Bệnh viêm phổi ở trẻ em và những lưu ý dành cho cha mẹ khi chăm sóc con

Bệnh viêm phổi ở trẻ em là một căn bệnh về hô hấp rất thường gặp ở trẻ đặc biệt lứa tuổi dưới 5. Bệnh viêm phổi rất nguy hiểm và có thể gây tử vong trong một số trường hợp nếu không được điều trị kịp thời. Việc chăm sóc trẻ trong và sau khi điều trị bệnh cũng rất quan trọng vì có thể giúp cải thiện triệu chứng, làm trẻ thấy dễ chịu hơn cũng như giúp con mau phục hồi sức khỏe. Vậy các cha mẹ cần lưu ý điều gì khi chăm sóc con bị viêm phổi, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé. 

banner ads
Bác sỹ khám phổi cho trẻ
Trẻ dưới 5 tuổi rất dễ bị bệnh viêm phổi. Ảnh Internet 

1. Về bệnh viêm phổi ở trẻ

Bệnh viêm phổi ở trẻ là một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm hay ký sinh trùng, xảy ra ở một hoặc cả hai bên phổi của trẻ. Trong đó, virus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra căn bệnh này. Trẻ bị viêm phổi do virus cũng có thể phát triển thêm nhiễm trùng do vi khuẩn.

Thông thường, viêm phổi bắt đầu sau khi trẻ bị nhiễm trùng đường hô hấp trên (như viêm mũi hay viêm họng). Điều này khiến chất lỏng hoặc mủ tích tụ trong phổi (cụ thể là trong các phế nang – những túi nhỏ trong phổi cung cấp oxi cho máu và nhận lại CO2) khiến trẻ khó thở. Bệnh viêm phổi cũng có thể xảy ra khi vật chất lạ như thức ăn hay axit dạ dày bị hít vào phổi. Trẻ có triệu chứng viêm phổi (ho, có thể có đờm, khó thở, sốt, đổ mồ hôi, mệt mỏi, quấy khóc) nên được đưa đến cơ sở y tế hoặc bác sĩ sớm để được chẩn đoán và điều trị một cách phù hợp. 

Bé gái ho
Ho, khó hở là triệu chứng rất điển hình liên quan đến viêm phổi. Ảnh Internet 

2. Cha mẹ cần lưu ý điều gì khi chăm sóc con bị viêm phổi

2.1. Khi nào bạn cần đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức

Bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức nếu thấy con có những biểu hiện sau:

  • Trẻ dưới 3 tháng tuổi và bị sốt
  • Trẻ khó thở hoặc thở khò khè
  • Môi hoặc móng tay trẻ có màu hơi xanh hoặc xám
  • Ngực trẻ lõm sâu khi thở
  • Trẻ có dấu hiệu mất nước như: khóc mà không chảy nước mắt, trẻ bị khô miệng hoặc nứt môi, trẻ quấy khóc hơn bình thường, trẻ đi tiểu ít hơn bình thường hoặc không đi tiểu, thóp trẻ lõm xuống (nếu trẻ dưới 1 tuổi)

Bạn nên liên hệ với bác sĩ để được tư vấn đối với các triệu chứng sau của trẻ:

  • Trẻ sốt 38.9 độ C (102 độ F), hoặc trên 38 độ C (100.4 độ F) nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi
  • Trẻ không thể ngừng ho
  • Trẻ bị nôn
  • Bạn có bất kì thắc mắc nào về tình trạng của trẻ 
Bác sỹ khám lưng cho bé trai
Nếu trẻ không ngừng ho, bị nôn và bạn nghi ngờ, cần mang bé đi khám ngay. Ảnh Internet 

2.2. Các lưu ý về thuốc đối với trẻ bị viêm phổi

Việc kê đơn thuốc cho trẻ bị viêm phổi sẽ được bác sĩ thực hiện dựa vào nguyên nhân gây bệnh cho trẻ. Bạn hãy lưu ý những điều sau:

  • Kháng sinh chỉ được chỉ định cho bệnh viêm phổi do vi khuẩn. Chúng không đáp ứng đối với virus.
  • Các loại thuốc kháng viêm không steroid chẳng hạn như ibubrofen có thể giúp giảm sưng, đau và sốt. Tuy nó có thể mua được mà không cần đơn thuốc của bác sĩ nhưng bạn vẫn luôn cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cho trẻ. Đặc biệt không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống thuốc này.
  • Acetaminophen là thuốc giúp giảm đau và hạ sốt. Nó cũng có thể mua mà không cần đơn của bác sĩ, nhưng tương tự như ibuprofen, bạn nên hỏi bác sĩ về liều lượng thích hợp đối với trẻ. Nếu trẻ đang sử dụng các loại thuốc khác, bạn cần kiểm tra xem chúng có chứa acetaminophen không và cho bác sĩ biết thông tin này. Bạn nên thận trọng vì acetaminophen có thể gây tổn thương gan nếu không được dùng đúng cách.
  • Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất kì loại thuốc trị ho nào. Vì thuốc ho có thể ngăn trẻ tống đờm ra ngoài (qua phản ứng ho). Ngoài ra trẻ em dưới 4 tuổi không nên dùng thuốc trị ho và cảm lạnh không kê đơn.
  • Bạn hãy cho trẻ uống thuốc đúng và đủ liều, lượng theo chỉ định của bác sĩ và báo cho bác sĩ biết nếu trẻ bị dị ứng với bất kì loại thuốc nào, hay bạn nghĩ rằng thuốc không hoạt động như mong muốn. Bạn cũng hãy lưu lại danh sách các loại thuốc, vitamin, thảo dược mà trẻ đã và đang dùng và mang theo chúng khi đưa trẻ đi khám bệnh. 
Bác sỹ đưa đơn thuốc
Bạn nên cho trẻ uống thuốc kể cả thuốc trị ho, cảm lạnh theo toa của bác sỹ. Ảnh Internet 

2.3. Bạn có thể giúp trẻ dễ thở hơn

Một trong những triệu chứng phổ biến của bệnh viêm phổi là trẻ thường bị khó thở. Bạn có thể giúp con dễ thở hơn bằng những cách sau:

  • Dạy trẻ hít một hơi thật sâu và ho. Bạn hãy cho trẻ làm điều này khi trẻ cảm thấy cần ho ra đờm, việc này sẽ giúp loại bỏ chúng khỏi họng và phổi của trẻ.
  • Làm sạch chất nhầy trong mũi của trẻ:

Đối với trẻ nhỏ

Bạn có thể dùng dụng cụ hút mũi  kiểu bóng đèn để hút chất nhầy cho bé trước khi cho con ăn hoặc ngủ.

+ Trước tiên bạn hãy nhỏ một vài giọt nước muối sinh lý (2-3 giọt) vào mũi trẻ để làm mềm chất nhầy. Bạn đợi khoảng 1 phút cho chất nhầy đủ mềm và dùng dụng cụ hút mũi. Đầu tiên, bạn bóp bóng và đặt đầu hút vào một bên mũi của bé, dùng tay ấn vào bên mũi còn lại, sau đó từ từ thả bóng để hút chất nhầy ra. Nếu trong lần thực hiện đầu tiên, chất nhầy chưa được hút ra, bạn hãy lặp lại thao tác, và làm tương tự với bên mũi còn lại của trẻ

+ Sau khi vệ sinh mũi cho trẻ và loại bỏ chất nhầy trong dụng cụ, bạn hãy đun sôi chúng trong 10 phút để diệt khuẩn cho lần sử dụng tiếp theo

Đối với trẻ lớn : Bạn có thể dùng nước muối sinh lý để nhỏ và rửa mũi cho con

  • Bạn hãy giữ cho đầu trẻ được nâng cao vì việc này sẽ giúp trẻ dễ thở hơn. Bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này để được tư vấn cách tốt và phù hợp nhất trong việc kê cao đầu cho trẻ. Bạn lưu ý không để đầu trẻ bị quá ngửa về phía trước (vì có thể làm trẻ thở khó khăn hơn) cũng như không đặt gối quanh chỗ nằm của trẻ dưới 1 tuổi (vì có thể góp phần làm tăng nguy cơ bị hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh – SIDS).
  • Dùng máy tạo độ ẩm phun sương mát để tăng độ ẩm không khí trong nhà bạn. Việc này có thể giúp trẻ dễ thở hơn cũng như giúp con giảm ho.
Máy tạo độ ẩm
Bạn có thể dùng máy tạo độ ẩm phun sương mát để tăng độ ẩm không khí trong nhà. Ảnh Internet 

2.4. Cho trẻ ăn như thế nào

Đối với việc cho trẻ ăn, bạn nên thực hiện những điều sau:

  • Cho trẻ bú bình hoặc bú mẹ với lượng ít hơn nhưng thường xuyên hơn. Vì khi bị bệnh, trẻ rất dễ mệt mỏi khi ăn.
  • Cho trẻ uống đủ chất lỏng theo chỉ dẫn. Việc bổ sung đủ chất lỏng khi trẻ bị viêm phổi là rất quan trọng, vì nó giúp làm lỏng chất nhầy để giúp trẻ dễ tống ra ngoài hơn, đồng thời giữ cho trẻ không bị mất nước. Bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ nên uống bao nhiêu chất lỏng mỗi ngày và loại nào là tốt nhất cho trẻ để áp dụng. Những loại phổ biến ngoài nước đó là nước táo, thạch, nước dùng và kem que nước.
  • Cho trẻ ăn một chế độ ăn cân bằng gồm những thực phẩm dễ tiêu hóa và ăn nhiều bữa nhỏ. Những thực phẩm được khuyên dùng cho trẻ gồm: rau và trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, cá, thịt gia cầm, chế phẩm sữa ít béo, chất béo lành mạnh để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng cho trẻ. Những món ăn nhẹ như táo, bánh pudding, sữa chua là những món ăn nhẹ rất thích hợp cho trẻ. 
Pudding hạt chia chanh dây
Bạn có thể tăng cường bữa phụ cho trẻ với bánh pudding. Ảnh Internet 
  • Thực hư về việc cho trẻ uống sữa hay ăn các chế phẩm từ sữa sẽ khiến chất nhầy tiết ra nhiều hơn:

+ Khi trẻ bị vấn đề về đường hô hấp, bạn có thể lo lắng việc cho trẻ uống sữa hay ăn các chế phẩm từ sữa sẽ khiến chất nhầy tiết ra nhiều hơn. Tuy nhiên trên thực tế, chưa có đủ bằng chứng khoa học để chứng minh điều này. Vì vậy, bạn vẫn nên bao gồm sữa và các chế phẩm sữa phù hợp trong chế độ ăn của trẻ, trừ khi trẻ bị dị ứng.

+Bạn có thể cho trẻ súc miệng và uống một chút nước sau khi uống sữa hay ăn sữa chua, phô mai để làm giảm cảm giác nhầy, dính ở cổ họng con.

+Nếu trẻ gặp vấn đề với sữa bò, bạn hãy thử cho trẻ uống các loại sữa khác như: sữa dê hoặc cừu, sữa hạt (đậu nành, gạo, yến mạch, dừa, hạnh nhân,…)

Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào trong chế độ ăn của trẻ. Điều này sẽ đảm bảo bạn lựa chọn được sự thay thế phù hợp để cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ. 

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh
Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về việc thay đổi chế độ ăn của trẻ để chọn được sự thay thế tốt và đủ chất cho con. Ảnh Internet 

2.5. Chăm sóc trẻ bị viêm phổi

Trong quá trình chăm sóc trẻ bị viêm phổi, bạn hãy thực hiện những việc sau:

  • Bạn hãy để trẻ ngủ và nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Vì lúc này trẻ mệt mỏi hơn bình thường rất nhiều, việc nghỉ ngơi sẽ giúp cơ thể con sớm hồi phục.
  • Bạn hãy đo nhiệt độ của trẻ ít nhất một lần vào buổi sáng và một vào buổi tối. Bạn có thể phải đo thường xuyên hơn nếu thấy trẻ ấm hơn bình thường.
  • Bạn không để bất kì ai hút thuốc quanh trẻ. Khói thuốc sẽ làm cho tình trạng ho và khó thở của trẻ trở nên tệ hơn
  • Bạn nên cho trẻ tiêm phòng đầy đủ, đặc biệt là các loại vắc xin ngừa virus gây cúm hay viêm phổi .
  • Bạn nên giữ vệ sinh khi chăm sóc trẻ bằng cách thường xuyên rửa tay của bạn cũng như của trẻ, và yêu cầu những người thường xuyên tiếp xúc với trẻ cũng thực hiện như vậy. Ngoài ra, bạn cũng không nên để trẻ dùng chung các vật dụng hay ăn uống chung với người khác
  • Bạn nên giữ trẻ tránh xa người bệnh, đặc biệt là bệnh với các triệu chứng như ho hay đau họng 
Trẻ ngủ ngon
Bạn hãy để trẻ ngủ và nghỉ ngơi nhiều nhất có thể. Ảnh Internet 

Bệnh viêm phổi ở trẻ em là một căn bệnh rất nguy hiểm cần được điều trị và chăm sóc đúng cách. Đặc biệt trong thời điểm hiện nay, dịch bệnh do COVID 19 cũng có thể gây ra tình trạng viêm phổi cấp. Vì vậy, các cha mẹ hãy chú ý đến các biểu hiện của trẻ để đưa con đến cơ sở y tế thăm khám kịp thời. Bên cạnh đó, việc chăm sóc trong và sau điều trị viêm phổi cho trẻ cũng cần được chú trọng. Có như vậy, bệnh của trẻ mới có thể được chữa dứt điểm và con mới mau phục hồi sức khỏe.

Theo: Livestrong, BLF UK & Drugs.com

Lily Nguyễn tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI