình thường.

Một số bài thuốc cổ phương của Đông y giúp chữa trị hen suyễn hữu hiệu như: Tiểu thanh long thang, Nhị trần thang hợp tam tử thang gia giảm, Tiền hồ thang gia vị,...

Chữa hen bằng Đông y
Chữa hen suyễn bằng Đông y cũng mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Internet

Trong số các bài thuốc trên, Tiểu thanh long thang của thầy Trương Trọng Cảnh (danh y nổi tiếng của lịch sử Trung Quốc) là bài thuốc chữa hen suyễn vô cùng hiệu quả. Với tuổi thọ hơn 1500 tuổi, có sự kết hợp hài hòa của các vị thuốc bán hạ, cam thảo, tế tân, ma hoàng, can khương, bối mẫu, ngũ vị tử, hạnh nhân, tỳ bà điệp, trần bì...

Theo nhiều nghiên cứu được ghi chép trong tài liệu y học cho biết:

Cam thảo: thường có tác dụng chữa một số bệnh như cảm lạnh, viêm phế quản, viêm họng giúp làm loãng dịch nhầy, long đờm đào thải chúng ra khỏi cơ thể.

Cây ma hoàng: có tính ấm, vị cay sẽ có công dụng tiêu phù nề, lợi tiểu, trị các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp như hen suyễn, ho gà, viêm phế quản, viêm đường hô hấp trên...

Tỳ bà diệp: có tính hàn, vị đắng, sẽ giúp thanh lọc phế, hóa đờm, trị ho, làm dịu mát phổi, giáng khí, ổn định dạ dày, ngăn ngừa nôn ói...

Trong thời buổi hiện nay, y học ngày càng phát triển thì việc kết hợp giữa khoa học y học hiện đại với các phương thuốc cổ truyền sẽ càng giúp người bệnh có nhiều cơ hội khỏi bệnh hơn. Để người bệnh dễ sử dụng mà vẫn giữ được tác dụng của thuốc gốc, các bài thuốc y học cổ truyền chữa hen suyễn cũng đã được bào chế thành các dạng như viên, cao lỏng đa dạng lựa chọn cho người bệnh.

7.3. Khi con khởi phát hen suyễn bố mẹ nên làm gì?

  • Nơi trong lành

Nếu trẻ lên cơn hen cấp hãy đưa trẻ di chuyển tới có không khí trong lành, sạch sẽ, thoáng khí. Tránh để trẻ nơi có khói bụi, thiếu không khí sạch.

  • Ngồi thẳng lưng

Khi con trẻ lên cơn hen suyễn, bố mẹ hãy đặt con ngồi thẳng lưng khi tư thế thoải mái sẽ giúp ống khí quản được mở rộng, để trẻ dễ thở và hít vào được nhiều oxy. Tránh để con trong tư thế nằm vì sẽ gây nghẹt, khó thở. Bố mẹ có thể trang bị ghế có thể dựa lưng cho con khi cơn suyễn bột phát.

  • Từ từ hít thở sâu

Khi đang lên cơn suyễn việc hít thở sâu sẽ là đều khó khăn cho trẻ. Nhưng, cách này sẽ giúp hơi thở được điều hòa tốt hơn, từ từ ổn định được tình trạng thở gấp, ngăn ngừa sự thiếu oxy cho cơ thể. Đồng thời, hít thở sâu còn có tác dụng trấn an tinh thần, thư giãn cơ và bình tĩnh sẽ chặn đứng những cơn đau co thắt ở ngực.

  • Chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc uống, xịt, khí dung

Khi nhận thấy những biểu hiện của cơn hen sắp kéo đến, bố mẹ nên nhanh chóng cho con dùng thuốc làm giãn phế quản nhanh như atrovent, ventolin, bricanyl,...Những loại thuốc này có thể ở dạng viên, siro hoặc dùng để xịt trong bình xịt, trong các máy xông khí dung. Lưu ý, trước khi dùng những loại thuốc này bố mẹ phải đưa con đến bác sĩ để được kê toa phân chia liệu lượng theo cân nặng của con, chứ không được tự tiện mua bên ngoài sẽ rất nguy hiểm. Đồng thời gia đình cần tuân thủ sử dụng thuốc cho con theo liều mà bác sĩ hướng dẫn, tránh lạm dụng thuốc.

Chuẩn bị sẵn sàng thuốc xịt
Luôn chuẩn bị sẵn sàng các loại thuốc uống, xịt, khí dung. Ảnh: Internet

7.4. Bố mẹ làm gì để được cập nhật thêm kiến thức?

Khi con bị suyễn bố mẹ nên trực tiếp đưa con đến bác sĩ chuyên khoa để được khám, theo dõi và chữa trị kịp thời. Qua đó, bố mẹ có thể mang theo sổ để ghi chép những lưu ý từ bác sĩ, khám đúng hẹn theo định kỳ.

Ngoài ra, gia đình có thể tham gia các cộng đồng, hội nhóm hen suyễn để tiếp nạp thêm kiến thức, cùng hỗ trợ giúp đỡ nhau từ chỉ dẫn của chuyên gia chẳng hạn như của bệnh viện, địa phương, trường học, các buổi sinh hoạt tuyên truyền phòng bệnh,...

Bố mẹ cần bổ sung kiến thức khi con bệnh hen suyễn
Bố mẹ cần bổ sung, cập nhật kiến thức về bệnh hen suyễn để chăm sóc con tốt nhất. Ảnh: Internet

Hen suyễn ở trẻ em mùa lạnh nói riêng và bệnh hen suyễn ở trẻ em nói chung là căn bệnh dai dẳng, khó trị dứt làm cho bố mẹ vô cùng lo lắng mỗi khi thời tiết giao mùa. Do đó, Yeutre.vn hi vọng bài tổng hợp sẽ cung cấp được thông tin bổ ích, giúp bố mẹ tìm ra phương pháp tốt nhất trong việc phòng ngừa và điều trị tốt nhất, để con trẻ phát triển khỏe mạnh.

Ngọc Hân tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI