1. Vì sao điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ lại có hiệu quả tích cực
Chắc chắn chúng ta đều sẽ thắc mắc tại sao điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ lại có hiệu quả tích cực đối với chất lượng sống của con.
Trẻ bị mắc hội chứng tự kỷ , cũng như một số dạng khuyết tật phát triển khác, có thể bị rối loạn chức năng hệ thống giác quan – hay chính là rối loạn tích hợp cảm giác trong ASD. Sự rối loạn này khiến đôi khi một hay nhiều giác quan của trẻ phản ứng quá mức hoặc quá kém đối với các kích thích.
Những vấn đề về giác quan như vậy có thể là lý do cơ bản cho các hành vi như lắc lư người, quay tròn hay vỗ tay
Mặc dù các thụ thể cho các giác quan nằm trong hệ thống thần kinh ngoại vi (bao gồm mọi thứ trừ não vào tủy sống), nhưng người ta tin rằng vấn đề bắt nguồn từ rối loạn chức năng thần kinh trong hệ thần kinh trung ương ở não bộ.
Theo mô tả của những người mắc chứng tự kỷ, các kỹ thuật tích hợp các giác quan, chẳng hạn như sự đụng chạm với áp lực, có thể tạo điều kiện cho sự chú ý và nhận thức. Đồng thời nó cũng làm giảm tác động của sự kích thích tổng thể.
Như vậy, những cách can thiệp để điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ, có khả năng giúp trẻ kiểm soát tốt hơn sự phản ứng với các kích thích. Từ đó cảm xúc và hành vi của trẻ cũng được cải thiện một cách tích cực.
2. Bản chất của các phương pháp giúp điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ
Tích hợp cảm giác là một quá trình sinh học thần kinh bẩm sinh. Nó đề cập đến sự tích hợp và giải thích của não bộ về các kích thích cảm giác từ môi trường bên ngoài. Sự rối loạn chức năng này là tình trạng các đầu vào cảm giác không được tích hợp hoặc tổ chức thích hợp trong não. Điều này có thể gây ra các vấn đề ở mức độ khác nhau trong phát triển, xử lý thông tin và hành vi.
Tích hợp các giác quan chủ yếu dựa vào ba giác quan cơ bản: xúc giác, tiền đình và tri giác. Mối liên hệ giữa chúng hình thành từ trước khi sinh và tiếp tục phát triển khi trẻ lớn dần và tương tác với môi trường xung quanh. Ba giác quan không chỉ liên kết với nhau mà còn được kết nối với các hệ thống khác trong não.
Mặc dù ba hệ thống giác quan này ít quen thuộc hơn thị giác và thính giác, nhưng chúng rất quan trọng đối với sự sống còn cơ bản của chúng ta.
Mối quan hệ giũa ba giác quan này rất phức tạp. Về cơ bản, chúng cho phép chúng ta trải nghiệm, giải thích và phản ứng với các kích thích khác nhau trong môi trường của chúng ta. Các phương pháp giúp điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ có liên quan đến sự phát triển thể chất và chức năng thần kinh cơ. Chúng giúp cải thiện sự thoải mái cũng như chất lượng cuộc sống của trẻ.
3. Các giác quan ảnh hưởng đến sự điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ
Các phương pháp giúp điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ tập trung vào ba giác quan:
3.1. Vai trò của hệ thống xúc giác trong điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ
Hệ thống xúc giác bao gồm các dây thần kinh dưới bề mặt da để gửi thông tin đến não. Thông tin này bao gồm: sự đụng chạm, cảm giác đau, nhiệt độ và áp lực. Chúng đóng vai trò quan trọng trong việc nhận thức môi trường cũng như các phản ứng bảo vệ để sinh tồn.
Rối loạn chức năng trong hệ thống xúc giác có thể được nhìn thấy khi trẻ:
- Tránh sự đụng chạm.
- Từ chối ăn một số loại thực phẩm có kết cấu.
- Từ chối mặc một số loại quần áo.
- Khó chịu khi rửa mặt hay gội đầu.
- Tránh làm bẩn tay (ví dụ với keo, bùn, mực in tay).
- Sử dụng các đầu ngón tay thay vì cả bàn tay để điều khiển đồ vật
Sự rối loạn chức năng của hệ thống xúc giác có thể dẫn đến nhận thức sai về xúc giác và/ hoặc cảm giác đau (trẻ trở nên siêu nhạy hoặc kém nhạy). Từ đó có thể dẫn đến sự cô lập bản thân, cáu kỉnh, mất tập trung và tăng động.
Khả năng phòng thủ về xúc giác là tình trạng trẻ cực kỳ nhạy cảm với sự đụng chạm dù nhẹ. Về mặt lý thuyết, khi hệ thống xúc giác chưa trưởng thành và hoạt động không đúng cách, các tín hiệu thần kinh bất thường được gửi đến vỏ não có thể gây trở ngại các quá trình khác của não. Việc này dẫn đến não bị kích thích cũng như hoạt động quá mức, không thể ngừng lại hay tổ chức được.
Loại kích thích quá mức này trong não có thể khiến trẻ khó sắp xếp hành vi và sự tập trung. Từ đó trẻ sẽ có phản ứng tiêu cực với cảm giác đụng chạm.
3.2. Vai trò của hệ thống tiền đình trong điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ
Hệ thống tiền đình đề cập đến các cấu trúc bên trong tai trong (các ống bán nguyệt) giúp phát hiện sự chuyển động và thay đổi vị trí của đầu. Ví dụ, hệ thống tiền đình cho bạn biết khi nào đầu thẳng đứng hoặc nghiêng (ngay cả khi bạn nhắm mắt).
Rối loạn chức năng trong hệ thống này có thể biểu hiện theo hai cách khác nhau. Một số trẻ có thể quá nhạy cảm với kích thích tiền đình và có phản ứng sợ hãi với các hoạt động vận động thông thường. Trẻ cũng gặp nhiều khó khăn khi học cách leo lên xuống cầu thang hoặc đồi. Trẻ có thể sợ hãi khi đi bộ hoặc bò trên các bề mặt không bằng phẳng hoặc không ổn định. Kết quả là chúng trở nên sợ hãi trong các không gian nói chung. Chúng ta thường thấy những đứa trẻ này tỏ ra khá vụng về.
Mặt khác, trẻ có thể tìm đến những hoạt động đem lại cảm giác mạnh như nhảy, xoay tròn người quá mức. Những biểu hiện này ở trẻ cho thấy dấu hiệu của hệ thống tiền đình kém phản ứng. Nghĩa là trẻ đang cố gắng liên tục để kích thích hệ thống tiền đình của mình.
3.3. Vai trò của hệ thống tri giác trong điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ
Hệ thống tri giác cũng có vai trò khá quan trọng trong điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ. Hệ thống cảm thụ này đề cập đến các thành phần của cơ, khớp và gân cung cấp cho một người nhận thức tiềm thức về vị trí cơ thể.
Khi hệ thống tri giác hoạt động hiệu quả, vị trí cơ thể của một cá nhân sẽ tự động được điều chỉnh trong các tình huống khác nhau. Chẳng hạn, hệ thống cảm thụ có trách nhiệm cung cấp cho cơ thể những tín hiệu cần thiết để cho phép chúng ta ngồi đúng vào ghế hay bước ra lề đường một cách suôn sẻ. Nó cũng cho phép chúng ta điều khiển đồ vật bằng các chuyển động tinh vi hơn. Ví dụ như việc viết bằng bút chì, dùng thìa để múc súp hay dùng tay để cài cúc áo.
Một số dấu hiệu phổ biến của rối loạn chức năng thụ cảm ở trẻ tự kỷ là:
- Chuyển động vụng về.
- Xu hướng dễ té ngã.
- Thiếu nhận thức về vị trí của cơ thể trong không gian.
- Có tư thế cơ thể kỳ lạ.
- Ít bò khi còn nhỏ.
- Khó thao tác với các đối tượng nhỏ như nút áo.
- Ăn uống có vẻ cẩu thả.
- Phản kháng lại các hoạt động vận động mới.
Một khía cạnh khác của chức năng thụ cảm là khả năng lập kế hoạch vận động. Đây là khả năng lập kế hoạch và thực hiện các nhiệm vụ vận động khác nhau. Để hệ thống này hoạt động tốt, nó phải dựa vào việc thu thập thông tin chính xác từ các hệ thống giác quan và sau đó tổ chức và giải thích thông tin này một cách hiệu quả.
4. Mục tiêu của phương pháp điều trị giúp điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ
Nói chung, rối loạn chức năng trong ba hệ thống trên biểu hiện theo nhiều cách. Một đứa trẻ có thể đáp ứng quá mức hoặc quá kém đối với các kích thích đầu vào. Mức độ hoạt động của trẻ từ đó có thể cao hoặc thấp bất thường. Trẻ có thể hoạt động liên tục hoặc dễ mệt mỏi. Ngoài ra, một số trẻ có thể biểu hiện dao động giữa các thái cực này.
Các vấn đề về phối hợp giữa vận động thô và vận động tinh cũng phổ biến khi chức năng của ba hệ thống này bị rối loạn. Việc này có thể dẫn đến trẻ chậm nói , kém phát triển ngôn ngữ và đạt thành tích kém trong học tập.
Về mặt hành vi, trẻ có thể trở nên bốc đồng, dễ mất tập trung và tỏ ra thiếu kế hoạch. Một số trẻ có thể gặp khó khăn trong việc thích nghi với các tình huống mới và phản ứng bằng thái độ bực bội, hung hăng hoặc rút lui.
Đánh giá và điều trị các quá trình tích hợp cảm giác cơ bản nhằm giúp điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ được thực hiện bởi các nhà trị liệu có chuyên môn hoặc các nhà vật lý trị liệu.
Mục tiêu chung của các nhà trị liệu là:
- Cung cấp cho trẻ thông tin cảm giác giúp trẻ tổ chức hệ thần kinh trung ương.
- Hỗ trợ trẻ ức chế hoặc điều chỉnh thông tin cảm giác.
- Hỗ trợ trẻ xử lý một phản ứng có tổ chức hơn đối với các kích thích cảm giác.
Điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ là phương pháp nghe có vẻ khá trừu tượng. Tuy nhiên thực tế thì nó rất hữu ích trong việc giúp trẻ cải thiện phản ứng với các kích thích. Từ đó, trẻ sẽ không phản ứng thái quá hoặc kém phản ứng đối với cảm giác của chính mình. Đây là một quá trình được thực hiện bởi các nhà trị liệu có chuyên môn. Họ có các cách thức hỗ trợ trẻ một cách có cơ sở để việc điều trị đạt hiệu quả cao hơn. Nếu trẻ có các biểu hiện rối loạn trên, bạn có thể đến cơ sở y tế để được hướng dẫn hoặc giới thiệu đến các bác sĩ, nhà trị liệu chuyên môn để giúp đỡ trẻ một cách hiệu quả hơn.
Theo Autism
Lily Nguyễn lược dịch