1. Cách nói chuyện với trẻ tự kỷ có dễ thực hiện không?
Tự kỷ là một hội chứng chỉ những rối loạn về quá trình phát triển (Autism Spectrum Disorders). Nó tác động đến cách mà một đứa trẻ tương tác và giao tiếp với người khác. Sở dĩ đây được gọi là rối loạn “phổ” vì trẻ có thể ở bất kì điểm nào trong thang chỉ về mức độ tự kỷ.
Trẻ mắc hội chứng tự kỷ bắt đầu xuất hiện triệu chứng từ khi còn nhỏ. Các triệu chứng này tiếp tục trong thời thơ ấu cho đến tuổi trưởng thành. Hiện chúng ta vẫn chưa biết được nguyên nhân chính xác dẫn đến việc trẻ mắc phải hội chứng này. ASD có thể là sự kết hợp của các gene và một yếu tố gì đó trong môi trường kích hoạt các gene đó.
Trẻ bị ASD gặp khó khăn trong quan hệ với người khác. Chúng thường thu vào thế giới của chính mình. Nhìn qua, chúng ta nhận thấy rằng trẻ dường như không quan tâm đến người khác, kể cả những người thân của mình.
Một số trẻ bị tự kỷ lại rất thích nói chuyện với người thân, bạn bè, thậm chí người lạ về một chủ đề mà chúng bị ám ảnh. Vấn đề là chúng có thể chỉ nói về những chủ đề này và nói quá lâu. Việc này khiến người khác chán nản và đẩy họ ra xa trẻ hơn.
Chính vì vậy, cách nói chuyện với trẻ tự kỷ là việc không dễ thực hiện. Bạn sẽ cảm thấy chán nản, buồn thậm chí đau lòng khi không kết nối được với trẻ. Nếu tình trạng này tiếp diễn, bạn và trẻ sẽ ngày càng xa cách. Điều cần làm lúc này là bạn hãy tìm hiểu và học hỏi thêm để có thể nói chuyện với trẻ tự kỷ một cách hiệu quả hơn.
2. Cách nói chuyện với trẻ tự kỷ bao gồm việc phá vỡ các rào cản giữa bạn và trẻ
Tự kỷ là một hội chứng không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, qua một số phương pháp điều trị, trẻ có thể cải thiện khả năng giao tiếp để hòa nhập tốt hơn với cộng đồng.
Để cách nói chuyện với trẻ tự kỷ được hiệu quả, bạn cần hiểu một số đặc điểm cơ bản của hội chứng này. Từ đó, phá vỡ các rào cản để bạn có thể gần gũi trẻ hơn.
Các đặc điểm đó gồm:
- Trẻ tự kỷ không hiểu được các hành vi giao tiếp không dùng lời. Chúng cũng sẽ không phản ứng khi bạn cười hay cau mày.
- Trẻ tự kỷ hiểu mọi thứ theo nghĩa đen và một cách cứng nhắc. Vì vậy, bạn phải đưa ra những chỉ dẫn rõ ràng khi muốn yêu cầu chúng thực hiện điều gì đó.
- Trẻ tự kỷ chỉ có thể xử lý một suy nghĩ hoặc ý tưởng tại một thời điểm. Vì vậy, bạn nên giữ cuộc trò chuyện tập trung và đơn giản.
- Trẻ tự kỷ có thể chỉ muốn nói về một điều chúng thực sự quan tâm tại một thời điểm.
- Trẻ tự kỷ có thể nhìn mọi thứ khác với bạn. Bạn thậm chí không nhận thấy một âm thanh, mùi vị, cảnh quan, sự va chạm nào đó. Nhưng những điều này lại gây đau đớn cho trẻ.
3. Cách nói chuyện với trẻ tự kỷ hiệu quả
3.1. Cách nói chuyện với trẻ tự kỷ hiệu quả nhờ nỗ lực của bạn
Cách nói chuyện với trẻ tự kỷ hiệu quả gồm những lưu ý sau:
- Bạn hãy kiên nhẫn. Trẻ tự kỷ cần một khoảng thời gian nhất định để xử lý thông tin. Vì vậy bạn hãy giảm tốc độ cuộc trò chuyện xuống bằng tốc độ xử lý đó của trẻ.
- Bạn hãy dạy trẻ cách diễn tả sự giận dữ của mình mà không quá hung hăng kích động. Trẻ cần hiểu được rằng không phải giữ lại sự tức giận trong lòng.
- Bạn hãy thật kiên cường. Đừng để cảm xúc của bạn bị tổn thương nếu trẻ không đáp lại như bạn muốn. Trẻ mắc ASD thường gặp khó khăn trong việc thể hiện và kiểm soát cảm xúc của mình. Trẻ có thể trả lời một cách rất thẳng thừng. Bạn đừng coi điều này quá nghiêm trọng.
- Bạn hãy luôn lạc quan. Trẻ bị tự kỷ phản ứng tốt nhất với sự củng cố tích cực. Bạn hãy nhớ thường xuyên nói về hoặc khen thưởng những hành vi tốt của trẻ.
- Bạn hãy bỏ qua những hành vi khó chịu của trẻ cốt để thu hút sự chú ý của bạn. Một đứa trẻ mắc ASD đôi khi có thể thực hiện những hành vi tiêu cực để thu hút sự chú ý của bạn. Việc bỏ qua hành vi này là cách tốt nhất để ngăn chặn nó trong tương lai. Tương tự, nhắc và khen thưởng những hành vi tốt sẽ khuyến khích chúng được thực hiện nhiều hơn.
3.2. Nói chuyện với trẻ bằng tất cả sự thương yêu
- Bạn hãy tương tác với trẻ mắc ASD qua các hoạt động thể chất. Trẻ tự kỷ có xu hướng chú ý trong một thời gian khá ngắn. Điều này đặc biệt đúng trong giao tiếp . Chạy xung quanh và chơi bên ngoài có thể là cách tốt hơn để bạn và trẻ chia sẻ thời gian với nhau. Nó cũng giúp trẻ thấy thư giãn và bình tĩnh hơn.
- Bạn hãy trìu mến nhưng tôn trọng trẻ. Trẻ em bị tự kỷ cũng cần được ôm ấp, vỗ về như hầu hết các trẻ khác, đôi khi còn nhiều hơn. Tuy nhiên, một số trẻ lại không thích bị chạm vào. Bạn hãy tôn trọng không gian cá nhân của trẻ. Bạn đừng bao giờ ép buộc tình cảm với một đứa trẻ không muốn.
- Thể hiện tình yêu và sự quan tâm của bạn. Trẻ em mắc chứng ASD có thể gặp khó khăn khi thể hiện cảm xúc của mình. Nhưng trẻ vẫn cần biết rằng bạn yêu chúng. Qua trò chuyện, sự quan tâm, chăm sóc và hỗ trợ của mình, bạn hãy cho trẻ thấy điều đó.
- Hãy tin vào trẻ. Trẻ tự kỷ trước hết cũng là một đứa trẻ. Con là một người đang phát triển với những khả năng chưa được biết đến. Bạn hãy tin vào những gì trẻ có thể làm được. Đừng vội định hình trẻ qua những chẩn đoán.
3.2. Hãy chăm sóc chính bạn
Bạn hãy chăm sóc bản thân - điều này rất cần. Vì, để chăm sóc tốt cho trẻ tự kỷ , bạn cần đến rất nhiều sức lực, sự cố gắng, kiên trì và tất nhiên, một sức khỏe thật tốt. Vì vậy bạn hãy quan tâm đến sức khỏe của bản thân. Bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè hoặc các nhà tâm lý học,…Họ sẽ giúp bạn được nạp thêm năng lượng để thực hiện công việc khó khăn của mình tốt hơn.
Cách nói chuyện với trẻ tự kỷ thực sự là thử thách đối với người chăm sóc cũng như những người xung quanh. Tuy nhiên, nếu kiên trì vượt qua được những khó khăn ban đầu, bạn sẽ được trẻ chấp nhận dễ dàng hơn. Bạn hãy học hỏi và dựa vào đặc điểm riêng của trẻ để trò chuyện với con một cách phù hợp. Tất cả những điều lưu ý trên có thể góp phần giúp bạn giao tiếp được với trẻ mắc ASD hiệu quả hơn. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng sự tham gia sớm, thường xuyên, và đầy yêu thương của gia đình là một trong những cách tốt nhất để giúp trẻ tự kỷ.
Theo URMC
Lily Nguyễn lược dịch