Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp trước khi học mẫu giáo

Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp để thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với mọi người xung quanh là điều quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của trẻ. Giai đoạn tuổi mẫu giáo là thời điểm thích hợp để dạy cho trẻ kỹ năng quan trọng này.

banner ads

1. Đặc điểm giao tiếp của trẻ mẫu giáo

trẻ bắt chước
Trẻ học giao tiếp qua quan sát và bắt chước - Ảnh Internet

Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp thường dựa vào đặc điểm phát triển của trẻ ở từng độ tuổi khác nhau. Có thể chia đặc điểm giao tiếp ở trẻ ra thành 3 nhóm tuổi: 

  •   Trẻ 3 - 4 tuổi: Ở thời kỳ này, trẻ có những kết nối ban đầu với mọi người xung quanh thông qua quan sát, thể hiện theo những gì mình nhận biết từ môi trường xung quanh. Vì vậy, khi có sự hiện diện của trẻ, bố mẹ cần lưu ý cách nói chuyện, giao tiếp của mình để "làm gương" cho con học theo.
  • Trẻ 4 - 5 tuổi: Đến 4 tuổi, các hoạt động thần kinh phát triển phức tạp hơn, trẻ bắt đầu chủ động tương tác với bạn bè và môi trường xung quanh. Môi trường giao tiếp càng phong phú, trẻ càng dễ dàng uốn nắn suy nghĩ và hành động nhanh nhạy trong nhiều tình huống khác nhau.
  • Trẻ 5 - 6 tuổi: Những câu từ phức tạp bắt đầu được trẻ sử dụng nhiều hơn trong giai đoạn này. Các bé chuẩn bị vào lớp một thường nhạy cảm hơn với nghệ thuật ngôn từ, bố mẹ có thể dựa vào đặc điểm này để định hình câu từ, hình thức biểu đạt cho trẻ.

2. Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp với những người thân xung quanh

Dạy trẻ rõ ràng cách chào hỏi
Dạy trẻ bày tỏ mong muốn với ba mẹ - Ảnh Internet
  • Dạy trẻ thể hiện nhu cầu và bày tỏ mong muốn tự động với ba mẹ

Khi trẻ có một mong muốn nào đó, ba mẹ không nên đáp ứng ngay lập tức mà nên đợi để trẻ bày tỏ nhu cầu của mình. Sau đó, bố mẹ nhẹ nhàng uốn nắn lại lời nói, cách sử dụng và sắp xếp từ ngữ của con. Dần dần, trẻ sẽ tự biết bày tỏ một cách chủ động và khéo léo hơn.

  • Dạy trẻ cách chào hỏi, dạ thưa, hỏi thăm sức khỏe những người xung quanh

Trẻ biết chào hỏi, dạ thưa sẽ làm vui lòng mọi người, thể hiện trẻ là người biết tôn trọng người lớn. Trước hết, cần phải dạy cho trẻ cách xưng hô phù hợp và thói quen chào hỏi những người trong nhà. Hiệu quả nhất vẫn là làm gương cho trẻ, khi cha mẹ hỏi thăm sức khỏe ông bà trẻ sẽ ghi nhớ và dần dần bắt chước theo hỏi thăm: " Ông bà có khỏe không ạ? "

  • Dạy trẻ kỹ năng giao tiếp bằng nói cảm ơn và xin lỗi

Thông qua nói cảm ơn và xin lỗi, trẻ sẽ thấm nhuần ý nghĩa của lòng biết ơn. Dạy trẻ để hai từ này luôn ở trên môi - "xin lỗi" khi con không may làm phiền lòng một ai đó và "cảm ơn" để bày tỏ sự biết ơn khi nhận lấy bất cứ một điều gì từ người khác.

  • Dạy con hòa đồng với bạn bè

Hành trang để trẻ bước vào đời không gì quý bằng có những người bạn thực sự, vì vậy, hãy tạo không gian cho trẻ tự nhiên chơi đùa với bạn bè. Đồng thời, bố mẹ cũng nên kiên nhẫn phân tích và định hướng cho con cách ứng xử với bạn, biết giữ lời hứa, dạy con không nói dối , tích cực tham gia các hoạt động vui chơi với bạn bè, chia sẻ những món quà và nhường đồ chơi với bạn.

3. Dạy trẻ nhớ năm vòng trong giao tiếp thông qua Luật bàn tay

dạy trẻ tương tác với người khác
Dạy trẻ tương tác với người khác tùy theo mức độ thân quen - Ảnh Internet

Luật bàn tay  là nội dung rất quan trọng cần dạy cho trẻ nhỏ, giúp các con tương tác phù hợp với người khác tùy theo mức độ thân quen. Bàn tay là bộ phận rất gần gũi với trẻ. Từ lúc lọt lòng, trẻ đã mút tay, cầm nắm. Lớn hơn một chút, bé bắt đầu biết tính toán bằng tay. Vì vậy, năm ngón tay trên bàn tay sẽ giúp trẻ dễ dàng nhớ được năm vòng tròn giao tiếp khi tương tác với những người xung quanh.

Mối quan hệ của một người được mở rộng theo từng mức độ thân quen giống như những gợn sóng mở ra khi ta ném hòn đá xuống nước.

  • Tâm vòng tròn dành cho những người có máu mủ ruột thịt : Những người được  ôm hôn trẻ , bế ẵm, cõng, tắm, ngủ chung.
  • Vòng tròn tiếp theo dành cho người thân cận như bố dượng, mẹ kế, bà con họ hàng, thầy cô, bạn bè : Trẻ được quyền nắm tay, cho vuốt tóc, vỗ vai thân mật, xoa đầu.
  • Vòng tròn thứ ba dành cho người quen đã được gia đình sàng lọc: Trẻ được bắt tay, chào hỏi, trò chuyện.
  • Vòng tròn thứ 4 dành cho người lạ : Trẻ chỉ cần chào hỏi, vẫy tay tạm biệt.
  • Vòng tròn thứ 5 dành cho những người đáng ngại: Trẻ không tiếp xúc nhưng cũng không chọc phá, kỳ thị.
dạy trẻ từ chối người lạ
Dạy trẻ từ chối tiếp xúc với người lạ để bảo vệ bản thân - Ảnh Internet

Luật năm bàn tay cần được đưa vào đầu óc non nớt của con trẻ thông qua các trò chơi tiếp xúc hàng ngày. Bố mẹ có thể vẽ các vòng tròn và minh họa các đối tượng lên giấy, sau đó, cùng với trẻ nhắc đi nhắc lại khi gặp từng đối tượng. Cũng có một số trường hợp không giữ được khoảng cách này, đó là khi chen lấn ở những nơi đông người (thang máy, lễ hội,...), khi dắt cụ già qua đường, tương tác trong sinh hoạt tập thể,...

Có thể nói,  dạy trẻ kỹ năng giao tiếp giống như bắc một chiếc cầu để dẫn các con bước ra thế giới bên ngoài một cách an toàn. Bố mẹ cần chú trọng dạy con các kỹ năng cần thiết này để  chuẩn bị bước vào trường mẫu giáo . Do đó trẻ không những biết cách ứng xử với ông bà cha mẹ mà con giao tiếp phù hợp, để có những kỷ niệm đẹp đầu tiên với bạn bè, thầy cô và trường lớp.

Nguyễn Oanh tổng hợp

Hữu Ích Đáng tin cậy

    CHỦ ĐỀ MỚI