Hen suyễn có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ

Một nghiên cứu mới đây đã kết luận hen suyễn và các bệnh phổi mãn tính có thể khiến bạn gặp rắc rối khi thụ thai. Muốn biết bạn cần phải làm gì với căn bệnh hen suyễn để cố gắng thụ thai, hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây nhé!

banner ads

48952-hen-suyen-1.jpg

Phụ nữ mắc bệnh hen suyễn khó có khả năng thụ thai hơn so với những phụ nữ khác

Với những ai bị bệnh hen suyễn, việc cố gắng kiểm soát bệnh tình có thể cho họ thêm hy vọng để thụ thai thành công. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây được công bố trên Tạp chí Hô hấp châu Âu (the European Respiratory Journal) cho thấy phụ nữ mắc bệnh hen suyễn khó có khả năng thụ thai hơn so với những phụ nữ khác.

Hen suyễn biến chuyển theo tuổi tác

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 245 phụ nữ được điều trị vô sinh không rõ nguyên nhân trong độ tuổi từ 23 và 45. Trong đó, 96 phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh hen suyễn trước hoặc trong quá trình điều trị sinh sản. Thời gian trung bình để những phụ nữ không mắc bệnh hen suyễn thụ thai là 32,2 tháng. Trong khi đó, những phụ nữ bị bệnh hen suyễn lại mất trung bình đến 55,6 tháng. Ngoài ra, những phụ nữ bị bệnh hen suyễn ít có khả năng thụ thai hơn so với nhóm còn lại. Cụ thể, tỷ lệ thành công của họ chỉ đạt 39,6% so với 60,4% cơ hội của những người phụ nữ không mắc bệnh. Tỷ lệ này sẽ càng thấp hơn nếu đó là phụ nữ lớn tuổi.

Như vậy, nghiên cứu đã cho thấy rằng bệnh hen suyễn thực sự ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản vì nó làm tăng thời gian thụ thai và có thể làm giảm tỷ lệ sinh với xu hướng ngày càng tăng theo tuổi, đặc biệt là trên 35 tuổi. Đây là xác nhận của chính tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Elisabeth Juul Gade, thuộc Đơn vị nghiên cứu Hô hấp tại Bệnh viện Bispebjerg ở Copenhagen, Đan Mạch.

Tuy nhiên, lý do giải thích cho sự liên kết này không hoàn toàn rõ ràng. "Suyễn có liên quan chặt chẽ đến đời sống sinh dục nữ ở một vài khía cạnh. Tuy nhiên, mối liên hệ cho thấy bệnh hen và tình trạng hiếm muộn lại chưa bao giờ được xác định rõ ràng dù hiếm muộn thường được phát hiện lâm sàng ở phụ nữ mắc bệnh hen suyễn”, tiến sĩ Gade nói.

Trước đây, Tiến sĩ Gade cũng từng đề cập đến nguyên nhân cho mối liên hệ này trong một nghiên cứu của mình. Ông cho rằng suyễn gây viêm mạn tính trong hệ thống hô hấp nhưng nó cũng có thể lan rộng hơn trên khắp cơ thể, làm cho môi trường tử cung trở nên không thân thiện. Chưa kể, các hoóc-môn estrogen tăng cao có thể làm cho tình trạng viêm mãn tính của bệnh hen suyễn càng trở nên tồi tệ hơn.

Mặc dù nghiên cứu không tìm thấy bằng chứng thuyết phục để giải thích lý do tại sao bệnh hen suyễn ảnh hưởng tăng cấp theo độ tuổi, nhưng Tiến sĩ Gade và các đồng nghiệp cho rằng những năm tiếp xúc với viêm mãn tính trong cơ thể có thể đã tác động một phần. Ngoài ra, theo thời gian, bệnh suyễn phát triển nặng hơn cũng có thể được xem là nguyên nhân kết nối để giải thích cho mối liên quan này. Theo tiến sĩ Gade, "các loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn có thể thay đổi theo tuổi tác".

Điều trị hen suyễn để thụ thai

48954-hen-suyen-3.jpg

Kiểm soát cơn hen suyễn trong thai kỳ là điều rất cần thiết

Nghiên cứu cũng xem xét loại thuốc được dùng để điều trị bệnh hen suyễn để phát hiện mối liên kết với tình trạng vô sinh ở nữ giới. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã không tìm thấy bất kỳ sự khác biệt nào về tỷ lệ mang thai khi phụ nữ mắc bệnh hen suyễn dùng các loại thuốc trên.

Sau khi xâu chuỗi với những kết quả nghiên cứu có được từ năm 2013, Tiến sĩ Gade cho biết có vẻ như là mức độ nghiêm trọng của bệnh hen suyễn chứ không phải là thuốc điều trị đã làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của những phụ nữ mắc bệnh này.

Mặc dù các đối tượng của nghiên cứu lần này là bệnh nhân vô sinh nhưng Tiến sĩ Gade tin rằng phát hiện này sẽ được mở rộng đối với tất cả mọi người. Vì vậy, nếu nghi ngờ hoặc được chẩn đoán bệnh hen suyễn, bạn không nên tiếp tục trì hoãn việc thụ thai vì nguy cơ vô sinh khi mắc bệnh này sẽ tăng theo độ tuổi. Điều quan trọng là bạn phải ý thức được về căn bệnh mình đang mang và khả năng sinh sản của bản thân để có thể tìm đến các phương pháp điều trị kịp thời.

Sau cùng, nếu đang cố gắng thụ thai, tốt nhất, bạn nên kiểm soát bệnh hen suyễn của mình ngay từ bây giờ. Những rủi ro đối với bệnh nhân hen suyễn khi bước vào thai kỳ như tiền sản giật, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, thai nhi thiếu oxy… cũng rất đáng để bạn phải thận trọng với căn bệnh này.

Ngoài ra, trong thai kỳ, bệnh nhân hen suyễn cần tránh tối đa nguồn khởi phát cơn hen như khói thuốc, phấn hoa, lông chó mèo... Tuy nhiên, theo tiến sĩ Gade, tốt nhất vẫn là điều trị hen suyễn trước khi mang thai vì nếu được điều trị tốt, khả năng thụ thai sẽ cao hơn và thai kỳ sẽ khỏe mạnh hơn.

Yeutre.vn

Nguồn: FP

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI